VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB

Thứ Ba 10:29 21-07-2015

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được mời tham gia cuộc họp ngày 25/6/2015 thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết và và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB (sau đây gọi tắt là Dự thảo), bên cạnh các ý kiến đã trao đổi tại cuộc họp nói trên, VCCI có một số ý kiến như sau:

VCCI đã triển khai lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với Dự thảo qua đường công văn tới các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp liên quan và đã phối hợp với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - Đơn vị chủ trì soạn thảo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo vào ngày 17/6/2015. Tại Hội thảo, đại diện Ban soạn thảo đã lắng nghe, trao đổi từng kiến nghị của doanh nghiệp và phản ánh đầy đủ trong hồ sơ gửi Hội đồng thẩm định (bản Thuyết minh, Bản tổng hợp tiếp thu và giải trình ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự án luật thuế TTĐB sửa đổi). Điều này thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc của Ban soạn thảo khi tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của đa số doanh nghiệp về giá tính thuế quy định tại Điều 4 tại Dự thảo (bản thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 25/6/2015):

-           Bỏ quy định hướng dẫn giá tính thuế TTĐB trong trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán hàng qua công ty con, công ty con khác trong cùng tập đoàn, công ty liên kết (điểm a khoản 1 Điều 4), và đã quy định thành “giá tính thuế là giá của cơ sở sản xuất bán ra”;

-           Bỏ quy định “giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra” (điểm b, c, khoản 1), quy định “giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra” như hiện hành.

Bên cạnh các ý kiến đã tiếp thu trong Dự thảo, VCCI tiếp tục có một số ý kiến như sau:

1)     Về giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng qua các cơ sở kinh doanh thương mại

Điểm b, khoản 1 Điều 4 Dự thảo quy định: “Trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ sở nhập khẩu điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ sở nhập khẩu điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống bán ra nhưng không được thấp hơn 5% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Cơ sở kinh doanh thương mại quy định tại điểm a, điểm b khoản này là cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ và là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại. Quan hệ công ty mẹ, công ty con được xác định theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ sở nhập khẩu điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống thấp hơn 5% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định.”

Căn cứ cho những sửa đổi trên thể hiện trong dự thảo Tờ trình là “nhằm hạn chế kẽ hở để lợi dụng kê khai giảm giá tính thuế TTĐB thông qua chuyển giá sang khâu thương mại của chính người nộp thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước và bảo đảm phù hợp hơn với thực tế kinh doanh thương mại nhiều cấp” cùng với một số tính toán thực tế mức chênh lệch tối đa (trang 7, dự thảo Tờ trình). Tuy nhiên, ý kiến của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước về ngành sản xuất cho rằng việc sửa đổi mức khống chế từ 10% xuống 5% là chưa hợp lý và thuyết phục ở chỗ:

-           Việc khắc phục tình trạng chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách nhà nước đã được khắc phục bằng việc quy định giá bán bình quân phải là của các cơ sở kinh doanh thương mại đầu tiên trong khâu lưu thông nên việc hạ mức khống chế xuống 5% là không cần thiết;                                                                                                                

-           Mức khống chế 5% là không đủ để bù đắp chi phí, liệu có mâu thuẫn với số liệu thu thập được trình bày trong Tờ trình, ngoài ra, Ban soạn thảo vẫn chưa tính được đến những tình huống đặc biệt như bán hàng tại vùng sâu, vùng xa, bán hàng trong mùa thấp điểm hoặc phân phối hàng hóa trong những tình huống đặc biệt ..., khi đó chi phí bán hàng (vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, quảng cáo, khuyến mại...) bị đội lên rất nhiều. Do vậy, mức khống chế 5% trong những trường hợp đó là không hợp lý;

-           Đối với các ngành có hệ thống phân phối nhiều cấp, việc áp mức khống chế 5% sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các cơ sở thương mại từ cấp thứ 2 trở đi. Hệ thống phân phối sẽ phải sắp xếp lại. Liệu các tác động đối với các chi phí này của doanh nghiệp đã có tính toán đánh giá hay chưa? Thêm vào đó, trên thực tế mức chênh lệch giá giữa công ty sản xuất và công ty thương mại cấp 1 sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là chức năng và hoạt động của công ty thương mại. Nếu công ty thương mại chỉ thực hiện chức năng mua, bán hàng, vận chuyển hàng từ nơi mua đến nơi bán, thì mức chênh lệch giá sẽ thấp vì chi phí và rủi ro thấp. Tuy nhiên, đối với các công ty thương mại thực hiện nhiều chức năng, hoạt động khác như quảng cáo, tiếp thị, vận chuyển, dịch vụ khách hàng, v.v... thì chênh lệch giá bán 5% không đủ để công ty thương mại có thể chi trả các khoản chi phí, chưa nói đến phần lợi nhuận cần có để duy trì hoạt động. Do đó, quy định mức chênh lệch giá trên áp dụng chung cho các nhà sản xuất và cơ sở thương mại mà không chú ý đến chức năng hoạt động và rủi ro của từng công ty trong chuỗi cung ứng là chưa phù hợp;

-           Luật thuế TTĐB mới được ban hành trong đó có đưa ra lộ trình tăng thuế TTĐB cho một số mặt hàng. Tuy nhiên ngay khi Luật vừa ban hành và doanh nghiệp đang tìm hướng điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp thì lại nhận được thông tin điều chỉnh giá tính thuế theo hướng cao hơn hiện tại. Việc tăng thuế suất đã tạo nên sức ép cho doanh nghiệp và thị trường, việc sửa đổi giá tính thuế sẽ càng tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp đồng thời gây bất ổn về mặt chính sách. Riêng ngành thuốc lá, từ 1/5/2016, đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng sẽ tăng 0,5% (từ 1% lên 1,5%) đóng góp này cũng dựa trên căn cứ tính thuế TTĐB, nên với thuế suất tăng, mức đóng góp Quỹ sẽ tăng;

