Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 tại Hội thảo VCCI Hà Nội ngày 18/3/2015

Thứ Ba 11:51 07-04-2015

Ý KIẾN VÀ ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI DỰ THẢO THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ ĐÃ QUA SỬ DỤNG

 (gọi tắt là “Dự thảo Thông tư về Nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng”)

(Dự thảo lần 3)

Chuẩn bị bởi:

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

STT

Nội dung Dự thảo Thông tư về Nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng

Ý kiến đóng góp/ Đề xuất

1.       

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

“…

1. Thông tư này quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục nhập khẩu và hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, bao gồm cả linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế, nhằm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế  có mã số HS quy định tại Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2012 của Bộ Tài chính, thuộc các Chương:

a) Chương 84. Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng: Mã HS 84.02 đến 84.87.

b) Chương 85. Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên. Mã HS 85.01 đến 85.05; 85.07 đến 85.09; 85.11, 85.14, 85.15; 85.18 đến 85.22; 85.24 đến 85.33; 85.35; 85.36; 85.43; 85.45 đến 85.48.”

Các mã HS 85.18, 85.19, 85.21, 85.22, 85.45 – 85.48 không phù hợp với mục đích của Thông tư này, đề nghị xem xét xóa bỏ các mã này khỏi đối tượng áp dụng.

Không có mã 85.24, đề nghị chỉnh sửa lại.

Do không tồn tại HS Code để phân biệt giữa "hàng mới" và "hàng đã qua sử dụng" của máy móc, thiết bị là đối tượng điều chỉnh của Thông tư này, nên cần thiết phải có quy định và quy trình thủ tục cụ thể để quyết định đâu là "hàng mới" và "hàng đã qua sử dụng" khi làm thủ tục hải quan.

“2. Thông tư này không áp dụng đối với các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sau đây:

a) Quá cảnh; chuyển khẩu;

b) Tạm nhập, tái xuất (trừ các hợp đồng gia công; trường hợp nhập khẩu để sản xuất, thi công thực hiện các dự án đầu tư); tạm xuất, tái nhập;

c) Thực hiện hợp đồng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng với nước ngoài.

d) Phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mà trong nước chưa sản xuất được;

đ) Nhận chuyển giao trong nước từ các khu chế xuất; doanh nghiệp chế xuất (không thuộc khu chế xuất); giữa các khu chế xuất với nhau;

e) Phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng;

g) Hàng viện trợ của tổ chức phi chính phủ nước ngoài; hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức Chính phủ, tổ chức thuộc Liên hợp quốc, liên Chính phủ, các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài cho Việt Nam được thực hiện thông qua các văn kiện chính thức giữa các bên, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

h) Hàng được tặng, cho vì mục đích nhân đạo.

i) Máy móc, thiết bị thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (Danh mục sản phẩm nhóm 2) do Bộ Giao thông vận tải ban hành theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các phụ tùng, linh kiện, bộ phận thay thế của các máy móc, thiết bị này.”

Đề nghị quy định rõ ràng những hồ sơ cần thiết để thỏa mãn điều kiện không thuộc đối tượng áp dụng (đặc biệt ở mục c) d) e) g)).

2.       

Điều 3. Giải thích từ ngữ

"Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Máy móc, thiết bị là cụm các chi tiết, bộ phận có liên kết với nhau trong đó có ít nhất một chi tiết hoặc một bộ phận chuyển động cùng với các cơ cấu được dẫn động, điều khiển và mạch điện thích hợp, được ghép nối với nhau theo ứng dụng riêng, đặc biệt là cho gia công xử lý, dịch chuyển hoặc bao gói vật liệu.”

2. Dây chuyền công nghệ là hệ thống các máy móc, thiết bị, công cụ, phương tiện được bố trí lắp đặt theo sơ đồ, quy trình công nghệ bảo đảm vận hành đồng bộ để sản xuất sản phẩm.

3. Dây chuyền công nghệ đồng bộ là dây chuyền công nghệ có các thiết bị, công cụ, phương tiện do nhà cung cấp sản xuất, lắp đặt theo đúng thiết kế, trong cùng một thời điểm và có công suất/hiệu suất phù hợp trong cả dây chuyền, có thể sử dụng tự động hoặc bán tự động.  

4. Thời gian sử dụng (tính theo năm) là thời gian được xác định từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, tính đến thời điểm mở tờ khai hải quan.

5. Chất lượng còn lại (tính theo %) so với chất lượng ban đầu là mức độ đạt được của các thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng so với các thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ khi chưa sử dụng (mới 100%)."

Định nghĩa dây chuyền công nghệ không rõ ràng, đề nghị chỉ định theo mã HS, hoặc là xóa bỏ dây chuyền công nghệ khỏi Thông tư này.

3.       

Điều 6. Điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng

“…

3. Phù hợp Quy hoạch phát triển ngành do Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành phê duyệt.”

Đề nghị quy định rõ ràng và chi tiết về Quy hoạch phát triển ngành do Thủ tướng và các Bộ, ngành phê duyệt (tương ứng với sản phẩm nào thì có Quy hoạch nào).

4.       

Điều 7. Điều kiện nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng  

"…

1. Không thuộc Điều 5 Thông tư này.

2. Phù hợp với các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường theo quy định.

3. Phù hợp Quy hoạch phát triển ngành do Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành phê duyệt.

4. Có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên."

Định nghĩa dây chuyền công nghệ chưa rõ ràng, đề nghị hoặc quy định cụ thể theo mã HS, hoặc là xóa bỏ Điều 7.

