VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
Kính gửi: Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước
Trả lời Công văn số 2572/NHNN-QLNH ngày 22/04/2022 của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Điều kiện của tổ chức tín dụng được phép uỷ quyền
Điều 1.3 Dự thảo (sửa đổi Điều 3.2 Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định điều kiện với tổ chức tín dụng (TCTD) được phép uỷ quyền cho tổ chức kinh tế (TCKT) đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là phải có trụ sở chính và/hoặc chi nhánh tại tỉnh biên giới trên địa bàn nơi TCKT đặt đại lý đổi tiền. Quy định này được suy đoán nhằm đảm bảo khả năng của TCTD uỷ quyền trong việc giám sát hoạt động đổi ngoại tệ của TCKT. Tuy nhiên, quy định như vậy cũng chưa thực sự hợp lý vì các TCTD có thể sử dụng nhiều cách thức và biện pháp khác nhau nhằm thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của TCKT, không nhất thiết phải có trụ sở/chi nhánh tại địa bàn. Hơn nữa, hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung biên giới) tại Nghị định 89/2016/NĐ-CP cũng có tính chất tương tự hoạt động này, nhưng không có yêu cầu như vậy. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.
- Điều kiện của tổ chức kinh tế là đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung biên giới
Điều 1.4 Dự thảo (bổ sung Điều 6a.1 Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định một trong các điều kiện của tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là điều kiện về trụ sở chính, chi nhánh. Theo đó, trụ sở chính phải nằm trên địa bàn một tỉnh biên giới và chi nhánh phải nằm cùng trên địa bàn tỉnh đó. Tuy nhiên, quy định này là không phù hợp vì sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể:
– Các đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung biên giới) được cấp phép theo Nghị định 89/2016/NĐ-CP sẽ không thể mở rộng hoạt động;
– Các đại lý đổi ngoại tệ sẽ không thể mở rộng hoạt động sang địa bàn một tỉnh biên giới khác (chỉ hoạt động tại một tỉnh biên giới).
Trong khi đó, các đại lý được cấp phép này đều đã đáp ứng tất cả các điều kiện về nghiệp vụ[1] để thực hiện hoạt động, đồng thời cũng có năng lực cũng như kinh nghiệm hoạt động.
Bên cạnh đó, với cùng tính chất hoạt động, các đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung đường biên giới) cũng không chịu các hạn chế tương tự như vậy.[2] Hơn nữa, các đại lý đổi ngoại tệ khác cũng được đặt địa điểm ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có cả cửa khẩu quốc tế (đường bộ).[3]
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Điều kiện gia hạn giấy chứng nhận hoạt động đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung biên giới
Điều 1.4 Dự thảo (bổ sung Điều 6a.2 Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định một trong các điều kiện để gia hạn giấy chứng nhận hoạt động đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung biên giới là không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động đại lý đổi tiền. Tuy nhiên, quy định này là không hợp lý vì:
– Trùng lặp: Khi vi phạm hành chính, các doanh nghiệp đã phải chịu các chế tài tuỳ theo mức độ. Việc không gia hạn, về bản chất, sẽ tiếp tục bổ sung thêm một biện pháp trừng phạt cho hành vi đó của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp lại chịu hai lần chế tài khác nhau cho cùng một hành vi vi phạm hành chính.
– Không tương xứng về mức độ: các lỗi vi phạm hành chính rất đa dạng về mức độ và phạm vi. Nếu chỉ vi phạm một lỗi nhẹ mà không được tiếp tục hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và khả năng thu hồi khoản đầu tư.
Hơn nữa, trong trường hợp hành vi vi phạm nghiêm trọng, cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp mà không cần chờ đến lúc giấy phép hết hạn mới không cấp phép tiếp.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Các trường hợp cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
Điều 1.6 Dự thảo (bổ sung Điều 6c Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định tổ chức kinh tế phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới trong trường hợp:
- Tăng số lượng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
- Tăng mức tồn quỹ tiền của nước có chung biên giới tiền mặt
Trên tinh thần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét các thủ tục trên ở các khía cạnh sau:
- Về trường hợp “tăng số lượng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới”
Theo quy định tại Phụ lục 3, Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền ghi cụ thể các thông tin về mỗi đại lý đổi tiền của tổ chức kinh tế được cấp phép. Việc ghi đầy đủ, cụ thể các thông tin này dường như chưa hợp lý. Bởi vì điều kiện kinh doanh tại Dự thảo không giới hạn số lượng đại lý, có nghĩa TCKT có thể tự quyết định số lượng đại lý đổi tiền miễn đáp ứng các điều kiện đặt ra. Và đây là hoạt động có thể biến động, tùy thuộc vào thị trường và phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nếu cứ mỗi lần tăng số lượng đại lý, TCKT lại phải thực hiện thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận sẽ tạo ra gánh nặng thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Về mặt quản lý, nếu cho rằng việc ghi tên cụ thể đại lý đổi tiền của tổ chức kinh tế vào trong Giấy chứng nhận để có thể giám sát được hoạt động của các đối tượng này, thì phương thức quản lý nên chuyển sang hình thức hậu kiểm, tức là kiểm tra về điều kiện hoạt động của các đại lý đổi tiền trên thực tế thay vì định danh cụ thể các đại lý đổi tiền cụ thể trên Giấy chứng nhận.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định trường hợp “tăng số lượng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới” tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đồng thời bỏ nội dung cụ thể về các đại lý đổi tiền trên Giấy chứng nhận.
