VCCI góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu

Thứ Hai 14:41 29-06-2015

Kính gửi: Vụ Công nghệ thông tin

        Bộ Thông tin và Truyền thông

Trả lời Công văn số 1268/BTTTT-CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

1.      Các trường hợp được phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu (Điều 4)

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Dự thảo thì, “sản phẩm công nghệ thông tin sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa (đối với các sản phẩm có giá trị lớn, đã hết thời hạn bảo hành nhưng trong nước không sửa chữa được)” được phép nhập khẩu. Cách quy định cho phép nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin sau khi đưa ra nước ngoài sửa chữa dựa vào giá trị của sản phẩm là chưa hợp lý, bởi vì:

-         Thiếu căn cứ để đưa ra hạn mức về giá trị của sản phẩm thuộc trường hợp này được phép nhập khẩu (bao nhiêu được cho là có giá trị lớn?).

-         Không rõ mục tiêu khi chỉ cho phép sản phẩm công nghệ thông tin có giá trị lớn mới được đưa ra nước ngoài sửa chữa trong khi giá trị bé lại không được sửa chữa. Điều này tạo ra sự đối xử thiếu công bằng giữa các chủ thể có các sản phẩm cùng loại.

-         Gây khó khăn cho một số chủ thể có sản phẩm công nghệ thông tin cần phải sửa chữa nhưng lại không thể vì không đáp ứng về tiêu chí “giá trị lớn”, điều này có thể khiến cho các chủ sở hữu phải vứt bỏ các sản phẩm này, gây thiệt hại về kinh tế.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo sử đổi quy định theo hướng, các sản phẩm công nghệ thông tin sau khi đưa ra nước ngoài sửa chữa được phép nhập khẩu trong trường hợp đã hết thời hạn bảo hành nhưng trong nước không sửa chữa được, áp dụng cho tất cả các sản phẩm không giới hạn về giá trị sản phẩm, tức là bỏ cụm từ “đối với các sản phẩm có giá trị lớn” tại khoản 4 Điều 4 Dự thảo.

2.      Điều kiện, tiêu chí đối với các trường hợp được phép nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục cấm nhập khẩu (Điều 5)

-         Về nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin chuyên dùng (khoản 3 Điều 5): Ban soạn thảo cần giải trình về căn cứ để đưa ra thời hạn 03 năm đối với sản phẩm công nghệ thông tin chuyên dùng mới được phép nhập khẩu, bởi vì với rất nhiều trường hợp thời gian không phải là tiêu chí đánh giá đáng tin cậy bằng chất lượng còn lại của sản phẩm. Hơn nữa, đối với loại sản phẩm chuyên dùng, trong trường hợp khoảng thời gian 03 năm, không có sản phẩm mới thay thế thì vẫn phải sử dụng các sản phẩm đã sản xuất trước đó, nếu lấy hạn mức về thời gian để làm điều kiện nhập khẩu, sẽ xảy ra hiện tượng, khá nhiều phòng thí nghiệm hoặc ngành chuyên môn sâu không có máy móc để hoạt động trong điều kiện năng lực tài chính còn hạn chế của một số doanh nghiệp.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ điều kiện về thời hạn quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Dự thảo.

-         Về nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa: Khoản 4 Điều 5 Dự thảo quy định về điều kiện đối với loại sản phẩm này là:

·        Sản phẩm mới cùng loại có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên

·        Trong nước không có hoặc không được phép thực hiện dịch vụ sửa chữa đối với các sản phẩm này

·        Sản phẩm nhập khẩu có thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày mở tờ khai nhập khẩu

Yêu cầu các điều kiện đối với nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin trên là chưa hợp lý ở các điểm:

·        Như phân tích ở mục 1, thiếu căn cứ để đưa ra hạn mức về giá trị của sản phẩm công nghệ thông tin cũng như bất hợp lý khi ràng buộc về giá trị của sản phẩm này là điều kiện để được nhập khẩu;

·        Việc đưa ra thời hạn của sản phẩm là điều kiện nhập khẩu dường như là chưa hợp lý bởi vì, trong trường hợp này, nhà nhập khẩu không phải nhập khẩu các sản phẩm cũ từ nước ngoài mà là đưa sản phẩm đang sử dụng, bị hư hỏng và đưa ra nước ngoài để sửa chữa và nhập khẩu lại, do đó lo ngại về việc nhập khẩu thiết bị cũ vào Việt Nam là chưa phù hợp. Hơn nữa, quy định trên đồng nghĩa với việc chỉ cho phép sửa chữa các sản phẩm có thời hạn sử dụng trong 3 năm là thiếu công bằng với các đối tượng sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin.

Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các điều kiện quy định tại điểm a, c khoản 4 Điều 5.

-         Về nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước về để bảo hành, sửa chữa và tái xuất (khoản 5 Điều 5):

Theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 5 Dự thảo thì một trong các điều kiện để được nhập khẩu đối với sản phẩm công nghệ thông tin này là “đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo quy định của pháp luật”. Điều kiện này là chưa hợp lý, bởi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa không phải là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm nói chung, sản phẩm công nghệ thông tin nói riêng. Đây chỉ là công cụ để các chủ sở hữu hàng hóa bảo vệ được quyền lợi của mình đối với bên thứ ba khi có tranh chấp về nhãn hiệu hàng hóa. Do đó, xem việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là điều kiện nhập khẩu trong trường hợp này là chưa rõ mục tiêu cũng như không cần thiết. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều kiện quy định tại điểm c khoản 5 Điều 5.

