VCCI góp ý Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (bản trình Quốc hội tháng 5/2015)
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng
Kính gửi: Vụ Công nghệ thông tin
Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 1124/BTTTT-CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
1. Tính chất pháp lý của một số quy định
Điều 5 Dự thảo quy định về các điều kiện để được cấp phép thực hiện dịch vụ gia công tái chế, sửa chữa làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài.
Đây là các quy định về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 thì Bộ không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh (nói cách khác văn bản cấp Thông tư của Bộ không được phép quy định mới về các điều kiện kinh doanh).
Như vậy, Điều 5.1 Dự thảo không tuân thủ quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, do đó đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này khỏi Dự thảo Thông tư. Trường hợp nhất thiết phải quy định điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện dịch vụ này thì đề nghị Bộ kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản từ cấp Nghị định trở lên.
2. Về Giấy phép dịch vụ gia công tái chế, sửa làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài (Điều 5-10)
Như đã nêu tại Mục 1 ở trên, việc quy định mới về điều kiện kinh doanh trong Dự thảo này là không phù hợp với Điều 7.3 Luật Đầu tư 2014. Các góp ý dưới đây về điều kiện kinh doanh này chỉ nhìn từ góc độ tính minh bạch, hợp lý của quy định, nhằm phục vụ cho việc thiết kế quy định phù hợp hơn (khi quy định này được đưa vào văn bản thích hợp) mà làm không ảnh hưởng tới kiến nghị đã nêu tại Mục 1.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia công tái chế, sửa chữa, làm mới các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài (sau đây gọi tắt là Danh mục), Dự thảo đang thiết kế biện pháp quản lý theo hướng:
- Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và phải có Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh (Giấy phép dịch vụ gia công tái chế…)
- Các doanh nghiệp có Giấy phép dịch vụ phải xin Giấy phép nhập khẩu hàng hóa cho mỗi lần nhập khẩu
Việc áp dụng cách quản lý đúp (quản lý hai lần, một lần với doanh nghiệp và một lần với lô hàng nhập khẩu) này dường như là quá mức cần thiết và vì vậy cần được cân nhắc lại, bởi:
- Liên quan tới mục tiêu đảm bảo năng lực của doanh nghiệp: Hoạt động gia công trong trường hợp này thực chất là hoạt động cung cấp dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận với đối tác nước ngoài. Việc đảm bảo các điều kiện nhất định (về năng lực chuyên môn, có cơ sở vật chất phù hợp) để có thể cung cấp được dịch vụ theo yêu cầu, tiêu chuẩn của đối tác nước ngoài là việc của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với đối tác nước ngoài. Do đó, không cần Nhà nước phải thay mặt cho đối tác nước ngoài đặt ra yêu cầu về các điều kiện về năng lực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này. Hơn nữa, yêu cầu của Nhà nước (thông qua điều kiện cấp phép) không phải khi nào cũng phù hợp với yêu cầu của đối tác. Vì vậy việc đặt ra điều kiện về năng lực là không cần thiết;
- Liên quan tới mục tiêu đảm bảo các lợi ích công cộng (ví dụ về môi trường, về tiêu chuẩn lao động…): Các hoạt động gia công tái chế trong trường hợp này được suy đoán là có khả năng gây ra những ảnh hưởng/tác động tới các lợi ích công cộng mà Nhà nước cần bảo vệ, do đó có thể Nhà nước cần thiết phải kiểm soát doanh nghiệp thực hiện các hoạt động này. Mặc dù vậy, việc kiểm soát này hiện đã thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật về môi trường, lao động… mà doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ. Vì vậy, Dự thảo này không nhất thiết phải quy định về vấn đề này. Hơn nữa, nếu Dự thảo có quy định thì cũng không thể đảm bảo kiểm soát hết được (bởi với mỗi loại sản phẩm gia công cụ thể lại có nguy cơ khác nhau) đồng thời gây ra sự trùng lặp hoặc là mâu thuẫn với các văn bản pháp luật liên quan.
- Mục tiêu kiểm soát ở đây là hàng hóa nhập khẩu phải thuộc diện gia công, tái chế… và sẽ được xuất khẩu cho đối tác nước ngoài. Như vậy để kiểm soát được hoạt động này, Nhà nước chỉ cần nhận biết các thông tin: Chủ thể nào nhập khẩu; loại, số lượng sản phẩm nhập khẩu; sản phẩm xuất khẩu có đúng là loại đã được chủ thể nhập khẩu để gia công không? Các thông tin này có thể kiểm soát được thông qua hoạt động cấp Giấy phép nhập khẩu đối với lô hàng (mà trong Hồ sơ đã có giấy tờ chứng minh về hoạt động gia công). Vì vậy, không cần thiết phải kiểm soát bằng Giấy phép dịch vụ.
Ngay cả khi, việc cấp Giấy phép dịch vụ là cần thiết thì các điều kiện để được cấp phép quy định tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định là chưa hợp lý, chưa rõ ràng và/hoặc không phục vụ được mục tiêu quản lý (giả sử là Giấy phép này nhằm kiểm soát doanh nghiệp, qua đó đảm bảo các lợi ích công cộng) ở các điểm:
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào tiêu chí nào để đánh giá đề án thiết lập dây chuyền, thiết bị, thực hiện dịch vụ của doanh nghiệp là “khả thi, hiệu quả đối với từng loại sản phẩm”? Liệu cơ quan quản lý nhà nước có đủ khả năng để đánh giá yếu tố “khả thi, hiệu quả” của đề án không? Ngoài ra cần lưu ý rằng với mỗi loại sản phẩm gia công thì lại có yêu cầu riêng, vậy cơ quan quản lý nhà nước có thể xác định tính khả thi, hiệu quả trong từng trường hợp không?
- Về yếu tố “có đủ năng lực tài chính” là quy định tương tự như vốn pháp định, nhưng lại thiếu rõ ràng với số vốn cụ thể (không rõ bao nhiêu thì được cho là “đủ”). Việc yêu cầu có năng lực tài chính của hoạt động cung cấp dịch vụ này là chưa hợp lý, bởi đây chỉ là hoạt động cung cấp dịch vụ tương tự như các loại dịch vụ khác, không cần thiết phải số vốn cố định ban đầu và duy trì nó trong suốt thời gian hoạt động.
- “Tái xuất toàn bộ sản phẩm, hàng hóa ra nước ngoài sau quá trình thực hiện dịch vụ” không phải là điều kiện kinh doanh mà là nghĩa vụ của doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động gia công đối với các loại hàng hóa trong Danh mục cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài.
- Không rõ về trình tự, thủ tục cũng như tiêu chí để Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt “phương án, biện pháp xử lý phế liệu, phế thải của quá trình thực hiện dịch vụ đối với từng loại sản phẩm”? Việc thiếu rõ ràng trong quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện và là dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực hiện thủ tục hành chính.
- Theo Điều 6.1c Dự thảo thì một trong những tài liệu trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép dịch vụ là “các tài liệu chứng minh tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện tương ứng” quy định tại Dự thảo. Quy định này là khá chung chung, chưa rõ ràng: không rõ giấy tờ nào chứng minh doanh nghiệp có nhân sự, kỹ thuật phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ? Tài liệu nào chứng minh có đủ năng lực tài chính? … Sự thiếu rõ ràng này sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục và sẽ là dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ thực hiện thủ tục.
Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo:
- Bỏ quy định về điều kiện và cấp phép thực hiện dịch vụ gia công tái chế, sửa chữa làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng, thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài cũng như các thủ tục có liên quan, tức là bỏ Điều 5, 6, 7 (điều này cũng phù hợp với kiến nghị tại Mục 1 Công văn này, bởi văn bản cấp Thông tư không được quy định mới về điều kiện kinh doanh);
- Nếu có lý do hợp lý để giữ điều kiện kinh doanh (và quy định tại một văn bản khác phù hợp), đề nghị Ban soạn thảo:
+ bỏ quy định về các điều kiện “Có đề án thiết lập dây chuyền, thiết bị thực hiện dịch vụ khả thi, hiệu quả đối với từng loại sản phẩm”; “Có nhân sự, phương tiện kỹ thuật phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ và có đủ năng lực tài chính”; “Tái xuất toàn bộ sản phẩm, hàng hóa ra nước ngoài sau quá trình thực hiện dịch vụ”, tức là bỏ điểm b, c, đ khoản 1 Điều 5 và
+ quy định cụ thể, rõ ràng về thủ tục để được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt về phương án, biện pháp xử lý phế liệu, phế thải trong quá trình thực hiện dịch vụ đối với từng loại sản phẩm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 hoặc dẫn chiếu tới văn bản pháp luật có quy định.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng. Rất mong Quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.