VCCI góp ý Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Thứ Sáu 16:24 26-02-2016

Kính gửi: Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính

Trả
lời Công văn số 18907/BTC-QLCS của Bộ Tài chính ngày 18/12/2015 về việc đề nghị
góp ý Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi tắt là Dự thảo),
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của chuyên
gia, doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau[1]:

Việc
xây dựng một văn bản luật để thống nhất quản lý tài sản sản công với mục tiêu đảm
bảo “tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả” là cần
thiết, nhất là trong bối cảnh có nhiều vướng mắc và bất cập trong việc khai
thác và sử dụng tài sản công (thất thoát tài sản; khai thác không hiệu quả,
lãng phí …) trong thời gian qua. Để đạt được mục tiêu này, các quy định tại Dự
thảo cần đảm bảo ít nhất các nguyên tắc sau:


Các quy định trong quản lý, khai thác
tài sản công phải tính đến sự hiệu quả để tránh lãng phí.


Các quy định về quản lý khai thác sử dụng
tài sản công phải đảm bảo tính minh bạch để hạn chế tình trạng tham nhũng từ
các chủ thể có quyền.


Các quy định liên quan đến quản lý, khai
thác tài sản công cần thống nhất, tránh chồng chéo giữa các văn có liên quan để
đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Một
số quy định tại Dự thảo dường như vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu này, đề nghị
Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét để hoàn thiện.

1.
Về
các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

Mục
5 Chương IV Dự thảo quy định về khai thác kết cấu hạ tầng, theo đó có các
phương thức là:


Trực tiếp khai thác


Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài
sản kết cấu hạ tầng


Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu
hạ tầng


Chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu
hạ tầng

Trong
4 phương thức trên thì chỉ có duy nhất phương thức trực tiếp khai thác là xác định
các trường hợp sẽ áp dụng phương thức khai thác này. Đối với ba phương thức còn
lại, Dự thảo không có quy định về các trường hợp áp dụng. Ví dụ như  trường hợp nào thì áp dụng phương thức chuyển
nhượng quyền thu phí, trường hợp nào áp dụng cho thuê? Các đối tượng nhận quyền
khai thác có được phép lựa chọn không hay là do cơ quan nhà nước quyết định? Trong
khi đó, nội dung, cách thức và quyền lợi của đối tượng được khai thác trong từng
phương thức này là khác nhau.

Việc
không rõ ràng trong các quy định này sẽ khiến cho quy trình khai thác tài sản kết
cấu hạ tầng có thể trở nên thiếu minh bạch và có nguy cơ gây ra trường hợp khai
thác tài sản công không hiệu quả và các dư địa cho tình trạng tham nhũng. Bên cạnh
đó, các quy định về từng phương thức khai thác cũng có một số điểm chưa rõ
ràng, cụ thể như sau:


Đối
với phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản (Điều 89):

“Tài sản kết cấu hạ tầng có liên quan đến quốc
phòng, an ninh quốc gia” là một trong những trường hợp sẽ áp dụng phương thức
trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, không rõ những
tài sản kết cấu hạ tầng nào được cho là liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc
gia? Dự thảo cần đưa ra Danh mục về các loại tài sản này hoặc trao quyền cho cơ
quan nhà nước có thẩm quyền xác định loại tài sản này.

“Áp dụng phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài
sản hiệu quả hơn các phương thức khác”: Yếu tố hiệu quả được đánh giá dựa trên
những căn cứ, tiêu chí nào? Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào sẽ xác định tính
hiệu quả?


Đối
với chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng (Điều 90)
:

Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết
cấu hạ tầng được thực hiện theo hình thức đấu giá, trừ “trường hợp đặc biệt” do
Thủ tướng Chính phủ quyết định. Không rõ những trường hợp nào được cho là đặc
biệt?

Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí có thể được gia
hạn, nhưng không rõ về các điều kiện để được gia hạn quyền này?


Đối
với cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu
(Điều 91): Dự
thảo chưa quy định rõ về các trường hợp được gia hạn hợp đồng.


Đối
với chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng

(Điều 92): không rõ về trường hợp ngoại lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định,
không thông qua hình thức đấu giá.

Để
đảm bảo tính minh bạch trong việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, đề nghị
Ban soạn thảo
:


Quy định cụ thể các trường hợp được áp dụng
tương ứng cho mỗi phương thức khai thác trên hoặc ít nhất là đề ra nguyên tắc lựa
chọn các phương thức khai thác tài sản;


Quy định rõ các trường hợp ở trên

2.
Xử
lý tài sản thuộc kết cấu hạ tầng


Về
thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng (Điều 97)

Khoản
1 Điều 97 Dự thảo quy định “Tài sản kết cấu hạ tầng được thu hồi khi có sự thay
đổi về quy hoạch, phương thức quản lý, phân cấp quản lý, phân loại tài sản và
các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Quy định này có thể sẽ tác động
rất lớn đến những tổ chức đang khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Bởi,
theo quy định tại Dự thảo thì các tổ chức được khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
dựa trên cơ sở các hợp đồng ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong
khi đó, quy định tại khoản 1 Điều 97 Dự thảo có thể được hiểu, các tài sản kết
cấu hạ tầng sẽ bị thu hồi, nếu có “sự thay đổi về quy hoạch, phương thức quản
lý, phân cấp quản lý, phân loại tài sản” bất kể tài sản kết cấu hạ tầng đó có
đang được khai thác và thời hạn hợp đồng đã kết thúc hay chưa. Điều này sẽ ảnh
hưởng khá lớn đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức đang khai thác tài sản kết cấu
hạ tầng và dường như là mâu thuẫn với bản chất của mối quan hệ được xác lập giữa
Nhà nước với chủ thể được trao quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng – mối
quan hệ hợp đồng.

Để
đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể đang khai thác/đang có quyền
với tài sản kết cấu hạ tầng, đề nghị Ban soạn thảo lưu ý đến vấn đề trên
(có thể quy định về việc giải quyết quyền lợi của các chủ thể này khi rơi vào
trường hợp tài sản bị thu hồi trong quá trình khai thác).


Về
ghi giảm tài sản kết cấu hạ tầng (Điều 100)

Khoản
2 Điều 100 Dự thảo quy định “việc xác định tài sản bị mất, bị hủy hoại phải có
xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Quy định này
là chưa rõ ở điểm: việc xác nhận này do cơ quan nào thực hiện? Dựa trên những
tiêu chí nào? Có sự tham gia của tổ chức giám định không? Việc thiếu các quy định
về các vấn đề này có thể dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả các tài sản công.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề này.

3.
Hệ
thống thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
(Chương IX)

Chương
IX Dự thảo có quy định về hệ thống thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu
quốc gia về tài sản công, trong đó có quy định về các loại thông tin về tài sản
công cũng như các nguyên tắc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về các
loại thông tin này. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ về một số điểm như:


Một số thông tin về tài sản công có được
công khai để mọi cá nhân, tổ chức có
thể theo dõi, sử dụng không?


Khi có nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu
tài sản công thì tổ chức, cá nhân sẽ phải thực hiện trình tự, thủ tục nào để được
phép sử dụng, dữ liệu này? Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào tiêu chí nào
để cho phép/từ chối yêu cầu này?


Những loại thông tin nào về tài sản công
sẽ được cung cấp, loại thông tin nào sẽ không được tiếp cận?

Việc
quy định thiếu rõ ràng, nhất là vấn đề về công khai, minh bạch các thông tin, dữ
liệu về tài sản công sẽ khiến cho hoạt động giám sát việc quản lý, khai thác sử
dụng tài sản công gặp khó khăn và không hiệu quả, trong khi đó “việc quản lý, sử
dụng tài sản công được giám sát bởi cộng đồng” đã được quy định thành nguyên tắc
tại khoản 1 Điều 12 Dự thảo.


vậy, để đảm bảo tính minh bạch trong quy định, đề nghị Ban soạn thảo quy
định rõ những vấn đề trên.