-         Về nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin để tân trang, tái chế và phân phối lại trong nước (khoản 6 Điều 5):

Liên quan đến nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin để tân trang, tái chế, Bộ Thông tin và Truyền thông có soạn thảo Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng[1]. Giữa hai văn bản này đang chưa thống nhất trong quy định về vấn đề nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng để tân trang, tái chế và phân phối. Vì vậy, các chính sách đối với nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng đang chưa rõ ràng và thống nhất. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát các văn bản để đảm bảo sự thống nhất trong chính sách về nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng.

Liên quan đến điều kiện cụ thể đối với việc nhập khẩu trong trường hợp này:

+ Điểm d khoản 6 Điều 5 Dự thảo quy định, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện “được sự chấp thuận của hãng sản xuất để thực hiện hoạt động tân trang, tái chế các sản phẩm của hãng”. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này dưới các góc độ như:

·        Tính hợp lý: Các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng được nhập khẩu, trong nhiều trường hợp không phải do hãng sản xuất trực tiếp bán mà do một bên thứ ba (bên đã sử dụng, là chủ sở hữu của sản phẩm), do đó yêu cầu phải có sự chấp thuận của hãng sản xuất trong việc tân trang, tái chế sản phẩm này là chưa hợp lý, bởi lúc này quyền quyết định không thuộc về hãng mà thuộc về chủ sở hữu của sản phẩm công nghệ thông tin.

·        Tính khả thi: Nếu yêu cầu phải có sự chấp thuận của hãng sản xuất trong trường hợp này là thiếu khả thi, bởi trong nhiều trường hợp, bên bán sẽ không liên hệ với hãng sản xuất để bên nhập khẩu có được sự chấp thuận vì sự phiền phức của thủ tục.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại điểm d khoản 6 Điều 5.

+ Điểm đ khoản 6 Điều 5 Dự thảo quy định, doanh nghiệp phải “có phương án, biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của quá trình thực hiện dịch vụ đối với từng loại sản phẩm, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt”. Quy định này là thiếu rõ ràng về tiêu chí, thủ tục để Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hoặc dẫn chiếu tới văn bản pháp luật có quy định. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.

3.      Thẩm quyền cấp phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu (Điều 6)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Dự thảo thì các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng không đáp ứng điều kiện quy định tại Quyết định này cũng được phép nhập khẩu nhưng “do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở ý kiến báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông”. Những trường hợp nào được cho là ngoại lệ và thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ? Dự thảo cần quy định rõ để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong triển khai áp dụng.

4.      Hồ sơ cấp phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu (Điều 7)

-         Đối với trường hợp nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin để tân trang, tái chế và phân phối lại trong nước, điểm e khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định, trong hồ sơ nhập khẩu phải có:

·        Hồ sơ năng lực của công ty: trong đó nêu rõ về nhân sự, phương tiện kỹ thuật phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ và có đủ năng lực tài chính

·        Văn bản chấp thuận của hãng sản xuất để thực hiện hoạt động tân trang, tái chế các sản phẩm của hãng

Yêu cầu về hồ sơ năng lực trong đó yêu cầu về nhân sự, năng lực tài chính là chưa phù hợp với quy định về điều kiện nhập khẩu đối với sản phẩm này quy định tại Điều 5, do đó đề nghị Ban soạn thảo bỏ tài liệu yêu cầu về nhân sự và năng lực tài chính.

Như phân tích ở mục 3 trên, đề nghị bỏ yêu cầu phải có “văn bản chấp thuận của hãng sản xuất để thực hiện hoạt động tân trang, tái chế các sản phẩm của hãng”.

-         Yêu cầu “tài liệu thể hiện nguồn gốc sản phẩm” trong hồ sơ nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin sau khi đưa ra nước ngoài để sửa chữa (điểm d khoản 3 Điều 7): Yêu cầu loại tài liệu này trong hồ sơ xin phép là chưa hợp lý, bởi vì giấy tờ này không thể hiện hình thức của bất kì điều kiện nào quy định tại Dự thảo. Hơn nữa, đối với trường hợp này, chỉ cần hợp đồng thực hiện dịch vụ sửa chữa được kí kết giữa nhà nhập khẩu với đối tác nước ngoài về việc sửa chữa sản phẩm công nghệ thông tin là đủ chứng minh các điều kiện đặt ra. Mặt khác, không rõ yêu cầu thông tin về nguồn gốc sản phẩm trong trường hợp này nhằm mục tiêu gì? Trong nhiều trường hợp, hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn của loại máy móc này đã bị thất lạc, vì vậy rất khó để có được loại tài liệu này. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu “tài liệu thể hiện nguồn gốc sản phẩm (hóa đơn hoặc hợp đồng mua bán)” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 7 Dự thảo.

-         Yêu cầu “Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa” trong hồ sơ xin phép nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước về để bảo hành, sửa chữa và tái xuất (điểm đ khoản 3 Điều 7): Tương tự như góp ý ở mục 3 ở trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ loại tài liệu ra khỏi Hồ sơ.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định các trường hợp cho phép nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.



[1] Không rõ thông tin này đã được ban hành chưa

Các văn bản liên quan