Không nên đề cập vấn đề quản lý hội theo tư duy hành chính cũ

Thứ Năm 21:28 01-06-2006

Trước hết, cần phải khẳng định Luật về Hội là một Dự Luật rất quan trọng, có tính thời sự cao, phản ánh tiềm năng phát triển to lớn các loại hình hội trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay. Theo chúng tôi, việc xây dựng Luật về Hội cần đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau đây:

Thứ nhất, Luật về Hội phải thể hiện được quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong chủ trương tiếp tục phát triển đường lối quần chúng. Nghị quyết Đại hội IX Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân tham gia các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp, văn hoá, hữu nghị, từ thiện - nhân đạo”. Vì vậy, Luật về Hội phải tạo được sự đoàn kết giữa các tập thể quần chúng dưới sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Thứ hai, Luật về Hội phải tạo dựng hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ cho quyền tự do lập hội của mọi công dân, tổ chức Việt Nam. Đồng thời, Dự Luật cần có những chính sách thiết thực để khuyến khích các hội hoạt động vì một xã hội đa dạng, dân chủ và phát triển bền vững.

Thứ ba, Luật về Hội phải đảm bảo tính thống nhất về pháp lý với các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần tạo nên sự chặt chẽ và đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.

II. Về các quy định cụ thể trong Dự thảo 10 Luật về Hội

1. Về phạm vi điều chỉnh.

Khoản 1, Điều 2 Dự thảo ghi: “Luật này quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội có tư cách pháp nhân”. Về vấn đề này, chúng tôi có 2 ý kiến như sau:

Một là, không nên đề cập đến vấn đề quản lý hội theo tư duy hành chính cũ. Bởi vì, hội hoạt động theo tôn chỉ và mục đích của mình và tuân theo pháp luật, hội không phải là một cơ quan công-quyền của Nhà nước, không thay mặt Nhà nước trong quan hệ đối nội và đối ngoại. Về bản chất, hội được thành lập nên và hoạt động trước hết là phục vụ cho lợi ích hợp pháp của chính các thành viên (không phải lợi ích công). Vì vậy, hội được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và hoạt động tuân theo tôn chỉ, mục đích của mình và tuân theo Điều lệ hội và pháp luật.

Hai là, nên bổ sung quy định về “thành lập” đối với hội trong Khoản 1, Điều 2 này. Bởi lẽ, theo logic thông thường, một tổ chức trước hết phải được thành lập, sau đó mới được tổ chức và đi vào hoạt động thực tiễn. Mặt khác, thủ tục thành lập cũng được quy định thành một chương riêng trong Dự thảo (Chương II) bao gồm 07 Điều luật cụ thể như: Điều 10 “Ban vận động thành lập hội”, Điều 12 “Hồ sơ đăng ký thành lập hội”, Điều 14 “Nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội”… Do đó, bổ sung quy định về “thành lập” cũng rất phù hợp với kết cấu của Dự thảo.

Như vậy, theo chúng tôi, Khoảng 1, Điều 2 của Dự thảo nên được sửa đổi như sau: “Luật này quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động hội có tư cách pháp nhân”.

2. Về đối tượng điều chỉnh

Điều 3, Dự thảo 10 “Luật về Hội” xây dựng hai phương án, trong đó phương án 2 đã điều chỉnh theo hướng tạo sự bình đẳng trong việc áp dụng pháp luật giữa các tổ chức hội, tránh phân biệt các hội với sáu đoàn thể chính trị - xã hội truyền thống (như quy định tại phương án 1). Điều này phù hợp với tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta vào đảm bảo cho sự phát triển vững mạnh của phong trào nhân dân Việt Nam. Vì vậy, Liên minh HTX Việt Nam tán thành nội dung phương án thứ 2 của Dự thảo.

3. Về áp dụng pháp luật về hội.

Điều 5 của Dự thảo đề cập đến vấn đề áp dụng pháp luật về hội một cách tương đối rõ ràng, tránh tình trạng chồng chéo trong việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Đối với các trường hợp đặc thù, một số hội đã được điều chỉnh bởi Luật chuyên ngành thì được áp dụng theo Luật chuyên ngành đó (ví dụ như Đoàn Thanh niên cộng sản HCM chịu sự điều chỉnh của Luật thanh niên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chịu sự tác động của Luật Mặt trận, Liên minh HTX Việt Nam chịu sự điều chỉnh của Luật HTX…). Điều này cũng phù hợp với thực tế áp dụng phát luật tại Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế. Liên minh HXT Việt Nam tán thành nội dung của điều luật này.

Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất về mặt học thuật với các điều khoản bên trên, Điều 5 cũng cần thay cụm từ “tổ chức, hoạt động và quản lý” bằng cụm từ “thành lập, tổ chức và hoạt động”.

4. Về quản lý Nhà nước đối với hội.

Nội dung quản lý Nhà nước về hội được thể hiện tương đối nặng nề và chưa tránh được tư tưởng “bộ chủ quản” trong Điều 8 Dự thảo. Mặc dù, qua rất nhiều dự thảo với rất nhiều ý kiến góp ý sửa đổi nội dung điều luật này, nhưng đến nay vấn đề này vẫn không được giải quyết.

Như đã nói ở trên, chúng tôi cho rằng hội không là cơ quan nhà nước, cũng không là đơn vị nằm trong bộ máy nhà nước, mà là một tổ chức dân sự ra đời trên cơ sở tự nguyện, tự chủ của nhân dân. Vì thế, không nên áp dụng chế độ quản lý mang tính chất hành chính Nhà nước đối với hoạt động của hội. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp hiện nay hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cũng không có quy định về cơ quan chủ quản.

