Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tỉnh Ninh Thuận góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 16:00 26-11-2014

Nguyễn Sỹ Cương - Ninh Thuận

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin đi thẳng vào  một số quy định của Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thứ nhất, vấn đề tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo quy định tại Điều 93 tổ chức bảo hiểm xã hội không có gì sửa đổi, quy định một cách hết sức ngắn gọn là Bảo hiểm xã hội là tổ chức sự nghiệp có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của luật này. Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội. Theo Nghị định 05 ngày 17/1/2014 thì Bảo hiểm xã hội được xác định là cơ quan thuộc Chính phủ, không có chức năng quản lý nhà nước, cũng không quy định là tổ chức sự nghiệp như Luật bảo hiểm xã hội quy định.

Vấn đề ở đây là cần xác định rõ vị trí của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong khi bảo hiểm xã hội đang thực hiện một chức năng rất quan trọng là quản lý nhà nước bảo đảm an sinh xã hội. Tôi cho rằng bảo hiểm xã hội chưa được đặt đúng vị trí và tầm quan trọng của nó. Bảo hiểm xã hội cũng là một tổ chức chịu sự quản lý nhà nước của 3 bộ, theo quy định tại Nghị định 05, Khoản 2, Điều 1 bảo hiểm xã hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, của Bộ y tế về bảo hiểm y tế, của Bộ tài chính về chế độ tài chính đối với quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Nhưng chính quy định quản lý nhà nước bị chia cắt như vậy nên việc quản lý và kiểm soát hoạt động của bảo hiểm xã hội tôi cho là chưa chặt chẽ và dẫn đến trong thời gian vừa qua có những sai phạm nhất định tại bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cụ thể là việc cho Công ty cho thuê tài chính II vốn không phải là đối tượng được vay từ quỹ bảo hiểm xã hội thì lại được vay hơn 1.000 tỷ đồng, đến nay lãi thì chưa thấy đâu mà gốc thì có khả năng mất trắng 770 tỷ đồng.

Điều đáng nói hơn là việc cho vay có biểu hiện của tội cố ý làm trái và hậu quả mang lại không phải là nhỏ nhưng chỉ bị xử lý hành chính với 2 án kỷ luật cảnh cáo và 2 án khiển trách. Giờ quy định trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước nào là điều rất khó, tôi đề nghị cần xem xét sửa đổi Điều 93 và xác định lại vị trí của bảo hiểm xã hội, theo tôi là nên đưa bảo hiểm xã hội về trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, với tư cách là một đơn vị có chức năng quản lý nhà  nước tương đương tổng cục thì sẽ hiệu quả hơn.

Vấn đề thứ hai, đó là chi phí quản lý bộ máy. Theo con số thực tế thì chi phí quản lý bộ máy của bảo hiểm xã hội tăng khá nhanh, từ năm 2007 đến năm 2012 bình quân tăng từ 1,25% đến 1,44%/1 năm. Chỉ tính riêng năm 2013 chi phí quản lý tương đương với gần 3,5% tổng số thực thu bảo hiểm xã hội. Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng chi phí quản lý  của bộ máy bảo hiểm xã hội phải lấy từ ngân sách nhà nước chứ không thể lấy tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, vì tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động phải được chi trả cho người lao động. Do vậy, tôi đề nghị bỏ quy định sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2, Điều 90 quy định chi phí của bảo hiểm xã hội không quá 3% lấy từ tổng số thu bảo hiểm xã hội hàng năm. Vì việc quy định lấy từ khoản tiền sinh lời để đỡ gánh nặng cho ngân sách cũng cần phải cân nhắc và cũng cần phải khống chế mức phần trăm nhất định.

Vấn đề thứ ba đó là độ tuổi hưởng lương hưu, vấn đề này đã có nhiều đại biểu có ý kiến trước tôi, tôi cũng không đồng tình với quy định về nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2016 trở đi. Riêng đối với quân đội và công an theo tôi nên nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với lực lượng này và cần cụ thể hóa trong Luật sỹ quan quân đội nhân dân và Luật công an nhân dân như đã nêu tại Khoản 3, Điều 53. Tôi cho rằng bộ máy bảo hiểm xã hội nếu bộ máy tốt và quản lý tốt thì không cần phải tăng độ tuổi nghỉ hưu.

Vấn đề cuối cùng, về thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trước thực trạng nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội diễn ra khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là một số doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội thì việc tăng cường thanh tra về bảo hiểm xã hội là cần thiết. Quản lý nhà nước giao cho 3 bộ nhưng chức năng thanh tra chuyên ngành ở tại Điều 12 lại chỉ có giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính. Bảo hiểm xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ nhưng không có chức năng quản lý nhà nước, tuy nhiên để đáp ứng tình  hình thực tế thì việc giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho bảo hiểm xã hội là cần thiết và đây cũng là sự vận dụng đối với Luật thanh tra. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan