VCCI góp ý Dự thảo Thông tư liên tịch quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển

Thứ Hai 16:21 29-06-2015

Kính gửi:   Tổng cục Biển và Hải đảo – Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Dự thảo Thông tư liên tịch quy định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển (sau đây gọi tắt là Dự thảo) do Quý Cơ quan phối hợp soạn thảo. VCCI đã tiến hành triển khai lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hình thức sau:

-         Đăng tải trên website lấy ý kiến dự thảo văn bản pháp luật của VCCI tại địa chỉ http://vibonline.com.vn – Mục Dự thảo

-         Gửi công văn lấy ý kiến đến các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực cảng biển, cáp viễn thông trên biển, du lịch biển, đóng tàu, vận tải biển, khách, khoáng sản biển và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có liên quan.

Sau khi nhận được góp ý của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, VCCI có một số ý kiến đóng góp cho cơ quan soạn thảo như sau:

1.     Quan điểm tiếp cận

Theo quy định của Hiến pháp, khu vực biển là tài nguyên thiên nhiên, thuộc sở hữu của toàn dân. Tuy nhiên, không phải loại tài nguyên thiên nhiên nào nhà nước cũng thu tiền khi giao cho đối tượng khác sử dụng (ví dụ như không khí, gió, năng lượng mặt trời, nước mưa, thủy sản tự nhiên…). Việc có tiến hành thu thuế, phí, hay tiền khai thác, sử dụng một loại tài nguyên nào đó phụ thuộc vào mức độ khan hiếm của loại tài nguyên đó và chính sách của nhà nước trong từng thời kỳ.

Tại Việt Nam, tài nguyên khu vực biển, mặt biển rất dồi dào, gấp nhiều lần so với nhu cầu hiện nay của xã hội. Thực tế cũng chưa phát sinh các xung đột lợi ích xuất phát từ việc khai thác, sử dụng một khu vực biển nhất định. Các vấn đề của sử dụng biển hiện nay tập trung chủ yếu vào khía cạnh môi trường (ví dụ như mâu thuẫn giữa cảng xuất khẩu than ở và du lịch biển Quảng Ninh). Các vấn đề này nên được giải quyết bằng phí bảo vệ môi trường hơn là tiền sử dụng khu vực biển.

Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng các khu vực biển vào các mục đích phục vụ kinh tế, dân sinh đang được Đảng và Nhà nước khuyến khích. Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định “Đến năm 2020, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn". Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 ­ 55% GDP, 55 ­ 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Nhiệm vụ chiến lược kinh tế "làm giàu từ biển" được xác định: kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế ­ xã hội với bảo đảm quốc phòng ­ an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (năm 2011) khẳng định chủ trương: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị trí và tiềm năng biển nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển,…”

Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, các tín hiệu tăng trưởng vẫn rất yếu ớt và bấp bênh. Chính sách tăng tiền sử dụng đất lên gấp nhiều lần trong năm 2014 đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sử dụng đất có mặt nước ven biển. Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng tiền thuê đất ven biển để sản xuất kinh doanh đã tăng từ 3 đến 10 lần so với trước đây.

Trước bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy việc đưa ra chính sách thu tiền sử dụng khu vực biển là chưa thực sự hợp lý. Đề nghị cơ quan soạn thảo tạm thời chưa thực hiện chính sách thu tiền sử dụng khu vực biển. Chính sách tài chính đối với các chủ thể sử dụng khu vực biển trong giai đoạn hiện nay nên tập trung vào phí bảo vệ môi trường đối với một số hoạt động có nguy cơ ô nhiễm cao như cảng biển, cảng cá, bến cá, cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển, nhận chìm, đổ thải…

VCCI có các góp ý chi tiết tiếp theo về dự thảo quy định này nhưng cần có thời điểm thực hiện phù hợp.

2.     Sử dụng biển cho mục đích khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu

Đây là nhóm mục đích sử dụng khu vực biển để sản xuất năng lượng tái tạo. Hiện nay, chính sách chung của nhà nước là ưu đãi tối đa đối với việc sản xuất năng lượng tái tạo thông qua các chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi tiền thuê đất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, thậm chí trợ giá sản phẩm. Thêm vào đó, việc khai thác năng lượng tái tạo trên biển cần được khuyến khích hơn cả khai thác trên mặt đất. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo không thu tiền sử dụng khu vực biển đối với nhóm hoạt động khai thác năng lượng tái tạo.

3.     Sử dụng biển cho mục đích xây dựng hệ thống ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện

Việc sử dụng biển cho mục đích đặt ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện có đặc điểm là chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ ở đáy biển. Các ống dẫn này không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt biển cho các mục đích khác như du lịch, cảng biển, khai thác nước biển… Thậm chí, nhiều tuyến cáp khác nhau có thể chạy song song hoặc cắt nhau cũng không ảnh hưởng lẫn nhau. Theo phản ánh doanh nghiệp cáp viễn thông, các quốc gia khác trên thế giới không thu khoản tiền này đối với cáp biển. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo không thu tiền đối với nhóm 2.

Trong trường hợp vẫn thu tiền thì cần xem xét lại công thức tính tiền sử dụng khu vực biển đối với các tuyến cáp biển. Thông số kỹ thuật quan trọng của các tuyến cáp là chiều dài, chứ không phải là diện tích khu vực biển. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra công thức tính riêng căn cứ theo chiều dài đoạn tuyến chạy trong vùng biển của Việt Nam.

4.     Xây dựng công trình nổi, ngầm, đảo nhân tạo, công trình xây dựng dân dụng trên biển, các hoạt động lấn biển

Việc phân biệt nhóm mục đích thứ 3 là xây dựng công trình, lấn biển với các mục đích khác là chưa phù hợp. Các công trình xây dựng hay lấn biển cũng sẽ phục vụ các mục đích như du lịch, cảng, khai thác năng lượng, khoáng sản,… Việc tách riêng nhóm mục đích thứ 3 có nguy cơ chồng chéo với các nhóm mục đích khác. Đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi nhóm 3 theo một trong hai hướng sau:

-         Phương án 1: Bỏ nhóm 3 và nhập toàn bộ các mục đích này vào các nhóm mục đích khác hoặc nhóm 5.

-         Phương án 2: Vẫn duy trì nhóm 3 nhưng quy định rõ là chỉ áp dụng trong trường hợp công trình biển, phần lấn biến không nhằm phục vụ mục đích đã được liệt kê tại các nhóm khác.

5.     Sử dụng khu vực biển vùng nước phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí

Nhóm mục đích thứ 4 có nội dung về vùng nước phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí. Trên thực tế, việc xác định chính xác các khu vực này sẽ gặp khó khăn, cụ thể:

-         Khó xác định đối tượng thu tiền: Các bãi tắm biển được giao cho doanh nghiệp khai thác nhưng, nhưng người dân và khách du lịch khác cũng có thể sử dụng, như vậy thì xác định đối tượng phải nộp tiền như thế nào? Các khu vực lặn ngắm san hô, lướt sóng, dù lượn do nhiều doanh nghiệp cùng khai thác, vậy tiền này sẽ chia cho các đối tượng như thế nào?

-         Khó xác định giới hạn diện tích sử dụng: Các loại hình du lịch biển rất đa dạng như xe đạp nước, thuyền du lịch không chỉ hoạt động trong một khu vực xác định mà có thể di chuyển nhiều nơi và rất khó xác định giới hạn diện tích sử dụng này.

Do đó, việc thu tiền sử dụng biển của các đối tượng này sẽ không khả thi. Hơn nữa, đây cũng đều là các hoạt động được khuyến khích để phát triển kinh tế biển. Đề nghị cơ quan soạn thảo không tiến hành thu tiền hoặc áp dụng công thức tính tiền riêng đối với nhóm này, không phụ thuộc vào diện tích khu vực biển sử dụng.

6.     Sử dụng khu vực biển để thăm dò khoáng sản

Việc thăm dò khoáng sản thường được thực hiện trên diện tích rộng, với nhiều mũi khoan thăm dò cách nhau một khoảng cách lớn. Nếu thu tiền sử dụng khu vực biển đối với dự án thăm dò khoáng sản thì số tiền này sẽ rất lớn, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp lại chỉ sử dụng rất ít trên toàn bộ diện tích trên. Đối với hoạt động khoáng sản trên đất liền, việc thu tiền sử dụng đất cũng chỉ áp dụng đối với hoạt động khai thác khoáng sản chứ không áp dụng đối với thăm dò khoáng sản. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định tiền sử dụng khu vực biển đối với hoạt động thăm dò khoáng sản.

7.     Khai thác nước biển để làm mát cho các nhà máy

Việc khai thác nước biển để làm mát cho các nhà máy hầu như không ảnh hưởng đến diện tích mặt biển. Trong trường hợp này, đơn vị khai thác sử dụng nước biển với tư cách tài nguyên nước chứ không phải với tư cách bề mặt nước. Do đó, cần đánh thuế tài nguyên nước chứ không phải là thu tiền sử dụng khu vực biển. Điều này tương tự với việc sử dụng đất làm vật liệu san lấp thì phải thu thuế tài nguyên, khác với tiền sử dụng đất với tư cách là đất đai (bề mặt). Đề nghị cơ quan soạn thảo không thu tiền sử dụng khu vực biển đối với hoạt động sử dụng nước biển để làm mát nhà máy.

8.     Sử dụng biển cho mục đích khai thác dầu khí

Về bản chất, dầu khí cũng là một dạng khoáng sản và khai thác dầu khí cũng là khai thác khoáng sản. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dầu khí được quản lý riêng (Luật Dầu khí) so với khoáng sản (Luật Khoáng sản) vì các yếu tố về kinh tế của loại khoáng sản này. Tuy nhiên, về mặt sử dụng đất, sử dụng mặt biển thì việc khai thác dầu khí không khác nhiều so với các loại khoáng sản khác, và gần như tương đồng với khai thác nước khoáng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ lý do không thu tiền sử dụng khu vực biển đối với khai thác dầu khí. Trong trường hợp không có sự khác biệt lớn thì đề nghị gộp chung quy chế thu đối với dầu khí tương tự như các loại khoáng sản khác.

9.     Sử dụng biển vào mục đích quốc phòng, an ninh

Trong một số trường hợp, việc phân biệt sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh hay mục đích kinh tế là không rõ ràng. Ví dụ, cáp viễn thông bình thường được khai thác cho mục đích kinh tế nhưng trong trường hợp cần thiết có thể được chuyển sang sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh. Các công trình  biển, cảng, đóng tàu cũng có thể được dự phòng cho mục đích quốc phòng, an ninh tương tự như vậy. Đối với các trường hợp này, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định riêng mức tiền sử dụng khu vực biển bằng 50% so với sử dụng cho các mục đích kinh tế khác.

10.                        Mức thu tiền sử dụng khu vực biển

Dự thảo quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển nằm trong khung với mức thấp nhất và cao nhất. Tuy nhiên, như đã phân tích trong mục 1, việc thu tiền này phụ thuộc nhiều vào chính sách của nhà nước trong từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện thực tế.

Tại một số địa phương, nhu cầu sử dụng khu vực biển cao, nhà nước có thể sử dụng công cụ kinh tế là tiền sử dụng khu vực biển để điều chỉnh hành vi của các chủ sử dụng. Tuy nhiên, có rất nhiều địa phương ven biển kinh tế chưa phát triển cần tập trung vào mục tiêu thu hút đầu tư. Đối với những khu vực đó, việc miễn tiền sử dụng khu vực biển sẽ có tác dụng tốt hơn đối với các nhà đầu tư. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ quy định mức trần, còn mức sàn coi như bằng không, và giao thẩm quyền cho từng địa phương quyết định mức thu cụ thể của địa phương mình.

11.                        Thẩm quyền quyết định mức thu cụ thể

Điều 5.2 của Dự thảo quy định việc quyết định tiền sử dụng khu vực biển sẽ được quyết định theo từng dự án cụ thể. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp không biết được chính xác số tiền phải nộp trong giai đoạn lập dự án mà phải đến khi xin làm thủ tục giao khu vực biển. Các doanh nghiệp sẽ không thể chủ động tính toán phương án tài chính trước khi quyết định đầu tư. Hơn nữa, quy định này rất thiếu minh bạch vì nó tiềm ẩn nguy cơ doanh nghiệp sẽ phải thương lượng với cơ quan nhà nước về số tiền cụ thể phải nộp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định lại theo hướng cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ban hành đơn giá sử dụng khu vực biển cho từng vùng biển nhưng không được vượt quá mức tối đa cho phép.

12.                        Chu kỳ thu tiền sử dụng khu vực biển, gia hạn sử dụng khu vực biển

Dự thảo quy định đối với hình thức trả tiền hàng năm thì mức thu tiền được ổn định theo chu kỳ 05 năm; hết chu kỳ này cơ quan nhà nước có thể điều chỉnh mức thu tiền sử dụng biển phù hợp với điều kiện mới. Điều 9.1 của Dự thảo cũng quy định “trường hợp xin gia hạn thời gian được giao khu vực biển thì mức thu tiền đối với thời gian gia hạn được xác định theo chính sách mới tại thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định gia hạn”. Hai quy định này khiến doanh nghiệp không dự kiến được số tiền phải nộp trong thời gian dài, từ đó làm tăng rủi ro chính sách đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để tránh tình trạng này, đề nghị cơ quan soạn thảo xác định việc tăng tiền sử dụng khu vực biển sau khi hết chu kỳ 05 năm hoặc khi gia hạn sử dụng không được vượt quá một tỷ lệ phần trăm nhất định so với thời gian trước đó.

13.                        Thu hồi khu vực biển không do lỗi của người sử dụng

Điều 21.5 của Nghị định 51/2014/NĐ-CP xác định trường hợp nhà nước thu hồi khu vực biển vì khu vực biển đã được giao được sử dụng để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia thì tổ chức, cá nhân được hỗ trợ, bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại Dự thảo thông tư này chưa quy định về việc xử lý tiền sử dụng khu vực biển trong trường hợp này. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc trả lại tiền sử dụng khu vực biển trong trường hợp nhà nước thu hồi theo quy định tại Điều 21.5 của Nghị định 51/2014/NĐ-CP.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về dự thảo Thông tư liên tịch qua định phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền sử dụng khu vực biển. Kính mong cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn./.

Các văn bản liên quan