Đại biểu Khúc Thị Duyên tỉnh Thái Bình góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tỉnh Quảng Bình góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tỉnh BÌnh Dương góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH
Nguyễn Thanh Hồng - Bình Dương
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội,
Trước tiên, tôi đồng tình với Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các vấn đề về độ tuổi kết hôn như quy định của luật hiện hành đưa ra khỏi dự thảo luật quy định về ly thân, kết hôn của người đồng giới. Tôi xin tham gia các vấn đề như sau.
Một, về quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình, tôi đồng tình với việc Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình việc không cần thiết phải thiết kế riêng một chương quy định về trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp là do phạm vi quản lý nhà nước về vấn đề hôn nhân và gia đình rộng, thuộc trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau, trong dự thảo luật đã có nhiều điều quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức đối với từng vấn đề cụ thể. Trên tinh thần đó, dự thảo luật đã đưa ra quy định có tính chất nguyên tắc về trách nhiệm quản lý nhà nước về hôn nhân, gia đình, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình. Các bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo luật sẽ không khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp như giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Báo cáo tổng kết 12 năm thực hiện Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 cho thấy nguyên nhân của các bất cập và hạn chế trong việc triển khai tổ chức thi hành luật là do công tác quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình, nhất là do có sự biến động về phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực này giữa các ngành, cho nên dẫn đến sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, các địa phương. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, bồi dưỡng chuyên sâu chưa được thực hiện đầy đủ, công tác thanh tra, giám sát xử lý vi phạm nhất là xử lý các vi phạm quy định về chế độ hôn nhân và gia đình chưa được tiến hành thường xuyên. Chính vì vậy, theo tôi trong dự thảo luật cần đưa ra các nguyên tắc trong việc phân công cho từng Bộ, ngành xác định rõ Bộ, ngành nào làm đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước tham mưu đề ra các chính sách để hôn nhân gia đình khắc phục những tồn tại nêu trên.
Thực tế hiện nay Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch được Chính phủ giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình.Việc phân công này là hợp lý, phù hợp, có hiệu quả vì vậy cần được quy định trong luật để đảm bảo sự ổn định.
Thứ hai, về việc áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình. Theo Tờ trình của Chính phủ lý do sửa đổi và tiếp tục thực hiện áp dụng tập quán đẹp về hôn nhân, gia đình là để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của một bộ phận người dân, nhất là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cụ thể trong việc áp dụng luật, giải quyết các vụ việc về hôn nhân gia đình. Theo tôi các lý do nêu trên là chưa thực sự thuyết phục. Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng việc áp dụng tập quán trong hôn nhân, gia đình sẽ phá vỡ hệ thống của một hệ thống pháp luật, khó áp dụng luật trong việc giải quyết các tranh chấp, vì mỗi dân tộc một phong tục, tập quán riêng, khó có thể đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định phong tục tập quán nào là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình được lặp đi lặp lại trong một thời gian dài và được thử nghiệm rộng rãi trên các vùng miền hoặc một cộng đồng cho từng dân tộc và trong mỗi phong tục, tập quán của mỗi dân tộc.
Quy định như vậy không đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc trong việc thực hiện chế độ hôn nhân, gia đình. Ngoài ra, nếu theo quy định tại Điều 7 của dự thảo luật tập quán về hôn nhân, gia đình được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện: Một là pháp luật không có quy định. Hai là các bên không có thỏa thuận. Ba là không trái với 5 nguyên tắc được quy định tại Điều 2 của dự thảo. Bốn là không vi phạm 9 điều cấm của luật này thì sẽ được áp dụng. Đây là các quy định rất chặt chẽ và khó có một phong tục nào của các dân tộc đang sinh sống trên đất nước của chúng ta có thể thỏa mãn được các điều kiện nêu trên. Vì vậy tôi đề nghị không nên quy định việc áp dụng phong tục, tập quán trong hôn nhân và gia đình, vì không thực sự cần thiết và không có tính khả thi.
Về quy định giải quyết hậu quả việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, trong quá trình thảo luận các đại biểu Quốc hội tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung đều đề nghị cần quy định chặt chẽ vấn đề này để đảm bảo lợi ích của phụ nữ, đồng thời không làm gia tăng tỷ lệ chung sống không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên theo tôi vấn đề này cần được xem xét thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn. Đến nay chưa có con số thống kê chính thức về số lượng các cặp nam nữ chung sống như vợ chồng. Tuy nhiên, theo số liệu của một số công trình nghiên cứu cho thấy Việt Nam có khoảng 300.000 cặp đang chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Theo đánh giá của các tác giả nghiên cứu, đây chỉ là con số bề nổi, phản ánh những người tự nguyện khai báo, còn rất nhiều người cho rằng đó là việc riêng của họ, pháp luật và chính quyền không việc gì phải quan tâm.
Mặc dù Nghị quyết số 35 năm 2000 của Quốc hội hướng dẫn về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình mở ra một hướng xử lý triệt để vấn đề này nhưng tình trạng chung sống như vợ chồng vẫn đang có xu hướng gia tăng. Theo tôi, trong các nguyên nhân có một nguyên nhân mang tính quyết định là do pháp luật chưa có một cơ chế hữu hiệu để xử lý tình trạng này. Điều này tiếp tục được thể hiện trong dự thảo luật trình Quốc hội thông qua. Nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi tại sao Nhà nước không công nhận hôn nhân đồng giới, không quy định việc giải quyết hậu quả chung sống của những người đồng giới nhưng lại không loại bỏ các quy định giải quyết hậu quả chung sống như vợ chồng ra khỏi dự thảo luật để đảm bảo Nhà nước chỉ bảo hộ hôn nhân hợp pháp.
Tại sao trong Điểm d, Khoản 2, Điều 5 dự thảo luật về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình chỉ cấm việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu trực hệ, giữa người có dòng họ trong phạm vi 3 đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa những người từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ như quy định của dự thảo luật mà lại không cấm việc nam nữ chung sống như vợ chồng. Quy định như vậy vô hình chung đang dung dưỡng quan hệ hôn nhân và gia đình trái với nguyên tắc cơ bản về chế độ hôn nhân và gia đình ghi trong luật, làm phát sinh những hệ lụy xấu đối với xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và là một bước lùi so với Luật hôn nhân và gia đình hiện hành. Vì vậy, tôi đề nghị trong luật quy định cấm việc chung sống như vợ chồng gắn với việc xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật để phòng ngừa, xử lý triệt để việc chung sống như vợ chồng, nhất là việc chung sống như vợ chồng, nhất là việc chung sống như vợ chồng trong giới trẻ đang trở thành một vấn đề đáng báo động hiện nay. Sửa đổi Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết hậu quả việc nam nữ chung sống như vợ chồng, để bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.