Ý kiến của ông Phạm Tuấn Anh, Chánh tòa Kinh tế TAND Tp.Hà Nội

Thứ Hai 10:53 12-09-2011

Về Luật Thương mại 2005, tôi thấy hoàn toàn có sự tiến bộ vượt bậc so với Luật Thương mại 1998. Trên cơ sở chúng tôi xem xét lại, thấy rằng Luật đã có những thay đổi phù hợp với các tiêu chí hôm nay rà soát. Báo cáo rà soát này cũng rất là công phu, nhiều vấn đề rà soát được kiến nghị khả quan.

Ở đây có một vấn đề rằng, hiện nay ở Tòa án nói chung, và tôi cũng đi dạy lớp thẩm phán thì người ta cho rằng các tranh chấp liên quan đến Luật Thương mại là của Tòa kinh tế. Nhưng rõ ràng, Luật Thương mại còn có quy định áp dụng cho các hoạt động dân sự mà không phải là pháp nhân. Có một số đối tượng vẫn có định nghĩa trong Luật bị lầm tưởng sang quan hệ khác. Thí dụ như, nói về vấn đề tài sản hoàn toàn trùng lặp với Luật Dân sự. Có trường hợp hai bên pháp nhân cho nhau thuê nhà thì áp dụng luôn cho thuê tài sản theo Luật Thương mại. Tôi cho rằng chúng ta phải điều chỉnh như thế nào để người ta hiểu rằng Luật Thương mại này là luật trong quan hệ mua bán với nhau, ở xã hội.

Tôi cũng rất đồng tình với ý kiến của anh Tăng về vấn đề quảng cáo. Tôi nghĩ có thể thiếu trong vấn đề tiếp thị chẳng hạn. Tiếp thị có phải là hoạt động thương mại không. Đã quảng cáo cấm rồi thì tiếp thị phải cấm. Thí dụ đã cấm quảng cáo về thuốc lá, tại sao lại không cấm tiếp thị thuốc lá.

Các chủ thể ký kết hợp đồng kinh tế thường quan tâm về những điều khoản chính còn những vấn đề về chế tài xử lý thì thường không được chú trọng. Trong Luật, tôi thấy những quy định về vấn đề này cần phải được xem xét để sửa đổi lại. Tòa án vẫn quan tâm và xem xét đến vấn đề bồi thường nhưng yêu cầu bồi thường đó có phù hợp, có đúng không. Nếu đương sự cứ khai vống lên thì tất nhiên Tòa không có căn cứ để xem xét. Nếu hợp lý thì Tòa chắc chắn sẽ xem xét.

Mọi vấn đề hoạt động thương mại, xây dựng hay các hoạt động khác trong xã hội đều phụ thuộc vào luật chung-Bộ luật dân sự. Luật Thương mại phải theo tinh thần của Bộ luật Dân sự, tất nhiên sẽ có những cái khác như thỏa thuận khác: ấn định 8% phạt vi phạm. Làm sao cho nó hợp lý. Tôi thấy có một điều hơi trái với Bộ luật Dân sự là trong việc đòi lãi suất. Bộ luật dân sự quy định phạt lãi suất bằng lãi suất quá hạn cho Ngân hàng nhà nước quy định. Nhưng Luật Thương mại lại quy định lãi suất trung bình của thị trường. Vậy lãi suất trung bình là thế nào, có căn cứ gì để xác định hay không? Nếu có thời lượng nhiều thì cần xem xét lại tất cả các quy định về chế tài của Luật Thương mại. Làm sao vừa phù hợp với Bộ luật dân sự nhưng lại phải mang tính chất của thương mại. Khi chúng tôi xử vẫn phải theo lãi suất quá hạn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Tôi xin hết

Các văn bản liên quan