Một số ý kiến góp ý vào báo cáo tổng hợp kết quả rà soát Luật Sở hữu trí tuệ và các kiến nghị – Nguyễn Anh Ngọc, Công ty INVESTP

Thứ Năm 17:22 22-09-2011

 

Sau khi xem xét Dự thảo Báo cáo rà soát, tôi thấy rằng, nhìn chung bản Dự thảo được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nêu ra được rất nhiều vấn đề, nhiều vướng mắc gặp phải trên thực tế. Các điểm bất cập, tiêu chí bị vi phạm, các phân tích và khuyến nghị được nêu rõ ràng, thể hiện người chuẩn bị đã dành rất nhiều thời gian và công sức vào công việc nghiên cứu, tổng hợp. Tuy nhiên, theo tôi, cần xem xét kỹ thêm một số vấn đề đã nêu cũng như xem xét việc bổ sung một số vấn đề mới như sau:

 

1. Đối với các vấn đề đã được nêu ra trong Dự thảo Báo cáo rà soát:

 

1.1. Vấn đề nêu trong Mục I.2: Không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (ĐDSHCN) tại Việt Nam (Khoản 1, Điều 154 của Luật SHTT):

 

Theo tôi, khuyến nghị bỏ cụm từ “trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam” ra khỏi Khoản 1, Điều 154 của Luật SHTT cần dựa trên những nghiên cứu ký lưỡng hơn, những phân tích có tính thuyết phục hơn. Cụ thể: (i) Cần nghiên cứu thêm, các quốc gia thành viên khác của WTO như Mỹ, Trung quốc, Cambodia… có cho phép các công ty luật của Việt Nam mở chi nhánh và cung cấp các dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp tại các quốc gia đó không? Nếu không thì phải chăng chỉ có các quốc gia đó mới có quyền ban hành các quy định hạn chế để bảo hộ các ngành sản xuất và dịch vụ của họ, còn Việt Nam thì không?; (ii) Cần nghiên cứu kỹ hơn về các quy định của WTO cũng như các cam kết của Việt Nam, cụ thể lộ trình cụ thể của các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực nói trên là gì?; (iii) Cần phân tích các mặt tích cực và tiêu cực đối với việc thay đổi quy định nói trên, phân tích các tác động đối với kinh tế xã hội của việc sửa đổi này và lấy đó làm căn cứ chủ yếu cho khuyến nghị thay đổi. Trên thực tế, không phải quy định nào của Mỹ, EU… cũng phù hợp với các quy định của WTO, các quốc gia thành viên khác không phải bao giờ cũng tuân thủ các quy định của WTO nếu việc tuân thủ đó ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp và nền kinh tế của họ.  

 

1.2. Vấn đề nêu trong Mục III.5: Quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm được đưa ra thị trường bởi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại nhưng do người khác sản xuất (Điều 87.2. Luật SHTT):

 

Kiến nghị này cần nghiên cứu kỹ thêm vì: (i) Trên thực tế, tôi không thấy có vướng mắc gì đối với quy định nói trên, tôi chưa gặp phải trường hợp thực tế nào mà quyền nộp đơn hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại bị cản trở bởi quy định này; (ii) Mặc dù chưa được cơ quan soạn thảo luật giải thích nhưng theo tôi, mục đích của quy định tại Điều 87.2. Luật SHTT là tránh việc các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu của nhà sản xuất với động cơ không trung thực (Ví dụ: trường hợp các nhãn hiệu của nhà sản xuất đã sử dụng nhưng chưa đăng ký ở Việt Nam bị nhà phân phối nộp đơn xin đăng ký).

 

1.3. Vấn đề nêu trong Mục III.6: Đề nghị sửa lại thống nhất là 3 tháng thay vì 90 ngày để tiện cho các doanh nghiệp trong việc xác định thời hạn khiếu nại đồng thời tránh việc nhầm lẫn trong việc xác định thời hạn khiếu nại.

 

Nếu quy định là 90 ngày thì phải mở lịch ra đếm mới xác định được chính xác thời hạn khiếu nại. Hơn nữa, sẽ có nhiều trường hợp nhầm lẫn trên thực tế 90 ngày là 3 tháng.

 

2. Kiến nghị xem xét, bổ sung vào trong Dự thảo Báo cáo rà soát một số vấn đề sau đây:

 

- Mục III. RÀ SOÁT QUI ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN NHÃN HIỆU:

 

Stt

Vấn đề

Qui định liên quan

Tiêu chí bị vi phạm

Phân tích vấn đề

1

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Điều 90.2 Luật SHTT (sửa đổi) Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”.

Tính hợp lý

Thực tế áp dụng

Việc Cục SHTT căn cứ vào Điều 90.2 để từ chối các đơn đăng ký nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu của người khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn (nhãn đối chứng) trong trường hợp nhãn đối chứng này đã bị từ chối bảo hộ và đã quá thời hạn khiếu nại mà người nộp đơn vẫn không nộp khiếu nại là không hợp lý, làm cản trở quyền đăng ký và sử dụng nhãn hiệu của các doanh nghiệp khác.

Trên thực tế, có sự áp dụng không thống nhất quy định này. VD: sau khi bị từ chối, người nộp đơn trình bày lý do “ nhãn đối chứng đã bị từ chối bảo hộ và đã quá thời hạn khiếu nại mà người nộp đơn vẫn không nộp khiếu nại” thì khoảng 60-70% trường hợp được Cục SHTT chấp thuận cho vượt qua nhãn đối chứng đó.

 

 

Khuyến nghị

Nên sửa đổi Điều 90.2 Luật SHTT (sửa đổi) như sau: Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhau hoặc trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau thì trước hết văn bằng bảo hộ sẽ được xem xét cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn trên, nếu như nhãn hiệu này đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”.

Trường hợp, đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm hơn đã bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì một lý do bất kỳ thì sau 2 tháng* kể từ ngày hết thời hạn nộp khiếu nại mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa nhận được khiếu nại thì đơn đã bị từ chối sẽ không còn được coi là đối chứng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn muộn hơn.

Trường hợp có lý do rõ ràng để tin rằng, người nộp đơn đã không nộp khiếu nại do điều kiện bất khả kháng* thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xem xét việc kéo dài thời hạn nói trên, nhưng không được quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp khiếu nại.

(* Ghi chú: (i) 2 tháng là khoảng thời gian để người nộp đơn gửi khiếu nại đến Cục SHTT qua đường bưu điện, (ii) Lý do rõ ràng để tin có thể có điều kiện bất khả kháng: Ví dụ người nộp đơn ở Libi trong thời gian nội chiến hoặc ở vùng động đất của Nhật Bản trong thời gian xẩy ra động đất…). 

2

Khả năng phân biệt của nhãn hiệu

Điều 74.2.h) Luật SHTT Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này”.

Tính hợp lý, tính thống nhất

Thực tế áp dụng

Cục SHTT căn cứ vào Điều 74.2.h để từ chối các đơn đăng ký nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu theo đăng ký đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm.

Trong một số trường hợp, sau khi đơn bị từ chối, người nộp đơn có thể tiến hành điều tra việc sử dụng / không sử dụng nhãn hiệu đối chứng. Nếu nhãn hiệu đối chứng không được sử dụng trong 5 năm gần đây thì người nộp đơn sẽ gặp và thuyết phục xét nghiệm viên Cục SHTT chấp nhận cấp VBBH, trong trường hợp này, khoảng 80-90% xét nghiệm viên đồng ý. Như vậy đã có sự không thống nhất trong việc xử lý công việc nói trên của Cục SHTT.  

 

 

 

Khuyến nghị

Nên sửa đổi Điều 74.2.h) Luật SHTT như sau: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn v ới nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp nhãn hiệu đó đã hết hạn hiệu lực quá sáu tháng* và không được sử dụng trong năm năm gần đây hoặc hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này”.

(* Ghi chú: Theo quy định tại Điểm 20.4.b) Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 “…§¬n yªu cÇu gia h¹n cã thÓ nép muén h¬n thêi h¹n quy ®Þnh nªu trªn nh­ng kh«ng ®­îc qu¸ 06 th¸ng kÓ tõ ngµy v¨n b»ng b¶o hé hÕt hiÖu lùc... ”)

3

Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ vì lý do không sử dụng trong 5 năm

Điều 95.1.d) Luật SHTT Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:…d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”.

Tính hợp lý, tính thống nhất

Thực tế áp dụng

Cục SHTT sẽ xem xét đơn yêu cầu đình chỉ 1 đăng ký nhãn hiệu nếu đơn đó được nộp kèm với các bằng chứng về việc nhãn hiệu đó đã không được “ sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục”. Tuy nhiên, pháp luật SHTT không có quy định về việc những bằng chứng nào sẽ được chấp nhận và được xem xét dẫn đến việc áp dụng không thống nhất tại Cục SHTT.

Trong một số trường hợp, Cục SHTT chấp nhận các bằng chứng thu thập được trong điều tra thực tế nhưng trong một số trường hợp khác thì chỉ các bằng chứng do một số đơn vị chuyên môn (VD: Trung tâm công nghiệp và thương mại - TTTTCNVTM - Bộ Công thương) cung cấp mới được chấp nhận, điều này dẫn đến vị thế độc quyền của TTTTCNVTM, kéo theo hệ quả là chất lượng điều tra là không cao (chỉ khoảng 40-50% kết quả điều tra là chính xác, nhưng chi phí lại cao, trong 1 số năm gần đây đã tăng từ 2,5 triệu - 7,5 triệu đồng). Cũng theo thống kê không đầy đủ, mức độ chính xác của việc điều tra thực tế là từ 80-90%. Vì vậy, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải tiến hành đồng thời cả 2 cách điều tra, gây tốn kém. 

 

 

 

Khuyến nghị

Nên bổ sung vào Luật SHTT hoặc các văn bản dưới luật nội dung như sau: “Bằng chứng chứng minh một nhãn hiệu đã không được sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục gửi kèm theo đơn yêu cầu đình chỉ 1 đăng ký nhãn hiệu có thể là những bằng chứng có được do người yêu cầu tự điều tra trên thị trường hoặc thuê 1 đơn vị khác tiến hành điều tra trên thị trường ”.

 

3. Kiến nghị nghiên cứu thêm một số vấn đề sau đây và nếu thấy hợp lý và khả thi thì xem xét, bổ sung vào trong Dự thảo Báo cáo rà soát:

 

3.1. Cân nhắc việc mở rộng bảo hộ một số loại tài sản vô hình khác:

 

Tại nước ta, nhiều mặc dù đã có nhiều quy định của pháp luật về tài sản vô hình như Bộ Luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn có nhiều loại tài sản vô hình cần được cân nhắc để công nhận và bảo hộ như tên, bí danh, hình ảnh người nổi tiếng… (Luật Sở hữu trí tuệ mới có quy định bảo hộ tên thật, tên hiệu, bút danh, hình ảnh danh nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ - Điều 73).

 

Trên thực tế, đã có một số trường hợp lợi dụng tên người nổi tiếng để thu lợi như việc mở nhà hàng “Phan Văn Tài Em” hoặc chiếm dụng tên miền là tên người nổi tiếng làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của người nổi tiếng để buộc họ phải mua lại tên miền đó nhưng luật pháp vẫn chưa có các quy định để xử lý.

 

3.2. Cân nhắc việc bổ sung quy định về việc bảo hộ tài sản trí tuệ của nhà nước:

 

Trên thực tế, nếu chủ nhãn đối chứng cấp thư đồng ý, Cục SHTT sẽ chấp thuận cho đăng ký các nhãn hiệu tương tự. Điều này xuất phát từ quan điểm rằng quyền sở hữu trí tuệ là 1 loại quyền dân sự nên cơ quan nhà nước cần tôn trọng thỏa thuận giữa các bên.

 

Tuy nhiên, 1 đặc thù của Việt Nam là khối doanh nghiệp quốc doanh, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty đang quản lý các tài sản trí tuệ có giá trị rất lớn nhưng công việc quản lý thường không được tốt (cụ thể là các Tập đoàn, Tổng công ty này thường cấp thư đồng ý cho các công ty con đăng ký các nhãn hiệu tương tự sau đó nhiều công ty con bị bán lại hoặc cổ phần hóa và các Tập đoàn, Tổng công ty mất quyền kiểm soát đối với nhãn hiệu đã đăng ký dưới tên công ty con), trong khi pháp luật hầu như không có quy định gì để quản lý vấn đề này.

 

3.3. Cân nhắc việc bổ sung quy định để giảm bớt tình trạng đơn bị tồn đọng lâu:

 

Trên thực tế Luật SHTT có quy định thời hạn xét nghiệm nhưng quy định này không có giá trị trên thực tế.

 

Việc tồn đọng đơn sẽ đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp Cục SHTT làm mất hồ sơ đơn đăng ký. Trên thực tế, nhiều xét nghiệm viên Cục SHTT thừa nhận rằng các quy định về đăng ký nhãn hiệu qua hệ thống Madrid có 1 ưu điểm rất lớn, đó là quy định, nếu quá thời hạn xét nghiệm đơn (12 tháng) mà cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hiệu không có thông báo từ chối thì nhãn hiệu đương nhiên được coi là đã được bảo hộ tại quốc gia chỉ định.

 

Tuy nhiên, cần cân nhắc tính khả thi khi bổ sung quy định này đối với các đơn quốc gia vì lượng đơn quốc gia quá nhiều, đến mức Cục SHTT khó lòng đáp ứng được thời hạn xét nghiệm cho dù có thể tăng lên 18 hoặc 24 tháng.

 

Xin trân trọng cảm ơn!

Các văn bản liên quan