Đại biểu Trương Văn Vở tỉnh Đồng Nai góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh TP Hồ Chí Minh góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Bùi Thị An TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Bùi Thị An - TP Hà Nội
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội.
Tôi nhất trí với việc sửa đổi Luật nhà ở sau 8 năm thực hiện đã xuất hiện những bất cập và dự thảo luật lần này tôi thấy đã khắc phục dần được những bất cập nêu trên.
Thưa Quốc hội, thời gian qua đất nước ta đã phát triển, đời sống nhân dân đã được nâng lên, tuy vậy nhiều người dân, nhất là dân nghèo thành thị, công nhân các khu công nghiệp, các đôi vợ chồng trẻ không dựa vào bố mẹ, một số công chức, viên chức tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn nghèo còn chưa có chỗ ở, hoặc chỗ ở không đảm bảo môi trường trong lành như Hiến pháp đã quy định là con người phải là chủ thể, mọi người đều có quyền có nơi ở hợp pháp như Khoản 1, Điều 22 và có quyền được sống trong môi trường trong lành như Điều 43. Trong luật này tôi thấy chưa làm rõ quyền có nơi ở là như thế nào, người dân làm thế nào để quyền này được đến với họ hay cơ chế ra sao để nâng cao chất lượng cuộc sống cho các chủ thể này.
Kính thưa Quốc hội, trong mấy năm qua vấn đề nhà ở xã hội đã được nhà nước tập trung quan tâm, tôi cho đây là một chính sách rất đúng, mang tính nhân văn cao, được cử tri cả nước hoan nghênh. Tuy vậy, trong vấn đề nhà ở xã hội, đặc biệt ở các đô thị, trước hết tôi xin tập trung vào nhà chung cư, rất nhiều đại biểu trước tôi đã nói thì tôi thấy nhà chung cư nói chung và nhà chung cư cũ nói riêng xây từ 40-50 năm trước nay đã xuống cấp rất nhiều. Trong chính sách nhà chung cư và cải tạo chung cư tôi thấy vai trò của nhà nước chưa rõ, hiện nay đang có những chính sách đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp cải tạo, nhưng tôi thấy quá lâu, quá dài, để những người dân sống trong các căn hộ này quá khổ. Ví dụ các nhà ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay một số nơi xây từ năm 1960, 5-6 hộ bây giờ vẫn phải dùng nhà vệ sinh chung, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nên tôi nghĩ vai trò của nhà nước trong cải tạo chung cư phải rất cao. Tôi nghĩ trước hết phải là nhà nước, nếu cứ để doanh nghiệp làm mà không có chính sách cho doanh nghiệp thì tôi nghĩ sẽ kéo dài và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, ở đây đại đa số là dân nghèo thành thị như ở Điều 109, Điều 111.
Thứ hai, cũng tại các đô thị, theo thống kê hiện nay có 40% là nhà do dân tự xây và cũng đã xuống cấp rất nhiều, làm ảnh hưởng đến an toàn, thẩm mỹ đô thị, nhưng để cải tạo các nhà này thì vô cùng khó khăn. Ở đây tôi không muốn nói đến các khu phố cổ hoặc trong quy hoạch. Nên tôi đề nghị bổ sung thêm vào luật quyền của người dân được tự cải tạo nhà mình xây với những thủ tục chặt chẽ, nhưng phải rất đơn giản mà nhanh chóng.
Vấn đề thứ ba, đối với nhà tái định cư, tôi đồng ý với nhiều đại biểu đã phát biểu trước tôi, nhưng tôi xin đề nghị nhà nước ngoài việc chú ý đến diện tích ở, công ăn việc làm của người dân tái định cư. Tôi đề nghị nhà nước đặc biệt quan tâm đến đầu tư hạ tầng xã hội như trường học, đường xá, y tế, nhưng một vấn đề tôi thấy còn đang bỏ quên, đó là vấn đề đầu tư thích đáng để xây các khu vui chơi cho trẻ em. Vì thời gian vừa qua tôi thấy hầu hết các khu tái định cư từ thành thị đến nông thôn, các khu công nghiệp đều thấy thiếu khu vui chơi cho trẻ em. Tôi nghĩ nhà nước phải tập trung xây các khu vui chơi này để bất kỳ trẻ em ở đâu, sinh ra chỗ nào, trong hoàn cảnh nào, ở vùng nào thì cũng đều có quyền bình đẳng được tiếp cận các dịch vụ giải trí để các em phát triển toàn diện.
Vấn đề thứ tư, về chính sách nhà ở, tôi đồng ý với đại biểu Trương Văn Vở, đoàn Đồng Nai và đại biểu Lâm Thành, đoàn Lạng Sơn. Tôi đề nghị nhà nước nên tập trung ưu tiên chính sách phát triển nhà cho thuê, vì hiện còn rất nhiều người, nhất là người nghèo ở thành thị, công nhân lao động ở các khu công nghiệp, nhất là các đôi vợ chồng trẻ như tôi đã nói ở trên mới đi làm, không được dựa vào bố mẹ, rất thiếu nhà ở, chỗ ở đã gây cho họ không biết bao nhiêu phiền toái, khó khăn, làm cuộc sống của họ, của gia đình họ, đặc biệt những trẻ em sinh ra trong các gia đình này họ đã phải sống trong các nhà ở trật trội, môi trường không trong sạch. Vì vậy, về chính sách của nhà nước tôi thấy cần phải ưu tiên số 1 là làm nhà để cho thuê, cho những đối tượng nghèo được thuê vì họ làm gì có tiền để mua. Tôi đề nghị Khoản 2, Điều 14 được đổi vị trí như sau, đưa cụm từ "để bán" sau cụm từ "cho thuê mua", cụ thể viết lại như sau: "Nhà nước có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà để cho thuê, cho thuê mua để bán nhà phục vụ các đối tượng có nhu cầu trong xã hội".
Vấn đề cuối cùng, về xây và cấp nhà công vụ, tôi cho là việc cần thiết để phục vụ các đối tượng, các đồng chí thuyên chuyển công tác. Tôi xin đề nghị trước hết nên công khai, minh bạch các tiêu chuẩn ai được quyền cấp nhà công vụ, ở cấp nào thì được bao nhiêu mét vuông? Loại nhà gì và để tránh tình trạng người thì 3 - 4 nhà ở, trong khi đó nhiều cán bộ lại không có, sinh ra xin cho, chạy trọt gây tiêu cực và tham nhũng, tham ô, làm cho quan hệ xã hội thiếu trong lành và cán bộ, công chức không yên tâm làm việc. Trên đây là nội dung góp ý của tôi. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.