Để đảm bảo cho sự phát triển của xã hội dân sự Việt Nam, chúng tôi tiếp tục kiến nghị sửa đổi Điều 8, Dự thảo 10 theo định hướng: Nhà nước quản lý hoạt động của hội trên cơ sở đảm bảo quyền lập hội của nhân dân đã được Hiến pháp công nhận và tạo các điều kiện thuận lợi khuyến khích hoạt động của hội phát triển hợp pháp và bền vững. Cụ thể, chúng tôi đề nghị bỏ Khoản 3, Điều 8 về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Bởi lẽ, hội có hoạt động rất đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong quá trình hoạt động, hội tuân thủ luật và điều lệ hội cũng như các luật khác, vì thế quy định các hội phải chịu sự quản lý của các bộ chuyên ngành là không cần thiết.

5. Về sáng lập viên.

Điểm a, Khoản 2, Điều 10 có ghi: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự, có hiểu biết chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động”.

Theo chúng tôi, để đảm bảo tính chính xác và thống nhất về mặt thuật ngữ luật học giữa Dự thảo với Bộ Luật dân sự hiện hành, cụm từ “có đủ năng lực hành vi dân sự” trên nên đổi thành cụm từ “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” theo Điều 19 - Bộ Luật dân sự năm 2005.

6. Về hội viên liên kết.

Điều 19, Dự thảo 10 đưa ra hai phương án quy định về hội viên liên kết của tổ chức hội. Trong đó, phương án 2 không điều chỉnh đối tượng “người nước ngoài là nhà khoa học, hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật có chuyên môn, uy tín trong lĩnh vực hội hoạt động, tán thành điều lệ hội, đóng góp cho hội có thể trở thành hội viên liên kết”.

Chúng tôi cho rằng, Luật về Hội là một trong số các Dự Luật có tính nhạy cảm cao và hiện tại rất nhiều vấn đề còn gây ra nhiều tranh cãi, chưa thống nhất. Do đó, theo chúng tôi, trước măt ta nên tập trung làm thật tốt Luật về Hội cho tổ chức và cá nhân Việt Nam, vấn đề về người nước ngoài nên dành riêng trong một dự án Luật trong tương lai.

Với cách tiếp cận như thế, Liên minh HTX Việt Nam tán thành phương án 2 tại Điều 19 của Dự thảo.

7. Về người đứng đầu hội.

Khoản 1, Điều 29 về tiêu chuẩn người đứng đầu hội, viết: “Là công nhân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự”. Quy định này không phù hợp, thậm chí là mâu thuẫn đối với quy định về sáng lập viên. Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 10, sáng lập viên phải là “công dân đủ 18 tuổi trở lên”, trong khi người đứng đầu hội (thông thường có tiêu chuẩn cao hơn sáng lập viên) lại chỉ yêu cầu “công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên

Để tạo sự đồng nhất của Dự thảo, chúng tôi đề nghị nên sửa đổi Khoản 1, Điều 29 với nội dung sau: “Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.

Bên cạnh đó, cần bổ sung tiêu chuẩn “đạo đức” đối với người đứng đầu hội. Hơn ai hết, người đứng đầu hội cần thiết phải có tư cách phẩm chất tốt đẹp, trong sáng, lành mạnh và gương mẫu. Đó chính là một trong các điều kiện đảm bảo cho hoạt động cũng như hình ảnh luôn được bền vững.

8. Về tài sản, tài chính của hội.

Hiện nay, ở nước ta, Nhà nước vẫn phải đảm bảo kinh phí hoạt động cho một số hội do Đảng lập ra và chỉ đạo hoạt động như Đoàn TNCS HCM, Hội cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam… Đây là một thực tế mang tính lịch sử và hoạt động của các tổ chức hội này là hết sức cần thiết đối với sự ổn định chính trị và giữ gìn an ninh quốc gia. Do đó, chúng ta phải tôn trọng sự thật này, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị bổ sung Điểm d, Khoản 1, Điều 43 về Các khoản thu của hội với nội dung như sau: “d) Kinh phí do nhà nước hỗ trợ hoạt động”.

Bên cạnh việc góp ý về những vấn đề được nêu trong Dự thảo 10 “Luật về Hội” nói trên, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số nội dung cần thiết sau đây vào quá trình hoàn thiện Dự Luật quan trọng này:

* Cần bổ sung một Điều về “Quyền tự do lập hội của cá nhân, tổ chức”. Điều này khẳng định sự bảo vệ và tôn trọng của pháp luật đối với quyền lập hội của mọi cá nhân, tổ chức (là một quyền hiến định, được quy định tại Điều 69, Hiến pháp 1992). Ngay tại sắc lệnh số 102/SL ngày 20/5/2957 “Quy định quyền lập hội” do Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, ra đời cách đây gần 30 năm đã ghi nhận: “Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm” và “không ai được xâm phạm quyền lập hội và tự do vào hội, ra hội của người khác”. Theo chúng tôi, tinh thần này cần được khẳng định lại trong Dự án Luật về hội.

* Cần có thêm các quy định về sự hỗ trợ, tạo điều kiện của hội phát triển linh hoạt và bền vững.

* Cần xác định rõ hơn thẩm quyền của cơ quan đăng ký hội, ngoài quyền cho phép thành lập hội, cơ quan này còn có thẩm quyền gì khác trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ hội, hoặc giữa hội với các tổ chức khác.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Liên minh HTX Việt Nam vào Dự thảo 10 “Luật về Hội”, mong Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét trong quá trình hoàn thiện Dự thảo này.

Nguyễn Xuân Hiên*

* Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam .

Các văn bản liên quan