VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BYT-BCT-BNNPTNT của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương Quy định điều kiện, trình tự thủ tục, chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất
Kính gửi: Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 11614/BTC-QLCS của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Nhà, đất không thực hiện sắp xếp, xử lý (Điều 3)
Điểm c khoản 3 Điều 3 Dự thảo quy định xử lý một số trường hợp cụ thể đối với sử dụng nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng thuộc hoặc không thuộc phạm vi sắp xếp lại “đối với nhà, đất đang sử dụng để liên doanh, liên kết theo đúng quy định của pháp luật thì thực hiện theo hợp đồng đã ký; trong thời gian liên doanh, liên kết (kể cả thời gian được gia hạn hợp đồng theo quy định của pháp luật) thì không thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định này”.
Quy định yêu cầu “theo đúng quy định của pháp luật” có thể gây khó trong quá trình triển khai. Không rõ cơ quan nào sẽ xác nhận nhà, đất đang sử dụng để liên doanh, liên kết là đúng quy định của pháp luật? Điều này cũng có thể tạo ra sự lúng túng trong quá trình thực thi, vì không rõ có phải thực hiện thủ tục để xác định việc sử dụng nhà, đất để liên doanh, liên kết là “đúng quy định của pháp luật” hay không?
Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực thi, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng, đối với nhà, đất đang sử dụng để liên doanh, liên kết không có kết luận sai phạm của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm được xem xét thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký.
- Kiểm tra hiện trạng, lập phương án, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý (Điều 6)
Theo quy định tại Điều 6 Dự thảo, cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất quy định đồng thời là cơ quan chủ trì kiểm tra hiện trạng nhà, đất. Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng nhà, đất và phương án đề xuất sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất và lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi có nhà, đất). Nếu quá thời hạn mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa có ý kiến thì cơ quan có thẩm quyền lập phương án trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương dể xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền. “Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước ở địa phương nếu phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt không phù hợp với quy định của pháp luật”.
Quy định UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt “không phù hợp với quy định của pháp luật” cần được cân nhắc, xem xét. Bởi vì, dù có ý kiến của địa phương hay không, về nguyên tắc, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phải “phù hợp với quy định của pháp luật”. Quy định về quá trình lập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, ý kiến của UBND cấp tỉnh cũng không phải là căn cứ quyết định cho việc phê duyệt phương án. Vì vậy, quy định trách nhiệm của UBND trong trường hợp này dường như chưa thực sự hợp lý.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước ở địa phương nếu phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt không phù hợp với quy định của pháp luật”. Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất sẽ được triển khai theo phương án đã phê duyệt, trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề chưa phù hợp với địa phương thì UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm vì việc chưa có ý kiến.
- Thu hồi (Điều 11)
Khoản 5 Điều 11 Dự thảo quy định “quá thời hạn bàn giao theo quy định mà cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất thu hồi không thực hiện bàn giao thì cơ quan được giao tổ chức thực hiện quyết định thu hồi có trách nhiệm báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế thu hồi nhà, đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà, đất thực hiện theo quy định áp dụng đối với cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Chi phí thực hiện cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất bị cưỡng chế chi trả từ nguồn kinh phí không phải ngân sách nhà nước”.
Pháp luật về đất đai quy định, “trường hợp phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất thì đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện cưỡng chế trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quyết định” (khoản 3 Điều 27 Nghị định 88/2024/NĐ-CP). Theo quy định này, chi phí thực hiện cưỡng chế không phải do cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất bị cưỡng chế chi trả. Quy định tại khoản 5 Điều 11 Dự thảo là chưa phù hợp với pháp luật đất đai. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “Chi phí thực hiện cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất bị cưỡng chế chi trả từ nguồn kinh phí không phải ngân sách nhà nước”.
- Điều chuyển (Điều 12)
Khoản 3 Điều 12 Dự thảo quy định “doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sau khi tiếp nhận được giữ lại tiếp tục sử dụng làm văn phòng làm việc. Trường hợp doanh nghiệp này không còn nhu cầu sử dụng vào mục đích làm văn phòng làm việc hoặc sử dụng không đúng mục đích thì Nhà nước thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Quy định này cần xem xét ở các điểm sau, trong trường hợp, doanh nghiệp không sử dụng hết công suất nhà, đất thì có quyền được khai thác kinh doanh hay không? Nếu không được phép khai thác kinh doanh, ngoài việc làm văn phòng làm việc khiến cho việc sử dụng tài sản công bị lãng phí, khai thác không hiệu quả. Mặt khác, theo tinh thần của quy định tại Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, đơn vị, tổ chức được phép khai thác kinh doanh tài sản công nếu không sử dụng hết công suất.
Để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng, doanh nghiệp được phép sử dụng nhà, đất vào mục đích kinh doanh nếu không sử dụng hết công suất.
- Xử lý nhà, đất sử dụng không đúng quy định (Điều 15)
Điểm d khoản 3 Điều 15 Dự thảo quy định việc xử lý cho trường hợp sử dụng toàn bộ cơ sở nhà, đất hoặc một phần cơ sở nhà, đất để cho mượn, cho thuê, hợp tác, kinh doanh, liên doanh, liên kết không đúng quy định hoặc các hình thức sử dụng khác không đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật khác có liên quan theo đó “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ướng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng nhà, đất không đúng quy định (sau khi trừ các khoản thuế đã nộp cho số thu đó) vào ngân sách trung ương (đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý), vào ngân sách địa phương (đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý)”.
Các tổ chức được Nhà nước giao đất để xây dựng trụ sở làm việc. Một số tổ chức này không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên, phải tự tìm kiếm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, trong đó có các hoạt động là các Nhiệm vụ Nhà nước giao. Trên thực tế, các tổ chức này không sử dụng hết công suất trụ sở và đã cho thuê, thực hiện kinh doanh, liên doanh liên kết từ các cơ sở vật chất không sử dụng hết này để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công cho phép việc cho thuê, liên doanh, liên kết nếu không sử dụng hết công suất và cũng đã trao quyền tự chủ cho tổ chức trong việc quyết định này sau khi có sự thống nhất với cơ quan có thẩm quyền. Hoạt động cho thuê, liên doanh liên kết này phù hợp với Điều lệ hoạt động của tổ chức, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chưa phù hợp về mặt thủ tục theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với các trường hợp này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉ phải nộp số tiền sau khi trừ các khoản thuế đã nộp cho số thu đó và các chi phí hợp lý, hợp lệ để duy tu, sửa chữa, vận hành tài sản đó.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.