Ls Bùi Thanh Lam và Ls Nguyễn Ngọc Phúc góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật doanh nghiệp
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng
VCCI góp ý Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (bản trình Quốc hội tháng 5/2015)
Kính gửi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật – phiên bản trình Quốc hội tháng 05/2015 (sau đây gọi tắt là Dự thảo) như sau:
1. Về thứ bậc hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật (Điều 3)
Dự thảo đã bỏ quy định về “thứ bậc hiệu lực” của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) “nhằm tránh việc hiểu nhầm lẫn về thứ bậc hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật”[1].
Tuy nhiên, việc không xác định thứ bậc hiệu lực của các VBQPPL sẽ gây khó khăn cho các đối tượng khi áp dụng trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 153 Dự thảo “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Thực tế, đã xảy ra tranh cãi về hiệu lực pháp lý của các VBQPPL và không thể xác định được quy định sẽ được áp dụng, bởi Luật Ban hành VBQPPL không phân định thứ bậc hiệu lực của các VBQPPL.
Như vậy, để có căn cứ thực hiện khoản 2 Điều 153, đề nghị giữ nguyên quy định về thứ bậc hiệu lực của VBQPPL quy định tại Điều 3 Dự thảo.
2. Giới hạn quyền lập pháp của Bộ
Bộ ngành về bản chất là các cơ quan hành chính – có chức năng hành pháp, quản lý hành chính, không phải cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện các Bộ ngành vẫn là những đơn vị soạn thảo pháp luật chủ yếu. Vì vậy, cần có những quy định để giới hạn quyền ban hành văn bản pháp luật của Bộ ngành, địa phương. Dự thảo đang có quy định theo hướng, hiện tại Bộ chỉ còn quyền ban hành Thông tư, và cũng chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực nhất định (Điều 20, 21, 22).
Tuy nhiên, quy định trên là chưa bao quát bởi 8 năm thực thi Luật hiện hành đã cho thấy một thực trạng: người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định bởi khá nhiều trường hợp cán bộ từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn. Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì nhiều lúc thông tư hạn chế quyền, mở rộng nghĩa vụ của họ hơn so với luật, nghị định.
Để giải quyết tình trạng trên, đề nghị quy định tại Dự thảo ít nhất 02 nguyên tắc sau:
- Một là các loại văn bản cấp Bộ ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên (tương tự như cách Luật Đầu tư năm 2014 đang quy định: cấm Bộ ngành, địa phương không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh)
- Chỉ các văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn chi tiết.
3. Về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (Chương XII):
Theo quy định tại Dự thảo thì trong một số trường hợp VBQPPL sẽ được xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn, có nghĩa là không tuân theo trình tự, thủ tục thông thường và một số yếu tố về tính minh bạch sẽ được “bỏ qua” (như: lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp; việc công khai các thông tin về dự thảo…). Thủ tục rút gọn này vì thế sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyền góp ý của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của các chính sách..
Do vậy cần cân nhắc một cách thận trọng khi xác định các trường hợp xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn và các trường hợp này cần phải xác định một cách cụ thể, tránh hiện tượng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể diễn giải theo nhiều cách để xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự rút gọn này, gây tác động tiêu cực đến các đối tượng chịu tác động, trong đó có doanh nghiệp.
Một số quy định về quy trình rút gọn dường như chưa đảm bảo được yêu cầu trên, ví dụ:
- Khoản 2 Điều 143 nêu trường hợp “Để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định” như là một trong những trường hợp theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Quy định này là chưa rõ ràng ở điểm: VBQPPL bị ngừng hiệu lực là văn bản có tính chất như thế nào? Việc ngưng hiệu lực trong điều kiện nào? Trong trường hợp các chính sách trong VBQPPL có tác động lớn đến doanh nghiệp và/hoặc người dân, việc ngừng hiệu lực của văn bản này sẽ tác động tiêu cực cho hoạt động của doanh nghiệp và/hoặc người dân, nếu chính sách này không được đưa ra lấy ý kiến, không được xây dựng một cách công khai có tính dự báo trước, sẽ gây khó khăn cho các đối tượng chịu sự tác động. Do vậy, cần quy định cụ thể các vấn đề trên.
