Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 tại Hội thảo VCCI TP.HCM ngày 17/3/2015

Thứ Ba 11:46 07-04-2015

MỘT SỐ GÓP Ý CỦA HIỆP HỘI IN VIỆT NAM VỀ DỰ THẢO (LẦN 3) THÔNG TƯ SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VIỆC           NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DÂY CHUYỀN                                  CÔNG NGHỆ ĐÃ QUA SỬ DỤNG

                                                                                                                                                                                                                                                                        Nguyễn Văn Dòng

                                                                                                  Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam

I. Góp ý chung

            Thông tư quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là cần thiết để khắc phục tình trạng nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ quá lạc hậu, gây lãng phí cho xã hội, ảnh hưởng tới môi trường, sự phát triển của các ngành kinh tế và khả năng hội nhập.

            Tuy vậy, để Thông tư đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực cần đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản như sau:

            - Tính khoa học

            - Tính khả thi

            - Tránh gây nhiều phiền hà, lãng phí cho doanh nghiệp và những tiêu cực phát sinh.

II. Góp ý cụ thể

1. Điều 1 - Phạm vi điều chỉnh:

Cần loại ra những danh mục máy móc, thiết bị đã được chính phủ giao cho các Bộ chuyên ngành quản lý như trong Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 của Chính phủ đối với hoạt động in, trong đó có quy định về nhập khẩu thiết bị in giao cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết phù hợp với sự phát triển của công nghệ và thiết bị in trong từng giai đoạn.

2. Chương II, điều 6 - Điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị đã giao qua sử dụng:

- Tiêu chí: "Thời gian sử dụng không quá 10 năm"

Việc quy định niên hạn không quá 10 năm đối với tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành khác nhau là không hợp lý bởi đối với một số loại máy móc, thiết bị, trong đó có loại liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử, kỹ thuật số chẳng hạn thì niên hạn 10 năm là quá lạc hậu, trong khi những loại máy móc, thiết bị vận hành chủ yếu về cơ, do các nước có trình độ cơ khí chế tạo ở trình độ cao thì thời gian trên lại là ngắn.

            Cụ thể đối với ngành in: Những loại thiết bị, sắp chữ, dàn trang, ghi bản điện tử hoặc máy in kỹ thuật số thì chỉ sau 5 đến 7 năm các cơ sở in đã muốn thanh lý, bán cũng chẳng mấy ai mua. Trong khi đó, những loại máy in truyền thống như in offset, in ống đồng, in Flexo hoặc những máy gia công thành phẩm thì 20 năm hoặc hơn nữa dùng vẫn rất tốt nếu là các máy do CHLB Đức, Nhật Bản, Mỹ, Italia... sản xuất. Các loại máy này với niên hạn sử dụng 10 năm rất khó tìm mua trên thế giới trừ khi các công ty bị phá sản muốn thanh lý. Cũng cùng loại nhưng những máy do Trung Quốc sản xuất mới hoặc sử dụng một vài năm thì không mấy doanh nghiệp in Việt Nam muốn mua vì chất lượng còn kém xa các máy do các nước EU hoặc G7 sản xuất trước đó vài chục năm. Môt minh chứng cũng khá thú vị là có doanh nghiệp in Singapore đã sang Việt Nam săn lùng những máy in Typo được sản xuất bởi hãng Heidelberg (CHLB Đức)  từ những năm 70 của thế kỷ trước để về sử dụng làm máy bế hộp mà theo họ chất lượng và hiệu quả còn rất cao.

            Mặt khác, một số mặt hàng in ấn không đòi hỏi chất lượng cao, đặc biệt ở các địa phương nhỏ như in vé đò, vé xe, giấy tờ hành chính thông thường, thậm chí các tờ báo địa phương thì các doanh nghiệp không thể sử dụng những máy in hiện đại, thậm chí mới 10 năm sử dụng vì không kinh tế, vượt quá yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Việc sử dụng các loại máy này cũng không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm kinh phí đầu tư và không đòi hỏi cao về kỹ năng vận hành, phù hợp với chất lượng vật tư (giấy và mực in) của các loại sản phẩm đó.

            Rõ ràng tiêu chí 10 năm đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng đối với ngành in là quá cứng nhắc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiển.

- Tiêu chí: "Chất lượng còn lại từ 80% trở lên"

Đây là một tiêu chí mang tính định lượng nhưng trong dự thảo Thông tư lại không đưa ra phương pháp đo lường. Mà thực ra, Bộ khoa học và Công nghệ hay bất kỳ chuyên gia hoặc cơ quan nào có thể đưa ra được phương pháp xác định thế nào là một máy móc, thiết bị đã qua sử dụng còn lại 80% trở lên một cách khoa học, khả dĩ chấp nhận được bởi nhiều lý do:

            + Một chiếc máy, thiết bị có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chi tiết, trong quá trình sử dụng có sự hao mòn, hư hại khác nhau, có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng sản phẩm. Làm sao có một công thức để đánh giá chính xác hoặc tương đối chính xác chất lượng còn lại của máy móc thiết bị đó.

            + Việc giám định chất lượng cụ thể cũng không thể thực hiện bằng quan sát bình thường mà phải tháo dỡ máy ra để kiểm tra, thậm chí phải cho chạy thử trong một thời gian nhất định với các loại vật liệu khác nhau.

            + Trên thức tế, trong ngành in không có mấy cơ sở in tự nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng và đưa vào sử dụng ngay, mà họ thường mua lại thông qua các công ty chuyên xuất, nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị in đã qua sử dụng ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài (ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới có rất nhiều công ty như vậy). Các công ty này có những chuyên gia rất giỏi, họ có khả năng đánh giá chất lượng hiện trạng của từng loại máy móc thiết bị có khả năng sửa chữa, thay thế phụ tùng và phục hồi các chức năng để có thể sử dụng tốt sau một thời gian chạy thử rồi mới bán lại cho các cơ sở in. Như vậy tình trạng kỹ thuật của một chiếc máy khi nhập về đến khi bán cho khách hàng đưa vào sử dụng có sự nâng cấp rất đáng kể, trong đó nhiều chi tiết phải thay mới hoàn toàn. Do vậy, việc giám định chất lượng tại cửa khẩu không có ý nghĩa thực tế nữa.

            Tóm lại, tiêu chí "Chất lượng còn lại từ 80% trở lên" là khá "mù mờ", không có cơ sở đánh giá, dễ tạo ra các phiền hà về thủ tục, thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp, cho xã hội và rất dễ tạo ra tiêu cực.

3. Chương III - Hồ sơ thủ tục nhập khẩu:

- Ở đây có sự phân biệt về hồ sơ, thủ tục giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác. Có ý kiến cho rằng chỉ nên phân biệt bằng nguồn vốn nhà nước với các nguồn vốn khác. Nhưng thực tế việc sử dụng nguồn vốn khác như vốn tự có, vốn vay ngân hàng... ở các doanh nghiệp nhà nước cũng thường có vấn đề do người chủ hoặc người điều hành các doanh nghiệp không phải nhà nước thường có trách nhiệm rất cao đối với việc sử dụng nguồn vốn của mình hoặc của doanh nghiệp nên khi nhập khẩu máy móc, thiết bị hoặc dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng họ có ý thức hơn về tính hiệu quả của nó. Do đó quy định như trong hội thảo cũng có lý do của nó.

- Việc yêu cầu doanh nghiệp xuất trình chứng thư giám định chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị khác xa so với giám định vật tư, hàng hóa khác do không có tiêu chí đo lường, do không thể xác định được bằng trực quan, do không thể tháo dỡ từng chi tiết, bộ phận của máy tại cửa khẩu, do không có thời gian kiểm nghiệm thực tế khi máy chạy, do phần lớn các máy móc thiết bị còn được sửa chữa, phục hồi, thay thế phụ tùng trước khi sử dụng hoặc bán cho người sử dụng.

4. Về tổ chức thẩm định:

            Trong danh sách các tổ chức giám định giai đoạn I ở phụ lục II kèm theo dự thảo Thông tư 20, bao gồm Quatset1, 2, 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Vinacontrol Hà Nội, kể cả các Tổ chức quốc tế như SGS Việt Nam, Bureau Veritas Vietnam, theo chúng tôi đánh giá đều là các tổ chức giám định vật tư, hàng hóa, chất lượng công trình xây dựng...Các tổ chức này khó có thể giám định được chất lượng còn lại của máy móc thiết bị đã qua sử dụng, nhất là máy móc thiết bị ngành in. Ở các tổ chức này không có các chuyên gia và cũng không có đủ điều kiện để thực hiện việc đó. Theo chúng tôi, các chuyên gia có thể thực hiện việc giám định chất lượng máy móc, thiết bị in đã qua sử dụng hiện chỉ có ở các doanh nghiệp, các công ty chuyên kinh doanh máy móc thiết bị đã qua sử dụng của ngành in, các công ty cơ khí, sữa chữa ngành in, nhưng họ cũng chỉ xác định được chất lượng khi tháo dỡ máy và chạy thử máy trong một thời gian nhất định. Ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước về ngành in cũng không có các chuyên gia về lĩnh vực này. Các tổ chức tương tự ở nước ngoài cũng vậy, họ cũng chỉ giám định được chất lượng vật tư, hàng hóa với các tiêu chuẩn cụ thể. Do đó việc cấp chứng chỉ về chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị, cụ thể là ngành in cũng chỉ là hình thức, không có ý nghĩa, gây tốn kém, phiền hà và rất mất thời gian cho các doanh nghiệp in. Hậu quả được dự báo trước là máy móc, thiết bị nhập khẩu về sẽ nằm chết ở các cửa khẩu nhiều tháng trời, thậm chí hàng năm mà vẫn không có kết quả giám định, trừ khi có sự chạy đi chạy lại để có kết quả giám định...một cách hình thức.

Với các góp ý kể trên, đối với ngành in, chúng tôi kiến nghị giao cho Bộ quản lý ngành để có quy định, hướng dẫn thật cụ  thể và hợp lý, phù hợp với thực tiển và đặc thù của ngành. Hiệp hội In Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan quản lý ngành để các quy định hướng dẫn đáp ứng được mục tiêu quản lý của nhà nước và khả thi trong thực tế, góp phần để ngành in phát triển đúng hướng và mang lại hiệu quả.

Các văn bản liên quan