Đề nghị quy định rõ ràng và chi tiết về Quy hoạch phát triển ngành do Thủ tướng và các Bộ, ngành phê duyệt (tương ứng với sản phẩm nào thì có Quy hoạch nào).

5.       

Điều 8. Điều kiện nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng

"Linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có tính năng phù hợp với máy móc, thiết bị cần thay thế sửa chữa.

2. Trong nước chưa sản xuất được.

3. Có chất lượng đạt từ 70% trở lên."

Đề nghị quy định chi tiết những linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế nào mà "trong nước chưa sản xuất được".

Đề nghị quy định rõ ràng rằng "linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế mà trong nước chưa sản xuất được" không bao gồm hàng giả, hàng nhái được sản xuất trong nước.

6.       

Điều 10. Hồ sơ, thủ tục nhập khẩu dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng         

"…

1. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khác thực hiện thủ tục nhập khẩu tại cơ quan hải quan nơi nhập khẩu hàng hóa. Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định, doanh nghiệp phải gửi tới cơ quan hải quan 01 bản chính Chứng thư giám định chất lượng, có nội dung chính theo yêu cầu tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, do tổ chức giám định đủ điều kiện quy định tại Điều 15 Thông tư này cấp.

Hoạt động giám định phải được Tổ chức giám định thực hiện tại nước xuất khẩu, trước khi dây chuyền công nghệ được tháo dỡ, đóng gói để xuất khẩu.

2. Cơ quan hải quan căn cứ tài liệu doanh nghiệp nộp, xác định dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này, thực hiện thủ tục thông quan theo quy định."

Giống như tại Điều 7, định nghĩa dây chuyền công nghệ chưa rõ ràng, đề nghị hoặc là quy định bằng mã HS, hoặc là xóa bỏ Điều 10.

7.       

Điều 15. Điều kiện, thủ tục để tổ chức giám định tham gia hoạt động giám định chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng

"…

1. Giai đoạn 1, từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến hết năm 2016: áp dụng theo Luật Thương mại

a) Tổ chức giám định đã được thành lập theo quy định của Luật Thương mại, có đăng ký lĩnh vực giám định máy móc, thiết bị, công nghệ; đáp ứng các yêu cầu tại Điều 14 Thông tư này cần gửi bản đăng ký tham gia hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng  kèm theo mẫu chứng thư giám định (bản scan) về Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bản đăng ký gồm các nội dung chính như sau:

- Tên tổ chức, địa chỉ liên lạc, website, Email. ĐT, Fax.

- Tên người đại diện tổ chức, người ký chứng thư giám định.

- Liệt kê các thông tin đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 14 Thông tư này.

- Liệt kê hoạt động giám đinh trong 2 năm gần nhất.

- Cam kết tuân thủ quy định của pháp luật và Thông tư này.

- Thủ trưởng tổ chức giám định đóng dấu, ký tên.

b) Sau 3 ngày làm việc, nếu đủ các thông tin theo quy định tại điểm a khoản này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ thông báo trên Công thông tin điện tử của Bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan biết, lựa chọn.

c) Để thuận lợi cho việc triển khai trong thời gian đầu Thông tư này có hiệu lực, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố một số tổ chức giám định đủ điều kiện theo Danh sách quy định tại Phụ lục II Thông tư này để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan biết, lựa chọn.

Danh sách này sẽ được thường xuyên cập nhật theo đăng ký của các tổ chức giám định đủ điều kiện khác."

Thời gian cho đến hết năm 2016 của Giai đoạn 1, đề nghị quy định rõ thủ tục, điều kiện để các tổ chức giám định nước ngoài được tham gia vào hoạt động giám định.

8.       

Điều 16. Chi phí giám định

“…

1. Chi phí giám định chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ do tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định chi trả theo thỏa thuận giữa các bên.”

Liên quan đến chi phí giám định thực hiện ở Việt Nam, không quy định dựa theo thỏa thuận giữa các bên, mà đề nghị xây dựng bảng chi phí cụ thể cho từng hạng mục sản phẩm.

9.       

Điều 20. Chế độ thông báo, báo cáo           

“…

3. Định kỳ tháng 12 hàng năm, tổ chức giám định tham gia hoạt động giám định chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải báo cáo tình hình thực hiện giám định hàng hóa gửi về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, quản lý chung. Mẫu báo cáo theo biểu mẫu tại Phụ lục IV Thông tư này.”

Việc tổ chức giám định nước ngoài từ sau này trở đi phải báo cáo kết quả giám định máy móc, thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam là không có tính khả thi, giả sử có thực hiện thì có khả năng làm tăng cao thêm chi phí giám định, vì vậy đề nghị xóa bỏ điều khoản này, hoặc nếu không sửa đổi thành Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị thực hiện.

10.   

Điều 23. Hiệu lực thi hành

“…

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2015.”

Liên quan đến việc chỉ định, công bố, thông báo các tổ chức giám định, phương pháp thực hiện giám định, cần có thời gian chuẩn bị, ngoài ra do có khả năng lớn là sau khi thông tư có hiệu lực sẽ phát sinh trở ngại, chậm trễ trong làm thủ tục thông quan nhập khẩu, nên đề nghị trước hết sẽ chỉ định các tổ chức giám định trong và ngoài nước, sau đó quy định dành một thời gian nhất định để các bên liên quan nhận biết rồi mới thực hiện Thông tư.

Các văn bản liên quan