Đại Biểu Đặng Đình Luyến tỉnh Khánh Hòa góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Lê Đắc Lâm tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Trần Văn Minh tỉnh Quảng Ninh góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Trần Văn Minh - Quảng Ninh
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin đề cập luôn vào một số nội dung:
Một, về nguyên tắc cấp độ quy hoạch bảo vệ môi trường Điều 8, Khoản 3 có quy định "kỳ quy hoạch bảo vệ môi trường là 10 năm, tầm nhìn đến 20 năm". Theo tôi cần phải quy định lại là "cùng với kỳ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội", có như vậy thì mới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tại Điểm a, Khoản 1. Với quy định là có thể lồng ghép quy hoạch bảo vệ môi trường vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở cấp tỉnh tại Khoản 2, Điều 9.
Hai, về đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược tại ĐIều 13, tôi nhất trí phải thực hiện DMC cho chiến lược quy hoạch của các đối tượng đã được quy định trong dự thảo. Nhưng riêng quy định phải thực hiện DMC cho kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực ở Khoản 4 cần phải xem xét lại tính cần thiết để việc thực hiện DMC được thực chất tránh lãng phí. Nếu có thì chỉ cần thực hiện DMC đối với kế hoạch từ 5 năm trở lại vì các kế hoạch ngắn hạn chỉ mang tính chất tác nghiệp thực hiện ĐMC là không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và tiền bạc. Nếu cần phải thực hiện ĐMC đối với kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực từ 5 năm trở lên thì cũng cần phải quy định cụ thể trong luật, để tạo khung pháp lý cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục như đã quy định ở Khoản 7.
Ba, về tham vấn trong quá trình thực hiện, đánh giá tác động môi trường ở Điều 22, dự thảo luật trình kỳ họp 6 dành Điều 15 và Điều 16 quy định về tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần phải thể hiện lại các quy định này theo hướng mở rộng đối tượng tham vấn và cụ thể hơn cách thức tiến hành tham vấn để đảm bảo việc tham vấn được thực hiện nghiêm túc, thiết thực, giảm thiểu các xung đột có thể xảy ra giữa cộng đồng dân cư và chủ dự án trong quá trình xây dựng, vận hành dự án. Dự thảo luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội vào tháng 3 năm 2014 còn dành lại một điều là Điều 22 quy định về nội dung này. Nhưng đến dự thảo luật trình kỳ họp này thì chỉ còn duy nhất một Khoản 2 trong Điều 22 quy định chủ đầu tư phải tổ chức tham vấn các cơ quan nhà nước, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Như vậy, ngược lại với kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội, dự thảo luật ngày càng thu gọn, đơn giản hóa nội dung này đến mức chỉ còn quy định trách nhiệm của chủ đầu tư là phải tổ chức tham vấn, không có điều, khoản giao cho cơ quan nào quy định cụ thể, không có bất cứ một giải thích nào trong Báo cáo giải trình, tiếp thu. Tôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nội dung về việc tham vấn để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Bốn, về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sau khi bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận ở Điều 35, Khoản 2 có quy định trong trường hợp để xảy ra sự cố môi trường phải dừng hoạt động và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp huyện, nơi thực hiện dự án để được chỉ đạo, xử lý. Khi đối chiếu lại với Điều 34 về quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xác nhận bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, tôi thấy có một số bất cập sau:
Thứ nhất, nếu đối tượng được triển khai trên địa bàn cả 2 xã trở lên ở Khoản 1, Điều 34, nhưng sự cố môi trường chỉ xảy ra ở một xã thì có phải dừng hoạt động và báo cáo Ủy ban nhân dân ở các xã còn lại không.
Thứ hai, nếu đối tượng chỉ triển khai trên địa bàn một xã, Khoản 2, Điều 34 mà phải báo cáo cả Ủy ban nhân dân cấp huyện thì thật sự không cần thiết.
Thứ ba, nếu đối tượng được triển khai trên địa bàn 2 huyện trở lên, Khoản 3, Điều 34 thì báo cáo lại không được gửi đến cơ quan quản lý môi trường cấp tỉnh là nơi xác nhận bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Để khắc phục được các bất cập trên, tôi đề nghị sửa Khoản 2, Điều 35 như sau: Trong trường hợp để xảy ra sự cố môi trường, phải dừng hoạt động và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xảy ra sự cố và cơ quan đã xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường để được chỉ đạo xử lý. Ngoài ra để đảm bảo quy định của luật phủ đúng, đủ các đơn vị hành chính đề nghị thêm từ cấp trước từ xã, huyện ở các Khoản 1, 2, 3.
Năm, về bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản ở Điều 4, tại Khoản 1, điểm d, đề nghị bỏ quy định các hoạt động thăm dò khoáng sản phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường do các hoạt động này cơ bản không phá hủy địa hình thảm thực vật, nhưng lại cần bổ sung thêm cụm từ sau khi kết thúc để bảo đảm quá trình cải tạo, phục hồi môi trường liên tục và phù hợp với điều kiện sản xuất. Sau khi sửa điểm d sẽ là: phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình khai thác, chế biến khoáng sản và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong và sau khi kết thúc quá trình khai thác và chế biến khoáng sản.
Khoản 3 quy định máy móc, thiết bị sử dụng trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có chứng chỉ kỹ thuật, có lẽ phải nói là có chỉ tiêu đạt tiêu chuẩn môi trường. Trên thực tế các cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản có đến hàng trăm loại với số lượng hàng nghìn máy móc, thiết bị khác nhau, trong đó có nhiều loại thiết bị sử dụng năng lượng điện không phát thải. Do vậy, cần bổ sung cụm từ "có phát thải" sau cụm từ "thiết bị để chỉ cần quản lý máy móc, thiết bị có phát thải" cho phù hợp với thực tế và yêu cầu bảo vệ môi trường. từ thực tế Quảng Ninh địa phương có nhiều cơ sở thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản có quy mô lớn trong cả nước, tôi cũng đã tham gia tại phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về nội dung này nhưng chưa được tiếp thu, nên tôi xin đề nghị xem xét thêm.
Sáu, về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa ở Điều 81, tôi cũng rất băn khoăn cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ được quy định tại Khoản 3. Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có rất nhiều tác hại, tôi cũng có những phân tích tương tự như đại biểu Huỳnh Minh Hoàng ở đoàn Bạc Liêu nên xin phép không nhắc lại. Mặc dù trong dự thảo cũng đã có quy định phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và giao cho Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, nhưng thực tế khó có thể kiểm soát được hoạt động này một cách chu đáo. Khi đó, bên cạnh một số lợi ích kinh tế, việc làm như đã giải trình, chúng ta sẽ phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, những thiệt hại kinh tế và bức xúc dư luận do hoạt động này gây ra. Vì vậy tôi đề nghị Quốc hội xem xét cân nhắc hết sức cẩn trọng về quy định này.
Tôi còn 6 nội dung góp ý nhưng hết thời gian, tôi xin gửi cho Đoàn thư ký sau. Xin cảm ơn Quốc hội.