Đại biểu Trần Du Lịch TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Văn Vở tỉnh Đồng Nai góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Trương Văn Vở - Đồng Nai
Kính thưa Chủ toạ phiên họp,
Kính thưa Quốc hội.
Tôi cơ bản đồng tình với báo cáo dự kiến, giải trình tiếp thu của cơ quan soạn thảo về dự án luật qua thảo luận tại tổ. Tuy nhiên, để khắc phục các tồn tại hạn chế qua hơn 8 năm thực hiện Luật nhà ở hiện hành. Trước hết, tôi đề nghị Quốc hội xem xét, thống nhất yêu cầu chung là phải tạo bước đột phá về thể chế, tác động mạnh đến việc phát triển đa dạng, hài hoà các loại hình nhà ở, phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng xã hội. Tôi cho rằng đây là vấn đề cốt lõi để nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho nhân dân hiện nay.
Yêu cầu nữa là phải rõ cơ chế, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong quản lý, điều hành phát triển nhà ở thông qua công tác lập, quản lý theo quy hoạch và cơ chế, chính sách thích hợp.
Về nội dung cụ thể, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm 3 vấn đề sau:
Một, vấn đề quan trọng hàng đầu để tạo mọi điều kiện cho người dân có nhà ở là cần quy định rõ, đậm nét hơn trách nhiệm từng ngành, từng cấp trong việc quản lý, sử dụng quỹ đất phát triển nhà ở theo quy hoạch. Theo đó, quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kiến trúc đô thị, quy hoạch nông thôn. Đồng thời cần coi trọng việc lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch nhà ở phải đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai vào quỹ nhà ở bị bỏ hoang làm lệch pha cung cầu nhà ở do thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Hai, về cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Tôi đề nghị cần quy định đậm nét hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, chăm lo giải quyết nhà ở cho người thuộc đối tượng chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp phù hợp cả ở đô thị và nông thôn theo hướng quy định rõ tỷ lệ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong tổng quỹ đất ở cho từng loại đô thị và nông thôn.
Đối với dự án khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung cần có quy định bắt buộc việc phát triển nhà ở cho công nhân và xem đây là điều kiện để phê duyệt dự án. Nhà nước đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu để cho thuê, tôi đồng ý với quan điểm của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn, Trần Du Lịch, đoàn thành phố Hồ Chí Minh, xem đây là nhà ở xã hội mà cho thuê là chủ đạo. Bởi lẽ nhà ở xã hội là chính sách mang tính xã hội nhiều hơn mang tính kinh tế. Theo đó, cần có cơ chế quản lý đặc thù để phát huy tính xã hội bằng chính sách ưu đãi về đất đai, về thuế, về tín dụng để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân thuê gắn với việc quy định rõ hình thức, thời hạn thuê nhà ở xã hội phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp được thuê nhà ở theo thời hạn của hợp đồng lao động. Mặt khác, tôi đề nghị cần quy định thật chặt chẽ điều kiện, đối tượng mua nhà ở xã hội, nhằm khắc phục tình trạng nhà ở xã hội không để ở mà chuyển nhượng, để trục lợi do lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước về nhà ở xã hội.
Vấn đề cuối cùng về nguồn lực đầu tư của nhà nước, tôi đề nghị quy định rõ việc thành lập các quỹ tài chính để thực hiện chính sách phát triển nhà ở phải theo hướng chủ yếu phục vụ cho đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở, phải là những người thu nhập thấp và gặp khó khăn về nhà ở, không nên dàn trải chính sách, không khả thi, không phù hợp hệ thống luật chuyên ngành khác có liên quan, làm phân tán nguồn lực. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.