Một số vấn đề liên quan tới quảng cáo – Hà Văn Tăng,nguyên TTK Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Thứ Hai 10:34 12-09-2011

VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT THƯƠNG MẠI 2005

Hà Văn Tăng nguyên Cục trưởng Cục Văn hoá thông tin cơ sở; nguyên Tổng thư ký Hiệp Hội quảng cáo Việt Nam

Tôi rất hoan nghênh việc tiến hành rà soát Luật Thương mại 2005 với những nhận xét chung và nội dung cụ thể,phân tích những điều luật qui định và đưa ra những kiến nghị phù hợp. Báo cáo khá sâu sắc, tuy nhiên xin được đóng góp một vài ý kiến liên quan đến quảng cáo như sau:

Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề và phân tích trong báo cáo cũng như mạnh dạn đưa ra các ý kiến để trao đổi rộng rãi về vấn đề này, song cũng phải cân nhắc đến thực tiễn, và nhìn nhận rộng ra hơn nữa về quảng cáo ở các văn bản khác (Pháp lệnh quảng cáo) và quảng cáo ở thế giới hiện nay. Nói cách khác là cần xác định đúng vai trò, vị trí, chức năng của quảng cáo trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là xúc tiến thương mại để phát triển thương mại, phát triển kinh tế. Chúng ta đang xây dựng Luật quảng cáo, có các hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp quảng cáo và Hiệp hội quảng cáo Việt Nam.... Vì vậy, nên chăng cần bao quát tình hình đó trong dịp rà soát này, mà ở đây chưa thể hiện rõ.

Tôi cho rằng quảng cáo có mục đích cơ bản là thương mại; bản thân nó cũng là thông tin được trả tiền và chủ yếu hoạt động quảng cáo là nhằm kinh doanh, phát triển hàng hoá, tìm kiếm lợi nhuận. Cho nên dù có phân chia ra quảng cáo thương mạiquảng cáo phi thương mại thì vẫn cần thống nhất về một ngành là ngành Công Thương quản lý như đã có ý kiến đề xuất, mà thực chất chỉ là nâng cấp hoàn chỉnh mức độ quản lý Nhà nước về quảng cáo của Bộ Công Thương hiện nay. Quảng cáo là một khâu trong sản xuất kinh doanh, do vậy nó phải được nhất quán liền mạch từ sản xuất đến tiêu dùng và phải để cho người sản xuất, cho chủ doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch từ khâu đầu cho đến việc tiêu thụ sản phẩm, trong đó có khâu quảng cáo. Hệ thống pháp luật về quảng cáo đã cắt khúc vấn đề này, cũng vì thế mà hoạt động quảng cáo cũng bị phân chia, đồng thời trách nhiệm đối với người tiêu dùng cũng bị hạn chế, khó qui trách nhiệm cụ thể đến cùng. Cho nên cần rà soát toàn diện vấn đề quảng cáo trong đó quảng cáo được nêu ở Luật Thương mại chỉ là một bộ phận, ngược lại nêu ra những hạn chế trong văn bản luật này cũng phải liên hệ đến cái chung đang tồn tại về quảng cáo để có kiến nghị thoả đáng. Vấn đề quảng cáo phi thương mại được đề cập trong Pháp lệnh quảng cáo 2001, nên xem xét ở quan hệ dân sự.

Có một số chi tiết đã được bàn luận nhiều giữa định tínhđịnh lượng trong các điều luật cần đổi mới phù hợp với thực tiễn, cần cụ thể và thông thoáng hơn, làm rõ và thống nhất hơn nữa các khái niệm đảm bảo dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ xử lý. Một mặt tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh và các hoạt động quảng cáo kể cả quảng cáo trong lĩnh vực thông tin báo chí, xuất bản là cần thiết; mặt khác cần chế tài mạnh, đủ sức răn đe.

Trong quảng cáo vẫn có vấn đề phải cấm, còn việc phải hạn chế.v.v. để thực thi quản lý hiệu quả, nhưng thẩm quyền, thời gian, không gian nào cũng cần nghiên cứu.

Quảng cáo có chất lượng là quảng cáo đúnghay. Đúng với sản phẩm, dịch vụ mà nó quảng cáo, đúng qui định pháp luật hiện hành, đảm bảo đẹp cả nội dung và hình thức, được người nghe, người xem chấp nhận.Cho nên các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp về quảng cáo để cho doanh nghiệp chủ động, sáng tạo ra các quảng cáo thích hợp, trên các phương tiện quảng cáo thích hợp, nhằm quảng bá tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.... Có thể nói là có nhiều điều cần được làm rõ đề xuất bổ xung trong rà soát lần này.

Quy hoạch quảng cáo ngoài trời cũng rất cần thiết để thực hiện quản lý Nhà nước về quảng cáo đến nay còn nhiều bất cập, do nhận thức, cách làm, năng lực, điều kiện cụ thể ở các địa phương. Có ý kiến đề xuất nên giao việc xây dựng qui hoạch quảng cáo về Bộ Xây dựng hoặc ngành khác có chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực đảm bảo.

Tôi cho rằng quản lý Nhà nước bằng phương pháp hậu kiểm là văn minh, tiến bộ cần được xúc tiến, và có lộ trình nhất định để thực hiện. Phải chuẩn bị các điều kiện vật chất, qui trình chặt chẽ, tổ chức bộ máy đồng bộ. Bên cạnh đó là tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra; có sự tham gia của Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội quảng cáo, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...., sẽ có kết quả tốt.

Tóm lại :Nhân cuộc rà soát luật Thương mại, tôi xin kiến nghị cần rà soát toàn bộ vấn đề quảng cáo trong các văn bản luật .Có thể xây dựng một luật quảng cáo riêng, (như đang làm). Cũng có thể chỉ hoàn thiện một Nghị định quảng cáo được đổi mới toàn diện, tiến bộ nằm trong luật Thương mại, do ngành Công Thương thay mặt chính phủ quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo bất cập, hạn chế kéo dài bấy lâu nay.

Các văn bản liên quan