- Khoản 3 Điều 143 nêu trường hợp “Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành”: Đây là trường hợp được suy đoán sẽ xảy ra thường xuyên, nhất là với tình trạng VBQPPL thiếu ổn định, soạn thảo chậm/trễ thời hạn như hiện nay. Vì vậy, cần thiết phải giới hạn hoặc quy định rõ về các trường hợp thuộc trường hợp này, bởi sẽ có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp nhất thiết phải có sự tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động (ví dụ: một luật ban hành điều kiện kinh doanh mới, hoặc sửa đổi điều kiện kinh doanh theo hướng khắt khe hơn, các văn bản hướng dẫn trước đó phải sửa đổi để phù hợp với quy định mới, trong đó quy định về các trình tự thủ tục, về các quy chuẩn kỹ thuật … Những quy định mới này, mặc dù phải sửa đổi ngay để phù hợp với Luật nhưng lại tác động đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp).
Do đó, đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng trừ những trường hợp các quy định cần sửa đổi liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
4. Đăng công báo văn bản quy phạm pháp luật (Điều 147)
Dự thảo đã bỏ quy định theo đó VBQPPL không đăng công báo thì không có hiệu lực thi hành.
Điều này là chưa hợp lý, bởi việc đăng công báo có tính chất công khai VBQPPL, để các đối tượng chịu tác động có thể nhận biết được chính sách, quy định và từ đó chuẩn bị để áp dụng các quy định đó. Gắn việc đăng công báo với hiệu lực của VBQPPL sẽ buộc các cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm công khai các VBQPPL đã được ký ban hành trước khi văn bản phát sinh hiệu lực.
Việc bỏ mối ràng buộc giữa việc đăng công báo và hiệu lực của VBQPPL dường như là bước thụt lùi về tính minh bạch trong quy trình xây dựng và ban hành VBQPPL, và có thể sẽ xảy ra hiện tượng, những đối tượng chịu tác động phải thực thực thi ngay lập tức, hoặc không nhận biết được chính sách, quy định khi văn bản đã phát sinh hiệu lực. Điều này sẽ gây khó khăn và tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, nhất là trong trường hợp, các VBQPPL đó có ban hành các quyền và nghĩa vụ mới.
Vì vậy, để đảm bảo tính minh bạch trong quy trình xây dựng VBQPPL và gắn trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc công khai VBQPPL đã được ký ban hành, đề nghị giữ nguyên quy định các VBQPPL không đăng công báo thì không có hiệu lực thi hành.
5. Về hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật (Điều 149)
Dự thảo quy định “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước” (khoản 1) và quy định các trường hợp không được quy định hiệu lực trở về trước tại khoản 2.
Quy định này tại Dự thảo vừa chưa rõ ràng vừa chưa hợp lý:
- Không rõ “những trường hợp thật cần thiết” là những trường hợp nào? Quy định này rất dễ được diễn giải, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng nguyên tắc “hồi tố” trên.
- Theo Điều 149.2 thì có thể hiểu là ngoài 02 trường hợp cấm được liệt kê thì cơ quan nhà nước có quyền quy định hiệu lực trở về trước trong tất cả các trường hợp khác (miễn là đáp ứng điều kiện “thật cần thiết”: Và như đã nêu, “trường hợp thật cần thiết” là quá rộng, do đó gần như việc quy định hiệu lực hồi tố không còn là trường hợp ngoại lệ nữa. Cách tiếp cận này hoàn toàn là mâu thuẫn với nguyên tắc chung về thời điểm có hiệu lực của VBQPPL tại Điều 148.1 (theo đó “Thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật…”).
Do đó, để hạn chế việc quy định hiệu lực trở về trước của VBQPPL, đề nghị quy định theo hướng đưa ra danh sách đóng (hạn chế) các trường hợp được phép quy định hiệu lực trở về trước và ngoài các trường hợp này cơ quan nhà nước không được phép quy định hiệu lực trở về trước trong VBQPPL.