Hơn
nữa, liên quan đến quy định công khai tài sản công và hoạt động giám sát của cộng
đồng, Dự thảo đang quy định khá mờ nhạt và chung chung gói gọn, trong 2 Điều là
11, 12 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Đây là nội dung quan trọng, một
trong những yếu tố đảm bảo cho hoạt động khai thác, quản lý tài sản công có hiệu
quả, vì vậy, cần phải quy định cụ thể, rõ ràng hơn, ít nhất về các điểm:


Những nội dung công khai tài sản công về
tình hình thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công (gồm những nội dung cụ thể
nào);


Các nội dung công khai này được gắn
tương ứng với phương thức công khai nào?


Những hình thức giám sát của cộng đồng đối
với tài sản công? …

4.
Điều
kiện của tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ về tài sản công (Điều 141)

Khoản
1 Điều 141 Dự thảo quy định, điều kiện của tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch
vụ về tài sản công là:


(1) Đáp ứng các điều kiện theo quy định
của pháp luật chuyên ngành (nếu có);


(2) Thuộc danh sách các tổ chức, cá nhân
đủ điều kiện được tham gia cung cấp dịch vụ về tài sản, công khai trên Cổng
thông tin điện tử về tài sản công.

Quy
định trên vừa không cần thiết vừa chưa rõ ràng, bởi:


Điều kiện (1) là đương nhiên.


Điều kiện (2) vừa không phải là điều kiện
vừa thiếu rõ ràng. Bởi, theo quy định chuyên ngành thì những chủ thể đáp ứng
các điều kiện (nếu có) sẽ được phép tiến hành kinh doanh. Việc tập hợp danh
sách các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được tham gia cung cấp dịch vụ về tài sản
công trên Cổng thông tin điện tử về tài sản công chỉ mang yếu tố công khai minh
bạch thông tin về các đối tượng này, chứ không phải là một điều kiện để các chủ
thể được phép cung cấp dịch vụ về tài sản công hay không. Ngay cả khi đây được
xem là một điều kiện để được cung cấp dịch vụ về tài sản công, thì quy định này
cũng chưa hợp lý, bởi vì các quy định tại các văn bản chuyên ngành đã đủ để kiểm
soát các hoạt động liên quan đến cung cấp dịch vụ công vì vậy tại văn bản này
không cần thiết phải ràng buộc thêm điều kiện, gây khó khăn cho các doanh nghiệp
trong hoạt động này.

Mặt khác, trong trường hợp doanh nghiệp đã đáp ứng đủ
điều kiện tại văn bản chuyên ngành, nhưng vì lý do nào đó mà chưa được cập nhật
trong Danh sách tại Công thông tin này, vì thế không được thực hiện hoạt động
kinh doanh, như vậy sẽ tác động rất lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Hơn nữa, quy định này cũng không rõ ở điểm, việc tập
hợp danh sách là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tự thực hiện (thông qua việc
trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành) hay là doanh nghiệp
phải thực hiện thủ tục nào đó để đề nghị cơ quan nhà nước ghi nhận trên Cổng
thông tin?

Từ
những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 141 Dự
thảo.

5.
Về
chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập (Mục 4
Chương III)

Dự
thảo quy định đơn vị sự nghiệp công lập có thể sử dụng tài sản tại đơn vị vào mục
đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Việc cho phép đơn vị sự nghiệp
công khai thác tài sản theo hướng này có thể tạo ra tính hiệu quả của các hoạt
động của đơn vị, tuy nhiên sẽ nảy sinh một số vấn đề như: Ảnh hưởng tới tính cạnh
tranh trên thị trường và khai thác không hiệu quả các tài sản công. Bởi vì,


Các đơn vị được sử dụng tài sản công vào
mục đích kinh doanh sẽ có lợi thế lớn đối với các doanh nghiệp dân doanh khi cạnh
tranh, nhất là các tài sản liên quan đến đất đai. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng
giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường. Hơn nữa, tạo ra cơ chế quá mở cho
hoạt động này sẽ khiến cho các đơn vị này dần mất đi vai trò, chức năng cốt lõi
khi mới thành lập mà dần trở thành một chủ thể kinh doanh như doanh nghiệp
trong khi lại ở “hình hài” của một đơn vị sự nghiệp công. Vì vậy, cần rà soát để
loại bỏ các quy định có thể tạo ra các nguy cơ trên.

