Đại Biểu Trần Thị Quốc Khánh TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Trần Văn Minh tỉnh Quảng Ninh góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại Biểu Đặng Đình Luyến tỉnh Khánh Hòa góp ý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đặng Đình Luyến - Khánh Hòa
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin phép tham gia một số ý kiến về dự án luật này. Thứ nhất, chúng tôi nhất trí cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội và tán thành với nhiều nội dung của dự thảo, cũng như các ý kiến đã phát biểu trước đây. Sau đây, chúng tôi xin phát biểu đề nghị cân nhắc một số vấn đề sau:
Một, về bố cục của dự thảo luật. Về cơ bản, chúng tôi nhất trí với bố cục của dự thảo luật gồm 20 chương với 179 điều. Tuy nhiên, chúng tôi thấy dự án Luật bảo vệ môi trường là một dự án luật rất quan trọng, đặc biệt nó quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên bổ sung một điều ở Chương I là chương những quy định chung về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường.
Vấn đề thứ hai, tại Điều 7 có quy định về những hành vi bị nghiêm cấm. Về cơ bản, chúng tôi đồng tình với nhiều nội dung quy định trong điều này. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cân nhắc Khoản 17, chúng ta quy định là các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Bởi vì chúng tôi nghĩ rằng việc quy định hành vi cấm liên quan đến quyền của công dân, nó cho phép cơ quan, tổ chức không được tiến hành các hoạt động này và trường hợp bị nghiêm cấm hoặc bị hạn chế là phải do luật quy định theo quy định của Hiến pháp. Do đó, chúng ta quy định Khoản 17 là quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác về bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật, như vậy sau khi luật này ban hành có thể có những văn bản dưới luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác. Như vậy, nó trái với tinh thần quy định của Hiến pháp, chúng tôi đề nghị bỏ Khoản 10 của Điều 7.
Vấn đề thứ ba, về Điều 81 bảo vệ môi trường trong nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa. Tại Khoản 3 có quy định là việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng các quy chuẩn v.v... Chúng tôi tán thành với nhiều ý kiến đã phân tích. Có lẽ đây là vấn đề phải cân nhắc, bởi vì việc nhập khẩu các tàu đã qua sử dụng, đã hỏng về để chúng ta tháo dỡ ra thì có thể lợi ích kinh tế là chúng ta được một phần nào đó hoặc giải quyết việc làm cho người dân. Nhưng hậu quả rất lớn về vấn đề môi trường sau này, bởi vì các chất thải độc hại sẽ tồn lại ở nước ta. Do đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, vì vậy chúng tôi tán thành với nhiều ý kiến đã phát biểu trước là không nên quy định vấn đề này, không cho phép nhập khẩu các tàu đã qua sử dụng về để phá dỡ để lấy nguyên liệu hoặc linh kiện.
Vấn đề thứ tư về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại Chương XIV, tôi tán thành để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên tôi đề nghị cân nhắc một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất là Điều 147 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Chính phủ trong đó giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước. Điều 148 quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thực ra hai nội dung này có mối quan hệ với nhau, do đó tôi đề nghị nên nhập hai điều này thành một điều.Trên thực tế ta đã ban hành nhiều luật trong đó quy định hai nội dung này trong một điều hoặc trong một khoản. Tôi đề nghị nên nhập hai điều này thành một.
Thứ hai là Điều 151 quy định cơ quan, cán bộ chuyên môn về bảo vệ môi trường, tôi đề nghị cân nhắc điều này, bởi lẽ tại Khoản 1, Điều 151 có quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc thì vô hình chung trùng lặp và mâu thuẫn với quy định ở Điều 147 và Điều 148 mà tôi đề cập ở trên. Do đó, tôi đề nghị bỏ khoản này. Còn Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 thì quy định về việc tổ chức hoặc bộ phận chuyên trách bảo vệ môi trường thì tôi đề nghị cũng cần cân nhắc vì sẽ không thống nhất với các quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân mà tới đây ta sẽ ban hành Luật chính quyền địa phương hoặc Luật cán bộ, công chức. Tôi đề nghị rà soát hoặc có quy định để bảo đảm thống nhất.
Vấn đề thứ năm, Điều 158 quy định về quỹ bảo vệ môi trường cho phép thành lập các quỹ bảo vệ môi trường ở trung ương, ở ngành, ở lĩnh vực, ở địa phương để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường tôi đề nghị cân nhắc vấn đề này. Vì theo quy định này thì sẽ thành lập quỹ này và nguồn quỹ này được lấy từ ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc lấy từ phí thu bảo vệ môi trường, hoặc các khoản khác và vô hình chung đây cũng là một nguồn từ ngân sách nhà nước. Hơn nữa tôi được biết hiện nay ở nước ta có tới trên 50 quỹ, có nhiều quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và trên thực tế hoạt động các quỹ này không hiệu quả, nhiều khi các khoản chi trùng lập với việc chi ngân sách nhà nước. Do đố chúng tôi đề nghị cần cân nhắc có nên thành lập quỹ này không? Quỹ quy định ở đây không rõ là việc quản lý thế nào? Mục đích sử dụng như thế nào? Ở đây chúng ta chỉ nói là việc sử dụng quỹ này để chi cho hỗ trợ bảo vệ môi trường, vậy vô hình chung nó sẽ dẫn tới việc trùng lập trong việc chi tiêu giữa quỹ này với ngân sách. Hơn nữa việc chi cho bảo vệ môi trường Điều 155, Điều 156 chúng ta đã quy định về việc lấy ngân sách nhà nước để chi cho hoạt động bảo vệ môi trường. Chúng tôi đề nghị cần phải xem lại vấn đề này.
Vấn đề thứ sáu, về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường. Qua nghiên cứu các quy định về xử lý vi phạm Điều 169, khiếu nại, tố cáo khởi kiện về môi trường Điều 171 và một số quy định khác, chúng tôi thấy quy định ở đây nó sẽ trùng lập với các quy định trong các luật chuyên ngành. Vì vậy chúng tôi đề nghị những vấn đề gì được quy định trong luật chuyên ngành thì không nên quy định ở đây để tránh trùng lập và vừa khéo, vì trong các luật chuyên ngành chúng ta quy định khá cụ thể về những vấn đề này rồi, chúng tôi đề nghị không nên quy định ở đây. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.