6. Thẩm quyền giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh (Điều 156)
Theo quy định tại Điều 156 Dự thảo thì, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật.
Quy định này không mới so với quy định hiện hành. Và thực tế thì việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc giải thích pháp luật là rất ít. Tiếc là thực tế này lại không phải xuất phát từ việc các VBQPPL đã rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng mà do không có thủ tục rõ ràng để đề nghị Cơ quan này thực hiện chức năng này (thậm chí nếu có thủ tục thì một Cơ quan có rất nhiều chức trách quan trọng này cũng khó có thể thực hiện được hết việc giải thích pháp luật mỗi khi được yêu cầu)..
Nhu cầu giải thích pháp luật trong thực tiễn là khá nhiều và việc giải thích này đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền giải thích phải độc lập để đảm bảo tính khách quan, chính xác và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên. Trong bộ máy cơ quan nhà nước thì Tòa án là cơ quan thích hợp để thực hiện hoạt động này, bởi vì Tòa án là cơ quan xét xử có nhiệm vụ bảo vệ và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên. Tòa án hoạt động trên nguyên tắc là khách quan, khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân sẽ hành động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, không dễ bị chi phối bởi các yếu tố khác.
Mặt khác, hiện tại Bộ luật Dân sự đang được sửa đổi, trong đó có bổ sung quy định Tòa án không được quyền từ chối vì lý do thiếu luật và trong trường hợp này, một trong những căn cứ để Tòa án sử dụng để xét xử là “nguyên tắc cơ bản của pháp luật và lẽ công bằng”. Điều này gần với việc giải thích pháp luật. Để tòa án có thể thực hiện được quyền này, cần trao cho cơ quan này thẩm quyền giải thích pháp luật.
Vì vậy, đề nghị cân nhắc, xem xét bổ sung vai trò của Tòa án trong hoạt động giải thích VBQPPL.
7. Giải quyết mối quan hệ giữa luật chung – luật riêng; luật chung – luật chuyên ngành
Thực tế đang tồn tại các VBQPPL chung với các VBQPPL chuyên ngành nhưng chưa có một định nghĩa chính thức nào về tính chất chung – riêng này, và mối quan hệ giữa các VBQPPL chung – riêng như thế nào, và điều này dẫn đến nhiều lúng túng trong việc triển khai thi hành và áp dụng pháp luật.
Ví dụ: Luật Đầu tư năm 2014 sẽ phát sinh hiệu lực vào ngày 01/07/2015, trong đó quy định về các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh; ban hành các Danh mục về ngành, nghề cấm kinh doanh; ngành nghề kinh doanh có điều kiện và hạn chế thẩm quyền ban hành về điều kiện kinh doanh của các Bộ. Theo quy định tại Luật Đầu tư thì sau ngày 01/07/2015 thì sẽ có rất nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp; nhiều văn bản cấp Bộ ban hành về điều kiện kinh doanh không có giá trị. Như vậy, các quy định, các văn bản trên có tự động hết hiệu lực không? Nếu không tự động hết hiệu lực mà cần phải “chờ” chính các cơ quan ban hành/cơ quan cấp trên bãi bỏ thì ý nghĩa của các quy định tại Luật Đầu tư không thể hiện được.
Mặt khác, sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, các Luật chuyên ngành khác ban hành mới, hoặc sửa đổi các điều kiện kinh doanh mà khác Danh mục trong Luật Đầu tư thì giải quyết mối quan hệ như thế nào? Luật chuyên ngành không được ban hành hay là phải sửa đổi Luật Đầu tư?
Tất cả những vấn đề trên cần phải giải quyết tại Luật Ban hành VBQPPL nhưng các quy định tại Dự thảo vẫn chưa đề cập đến vấn đề này. Đề nghị Quý Cơ quan xem xét quy định để tạo thuận lợi khi triển khai thực hiện.
8. Về việc lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp thông qua các đầu mối cụ thể
(i) Về việc lấy ý kiến qua các đầu mối cụ thể
Điều 5 Dự thảo nêu nguyên tắc cho việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân cho các dự thảo VBQPPL.
Trong Dự thảo trình Quốc hội tháng 11/2014, trước, Điều 5 đã nêu được một cơ chế mới, được cho là sẽ tạo ra một bước đột phá trong lấy ý kiến nhân dân: đó là chỉ ra các đầu mối cụ thể mà cơ quan soạn thảo bắt buộc phải phối hợp để lấy ý kiến nhân dân và doanh nghiệp bên cạnh việc lấy ý kiến chung của cơ quan này.
Tuy nhiên, Điều 5 Dự thảo lần này đã gạt bỏ cơ chế hiệu quả này, chỉ còn giữ lại các quy định rất chung có tính chất nguyên lý về quyền góp ý của nhân dân như Luật hiện hành.
Cách quy định chung chung này sẽ cản trở các nỗ lực khắc phục những bất cập lâu nay trong việc lấy ý kiến nhân dân bởi:
- Trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân, doanh nghiệp của Cơ quan soạn thảo vẫn sẽ coi như đã hoàn thành chỉ đơn giản bằng cách âm thầm đưa dự thảo lên website mà nếu ai không hàng ngày vào website của Cơ quan đó thì không thể biết được; hoặc bằng cách gửi Công văn lấy ý kiến một số đối tượng với thời hạn trả lời chỉ vài ngày là cùng…Chuyện lấy ý kiến qua loa, chiếu lệ, lấy cho có, cũng là thường tình, bởi không có một đầu mối nào đốc thúc, hỗ trợ hay giám sát các cơ quan soạn thảo thực hiện việc này;
- Cơ quan soạn thảo vẫn sẽ phải vừa đảm nhận công việc soạn thảo vừa tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Và vì thế trong khi có thể rất thiện chí, không ít ban soạn thảo đã rơi vào cảnh lực bất tòng tâm, chỉ vì thiếu một địa chỉ đầu mối để cùng triển khai lấy ý kiến.
Trong khi đó, với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các đầu mối cụ thể bên cạnh quyền góp ý trực tiếp của mọi tổ chức, cá nhân, không chỉ những bất cập trên sẽ được giải quyết mà còn có thể nhìn thấy những lợi ích khác cũng rất đáng kể:
- Từ góc độ giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện trách nhiệm lấy ý kiến nhân dân của các Cơ quan soạn thảo, sẽ là tốt hơn nhiều nếu Quốc hội được nghe báo cáo không phải chỉ từ Cơ quan soạn thảo mà còn từ các Đơn vị đầu mối;
- Từ góc độ hiệu quả, đây cũng là cách để san sẻ bớt trách nhiệm và gánh nặng cho các Cơ quan soạn thảo: Cơ quan soạn thảo đỡ vất vả hơn, có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc soạn thảo, Đơn vị đầu mối có trách nhiệm hơn, và kết quả thu được thì tốt hơn, hiệu quả hơn.
Đáng chú ý là hiệu quả của việc lấy ý kiến thông qua một đầu mối này không phải suy đoán mà là thực tế đã được chứng minh. Trong thời gian qua, việc Chính phủ (thông qua các Nghị định 161/2005/NĐ-CP và Nghị định 24/2009/NĐ-CP) đã thiết lập cơ chế lấy ý kiến doanh nghiệp thông qua đầu mối là VCCI đã cho những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, do chưa phải là cơ chế được ghi nhận ở cấp văn bản Luật nên trên thực tế trong khá nhiều các trường hợp, các Ban soạn thảo vẫn cố ý bỏ qua việc lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp thông qua đầu mối này.
Cần nhấn mạnh thêm là việc lấy ý kiến qua các Đơn vị đầu mối này chỉ giúp tăng hiệu quả thêm cho quy trình mà hoàn toàn không làm phương hại đến quyền góp ý kiến trực tiếp của mọi tổ chức, cá nhân đối với các dự thảo bởi chúng ta vẫn ghi nhận nguyên tắc đầu tiên và cơ bản là mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền góp ý dự thảo văn bản pháp luật trực tiếp hoặc thông qua các đơn vị đầu mối.
(ii) Về việc cần có cơ chế lấy ý kiến riêng đối với doanh nghiệp
Đối với các VBQPPL chung thì việc lấy ý kiến nhân dân có thể coi là đủ. Tuy nhiên đối với các VBPL về doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, việc tổ chức lấy ý kiến riêng của cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng bởi:
- Xét về số lượng, các văn bản pháp luật về hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống các VBQPPL được ban hành hàng năm (khoảng trên 50%). Và cộng đồng doanh nghiệp rất xứng đáng để có một vị trí riêng trong góp ý, tăng chất lượng cho phân nửa hệ thống pháp luật này;
- Sắp tới đây, khi Việt Nam ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, như EVFTA… công việc nội luật hóa để các cam kết thương mại này trở thành pháp luật nội địa sẽ là mảng việc lớn vô cùng. Không ai khác ngoài doanh nghiệp có thể giúp Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành có được những đầu vào tốt nhất để nội luật hóa cam kết theo cách khôn khéo nhất, có lợi nhất cho nền kinh tế, cho sự phát triển của doanh nghiệp và sau đó là đời sống của hàng triệu lao động;
- Nếu nhìn vào thông lệ quốc tế, lý do cơ bản khiến bên cạnh mỗi nguyên thủ quốc gia khi bàn về những câu chuyện kinh tế đều có những hội đồng tư vấn của giới kinh doanh chính là vì tiếng nói của doanh nghiệp là đặc biệt biệt quan trọng trong những vấn đề như thế này.
Từ góc độ chính sách của Đảng và Nhà nước, việc ghi nhận vai trò của doanh nghiệp và sự cần thiết của việc lắng nghe tiếng nói từ khu vực này đã được ghi nhận rất rõ ràng trong nhiều văn bản.
- Hiến pháp 2013 đã ghi nhận những nguyên tắc cơ bản nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.
- Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò của đội ngũ doanh nhân, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu “Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật”.
Và cũng như việc lấy ý kiến nhân dân cần một đầu mối, việc lấy ý kiến doanh nghiệp cũng cần một đầu mối riêng mới có thể đảm bảo hiệu quả mong muốn.
Đầu mối này theo các Nghị định 161 và 24 của Chính phủ về xây dựng dự thảo pháp luật hay theo Quyết định 02 của Thủ tướng Chính phủ về tham vấn đàm phán thương mại là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Từ góc độ hiệu quả, việc chúng ta nâng lên thành luật một quy định pháp quy trong Nghị định của Chính phủ về đầu mối lấy ý kiến doanh nghiệp đã được áp dụng ổn định và kiểm nghiệm thành công trong thực tiễn xây dựng pháp luật 10 năm qua là điều rất nên làm.
Vì vậy, đề nghị khôi phục lại Điều 5 Dự thảo bản trình ra Quốc hội kỳ họp trước (với một vài chỉnh sửa nhỏ) để ghi nhận rõ ràng 02 đầu mối cho việc lấy ý kiến nhân dân (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và doanh nghiệp (VCCI) bên cạnh quyền góp ý trực tiếp các dự thảo VBQPPL của mọi tổ chức, cá nhân.
Đề xuất Điều 5 – Dự thảo Luật BHVBQPPL (Khôi phục lại Điều 5 Dự thảo trình ra Quốc hội 11/2014 - Phần gạch chân là phần đề nghị bổ sung thêm cho Điều 5 tại Dự thảo trình QH tháng 11/2014) “Điều 5. Tham gia xây dựng và thi hành văn bản pháp luật 1. Cá nhân, tổ chức có quyền góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản pháp luật, dự thảo văn bản pháp luật và thi hành văn bản pháp luật trực tiếp hoặc thông qua các đơn vị đầu mối như nêu tại khoản 2 và 3 Điều này. 2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức việc lấy ý kiến và phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên; liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân; về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. 3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh. 4. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi dự thảo văn bản pháp luật đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức thành viên có liên quan khác để lấy ý kiến.” |
[1] Theo Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội