Góp ý hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp – LS Bùi Thanh Lam – Công ty Luật Liên Á và Cộng sự

Thứ Năm 09:18 25-08-2011

 

THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO VỀ

BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT DOANH NGHIỆP 2005

(Ngày 16/08/2011)

 

Luật sư Bùi Thanh Lam

Luật sư điều hành

Công ty Luật Liên Á và Cộng sự (LALawyers)

ĐT: 0904300237

Email: luatgialam@gmail.com 

 

Bản tham luận này đề cập những vấn đề sau:

(a)        đánh giá về các tiêu chí rà soát của Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp 2005 (Sau đây gọi tắt là “Báo cáo”);

(b)        kiến nghị một số nội dung cụ thể trong Báo cáo; và

1)         Đánh giá về các tiêu chí rà soát của Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp 2005:

            Tôi hoàn toàn nhất trí với 4 tiêu chí mà Báo cáo đề cập đến là: Minh bạchThống nhất - Hợp lý- Khả thi . Bốn tiêu chí này là tương đối đầy đủ đối với một văn bản pháp luật kinh doanh, việc rà soát góp phần cải thiện được các tiêu chí này sẽ góp phần thúc đẩy việc gia nhập thị trường, thúc đẩy kinh doanh của dân doanh. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi thì để cho đẩy đủ hơn, Báo cáo cũng cần nghiên cứu, rà soát thêm các tiêu chí:

a)      Tính ổn định của các quy định về quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Xem xét các văn bản dưới luật, các văn bản chuyên ngành khác khi hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp có đảm bảo các nguyên tắc “Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm[1]”; và bảo đảm các “quyền của doanh nghiệp[2] có vướng mắc gì không? Có cần được sửa đổi, bổ sung vào Luật DN và văn bản dưới luật không?, …

 

b)      Tính tự chủ, bình đẳng của doanh nghiệp với tư cách là một quyền của doanh nghiệp sẽ được thể hiện, sửa đổi, bổ sung như thế nào trong Luật Doanh nghiệp 2005 khi mà cùng trong “một sân” vẫn có rất nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu khác nhau và có các cơ chế ưu đãi khác nhau[3].

 

 

2)         Kiến nghị bổ sung một số nội dung trong Báo cáo.

            Tôi thấy cách đặt vấn đề, phân chia các vấn đề thành các nội dung, nhóm nội dung đang có vướng mắc thực tế để rà soát trong Báo cáo như vậy là phù hợp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn áp dụng luật, tránh việc rà soát chung chung, rà soát mang tính tổng quát, lý thuyết luật nhưng không cụ thể. Cách đặt vấn đề, rà soát này rất thuận lợi cho người theo dõi, người phản biện và đặc biệt là giúp cho những nhà làm luật thấy được những vấn đề, nhóm vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp của Luật cần phải được xem xét, sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ. Tuy nhiên, Báo cáo cần phải bổ sung rà soát thêm các vấn đề mà trong thời gian qua còn nhiều tranh luận:

a)      Các quy định về tập đoàn kinh tế: Vì rằng, trong Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật DN 2005 có quy định Tập đoàn không có tư cách pháp nhân[4], nhưng hiện nay chúng ta đang có một số tập đoàn kinh tế được thành lập theo quyết định của Chính phủ có tư cách pháp nhân[5]. Hơn nữa, với xu hướng phát triển, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân cũng đã hình thành và cần một thiết chế, tư cách rõ ràng trong việc tổ chức và hoạt động.

b)      Các quy định về mua bán và sáp nhập (M&A): Mặc dù M&A được điều chỉnh trong nhiều văn bản khác nhau phụ thuộc vào cấu trúc của từng thương vụ. Tuy nhiên, với vai trò là Luật gốc cho hoạt động của Doanh nghiệp, trong khi đó hoạt động M&A có tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của DN. Vì vậy, các quy định này trong Luật DN 2005 cũng cần phải được rà soát để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Ví như nhiều doanh nghiệp thực hiện việc sáp nhập thông qua hoán đổi cổ phiếu[6] trong thời gian vừa qua.

c)      Các quy định về huy động vốn của DN để hình thành vốn điều lệ: Hiện nay, Luật DN quy định khá chung và giao quyền cho DN trong vấn đề tự chủ huy động vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh như trái phiếu, tín phiếu, đi vay thương mại,... mà chỉ quy định chi tiết việc phát hành cổ phiếu. Vì vậy, Báo cáo cũng cần có rà soát, đánh giá các hình thức huy động vốn khác nhưng để hình thành vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng cần phải được xem xét, đánh giá có cần đưa vào Luật DN điều chỉnh hay không? Ví như trái phiếu chuyển đổi (convertible bond), khoản vay chuyển đổi (convertible loan).



[1] Khoản 1, Điều 7, Luật DN

[2] Điều 8, Luật DN

[3] Sau ngày 01/07/2010, Luật DNNN 2003 hết hiệu lực, các DNNN, DN thuộc sở hữu nhà nước được vận hành theo Luật DN thống nhất

[4] khoản 2, Điều 38

[5] VNPT, theo quyết định số 06/2006/QĐ-TTg.

[6] FPT, Vinpearl

Các văn bản liên quan