Đại biểu Cù Thị Hậu tỉnh Hưng Yên góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tỉnh Ninh Thuận góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Vũ Xuân Trường tỉnh Nam Định góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Vũ Xuân Trường - Nam Định
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm xã hội, tôi xin góp một số ý kiến cụ thể như sau:
Trước hết, tôi nhất trí với dự thảo tại Điều 2 về việc mở rộng đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội và nộp bảo hiểm xã hội, tới đối tượng cán bộ không chuyên trách ở xã, ở phường như các đại biểu Quốc hội đã phân tích.
Ý thứ hai là tại Điều 53 quy định về phương án thứ nhất kéo dài tuổi đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2016 là sẽ đạt nam 62, nữ là 60 tuổi thì tôi không nhất trí với dự thảo này, vì những lí do như các đại biểu và đặc biệt là đại biểu Cù Thị Hậu vừa phân tích.
Ý thứ ba, để tăng cường nguồn thu và đảm bảo sự an toàn cho Quỹ bảo hiểm xã hội và làm giảm nguy cơ thu không đủ chi. Tôi thấy các giải pháp và các biện pháp như dự thảo là chưa có tính thuyết phục. Theo tôi, nếu nhà nước đã coi bảo hiểm xã hội cho người lao động là loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc thì không những đảm bảo đời sống cho đông đảo các đối tượng người lao động, người hưởng các chế độ hưu trí và các chính sách an sinh xã hội thì nhà nước cần có những chế tài đủ mạnh, nhằm khắc phục tình trạng chây ì, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội như hiện nay. Phải coi nghĩa vụ nộp đúng, nộp đủ, nộp kịp thời tiền bảo hiểm xã hội như nghĩa vụ nộp thuế của người sử dụng lao động và của người lao động. Các cá nhân, tổ chức mà cố tình chây ì, chậm nộp, kể cả những vi phạm trong việc quản lí, sử dụng chi trả quỹ bảo hiểm xã hội mà có các vi phạm thì phải cần xử lí bằng các biện pháp nghiêm minh như đối với các hành vi trốn thuế, lậu thuế và áp dụng các mức phạt, mức lãi suất truy thu, cuỡng chế thu và cao nhất là có thể bằng các biện pháp hình sự. Các biện pháp chế tài đó theo tôi cần phải quy định rõ trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này.
Ý thứ tư, tuy là luật sửa đổi, bổ sung nhưng theo tôi đề nghị sửa đổi lần này cũng xác định rõ hơn vai trò vị trí và cơ cấu bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội trong bộ máy các cơ quan nhà nước. Là một cơ quan giải quyết nhiều chế độ chính sách về an sinh xã hội lại quản lí một lượng tài chính rất lớn trong thu, trong chi và chiếm tỷ trọng lớn trong nền tài chính của cả nước, tôi thấy để mô hình bảo hiểm xã hội là một mô hình đơn vị sự nghiệp như hiện tại là không ổn, cần phải xây dựng cơ quan bảo hiểm xã hội theo hướng là một trong các cơ quan quản lý nhà nước có thể trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hoặc trực thuộc Bộ Tài chính. Nếu như vậy tôi nhất trí cơ quan này cần có một bộ máy đồng bộ, trong đó có lực lượng thanh tra chuyên ngành nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong việc thu nộp, thanh toán bảo hiểm xã hội.
Nếu đã xác định bảo hiểm xã hội là một cơ quan quản lý thì việc khi cơ quan này ra các quyết định chi trả chế độ bảo hiểm xã hội thì cũng phải coi đây là một quyết định hành chính và người lao động phải được có quyền khởi kiện ra tòa theo Luật tố tụng hành chính khi quyền lợi của mình không được đảm bảo và bổ sung vào Điều 17 nội dung này. Đồng thời tôi thấy rằng nên bỏ quy định việc kiện ra tòa của các cơ quan bảo hiểm xã hội khi người lao động hoặc người sử dụng không nộp bảo hiểm xã hội theo chế định của Luật dân sự được quy định tại Khoản 7, Điều 21, vì chế độ thu, nộp bảo hiểm xã hội nếu đã coi là bắt buộc thì không thể coi là một loại hình hợp đồng dân sự, mà là một chế tài bắt buộc nên phải được xử lý theo các chế tài về hành chính, kinh tế, cao nhất là biện pháp hình sự. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.