Chẳng hạn như: Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng
tài sản để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong
trường hợp “việc sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết đem lại hiệu
quả cao hơn trong việc sử dụng cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ
được giao” (điểm c khoản 1 Điều 63). Quy định này là chưa hợp lý, bởi vì mục
tiêu, chức năng cốt lõi của đơn vị sự nghiệp công là cung cấp các dịch vụ công
theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Các dịch vụ công này là nghĩa vụ của Nhà nước
đối với các chủ thể khác, chứ không phải là hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Vì
vậy, tài sản được sử dụng trong trường hợp này cần phải tính đến yếu tố phục vụ
cho chức năng, nhiệm vụ đầu tiên, thay vì xét yếu tố hiệu quả kinh tế.

Hơn nữa, trong trường hợp này, khi tài sản phục vụ
cho việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng nhiệm vụ được sử dụng để liên
doanh, liên kết thì tài sản nào sẽ được sử dụng để phục vụ cho cung cấp dịch vụ
công? Hay là sẽ không cần cung cấp dịch vụ công này nữa?

Quy định này có thể dẫn tới trường hợp bị lạm dụng,
các đơn vị sự nghiệp công sẽ sử dụng tài sản công – đáng lẽ phục vụ cho việc
cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ đặt ra từ đầu khi thành lập đơn
vị, để phục vụ cho mục đích kinh doanh. Như vậy, vô hình trung các đơn vị này
không còn là đơn vị sự nghiệp công nữa mà biến thành một chủ thể kinh doanh
trên thị trường.

Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo
bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 63 Dự thảo.


Ảnh hưởng tới khai thác hiệu quả tài sản
công: Dự thảo có quy định về các điều kiện để đơn vị sự nghiệp công sử dụng tài
sản vào mục đích kinh doanh. Quy định này được hiểu là nhằm khai thác có hiệu
quả các tài sản công và tăng tính tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp
công. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, việc đơn vị sự nghiệp công sử dụng tài sản
công vào hoạt động kinh doanh sẽ tạo ra lợi thế lớn và sự bất bình đẳng giữa
các chủ thể kinh doanh trên thị trường. Vì vậy, để vừa đảm bảo việc khai thác
có hiệu quả tài sản công vừa tạo ra sự bình đẳng trong các quan hệ kinh tế, đề
nghị Ban soạn thảo
bổ sung các quy định theo hướng, nếu xét thấy việc khai
thác các tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công không hiệu quả thì Nhà nước
có thể thu hồi và cho các đối tượng khác sử dụng (bằng các hình thức giao, cho
thuê), nhất là các tài sản lớn như đất đai và trong bối cảnh doanh nghiệp rất
khó tiếp cận về nguồn lực này.

6.      Mua
sắm công với các cam kết quốc tế của Việt Nam

Việt
Nam vừa ký kết gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (Hiệp định thương mại tự
do Việt Nam – EU và Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương) trong
đó có nhiều cam kết liên quan đến mua sắm công, sẽ phát sinh hiệu lực trong thời
gian tới. Để đảm bảo sự phù hợp với các cam kết quốc tế, đề nghị Ban soạn thảo
rà soát các quy định liên quan đến mua sắm công trong Dự thảo với các cam kết của
Việt Nam tại các Hiệp định này.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công. Rất mong cơ quan soạn thảo
cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một
số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1] Luật
này quy định các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công
và có đối tượng chịu tác động khá rộng. Trong phạm vi bản góp ý này, từ góc độ
đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI chỉ đề xuất ý kiến về một số quy định
liên quan đến doanh nghiệp.