Góp ý hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp – Ông Nguyen Van Hoa – Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Thứ Năm 09:26 25-08-2011


Kính gửi Tổ công tác và Ban pháp chế VCCI,
 
Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Tổ công tác và sáng kiến của Ban pháp chế trong việc rà soát Luật Doanh nghiệp. Về cơ bản, tôi nhận thấy Luật Doanh nghiệp không có nhiều vấn đề nghiêm trọng mà chỉ có một số lỗi kỹ thuật có thể sửa được. Vấn đề nằm ở Luật Đầu tư. Luật này cần được sửa đổi toàn diện hoặc nếu cần thì xem xét loại bỏ luật này.
 
Tôi có một số ý kiến góp ý cho Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp như sau:
Kính gửi Tổ công tác và Ban pháp chế VCCI,
 
Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Tổ công tác và sáng kiến của Ban pháp chế trong việc rà soát Luật Doanh nghiệp. Về cơ bản, tôi nhận thấy Luật Doanh nghiệp không có nhiều vấn đề nghiêm trọng mà chỉ có một số lỗi kỹ thuật có thể sửa được. Vấn đề nằm ở Luật Đầu tư. Luật này cần được sửa đổi toàn diện hoặc nếu cần thì xem xét loại bỏ luật này.
 
Tôi có một số ý kiến góp ý cho Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp như sau:
 
Mục 3. Vốn góp và vốn điều lệ.
 
Nên quy định vốn điều lệ là vốn đã thực góp chứ không phải là vốn đăng ký hoặc cam kết góp.
 
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động thì thường sau khi cổ đông, thành viên góp đủ vốn rồi thì họ mới điều chỉnh điều lệ.
 
Đối với doanh nghiệp mới thành lập sẽ có khoảng thời gian cam kết góp vốn để tạo ra điều lệ rồi mới có giấy phép kinh doanh. Vì vậy Luật mới nên có quy định về thủ tục trước khi thành lập doanh nghiệp. Trong giai đoạn này người sáng lập công ty sẽ thảo luận về điều lệ và tiến hành góp vốn. Một khi đã góp đủ vốn và có điều lệ rồi thì mới được cấp giấy phép kinh doanh.
 
Quy định như vậy sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề liên quan và số cổ phần chưa bán hết. (Mục 34)
 
Mục 4. Cổ đông sáng lập
 
Quy định về cổ đông sáng lập chắc để đảm bảo rằng họ không lập công ty ma để lừa cổ đông đến sau. Tuy nhiên khi góp vốn vào kinh doanh, các cổ đông đến sau phải có trách nhiệm tự kiểm tra tư cách của cổ đông sáng lập là những người cùng kinh doanh với nhau.
 
Vì vậy nên bỏ quy định về cổ đông sáng lập và các hạn chế về chuyển nhượng cổ phiếu kèm theo (Mục 30). Các quy định này không làm giảm được việc lừa đảo nếu cổ đông sáng lập cố tình làm vậy.
 
Mục 8. Xác định ngành nghề kinh doanh
 
Trong khuyến nghị có nói: Điều lệ mẫu có thể viết là “Công ty có thể được kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm và được ĐHĐCĐ phê chuẩn”. Cần có thêm quy định đối với cơ quan đăng ký kinh doanh để họ chấp nhận điều này và Giấy đăng ký kinh doanh chỉ nên ghi đơn giản như vậy. Việc này giúp doanh nghiệp tránh phải xin bổ sung ngành nghề rất mất thì giờ và tốn kém.
 
Mục 13. Định giá tài sản góp vốn
 
Ban soạn thảo nên tham vấn ý kiến của Tổng Cục Thuế. Việc định giá tài sản góp vốn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo quy định về thuế, cơ quan thuế có quyền kiểm tra sự hợp lý của việc định giá này. Việc định giá nên để cho cổ đông/thành viên thỏa thuận với nhau chứ không phải do cơ quan định giá độc lập. Vì việc định giá của các cơ quan này về bản chất chỉ là đưa ra ý kiến định giá có tính tham khảo mà thôi. Các cổ đông/thành viên là những người hiểu rõ hơn ai hết giá trị góp vốn của các đối tác. Mục 13 và Mục 3, nếu được quy định đơn giản sẽ giải quyết được vấn đề của Mục 53 và các vấn đề về M&A. Vì trên thực tế, mặc dù Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định chưa rõ ràng về M&A, nhưng hàng loạt công ty có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiến hành M&A từ hơn 10 năm nay rồi.
 
Mục 50. Báo cáo tài chính hàng năm
 
Tôi không đồng ý với khuyến nghị là chỉ áp dụng với công ty cổ phần đại chúng.
 
Nên duy trì như quy định hiện tại vì doanh nghiệp còn bao gồm cả các công ty TNHH một thành viên của Nhà nước. Báo cáo tài chính không phải là bí mật kinh doanh. Nên có quy định chế tài đối với việc không công khai báo cáo tài chính hàng năm.
 
Góp ý khác.
 
Điều 79 mục đ) Luật Doanh nghiệp,  Cổ đông có quyền xem xét và tra cứu, trích lục thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết.
 
Trên thực tế, hiện nay cổ đông không có khả năng thực hiện quyền này vì luật không có chế tài buộc doanh nghiệp phải công khai danh sách này. Cổ đông cần làm vậy để họ có thể nhóm lại với nhau trong ĐHĐCĐ, hoặc nhằm phát hiện gian lận về tư cách cổ đông trong cuộc họp.
 
Luật mới nên quy định bắt buộc doanh nghiệp hoặc Trung tâm Lưu ký phải công khai danh sách cổ đông có quyền biểu quyết.
 
Xin cảm ơn Tổ công tác và Ban pháp chế VCCI


Hoa Van Nguyen (Mr) | Economic Assistant

Embassy of the United States in Hanoi

7 Lang Ha, Ba Dinh District, Hanoi, Vietnam

Office: 84 4 3850 (5497) Mobile: 0913237736
Fax: 84 4 3850 5033 Email: Nguyenhv4@state.gov


  
 

Các văn bản liên quan