Đại Biểu Nguyễn Văn Phụng TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:23 05-12-2014

Nguyễn Văn Phụng - TP Hồ Chí Minh

Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Qua nghiên cứu dự thảo luật và theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường cần quy định việc lập thẩm định đánh giá tác động môi trường các dự án, kiểm tra việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường chặt chẽ, không để phát sinh các hậu quả xấu do thực hiện không đúng các quy định về bảo vệ môi trường, không đúng theo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhất là các dự án mang tầm chiến lược như xây dựng thủy điện, khai thác boxit v.v...

Đề nghị dự thảo luật nghiên cứu, bổ sung quy định về việc tham vấn ý kiến của từng địa phương để làm căn cứ cho quyết định chủ đầu tư dự án được chính xác hơn. Quy định rõ các doanh nghiệp phải có các kế hoạch, quy hoạch trong việc bảo vệ môi trường, nhất là đối với các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động phải có báo cáo đánh giá mức độ tác động môi trường định kỳ theo quy định của pháp luật.

Đề nghị dự thảo luật tiếp tục quy định thực hiện đề án bảo vệ môi trường đối với những doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh nhưng chưa có thủ tục môi trường, đây là cẩm nang cho doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường và là căn cứ để nhà nước quản lý.

Về các điều khoản cụ thể của dự thảo luật tôi xin có ý kiến như sau:

Khoản 5, Điều 66 về quản lý chất lượng môi trường có quy định: "Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có trách nhiệm tổ chức điều tra đánh giá và công khai thông tin về chất lượng môi trường đất". Khoản 2, Điều 67 "Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, cơ quan quản lý về môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, đô thị và khu công nghiệp". Tôi đề nghị quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ này.

Điều 107 về hệ thống xử lý nước thải, Khoản 4 điều này có quy định: "Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động v.v...". Tôi đề nghị cần làm rõ quy mô xả thải lớn như thế nào? Số lượng bao nhiêu là xả thải lớn.

Điều 150, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu để xảy ra sự việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài trên địa bàn do trách nhiệm quản lý của mình". Tôi đề nghị dự thảo cần làm rõ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài là như thế nào? Nếu như ô nhiễm môi trường mà không kéo dài thì sao? Kéo dài là thời gian như thế nào?

Thứ ba, Khoản 3, Điều 170 dự thảo luật thì việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp dân sự hợp đồng và các quy định pháp luật có liên quan. Mặt khác Khoản 3, Điều 171 về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường thì có ghi "thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác". Theo quy định Điều 607 Bộ luật Dân sự năm 2005 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại thì chỉ được khởi kiện trong vòng 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm, còn Khoản 3, Điều 171 dự thảo luật lại tính thời hiệu khởi kiện kể từ thời điểm tổ chức, cá nhân bị thiệt hại phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác. Thực tế nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện đã hết thời hiệu khởi kiện, đặc biệt là những thiệt hại do ô nhiễm hóa chất gây ra những bệnh hiểm nghèo. Việc quy định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là thời điểm phát hiệt thiệt hai theo dự thảo luật là phù hợp. Tuy nhiên cần thiết kế các điều khoản của dự thảo luật phù hợp với nội dung cần điều chỉnh, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực hiện thi hành luật. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan