Đại Biểu Nguyễn Thái Học tỉnh Phú Yên góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Nguyễn Văn Phụng TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Thạch Huôn tỉnh Sóc Trăng góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Thạch Huôn - Sóc Trăng
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều nội dung đã được bổ sung trong dự thảo luật, cơ bản tôi thống nhất để góp phần hoàn thiện dự thảo luật sát hợp với thực tế, tôi tham gia một số nội dung cụ thể như sau.
Thứ nhất, về sự cần thiết sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, tôi thống nhất với việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường lần này, vì một số nội dung trong Luật bảo vệ môi trường 2005 không còn phù hợp với tình hình thực tế về công tác bảo vệ môi trường hiện nay.
Thứ hai, về chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường, Điều 5, tại Khoản 1 và Khoản 11 điều này tôi đề nghị bổ sung cụm từ "hộ gia đình" vào sau cụm từ "tổ chức" và rà soát bổ sung tại một số điều, khoản khác trong dự thảo luật để bảo đảm đầy đủ đối tượng có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường và nhằm thống nhất theo phạm vi điều chỉnh của luật.
Tại Khoản 4, đề nghị bổ sung cụm từ "phát triển hạ tầng kỹ thuật môi trường" vào trước đoạn "ưu tiên xử lý" để đảm bảo đầy đủ các tính năng ưu tiên xây dựng các hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao để xử lý tập trung các vấn đề về môi trường.
Thứ ba, những hành vi bị cấm Điều 7. Đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về các hành vi bị cấm trong việc bảo vệ môi trường như: khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên liên tục làm suy kiệt và hủy hoại nguồn tài nguyên.
Thứ tư, về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường Điều 25. Đề nghị bổ sung vào Khoản 4, trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cùng tham gia vào việc thẩm định đánh giá tác động môi trường của các dự án, nhằm thể hiện trách nhiệm quản lý về môi trường hoặc tham gia tư vấn chuyên môn về bảo vệ môi trường cho các dự án triển khai có tác động môi trường có thể xảy ra trên địa bàn.
Thứ năm, về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường Điều 26 tại Khoản 1 đề nghị bổ sung cụm từ "tư vấn" sau cụm từ "lấy ý kiến". Như vậy, thành viên Hội đồng thẩm định và các cơ quan thẩm định có thể mở rộng các đối tượng tham gia thẩm định, đồng thời có thể thuê tổ chức tư vấn để đưa ra kết luận chính xác hơn.
Thứ sáu, về thu gom, xử lý nước thải, Điều 106. Tại Khoản 1. Điều này quy định đô thị, khu dân cư tập trung phải có hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải. Theo tôi, quy định này hiện nay chưa thể thực hiện được, vì điều kiện tự nhiên và cơ sở vật chất của nhà nước là chưa đảm bảo, đề nghị chỉ quy định cho một số khu đô thị mới có quy hoạch từ ban đầu. Tại Khoản 2 đề nghị cần xem xét quy định nước thải của các đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thực tế quy định này chỉ áp dụng đối với các đối tượng có quy mô sản xuất lớn, có đủ điều kiện tài chính, còn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô nhỏ, hộ gia đình thì chỉ nên quy định là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nếu không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Thứ bảy, về trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, Điều 168. Đề nghị cần bổ sung một khoản quy định thêm trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã để phù hợp với thực tế của địa phương và thống nhất với Điều 150 về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp.
Trên đây là ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Xin cám ơn Quốc hội.