VCCI góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu
VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoàn thuế giá trị gia tăng
Kính gửi: Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 7559/BTC-TCT của Bộ Tài chính ngày 08/06/2015 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoàn thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến như sau:
1. Kỳ đề nghị hoàn thuế
Điều 7.1.b của Dự thảo có quy định: “Chỉ tiêu 45 “Kỳ đề nghị hoàn thuế”: ghi từ kỳ, đến kỳ tương ứng với số thuế đủ điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng;”. Một câu hỏi đặt ra là kỳ hoàn thuế có phải bắt buộc là từ tháng có số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào chưa khấu trừ hết của kỳ đầu tiên cho đến kỳ gần nhất của thời điểm xin hoàn hay là thời kỳ hoàn có thể do doanh nghiệp tự lựa chọn (những vẫn thỏa mãn điều kiện từ 12 tháng liên tục trở lên).
Ví dụ: Doanh nghiệp A đang trong giai đoạn sản xuất kinh doanh có phát sinh số dư thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết bắt đầu từ kỳ kê khai tháng 11/2014 và liên tục phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết đến kỳ khai thuế tháng 6/2016. Đến kỳ kê khai thuế tháng 6/2016, Doanh nghiệp A đề nghị hoàn thuế GTGT, vậy kỳ đề nghị hoàn thuế GTGT của Doanh nghiệp A có thể có hai cách ghi:
- Cách thứ nhất: Từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2016, tức là từ kỳ phát sinh cho đến kỳ kê khai gần nhất.
- Cách thứ hai: Doanh nghiệp có thể tùy chọn kỳ hoàn thuế (miễn là đủ 12 tháng), ví dụ: từ tháng 11/2014 đến tháng 12/2015. Khoảng thời gian còn lại, từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2016 doanh nghiệp sẽ xin hoàn thuế sau.
Việc cho phép doanh nghiệp lựa chọn kỳ hoàn thuế GTGT (cách thứ hai) sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc quản lý chi phí vốn của mình. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ là cho phép doanh nghiệp tự quyết định khoảng thời gian hoàn thuế miễn là đáp ứng điều kiện đủ 12 tháng.
2. Điều chỉnh hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng
Điều 7.1.d và 7.1.e của Dự thảo quy định về trường hợp người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế có sai sót. Nếu sai sót dẫn đến làm giảm số thuế được hoàn thì doanh nghiệp được phép khai điều chỉnh nếu cơ quan thuế chưa ban hành Quyết định hoàn thuế. Tuy nhiên, nếu sai sót làm tăng số thuế được hoàn thì doanh nghiệp lại không được khai điều chỉnh mặc dù cơ quan thuế cũng chưa ban hành Quyết định hoàn thuế.
Trên thực tế, việc có sai sót trong hồ sơ xin hoàn thuế là điều khó tránh khỏi, bất kể sai sót đó làm tăng hay giảm số thuế được hoàn. Nếu người nộp thuế đã phát hiện và xin khai điều chỉnh trước thời điểm cơ quan thuế ban hành Quyết định hoàn thuế thì nên cho phép họ điều chỉnh và chỉ cần tính bắt đầu lại thời hạn làm thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được khai điều chỉnh hồ sơ trước khi cơ quan thuế ban hành Quyết định hoàn thuế.
3. Thủ tục kiểm tra trước, hoàn thuế sau (Điều 9.3.c)
Điều 9.3.c của Dự thảo quy định: trong trường hợp quá thời hạn quy định nhưng chưa có đủ thông tin để xác định điều kiện hoàn thuế, cơ quan thuế tạm dừng hoàn thuế. Quy định này chưa thực sự minh bạch bởi nó sẽ làm cho thời hạn giải quyết hồ sơ của cơ quan thuế kéo dài không có điểm dừng. Trong khi đó, điều 9.3.a đã quy định là chậm nhất 40 ngày cơ quan thuế phải thực hiện 1 trong 3 việc: (1) ban hành quyết định hoàn thuế, (2) thông báo không được hoàn thuế, (3) hướng dẫn người nộp thuế khai bổ sung số thuế được khấu trừ vào kỳ kê khai tiếp theo. Như vậy, quy định về tạm dừng hoàn thuế sau khi quá thời hạn quy định vì lý do “chưa đủ thông tin để xác định điều kiện khấu trừ, hoàn thuế” là chưa thỏa đáng. Quy định này còn có nguy cơ gây ra sự nhũng nhiễu trong công tác xác minh điều kiện hoàn thuế.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng sau: Trong thời hạn quy định, cơ quan thuế phải thực hiện việc thu thập thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn thi hành. Khi hết thời hạn quy định, cơ quan thuế căn cứ vào các thông tin đã thu thập được để ra quyết định hoàn thuế hoặc thông báo không được hoàn thuế.
