Đại biểu Bùi Mạnh Hùng tỉnh Bình Phước góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 16:20 26-11-2014

Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước

Kính thưa chủ tọa phiên họp, kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản nhất trí với dự thảo Luật đầu tư công, dự thảo đã có nhưng quy định rất rõ ràng, cụ thể về quy trình thủ tục xem xét để đề ra các quyết định về chủ trương đầu tư, về phê duyệt chương trình, dự án đầu tư công, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công, theo dõi kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch đầu tư công, đồng thời cũng quy định rất rõ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công. Dự thảo cũng quy định khá rõ việc công khai minh bạch và giám sát của cộng đồng trong đầu tư công.

Kính thưa ban soạn thảo dự án luật, quy định thì nhiều, thủ tục rất cụ thể xong theo tôi cũng cần phải bổ sung điều chỉnh một số quy định nhằm khắc phục được cơ chế xin - cho, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả và trách nhiệm không rõ ràng, cũng như nâng cao hiệu quả việc giám sát đầu tư công ở cộng đồng dân cư, nơi có dự án để góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công. Đây là điểm hạn chế của đầu tư công trong thời gian qua cần được khắc phục triệt để. Đồng thời đây cũng là mục tiêu của xây dựng Luật đầu tư công lần này, cũng là điều mong mỏi, là hy vọng của đại biểu cũng như nhiều cử tri khi Quốc hội thông qua Luật đầu tư công lần này, khi nghiên cứu các quy định của dự thảo luật, tôi đề nghị.

Thứ nhất, tại Điều 12 cần bổ sung và đề cao nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư, phải coi đây là nguyên tắc số 1, là điều kiện kiên quyết đặt ra ngay từ khâu xem xét để ra các quyết định về chủ trương đầu tư và nguyên tắc này phải được quán triệt trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện chủ trương đầu tư. Vì trong thực tế có những dự án đầu tư công đã thực hiện rất đúng các quy định, đúng quy trình, đúng thủ tục, nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thì rất hạn chế. Đồng thời, tôi cũng đề nghị cần bổ sung tiêu chuẩn, tiêu chí một cách toàn diện để đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư công, để phấn đấu tạo điều kiện thống nhất trong đánh giá hiệu quả của dự án. Đây là nội dung mà tôi và một số đại biểu đã đóng góp trong hội nghị đại biểu chuyên trách, chủ tọa hội nghị đã tiếp thu, nhưng chúng tôi thấy trong điều chỉnh, tiếp thu lần này không thấy có.

Thứ hai, trong Điều 16 quy định các hành vi bị cấm trong đầu tư công, tôi cho rằng đây là một nội dung rất cần thiết cần phải quy định trong Luật đầu tư công, nhưng tôi đề nghị nên kết cấu lại, bổ sung và cụ thể hơn nữa các nội dung cấm và phân loại các hành vi bị cấm theo từng chủ thể tham gia quá trình đầu tư công, để thấy rõ hơn trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân có nhiệm vụ liên quan đến việc triển khai thực hiện chủ trương đầu tư công.

Thứ ba, tại Điều 76 đánh giá về kế hoạch đầu tư công, tại Khoản 3 tôi đề nghị bổ sung nội dung đánh giá tình hình phát sinh chi phí thực hiện làm tăng tổng mức đầu tư công theo kế hoạch vốn đã được duyệt, đồng thời có quy định nguyên tắc để xử lý những khoản phát sinh này nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu thấp, cạnh tranh không lành mạnh, sau đó bên trúng thầu của dự án lại lạm dụng mối quan hệ với các chủ đầu tư để tính toán, điều chỉnh chi phí phát sinh, làm tăng vốn đầu tư so với giá trúng thầu. Đây cũng là nhiệm vụ để chúng ta phòng, chống tham nhũng và lãng phí trong đầu tư công.

Thứ tư, tại Điều 80 về giám sát đầu tư công tại cộng đồng, tại Khoản 3 tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung giám sát về những phát sinh chi phí thực hiện để tăng tổng mức đầu tư theo kế hoạch vốn đã duyệt, đồng thời cũng thêm nội dung giám sát việc đánh giá hiệu quả đầu tư công trong các dự án theo tiêu chí chung đã đề ra. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan