Hội phải được làm những gì mà pháp luật không cấm

Thứ Năm 21:31 01-06-2006
Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cùng một số chuyên gia luật học đã tổng hợp ý kiến đóng góp và sắp xếp theo các chương, điều của dự thảo Luật về Hội (Bộ Nội vụ) và dự định sẽ gửi đến Bộ Nội vụ, Chính phủ, Quốc hội để tham khảo, trên cơ sở đó đưa ra quyết định hợp lòng dân. Việc làm này được đánh giá là “chưa có tiền lệ”, gây sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội. Đến nay, bản góp ý của Liên hiệp hội đã qua 5 lần chỉnh sửa và được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao.

Việc Liên hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, đưa ra những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật về Hội dưới hình thức một văn bản công phu thể hiện mong muốn của các hội đối với một vấn đề ảnh hưởng đến sự sống còn của mình, đó là: Luật về Hội phải là một văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, tạo nên môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực thi quyền lập hội của nhân dân đã được ghi trong Hiến pháp.

Những nguyên tắc chủ yếu của Liên hiệp hội trong việc đóng góp ý kiến là: 1. Đảm bảo tự do ý chí của cá nhân, tổ chức trong việc liên kết, hợp nhất; 2. Luật nhằm cụ thể hoá quyền lập hội được khẳng định trong Hiến pháp; 3. Quyền tự do lập hội, một trong những quyền cơ bản của con người, được Nhà nước Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế; 4. Quyền tự do lập hội không tách rời chức năng quản lý của Nhà nước; 5. Quyền tự do lập hội có thể bị Nhà nước hạn chế (trong một số trường hợp); 6. Hoạt động của hội phải được khuyến khích vì một xã hội đa dạng, dân chủ và phát triển bền vững.

Nội dung góp ý gồm 6 chương, 55 điều với 6 vấn đề chính là: Phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật; Thủ tục thành lập Hội; Hoạt động và tổ chức của hội; Quản lý nhà nước đối với hội; Vấn đề giải quyết tranh chấp và Chính sách của Nhà nước đối với hội vì lợi ích cộng đồng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ý kiến của Liên hiệp hội có nhiều điểm mới, tiến bộ so với dự thảo Luật về Hội lần thứ 8 do Bộ Nội vụ soạn thảo. Bản góp ý coi phạm vi và đối tượng điều chỉnh là mối quan hệ giữa Nhà nước và hội trong việc thành lập, tổ chức và hoạt động hội. Ở đây, mối quan hệ Nhà nước - hội là mối quan hệ do pháp luật quy định.

Phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế, văn bản của Liên hiệp hội ghi nhận quyền lập hội của cả người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, cũng như của các cá nhân, tổ chức nước ngoài đang cư trú và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Trước thực tiễn của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, bản góp ý đề cập đến những hội có tư cách pháp nhân lẫn những tổ chức không có tư cách pháp nhân như Hội đồng hương, Hội bảo thọ... (đối tượng này không được nêu trong dự thảo Luật về Hội của Bộ Nội vụ).

Thủ tục thành lập hội được nêu trong bản góp ý khá đơn giản, rõ ràng, tránh sự lạm quyền của cá nhân, cơ quan các cấp, hoàn toàn loại bỏ khả năng gây khó khăn theo kiểu “xin - cho”. Một điểm mới nữa là sau khi chấp nhận đăng ký thành lập hội, cơ quan có thẩm quyền phải ghi danh tổ chức mới vào danh bạ đăng ký hội phục vụ công tác quản lý và công bố rộng rãi tài liệu này cho các cơ quan nhà nước, công chúng, nhà tài trợ.

Nội dung các quy định nêu trong bản góp ý không can thiệp quá sâu vào tổ chức và hoạt động của hội, hội được công nhận quyền được làm những gì mà pháp luật không cấm và tất nhiên những điều Nhà nước cấm cũng được liệt kê trong văn bản này.

Nhất quán với nhận định đối tượng điều chỉnh của Luật là mối quan hệ giữa Nhà nước và các hội nên bản góp ý nêu một số quyền của hội mà việc thực thi chúng gắn liền với trách nhiệm và quyền hạn của Nhà nước như thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia đóng góp ý kiến trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật...; phát triển quan hệ hợp tác quốc tế v.v.. Bản góp ý cũng đặc biệt chú ý tới những nghĩa vụ của hội nhằm giúp công tác quản lý nhà nước trở lên thuận lợi và hiệu quả, đồng thời đề cập đến vấn đề giải thể hội, trong đó phân biệt rõ 2 phương thức tự giải thểbị buộc giải thể.

Liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước đối với hội, một trong những điểm gây tranh cãi nhiều nhất thời gian qua, các quy định do Liên hiệp hội đề xuất nhất quán với nguyên tắc: Nhà nước quản lý hội theo pháp luật (chứ không theo cơ chế bộ chủ quản được nêu trong dự thảo Luật về Hội do Bộ Nội vụ soạn thảo). Bản góp ý chỉ dừng ở chỗ công nhận các quyền thanh tra, kiểm tra ngành của các bộ đối với hội, cũng như đối với bất kỳ pháp nhân, thể nhân nào khác, và chỉ được thực hiện với sự tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục do luật quy định. Việc phân cấp cơ quan quản lý hội là Bộ Nội vụ, UBND tỉnh và huyện, và những quy định cụ thể về nội dung quản lý nhà nước đối với hội cũng được đề cập trong bản góp ý của Liên hiệp hội.