4. Xử lý trong trường hợp người bán có vi phạm
Điều 9.4 của dự thảo đang quy định theo hướng: nếu bên bán hàng hóa, dịch vụ có vi phạm nghĩa vụ thuế (bỏ địa chỉ kinh doanh, không kê khai nộp thuế, còn nợ tiền thuế…) thì tạm dừng giải quyết hoàn thuế cho bên mua hoặc yêu cầu bên mua phải cam kết chịu trách nhiệm về hồ sơ kê khai, hóa đơn hợp pháp. Tiếp đến Điều 17.6 của Dự thảo quy định nếu người yêu cầu hoàn thuế sử dụng hóa đơn của bên bán trước ngày cơ quan thuế thông báo bỏ địa điểm kinh doanh mà hóa đơn được khẳng định là bất hợp pháp thì sẽ không được hoàn thuế. Quy định như vậy sẽ đẩy rủi ro rất lớn cho các doanh nghiệp xin hoàn thuế vì doanh nghiệp rất khó có thể biết được bên bán hàng cho mình có vi phạm nghĩa vụ thuế với nhà nước hay không.
Đây là trường hợp mà bên bán vi phạm nghĩa vụ với nhà nước, bên mua không có lỗi nên không thể đặt ra nghĩa vụ pháp lý đối với bên mua. Về nguyên tắc, người xin hoàn thuế chỉ phải chịu trách nhiệm khi họ biết hoặc có nghĩa vụ phải biết về vi phạm của người cung cấp hóa đơn. Hiện nay, thông tin về người nộp thuế vi phạm đã được công bố trên website của tổng cục thuế.
Như vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng cơ quan thuế vẫn phải xem xét hoàn thuế cho người mua khi người bán có vi phạm, chỉ trừ hai trường hợp sau:
- Hóa đơn được phát hành sau thời điểm hành vi vi phạm của bên bán được công khai trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế
- Cơ quan thuế có đủ chứng cứ để khẳng định việc người mua biết được vi phạm của người bán vào thời điểm phát hành hóa đơn.
5. Bù trừ hoàn thuế và nghĩa vụ tài chính phải nộp
Theo quy định tại Điều 11 của Dự thảo: người nộp thuế có số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt tại thời điểm ban hành quyết định hoàn thuế phải bù trừ với số tiền được hoàn để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi nhận tiền hoàn thuế.
Ngoài việc bù trừ vào các nghĩa vụ tài chính còn thiếu, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu bù trừ tiền hoàn thuế vào các nghĩa vụ tài chính trong tương lai như thuế TNDN, các loại thuế, phí khác, không chỉ cho chính doanh nghiệp mà có thể cho người khác. Mục đích của việc này là nhằm tiết kiệm chi phí làm thủ tục hành chính cũng như chi phí chuyển khoản qua ngân hàng. Để tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn việc sử dụng tiền hoàn thuế để nộp các nghĩa vụ tài chính khác, kể cả của doanh nghiệp đó và của người khác. Để không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung này thành một mục ngay trong tờ khai hoàn thuế tương tự như trong Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách đã làm.
6. Lãi suất hoàn thuế chậm
Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất trong thủ tục hoàn thuế đối với các doanh nghiệp là thời gian hoàn thuế kéo dài. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp đã nhận được Quyết định hoàn thuế nhưng do Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng không đủ nên doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi. Đề cập vấn đề này, Điều 12.6 của Dự thảo mới chỉ quy định về việc cơ quan thuế được lập nhiều lệnh hoàn thuế bảo đảm không vượt quá số dư dự toán và có trách nhiệm theo dõi, thực hiện chi hoàn thuế cho người nộp thuế đầy đủ theo số tiền thuế được hoàn, chứ chưa đề cập vấn đề tính lãi chậm trả.
Trong khi đó, Điều 5.11 Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định: “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp ra quyết định hoàn thuế. Trường hợp việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế được hoàn theo quy định, người nộp thuế còn được trả tiền lãi tính trên số thuế bị hoàn chậm và thời gian chậm hoàn thuế; lãi suất để tính lãi được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b Khoản 2 Điều 30 Nghị định này;”. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ đề cập trường hợp tính lãi do chậm giải quyết hồ sơ hoàn thuế, chứ nếu đã có Quyết định hoàn thuế mà vẫn chậm trả tiền thì không quy định.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 12.6 theo hướng: Nếu doanh nghiệp đã có Quyết định hoàn thuế, nhưng dự toán hoàn thuế không đủ để chi trả thì khoản nợ tiền hoàn thuế sẽ được tính lãi. Tiền lãi sẽ được tính cộng luôn vào tiền hoàn thuế khi chi trả mà doanh nghiệp không cần làm thêm bất kỳ thủ tục nào để được hưởng khoản tiền lãi này.
7. Điều khoản chuyển tiếp
Điều 22 của Thông tư về Hiệu lực thi hành chưa có quy định về điều khoản chuyển tiếp. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chuyển tiếp để giải quyết các hồ sơ yêu cầu hoàn thuế nộp trước ngày thông tư này có hiệu lực nhưng đang trong giai đoạn giải quyết thủ tục hành chính.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoàn thuế giá trị gia tăng. Rất mong Quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.