Không thể biến các bộ thành cơ quan chủ quản của hội

Thứ Năm 21:29 01-06-2006

Cho đến nay dự thảo Luật về Hội đã là lần thứ 10, sau 10 lần dự thảo, đã có hàng trăm ý kiến tâm huyết góp ý khác nhau, đặc biệt ở bản dự thảo lần 9 đã trình Ủy ban Thường Vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo đã chuyển từ dự thảo lần 9 sang dự thảo lần 10. Bình luận về dự thảo lần 10, có ý kiến cho rằng dự thảo 10 kém hơn các dự thảo trước đó về nội dung, về chất lượng. Tôi xin có một số ý kiến riêng về dự thảo 10 của Luật về Hội với 3 nội dung cụ thể như sau:

1. Về đối tượng áp dụng ở điều 3 của dự thảo, phương án 1 của dự thảo vẫn quy định “Luật này không áp dụng đối với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức tôn giáo”. Mặc dầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: “dự thảo Luật về Hội nên điều chỉnh tất cả các tổ chức: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam…”.

Trong dự thảo “Báo cáo việc tiếp thu và giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật về Hội”, Ban soạn thảo bảo vệ phương án 1 vì Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam… có vị trí đặc biệt trong hệ thống chính trị của Nhà nước ta, có vai trò to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam… Lập luận này thực sự là quá đơn giản, vì dẫu có vị trí đặc biệt đến đâu trong hệ thống chính trị, dẫu có vai trò to lớn đến đâu trong lịch sử cách mạng Việt Nam thì Hội vẫn là Hội, Hội cũng không thể trở thành Nhà nước và vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nên tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Điều 8 “Cơ quan quản lý Nhà nước về Hội”, đề nghị bỏ điểm 2 điều 8 “Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về Hội”, vì:

Điểm 1, điều 8 quy định “Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về Hội” với 5 nội dung quản lý Nhà nước về Hội quy định tại điều 7 - Bộ Nội vụ không thể chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện cả 5 nội dung quản lý Nhà nước về hội. Quy định như vậy hoá ra Bộ Nội vụ đứng trên các Bộ thay Chính phủ thực hiện cả 5 nội dung quản lý Nhà nước về hội quy định tại điều 7, trong khi Bộ Nội vụ chỉ có thể thực hiện một nội dung là “Đăng ký thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể hội” và phối hợp với các Bộ khác thực hiện các nội dung khác như xây dựng, ban hành, hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật về hội; đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ v.v… còn các Bộ khác thì tuỳ thuộc chức năng của mình, thực hiện quản lý Nhà nước về Hội thảo lĩnh vực thuộc chức năng của Bộ đó.

Trên cơ sở bỏ điểm 2, điều 8, đề nghị sửa điểm 3, điều 8 như sau: “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quản lý Nhà nước về Hội lĩnh vực thuộc chức năng cơ quan đó đảm nhiệm”. Điểm 3, điều 8 quy định như trong bản dự thảo là không luật, là tuỳ tiện “theo phân công của Chính phủ” để biến thành cơ quan chủ quản của Hội, là không hợp lý.

3. Điều 15 “Đại hội thành lập Hội” và điều 16 “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, công nhận điều lệ hội”. Việc phải “Báo cáo văn bản đề nghị công nhận điều lệ hội” và được “cấp giấy chứng nhận công nhận điều lệ hội” chứa đựng quá nhiều điều không thoả đáng, cụ thể là:

- Điều 9 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm.

- Điều 13 đã quy định nội dung chủ yếu của Điều lệ hội vậy có nhất thiết phải cấp giấy chứng nhận công nhận điều lệ hội không?

Điều lệ hội là kết quả của Đại hội, là sản phẩm có thể của hàng ngàn trí thức xây dựng nên, nếu sản phẩm đó không vi phạm “các hành vi nghiêm cấm” nói ở điều 9, liệu việc phải chờ 60 ngày để Bộ Nội vụ có thể cấp giấy chứng nhận công nhận, hoặc không công nhận Điều lệ hội có thoả đáng không?

Nên giải quyết vấn đề này thế nào cho thoả đáng hơn? Dân chủ hơn?

Ví dụ: Cơ quan có thẩm quyền xem xét, góp ý bản dự thảo điều lệ Hội trước khi tổ chức Đại hội chẳng hạn. Chắc chắn sẽ có một giải pháp nào đó thay cho việc báo cáo “văn bản đề nghị công nhận Điều lệ hội” rồi chờ 60 ngày sau để được “cấp giấy chứng nhận công nhận Điều lệ hội”.

4. Điều 31 nói về quyền hạn của hội nên thêm một quyền cụ thể là: “được tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đấu thầu thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học của Nhà nước trên nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận”. Thêm quyền này ở Điều 31 mới phù hợp với điểm 1 điều 32 khi nói về nghĩa vụ của hội “nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật” vì nếu không được quyền sản xuất kinh doanh thì làm gì có nghĩa vụ phải nộp thuế.

5. Đề nghị thêm vào điểm 5 ở Điều 33 nói về Liên hiệp hội với nội dung “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên hiệp hội và mối quan hệ giữa Liên hiệp hội với các hội thành viên được quy định trong Điều lệ Liên hiệp hội do Đại hội Liên hiệp hội quyết định”. Thêm nội dung này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xác lập một cách tự nguyện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên hiệp hội với các Hội thành viên.

Nguyễn Đình Anh*

*  Cán bộ Vụ Tài chính – Đối ngoại, Bộ Tài chính

Các văn bản liên quan