Đại biểu Cù Thị Hậu tỉnh Hưng Yên góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:57 26-11-2014

Cù Thị Hậu - Hưng Yên

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm xã hội và qua nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tôi cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo luật. Tuy nhiên, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Nội dung thứ nhất, tôi đề nghị bổ sung thẩm quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội được thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội Khoản 3, Điều 21, vì lý do như sau:

Hiện nay tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội rất lớn, cần phải có giải pháp mạnh để đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thứ hai, với bộ máy của thanh tra của lao động hiện nay không đủ khả năng để có thể thanh tra được về lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Ngay chỉ thanh tra về lao động, ngành thanh tra lao động cũng đã không đáp ứng được. Do đó tôi thấy nếu giao cho thanh tra về bảo hiểm thì không đáp ứng được.

Thứ ba, trong Điều 106 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 có quy định bảo hiểm xã hội Việt Nam là tổ chức sự nghiệp. Tổ chức sự nghiệp rõ ràng không có chức năng để thanh tra. Chính phủ đã ra Nghị định số 05 ngày 17/1/2014 của Chính phủ quy định bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực  hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện v.v... Như vậy, tôi thấy chúng ta cần đưa vào trong luật đó là Nghị định của Chính phủ, bảo hiểm xã hội Việt Nam không phải là đơn vị sự nghiệp nữa mà là cơ quan thuộc Chính phủ. Do đó, chức năng thanh tra của bảo hiểm cần được thể hiện rõ trong Điều 21.

Ý kiến thứ hai, chi phí quản lý của bảo hiểm xã hội. Quỹ bảo hiểm xã hội do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp nên chi phí phải lấy từ nguồn khoản sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội. Tôi đề nghị nên giao cho Chính phủ định kỳ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với nhiệm vụ của bảo hiểm xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý vì các lý do như sau:

Thứ nhất, các đồng chí đều biết luật của chúng ta có hiệu lực thi hành mở rộng đối tượng và tận thu những nguồn thu thì số tiền thu sẽ tăng lên. Nếu quy định là 3% thì rất lớn.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta hiện đại hóa công tác quản lý bảo hiểm xã hội, do đó chi phí quản lý cũng sẽ giảm.

Thứ ba, các năm gần đây chi phí quản lý bảo hiểm xã hội chưa năm nào đến 3%. Năm 2007 - 2013 nó chỉ có từ 2,3 cho đến 2,7%. Do đó, tôi thấy không nên quy định lấy trong tiền sinh lời mà dưới 3%. Tôi đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định và định kỳ báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội để Quốc hội quyết định cho phù hợp với nhiệm vụ của bảo hiểm xã hội trong từng giai đoạn. Đấy là ý kiến thứ hai.

Ý kiến thứ ba, Điều 53, điều kiện hưởng lương hưu. Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Theo tôi, Quốc hôi đã thông qua Bộ Luật lao động. Đây là bộ luật gốc để điều tiết các đối tượng hoạt động và trong kỳ hop này của Quốc hội thì luật này là luật thứ tư có đề cập đến tăng tuổi. Đó là các luật tổ chức của Tòa án, Viện kiểm sát, Luật công chứng và hôm nay Luật bảo hiểm xã hội.  Do đó, trong một kỳ họp đã bốn luật đã đề cập đến tăng tuổi, tôi thấy sẽ không có tính thực thi nghiêm của Bộ luật lao động. Tôi đề nghị tuổi nên thực hiện theo Điều 187 Bộ luật lao động.

Hai nữa là trong Khoản 3, Điều 187 có đề cập nên thực hiện nâng tuổi hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Tôi cho đây là điểm mở mà Chính phủ có thể quyết định và có thể tăng tuổi lên một số đối tượng theo Khoản 3, Điều 187 cũng không sai gì.

Với lý do như vậy, tôi thấy Điều 55 về tính mức lương hàng tháng, từ năm 2016 được điều chỉnh số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% và mức bình quân tiền lương tháng để tính đến năm 2020 là 20 năm thì hưởng 45%. Từ năm 2031 trở đi mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện thì quy định. Như vậy tôi thấy nếu chúng ta thay đổi về tuổi lao động mà thực hiện theo đúng Bộ luật lao động thì tính lương hưu hàng tháng, tôi đề nghị nên tính lại để phù hợp với tình hình mới. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan