Đại biểu Trương Minh Hoàng tỉnh Cà Mau góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh TP Hồ Chí Minh góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Thành Bộ tỉnh Thanh Hóa góp ý kiến dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 của QH
Nguyễn Thành Bộ - Thanh Hoá
Kính thưa Quốc hội,
Qua nghiên cứu toàn văn dự thảo Luật phá sản, đánh giá dự thảo trên cả phương diện lý luận, phương diện lập pháp và thực tiễn, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau.
Một, về xác định tiêu chí doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán Khoản 1, Điều 4. Theo Khoản 1, Điều 4 dự thảo: tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu. Việc xác định như vậy là chung chung, dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, từ đó khó áp dụng trên thực tế.
Thứ nhất, dự thảo không quy định rõ doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán nợ đến hạn là không thanh toán được toàn bộ hay một phần khoản nợ đến hạn này. Theo tôi kể cả trong trường hợp doanh nghiệp đã thanh toán được một phần nợ đến hạn, còn một phần chưa thanh toán được vẫn xác định lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Vì khi không thanh toán được khoản nợ đến hạn dù là nhỏ hay lớn đã xâm phạm đến quyền lợi của chủ nợ, đồng thời đây cũng là bằng chứng để chứng minh năng lực tài chính hiện tại của doanh nghiệp. Mặt khác, việc quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng đối phó của doanh nghiệp mắc nợ, doanh nghiệp không thể lấy lý do trả một khoản tiền nhỏ trong tổng số nợ lớn để loại trừ tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Thứ hai, về tiêu chí chủ nợ có yêu cầu nêu trong dự thảo cũng chưa phù hợp. Vì về nguyên tắc doanh nghiệp, hợp tác xã đã mắc nợ phải có nghĩa vụ thanh toán cho chủ nợ đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật. Ngay cả khi chủ nợ không có yêu cầu thì việc thanh toán nợ đến hạn vẫn được xác định là nghĩa vụ mà doanh nghiệp mắc nợ phải thực hiện.
Thực tiễn giải quyết các vụ án đòi nợ hay vụ án phá sản cho thấy rất nhiều doanh nghiệp mắc nợ đã cố tình không xác nhận nợ, không nhận văn bản đòi nợ và từ chối giao dịch với chủ nợ, làm cho chủ nợ không có căn cứ để chứng minh về việc đã yêu cầu doanh nghiệp mắc nợ để trả nợ. Như vậy quy định tiêu chí chủ nợ có yêu cầu vô tình đã biến quyền của chủ nợ thành nghĩa vụ của chủ nợ khi nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Đây cũng chính là khe hở để doanh nghiệp mắc nợ dựa vào gây khó khăn cho chủ nợ cho việc chứng minh đã có yêu cầu đòi nợ với doanh nghiệp mắc nợ.
Từ những phân tích nêu trên tôi đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 4 dự thảo như sau: Mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán hoặc thanh toán không hết khoản nợ đến hạn.
Hai là về quyền nộp đơn của chủ nợ, Khoản 1, Điều 5, về chủ thể là chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục tuyên bố phá sản. Tôi đề nghị không đưa chủ nợ có bảo đảm một phần trở thành chủ thể có quyền nộp đơn vì: Trường hợp thứ nhất, nếu xác định rõ phần nợ có bảo đảm, phần nợ không có bảo đảm trong tổng số nợ, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với phần nợ không có bảo đảm với tư cách chủ nợ không có bảo đảm.
Trường hợp thứ hai, nếu chưa xác định được cụ thể phần nợ có bảo đảm, phần nợ không có bảo đảm trong tổng số nợ, trong trường hợp này nếu không xử lý tài sản đảm bảo, chủ nợ không thể biết được khoản nợ không có bảo đảm là bao nhiêu. Do đó, việc trao quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản cho chủ nợ sẽ dẫn đến trong bất cập xử lý tài sản đảm bảo, bất cập trong xác định yếu tố mất khả năng thanh toán nợ đến hạn của doanh nghiệp mắc nợ, vô hình chung đã thừa nhận quyền nộp đơn của chủ nợ có bảo đảm. Vì vậy, tôi cho rằng đối với chủ nợ có bảo đảm toàn bộ hay bảo đảm một phần đều không được thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản khi các chủ nợ này đã xử lý tài sản đảm bảo và xác định rõ số nợ còn lại không có bảo đảm thì họ được thực hiện quyền của chủ nợ không có bảo đảm. Do đó tôi đề nghị sửa Khoản 1, Điều 5 về chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản chỉ duy nhất chủ nợ không có bảo đảm.
Về điều kiện nộp đơn, Khoản 1, Điều 5 dự thảo quy định: Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán được khoản nợ đến hạn trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu. Như phân tích tại mục 1 trên đây, thanh toán nợ đến hạn là nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ mà không phụ thuộc vào việc chủ nợ có hay không có yêu cầu. Mặt khác, việc không thanh toán nợ đến hạn phải quy định cụ thể là không thanh toán hết nợ đến hạn thì mới tránh được tình trạng đối phó của doanh nghiệp mắc nợ. Tình trạng hiểu khác nhau của cơ quan áp dụng pháp luật về thời hạn 3 tháng quy định như trong dự thảo là dài, dễ tạo khe hở cho doanh nghiệp mắc nợ tẩu tán tài sản, mặc dù Luật Phá sản cũng đã quy định về tuyên bố giao dịch vô hiệu nhưng nếu tài sản của doanh nghiệp bị tẩu tán rất khó thu hồi được trên thực tế, theo tôi thời hạn trên là 30 ngày là phù hợp. Mặt khác thời hạn 30 ngày phải được tính từ ngày vi phạm thời hạn thanh toán, chứ không phải tính từ ngày chủ nợ có yêu cầu như trong dự thảo.
Ba la chế định quản tài viên, Điều 10, Điều 11, tôi cho rằng việc đưa chế định quản tài viên vào dự thảo là một bước đột phá của ban soạn thảo, khắc phục được phần lớn những kẽ hở, bất cập của luật trong việc giải quyết vụ án phá sản. Tuy nhiên, dự thảo trao cho quản tài viên rất nhiều quyền năng nhưng lại không đưa ra các thiết chế kiểm soát trong trường hợp quản tài viên bao che câu kết với doanh nghiệp, hợp tác xã khi bị mở thủ tục yêu cầu phá sản chúng ta sẽ không có cơ sở pháp lý để xử lý. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 11 nội dung như sau: quản tài viên định kỳ 1 tháng 1 lần báo cáo bằng văn bản cho tòa án về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Trên đây là một số đóng góp của tôi vào dự thảo Luật Phá sản kính trình Quốc hội xem xét và quyết định.