Một số nhận xét về bản báo cáo tổng hợp kết quả Rà soát Luật Sở hữu trí tuệ và các kiến nghị – Trần Thị Hương, Cục Sở hữu trí tuệ

Thứ Năm 17:23 22-09-2011

I. Một số nhận xét chung

Nhìn chung, báo cáo đã đưa ra được những vấn đề còn vướng mắc và chưa phù hợp với tình hình thực tế và sự tương thích với các quy định tương ứng của luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra được nhiều kiến nghị rất đáng lưu ý và có tính thuyết phục.

Về kỹ thuật trình bày: báo cáo sắp xếp nội dung theo từng chủ đề tương ứng với quy định trong Luật giúp cho việc theo dõi thuận lợi hơn gần đúng với trình tự của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều mục tuy có đưa ra được vấn đề nhưng cách giải quyết vấn đề chưa hợp lý như phần góp ý về công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, về phí/lệ phí, tính mới của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…

Một số vấn đề vẫn chưa được nêu ra tại Báo cáo như đề xuất thành lập toà chuyên trách về Sở hữu trí tuệ, thời hạn đăng ký hay là việc lúng túng trong việc dựa theo những quy định của luật pháp quốc tế để áp dụng vào Luật SHTT, như quy định về nhãn hiệu liên kết…Và một số điểm khác sẽ được nêu trong phần II của nhận xét.

II. Những nhận xét cụ thể

1. Về phần rà soát các quy định chung của Luật SHTT

1.1 Vấn đề phí và lệ phí nộp đơn: Vấn đề đưa ra cũng là điều mà các nhà làm luật phải băn khoăn khi khi xây dựng thông tư về phí/lệ phí. Khi áp dụng mức phí như nhau giữa người nộp đơn trong nước và người nộp đơn nước ngoài dẫn đến việc giảm đi nguồn thu đáng kể từ người nộp đơn nước ngoài nhưng đó là điều phải làm khi hội nhập vào nền kinh tế quốc tế và cam kết thực hiện lộ trình gia nhập.

Khuyến nghị đưa ra rất khó áp dụng và không khả thi trong thực tiễn. Giả sử nếu thực hiện theo khuyến nghị này, thì quy định về phí sẽ vô cùng rắc rối và lộn xộn, dẫn đến khó khăn rất lớn trong việc thực hiện. Giả sử theo GDP thì GDP có thể thay đổi hàng năm, vì thế nếu có sự điều chỉnh GDP của bất kỳ một nước nào trên thế giới đều ảnh hưởng đến những văn bản quy định về phí/lệ phí.

.1.2. Về quy định không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ đại diện SNCN tại VN: Đây là một kiến nghị mà tôi thấy tâm đắc nhất của bản báo cáo tổng hợp. Tôi hoàn toàn đồng ý với khuyến nghị đó.

Việc quy định tại K1 Điều 154 Luật SHTT vẫn đang là những quy định mang tính bảo hộ kinh doanh cho các tổ chức dịch vụ pháp lý trong nước. Cũng bởi một phần thực tế hiện nay, lượng đơn nước ngoài nộp vào Việt Nam vẫn rất hớn và là nguồn thu chủ yếu của một số doanh nghiệp chuyên về đại diện SNTT. Nhưng tôi cũng nhận thấy quy định đó không phù hợp với một nguyên tác quan trọng khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những nguyên tắc tối quan trọng của các điều ước quốc tế hoặc các thoả thuận đa phương, song phương, nguyên tắc “đối xử quốc gia”.

2. Về phần rà soát quy định liên quan đến Sáng chế:

2.1 Về tính mới của sáng chế: Không nên đưa cụm từ “đến mức chuyên gia trung bình trong lĩnh vực này có thể thực hiện được sáng chế đó” vào quy định tính mới, bởi báo cáo đưa ra nội dung này là không phù hợp. Có tính mới tức là chưa bộc lộ công khai, chứ không phải xét đến việc bộc lộ xong có ai hiểu biết về nó hay không?

Về miễn trừ đối với tính sáng tạo sẽ được quy định như thế nào?

Tính mới và tính sáng tạo của Sáng chế là hai đặc điểm khác biệt nhau, không phải tính mới có đặc điểm này là tính sáng tạo phải có đặc điểm đó.

2.2 Đồng ý với việc quy định thời hạn đối với việc nộp bản sao đơn ưu tiên, không chỉ áp dụng riêng cho sáng chế mà cả những đối tượng khác như nhãn hiệu, kiểu dáng…theo như diễn giải của báo cáo.

2.3. Đồng ý với khuyến nghị về thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến các đơn sáng chế nói chung và các đối tượng SHCN nói riêng. Việc quy định một thời hạn hợp lý hơn sẽ đảm bảo việc giải quyết khiếu nại đáp ứng được yêu cầu về thời hạn.

3. Về phần rà soát quy định liên quan đến nhãn hiệu:

3.1: Tại điểm III.1 (ý 1) của Bản báo cáo có đề xuất sửa đổi Khoản 2 Điều 73 Luật SHTT: quy định thêm về “biểu tượng của một quốc gia, tổ chức quốc tế (gọi chung là biểu tượng)”

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Một biểu tượng quốc gia là hình ảnh tượng trưng và đại diện cho một quốc gia. Hầu hết các biểu tượng quốc gia có nguồn gốc trong thế giới tự nhiên, như động vật hoặc chim chóc (linh vật), hoa lá (quốc hoa) hoặc vật tổ những cũng có thể là biểu tượng khác. Biểu tượng quốc gia có thể xuất hiện nhiều chỗ như quốc kỳ, quốc hiệu, hoặc khác. Cần phân giữa một biểu tượng chính thức quốc gia với các biểu tượng không chính thức và thường liên quan đến đến hình ảnh du lịch hoặc linh vật, biểu tượng cho các sự kiện quan trọng có tầm quốc gia, quốc tế, như cối xay gió ở Hà Lan, chú báo Zakuni của Nam Phi, chú chó USA của Mỹ.... Nhiều biểu tượng không chính thức nhưng quan trọng và thậm chí được biết đến nhiều hơn chính thức. Tuy nhiên biểu tượng chính thức được xác định bởi quy định của nhà nước bằng pháp luật hoặc tuyên bố chính thức của nhà nước.

Theo đó, “tượng nữ thần Tự do” cũng chỉ là một trong các biểu tượng quốc gia, ngoài ra nó còn là một tác phẩm điều khắc, nó có sự độc đáo và không thể có quá nhiều tác phẩm như thế trên thế giới. Tuy nhiên có một số biểu tượng quốc gia khác như các loài hoa hay các loài động vật thì đa phần không thể đưa chúng trở thành dấu hiệu không được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu được.

Vì thế không nên đưa quy định này vào Báo cáo.

3.2. Về khuyến nghị bảo hộ chứ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng: (lưu ý đây là 3 ý riêng biệt). Tôi cho rằng quy định đó tại điều 74.2.a là hợp lý, bởi đối với những chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, ví dụ đa phần người Việt Nam khi nhìn vào nhãn hiệu chỉ có riêng các chữ này thì hầu hết chữ nào cũng na ná giống chữ nào, không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chúng vì  không hiểu ý nghĩa, cách phát âm … (ví dụ các chữ của Lào, chữ Hán, chữ Nhật, chữ Hàn…). Do đó, không nên đưa ra khuyến nghị này.

3.3. Về thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng: Tôi xin chia sẻ về khuyến nghị này, đó là cũng là một trong những vấn đề còn lúng túng trong Luật SHTT và trong cả việc thực thi. Tuy nhiên, Báo cáo cần làm rõ hơn nếu thực hiện thủ tục công nhận này thì thủ tục này sẽ thực hiện như thế nào? Vì theo quy định tại Luật SHTT  thì căn cứ phát sinh quyền của nhãn hiệu nổi tiếng dựa trên cơ sở sử dụng, quá trình sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứ không phải theo cơ sở đăng ký như các nhãn hiệu thông thường khác. Nếu một nhãn hiệu hội tụ được đầy đủ các điều kiện của nhãn hiệu nổi tiếng, tuy nhiên chủ của nhãn hiệu không làm thủ tục công nhận, thì có thiệt thòi gì cho chủ nhãn hiệu đó không? Tôi cho rằng khuyến nghị này là có cơ sở, tuy nhiên cần giải quyết vấn đề thuyết phục hơn, bởi trước đây cũng đã có quy định về thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, cũng có đơn nộp nhưng chưa thấy nhãn hiệu nào được công nhận do thiếu những văn bản hướng dẫn thực hiện về vấn đề này.