Nếu có lý do thuyết phục để giữ quy định này, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh thủ tục theo hướng tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tăng số lượng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới, tương tự như thủ tục trong trường hợp giảm số lượng đại lý đổi tiền.
- Về “tăng mức tồn quỹ tiền của nước có chung biên giới tiền mặt”
Trong điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền cũng như nội dung Giấy chứng nhận này tại Phụ lục 3 không quy định về “mức tồn quỹ tiền của nước có chung biên giới tiền mặt” của tổ chức kinh tế được cấp phép. Hơn nữa, mức tồn quỹ này được xác định dựa trên sự thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế và có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn.
Do đó, yêu cầu khi thay đổi “mức tồn quỹ tiền của nước có chung biên giới tiền mặt” tổ chức kinh tế phải điều chỉnh Giấy chứng nhận là chưa phù hợp và tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung này.
- Hồ sơ đề nghị chấp thuận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
Điều 1.7 Dự thảo (bổ sung Điều 6d Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động đại lý đổi tiền. Quy định này cần được xem xét như sau:
- Văn bản cam kết của tổ chức kinh tế kèm bản sao giấy tờ chứng minh (nếu có) về việc đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại địa điểm; cam kết của tổ chức kinh tế về việc chỉ làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho một tổ chức tín dụng được phép
Yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản cam kết là không cần thiết và ít ý nghĩa. Bởi vì đây đều là các điều kiện bắt buộc mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi nộp hồ sơ đăng ký. Vì vậy, dù tổ chức kinh tế có cam kết hay không cũng bắt buộc phải đáp ứng điều kiện này và sẽ bị áp dụng chế tài nếu vi phạm. Văn bản cam kết không chứng minh/đảm bảo cho việc tổ chức kinh tế đáp ứng được điều kiện này. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ thành phần hồ sơ này.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh (nếu có): Các nội dung này đã được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Do vậy, để giảm thiểu thành phần hồ sơ, đề nghị Ban soạn thảo bỏ thành phần hồ sơ này.
- Thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
Điều 1.8 Dự thảo (bổ sung Điều 6đ Nghị định 89/2016/NĐ-CP) đang thiết kế thời gian giải quyết cho thủ tục cấp mới, gia hạn, điều chỉnh Giấy chứng nhận là giống nhau. Điều này là chưa hợp lý, bởi tính chất và độ phức tạp trong thẩm định hồ sơ của các thủ tục này là khác nhau. Chẳng hạn, với trường hợp Giấy chứng nhận mất, hư hỏng hồ sơ khá đơn giản (thậm chí là chỉ cần Đơn đề nghị) cơ quan giải quyết thủ tục chắc chắn sẽ không cần quá nhiều thời gian để thẩm định, xem xét hồ sơ bằng thủ tục xin cấp giấy chứng nhận lần đầu, với rất nhiều tài liệu và có sự thẩm định để đánh giá tính phù hợp với điều kiện cấp phép. Do đó, không thể xác định thời gian giải quyết hồ sơ của tất cả các thủ tục là như nhau.
Để đảm bảo tính hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cấp Giấy chứng nhận cho doanh nghiệp như sau:
- Phân tách thời gian giải quyết các thủ tục hành chính khác nhau;
- Thời gian giải quyết thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền nên rút ngắn, ví dụ: thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ là 01 ngày, thời gian xem xét cấp lại Giấy chứng nhận là: 02 ngày;
- Thời gian giải quyết thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận sẽ ngắn hơn thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu
- Thời gian xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ 10 ngày làm việc, xem xét để chấp thuận cấp phép 30 ngày làm việc là quá dài, đề nghị rút ngắn xuống, ví dụ: 03 ngày làm việc để xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ; 10 ngày làm việc cho thời gian xem xét và cấp phép.
- Thời hạn chuyển tiếp với cá nhân có hoạt động bàn đổi ngoại tệ
Điều 1.11 Dự thảo (bổ sung Điều 6h Nghị định 89/2016/NĐ-CP) quy định các cá nhân có giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ sẽ có 6 tháng để thành lập tổ chức kinh tế theo quy định mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này có thể mất nhiều thời gian, thủ tục và chi phí của chủ thể này (so với điều kiện cũ). Các chủ thể này phải có được sự uỷ quyền của TCTD, thực hiện đầu tư trang thiết bị rồi mới đăng ký với cơ quan nhà nước. Do vậy, để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một lộ trình phù hợp hơn, chẳng hạn 1 năm.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Các điều kiện về nghiệp vụ của đại lý đổi ngoại tệ khác (không phải ngoại tệ của nước có chung đường biên giới) giống với các điều kiện về nghiệp vụ của đại lý đổi ngoại tệ của nước có chung đường biên giới
[2] Điều 5.2 Nghị định 16/2019/NĐ-CP
[3] Điều 4.2 Nghị định 89/2016/NĐ-CP