-           Nếu mức khống chế không phù hợp, không đảm bảo được chi phí thực tế của doanh nghiệp khi chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất sang khâu kinh doanh thì rất có thể việc áp dụng này sẽ gây tác dụng ngược. Doanh nghiệp có thể sẽ có xu hướng lẩn tránh thuế ở các dạng khác, điều này sẽ làm cho hoạt động quản lý thuế của cơ quan nhà nước trở nên khó khăn hơn;

-           Mức 5% đưa ra chưa có đánh giá khách quan, chưa được kiểm chứng        độc lập;

-           Liệu có nên thay đổi mức khống chế 10% hay không trong khi mức này đã được thực hiện ổn định qua một thời gian dài mà không có vướng mắc gì?

Với các lý do trên, đề nghị Quý Cơ quan xem xét giữ nguyên mức khống chế 10%, hoặc nếu có sửa đổi thì cân nhắc một tỷ lệ thích hợp thấp hơn 10% (ví dụ như 8%) trên cơ sở giải trình các số liệu thống kê xác thực, thuyết phục, có tham vấn với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp liên quan nhằm bảo đảm ổn định cho các hệ thống sản xuất, phân phối đang hoạt động của doanh nghiệp sau khi quy định được ban hành.

2)     Về giá tính thuế đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ ngồi và cơ sở nhập khẩu điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống

Khoản 1 Điều 4 của Dự thảo bổ sung đối tượng là “ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu và điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống nhập khẩu” với cùng công thức tính thuế với hàng hóa chịu thuế TTĐB sản xuất trong nước.

Bản thuyết minh chi tiết có nêu lý do là có ý kiến của một số hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô, điều hòa theo các cam kết quốc tế (theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) thì giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu chưa đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước vì trong giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu chỉ có giá vốn nhập khẩu, chưa có các chi phí khác (chi phí bán hàng trong nước, lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu) mà sản xuất trong nước phải gánh chịu nên cần phải sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô và điều hòa để đảm bảo công bằng với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, Quy định này là không phù hợp với quy định tại Luật thuế TTĐB, (Khoản 2 Điều 6) “Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm.”

Hơn nữa, quy định giá tính thuế TTĐB cho riêng đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi và điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống nhập khẩu chỉ phù hợp với mục tiêu quản lý giá, chống thất thu thuế với hai mặt hàng này mà chưa tính đến yếu tố thống nhất về chính sách và quản lý thuế: ngoài ô tô dưới 24 chỗ ngồi và  điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU thì còn các nhóm hàng hóa khác nhập khẩu chịu thuế TTĐB như: xăng, thuốc lá, rượu bia... thì lại có giá tính thuế TTĐB như quy định hiện hành. Điều này thể hiện sự thiếu đồng nhất trong quy định về giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu.

Quy định tại Dự thảo có lý do là để bảo vệ ngành sản xuất trong nước nhưng để xử lý vấn đề này mà sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB riêng đối với mặt hàng ô tô và điều hòa nhiệt độ nhập khẩu thì có lẽ cần nghiên cứu tìm giải pháp khác. Vì vậy, đề nghị Quý Cơ quan xem xét lại quy định trên nhằm bảo đảm thống nhất với Luật thuế TTĐB hợp nhất.[T1]

3)     Về định nghĩa cơ sở kinh doanh thương mại

Điểm b khoản 1 của Điều 4 Dự thảo quy định Cơ sở kinh doanh thương mại quy định tại điểm này là cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ và là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại. Quan hệ công ty mẹ, công ty con được xác định theo quy định của Luật doanh nghiệp”. Cơ sở kinh doanh thương mại được định nghĩa ở đây là cơ sở để tính giá bán bình quân và loại trừ các đối tượng như công ty có quan hệ mẹ - con, công ty trong cùng công ty mẹ.

Thực tế cho thấy có rất nhiều đơn vị sản xuất có hệ thống công ty thương mại riêng để phân phối hàng hóa do mình sản xuất ra (dưới hình thức công ty con trực tiếp hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ) và cũng rất nhiều trong số đó, các công ty thương mại này bao tiêu toàn bộ (100%) sản phẩm của đơn vị sản xuất. Như vậy, trong những trường hợp này, các nhà sản xuất cũng như cơ quan quản lý thuế sẽ không thể lấy công ty thương mại nào khác để tính giá bình quân tham chiếu. Do đó, đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc trường hợp này để có cách xử lý thích hợp.

Liên quan đến khái niệm công ty con trong cùng công ty mẹ, về mặt pháp lý, các công ty này là độc lập với nhau, không thể can thiệp được vào hoạt động của nhau. Do vậy, liệu cần thiết phải đưa vào diện loại trừ để tính giá bán bình quân tham chiếu hay không? Trong trường hợp thực sự cần thiết phải giữ lại, đề nghị Quý Cơ quan làm rõ đây là công ty con trực tiếp cùng một công ty mẹ để tránh hiểu lầm rộng ra là các công ty thành viên trong cùng một tập đoàn.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, rất mong Quý Cơ quan xem xét, cân nhắc để chỉnh sửa,           hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.


 [T1]thế đề xuất là gì, nói chung chung không ai biết mà lần

Các văn bản liên quan