3.4. Về kiến nghị Sử dụng nhãn hiệu theo mẫu khác biệt về chi tiết với nhãn hiệu đã đăng ký: Kiến nghị này cũng có nhiều điểm xuất phát từ thực tế. Tuy nhiên cần làm rõ “khác biệt” ở đây là khác biệt đến mức nào? Để đưa quy định này vào Luật thì việc thực hiện nó cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất đồng, có khả năng các chủ nhãn hiệu mặc sức thay đổi và cho rằng thay đổi tính phân biệt của nhãn hiệu theo mẫu.

3.5. Khuyến nghị Quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm được đưa ra thị trường bởi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại nhưng do người khác sản xuất. Tôi cho rằng việc ứng dụng khuyến nghị này còn gây nhiều khó khăn hơn so với quy định tại điều 87.2 Luật SHTT.

3.6. Về Huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Đồng ý với ý kiến của Báo cáo là cần làm rõ huỷ bỏ một phần nhãn hiệu hoặc huỷ bỏ một phần danh mục sản phẩm hàng hoá/dịch vụ mang nhãn hiệu.

3.7. Về Sửa đổi, bổ sung, chuyển đổi đơn đăng ký nhãn hiệu: đồng ý với ý kiến của Báo cáo.

Bổ sung:

- Để đảm bảo thời hạn xử lý đơn nhãn hiệu, đề xuất mỗi đơn nhãn hiệu chỉ nên nộp cho 1 nhóm.

- Đề nghị xem xét loại bỏ quy định về nhãn hiệu liên kết trong Luật SHTT, bởi trong thực tế quy định này không mang lại một giá trị nào cả. Theo quy định “nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau”

Đó chỉ là những nhãn hiệu của cùng một chủ sở hữu nhưng cũng có các dấu hiệu hoặc sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự. Trên thực tế thẩm định, việc chỉ ra nhãn hiệu liên kết hay không cũng không ảnh hưởng đến kết quả thẩm định. Do đó, quy định này trong Luật rất thừa.

4. Phần rà soát quy định liên quan đến kiểu dáng công nghiệp:

Ở phần này, lưu ý khi sửa đổi điều Luật nên làm giống như phần Nhãn hiệu, cần in nghiêng hoặc bôi đậm để việc theo dõi đâu là điểm mới của khuyến nghị.

4.1. Về miễn trừ đối với tính sáng tạo của kiểu dáng:

Khuyến nghị sửa Điều 65 nhưng ngay trong khuyến nghị thì điều 651.1 và 65.a.2 đã không thống nhất với nhau, cụ thể:

1.      Kiểu dáng công nghiệp bị coi là đã được bộc lộ công khai kiểu dáng công nghiệp này đã bị bộc lộ dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào ở trong nước hoặc ngoài nước.

2.      Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

Quy định tại điều 65.3 Luật SHTT (tương ứng với khoản 2 tại khuyến nghị) về thế nào là chưa bị bộc lộ công khai, thì bị bộc lộ công khai có thể hiểu ngược lại, hiểu như vậy sẽ làm cho Điều luật tránh được sự rắc rối phức tạp không cần thiết. Như khoản 1 của khuyến nghị, đọc vào đã vấp vào lỗi diễn giải và cũng không thống nhất với khoản 2. Vì thế, tôi cho rằng quy định như Luật (chỉ có khoản 2) là đã đầy đủ mà không cần quy định thêm trong khoản 1.

Miễn trừ đối với tính sáng tạo của Kiểu dáng sẽ được thực hiện như thế nào???

4.2. Hiệu lực bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Không nên quy định như khuyến nghị mà có thể đưa thêm vào thông tư về một số trường hợp đặc biệt như vì một lý do nào đó, ngày cấp bằng độc quyền KDCN đã quá 5 năm kể từ ngày nộp đơn, thì ngay sau khi được cấp văn bằng, chủ văn bằng có thể được quyền gia hạn.

4.3 Về yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp: Không nên đưa ra khuyến nghị này, người nộp đơn vẫn cần mô tả và liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng như trong điều 33.5.e Thông tư 01.

5. Phần rà soát quy định liên quan đến bản quyền tác giả:

Đồng ý với phân tích và khuyến nghị về sửa đổi điều 39, tạo ra sự linh hoạt và mềm dẻo hơn trong quan hệ của các bên và cũng phù hợp với nguyên tắc của hợp đồng đó là sự “tự thoả thuận”.

Các văn bản liên quan