Nhận thức vai trò quan trọng và những đóng góp lớn lao của các tổ chức xã hội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc (trước đây), xây dựng và phát triển đất nước, bản góp ý lần đầu tiên nêu “yêu cầu” về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động hội vì lợi ích cộng đồng. Đó là tạo điều kiện để hội tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển giao một số dịch vụ công cho hội thực hiện, xây dựng cơ chế bình đẳng giữa hội với các tổ chức nhà nước, đoàn thể khác trong đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học cũng như dịch vụ xã hội...

Dưới góc độ lịch sử lập Hiến và lập pháp của Việt Nam, ngay từ khi giành được độc lập cho đến nay, quyền được lập hội luôn được Nhà nước ta chính thức công nhận như một trong những quyền tự do cơ bản, quan trọng của nhân dân. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã cam kết tôn trọng và đảm bảo thực thi các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền lập hội. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về quyền lập hội của nhân dân không chỉ thuần tuý nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam, cụ thể hoá quyền Hiến định mà còn là nghĩa vụ pháp lý của nước ta trong quan hệ quốc tế. Do đó, trong trường hợp này, một bộ Luật về Hội cởi mở, tiến bộ, bắt kịp với hơi thở của cuộc sống, của thời cuộc chính là minh chứng sống động nhất cho sự tôn trọng của Nhà nước với quyền lập hội của người dân, là động lực cho sự phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam. 

Ông Trần Quốc Thuận (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội): “Việc các nhà khoa học nói rằng Luật về Hội viết không đạt yêu cầu, họ tự viết một dự thảo khác là rất đáng hoan nghênh. Điều đó phải được đánh giá là sự góp ý tích cực. Nếu dự thảo họ viết ra được nhiều người đồng tình thì rất có thể dự thảo ấy sẽ thành luật.

Quốc hội là hoạt động nghị viện. Mà nguyên tắc nghị viện là biểu quyết theo đa số. Nếu anh thuyết phục được Quốc hội thì dự thảo của anh sẽ thành luật, quan điểm của anh đạt yêu cầu. Việc đưa ra dự thảo mới là có tính chất góp ý chứ không thay thế, phủ định Ban soạn thảo. Hay nói cách khác: “Tôi làm không công cho anh và tôi có quyền đưa ra cạnh tranh với anh”. Đây là một hình thức góp ý toàn diện, dư luận nên hoan nghênh, vì cái đó thể hiện sự dân chủ. Đến nay, cá nhân tôi chưa thấy dự thảo luật nào được góp ý toàn diện đến mức đưa ra một văn bản mới như thế cả”.

Ông Phạm Tuấn Khải (Phó ban Xây dựng pháp luật Văn phòng Chính phủ): “Nếu luật nào cũng được làm như thế này thì quá tốt. Nghị định 101 Chính phủ vừa ban hành nói rõ phải lấy ý kiến đối tượng bị tác động thế nào. Phải nói, đọc những điều các đồng chí viết thấy rất tâm huyết. Về mặt khoa học, những góp ý này rất đúng tầm và đáng bàn... Tôi rất hoan nghênh việc các đồng chí liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm, càng cụ thể nữa thì càng tốt. Quan điểm của tôi là luật này quy định về quyền lập hội của công dân thôi, những điều cụ thể nên để trong điều lệ hội”.

Bà Phạm Chi Lan (Ban Nghiên cứu của Thủ tướng): “Cá nhân tôi thích bản dự thảo của nhóm chuyên gia VUSTA đưa ra hơn là dự thảo lần tám của Bộ Nội vụ, bởi nó nói rõ hơn về các loại hội mà lại bao quát hơn, hợp lý hơn, nhất là việc công nhận loại hội không đăng ký vì đấy là quyền chính đáng của dân”. “ Tôi ở Phòng Thương mại (bà Phạm Chi Lan từng là Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – BBT) bao nhiêu năm không bao giờ phải báo cáo quận Hoàn Kiếm và họ hiểu sao được hoạt động trên cả nước của chúng tôi. Ý chung nhất của tôi là tôn trọng cao nhất quyền tự do lập hội, tạo điều kiện cho hội hoạt động chứ không phải kiểm soát”.

TS Nguyễn Vi Khải (Ban Nghiên cứu của Thủ tướng): “Dự thảo Luật về Hội do Liên hiệp hội chủ trì soạn thảo tạo hành lang pháp lý cho các hội hoạt động và quản lý nhà nước. Nội dung dự thảo rõ ràng mạch lạc, ngôn từ chuẩn xác, kết cấu có logic. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo đã vượt qua được những hạn chế của Nghị định 88/2003/NĐ-CP. Dự thảo nâng cao tính pháp lý của Điều lệ hội, giảm gánh nặng quản lý nhà nước...”

Các văn bản liên quan