Cán cân thương mại

Thứ Ba 21:25 20-06-2006

Theo ước tính của GSO, tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý 1 tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8,57 tỷ USD, tương đương 22,7% mục tiêu của năm nay. Ngoài 2 tỷ USD thu được từ xuất khẩu dầu thô, khu vực trong nước đã đóng góp 3,54 tỷ USD (tăng 14,1%) trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 3,04 tỷ USD.

Bốn mặt hàng xuất khẩu lớn nhất (dầu thô, dệt may, giày dép, hải sản) chiếm 4,59 tỷ USD trong tổng xuất khẩu (tăng 19,9%) đóng góp 10,7 điểm phần trăm cho tổng tăng trưởng xuất khẩu.

Nhập khẩu trong quý đầu chỉ tăng 1,9% chủ yếu do sự sụt giảm đáng kể của khu vực trong nước (giảm 3,6% so với mức tăng 19,5% trong năm ngoái). Những mặt hàng quan trọng giảm gồm ôtô, thép, phân bón, nguyên vật liệu cho sản phẩm gỗ, da...

Kết quả là cán cân thương mại quý này đạt mức thặng dư 60 triệu USD, tuy nhiên tình hình này khó có thể tiếp tục duy trì trong những tháng tới. Khi xem xét thống kê theo tháng, có thể thấy rằng xuất siêu thương mại của quý này là kết quả khả quan của tháng 1; hai tháng liên tiếp sau đó thực tế nhập siêu, làm giảm dần mức thặng dư từ 400 triệu USD xuống 60 triệu USD.

Tình hình nhập siêu sẽ tiếp tục trong những tháng tới vì yếu tố thị trường đang thay đổi theo chiều hướng gia tăng nhập khẩu. Thứ nhất, trong quý 1, nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc giảm mạnh (-48%) do thị trường kỳ vọng vào luồng ôtô cũ giá rẻ vào tháng 5. Nhưng với mức thuế cao mà Bộ Tài chính công bố vào cuối tháng 3, hi vọng mua ôtô giá rẻ không còn, sẽ khiến nhu cầu cho ôtô mới tăng trở lại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thương mại.

Thứ hai, việc thuế nhập khẩu giảm mạnh đối với các mặt hàng từ các nước ASEAN trong khuôn khổ AFTA sẽ thúc đẩy nhập khẩu từ các nước này, đặc biệt là đồ điện gia dụng trong mùa hè tới.

Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam chưa được cải thiện, và khả năng bị kiện bán phá giá sẽ khiến cho các mục tiêu xuất khẩu khó có thể thực hiện được. Giày dép, một trong những xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tuy tăng nhanh với tốc độ 23,1% trong 3 tháng đầu năm, sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá của EU, bắt đầu từ tháng 4 ở mức 4,2% và tăng đến 16,8% trong vòng 6 tháng. Điều này sẽ tác động đến mục tiêu xuất khẩu của ngành là đạt 3,6 tỷ USD, do EU hiện đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mặt khác, xuất khẩu dầu thô, mặt hàng đem lại nhiều doanh thu nhất đang giảm dần theo chính sách tiết kiệm tài nguyên của nhà nước (trong quý 1 năm nay, lượng dầu xuất khẩu chỉ còn ở mức 89,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Toàn bộ mức tăng trưởng về doanh thu xuất khẩu là do hiệu ứng tăng giá, tuy nhiên tốc độ tăng đang giảm dần, từ mức 30% trong quý 1 năm trước xuống 16.3% năm nay. Tình trạng này có xu hướng tiếp tục nếu giá dầu trở nên ổn định.

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tuy nằm trong các nhóm chủ lực của Việt Nam chỉ tăng trưởng với mức thấp, dưới 10%. Cà phê giảm 21%, hạt điều tiếp tục giảm và cá biệt lạc giảm tới 83.4%.

Mục tiêu xuất khẩu đạt 38,4 tỷ USD năm nay (tăng 18.5%) do đó gặp rất nhiều khó khăn. Theo tờ Economist, để tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu, tỷ giá VND/USD vốn được giữ ổn định sẽ phải tăng mạnh (từ tháng 12 năm ngoái, tỷ giá chỉ tăng 0,1%). Tỷ giá thực tế của VND (real exchange rate) đang ở mức cao vì lạm phát trong nước tăng nhanh những năm gần đây trong khi tỷ giá danh nghĩa không có thay đổi lớn. Một USD tuy đổi được một lượng tương đương tiền đồng so với 1 năm trước đây nhưng lại có giá trị thực tế giảm bằng mức chênh lệch lạm phát tại Việt Nam và Mỹ.

Ngoài ra việc Nhân Dân tệ của Trung Quốc có thể tăng so với USD dưới áp lực chính trị ngày càng tăng từ Mỹ sẽ là một yếu tố khách quan tích cực thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.i

Các văn bản liên quan