Đại biểu Nguyễn Quan Cường thành phố Hải Phòng góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Lê Thành Nhơn tỉnh Bình Dương góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà thành phố Hà Nội góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội
Kính thưa Quốc hội,
Tôi tán thành với sự cần
thiết sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội và nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về
các vấn đề xã hội, với mục đích là điều chỉnh, mở rộng đối tượng và hoàn thiện
chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm khắc phục nguy cơ mất cân bằng quỹ và từng bước cải
thiện mức hưởng lương hưu theo nguyên tắc có đóng, có hưởng quyền lợi tương ứng
với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, đảm bảo công bằng bền vững của
hệ thống bảo hiểm xã hội. Tôi xin góp thêm mấy ý kiến với dự thảo:
Thứ nhất, về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tôi đồng tình với dự
thảo bổ sung quy định mở rộng một số đối tượng ở Khoản 1, Khoản 2, Điều 2 tham
gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đồng thời thu hẹp việc giải quyết chế độ bảo hiểm
xã hội một lần cho một số nhóm lao động và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm
xã hội tự nguyện thông qua chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, tôi đề
nghị bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người hoạt động
không chuyên trách ở cấp xã. Cử tri Hà Nội nhiều lần kiến nghị quan tâm đối
tượng này.
Theo Nghị định 92, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có khoảng 230.000, với mức phụ cấp do ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng 2/3 so với mức lương tối thiểu chung cho mỗi người. Nếu ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu chung theo quy định 14% thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ chi khoảng 450 tỷ đồng.
Thứ hai, công dân được đảm bảo an sinh xã hội đã được hiến định tại Điều 34 của Hiến pháp. Vì vậy, các chính sách bảo hiểm xã hội không chỉ hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng mà còn phải nâng mức lương hưu và đảm bảo khả năng an toàn cân đối quỹ. Việc điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí, cụ thể là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mức hưởng lương hưu, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội là vấn đề cần được làm rõ.
Thực tế quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội từ năm 2007 đến nay cho thấy quỹ hưu trí và tử tuất ngày càng có xu hướng mất cân đối. Nếu tiếp tục thực hiện các chính sách như hiện nay quỹ này sẽ có số thu bằng với số chi vào năm 2021 và đến 2034 số thu bảo hiểm xã hội trong năm và số dư tồn, tích quỹ sẽ không đảm bảo chi trả mà nguyên nhân chủ yếu là do mất cân đối trong đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, mức đóng thấp, mức hưởng cao, thời gian đóng ngắn và thời gian hưởng dài. Khắc phục tình trạng trên dự thảo đã đưa ra một số quy định:
Một, về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Khoản 2, Điều 89 quy định từ ngày luật có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2018 người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Như vậy việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là cần thiết, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ, là cơ sở nâng mức hưởng lương hưu của người lao động. Tôi đề nghị cần xây dựng dự lộ trình trên cơ sở thoả thuận giữa chủ sử dụng lao động, tập thể người lao động và cơ quan quản lí nhà nước để đảm bảo tính khả thi của quy định này.
Hai, về điều kiện hưởng lương hưu. Khoản 2, Điều 53 quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu của người lao động thì sau 15 năm lao động nữ về hưu ở tuổi 60, sau 6 năm lao động nam về hưu ở tuổi 62. Tuổi hưu thấp dẫn tới thời gian đóng ngắn nhưng thời gian hưởng dài do tuổi thọ trung bình ngày càng tăng hiện đang là mâu thuẫn. Vì thế việc nâng thời gian làm việc của người lao động là rất cần được xem xét điều chỉnh. Bộ Luật lao động đã có quy định cho phép nâng tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng và giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số nghề và địa bàn đặc thù nhưng chưa được hướng dẫn thực hiện. Tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương hướng dẫn Điều 187 của Luật lao động có tổng kết, đánh giá để khi đủ điều kiện thì mở rộng đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế xã hội. Điều kiện sức khoẻ và quá trình già hoá dân số mà không phải sửa ở Luật bảo hiểm xã hội này.
Ba, về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng. Điều 55 quy định cách tính mức lương hưu hàng tháng của người lao động là từ 2016 số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 và lần lượt cho đến năm 2020 trở đi là 20 năm. Việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng như vậy đã khắc phục những bất cập của luật hiện hành, từng bước thực hiện nguyên tắc cân đối đóng hưởng, đảm bảo sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các đối tượng để nhằm mục tiêu đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động hưởng lương hưu hàng tháng, theo tôi phải tổ chức thực hiện quy định này đồng bộ với lộ trình thu bảo hiểm xã hội để không tạo ra sự chênh lệch lớn về mức sống giữa những người hưởng lương hưu giữa các thời kì. Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định mang tính nguyên tắc về việc người lao động được đảm bảo hưởng lương hưu không thấp hơn mức sống tối thiểu nhằm đảm bảo khả năng an sinh cho người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội giữa các thời kì khác nhau.
Bốn là về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu trợ cấp một lần. Điều 61, 62 quy định đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, tức là từ 1/7/2015 như dự kiến trở đi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu là bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là cần thiết.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các nhóm lao động làm việc trong và ngoài khu vực nhà nước tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo tính bền vững của hệ thống bảo hiểm hưu trí trong dài hạn và không làm giảm mức hưởng lương hưu của người lao động thuộc khu vực công, tôi tán thành đề nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về thời điểm áp dụng quy định này là từ 2018, vì phải đồng bộ với việc thu bảo hiểm xã hội trên mức tiền lương tháng đầy đủ, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, theo đó tính từ 2018 thì sau 20 năm đóng, người lao động có thể nghỉ hưu vào năm 2038 mới hưởng mức lương hưu theo cách tính này, phân tích này khác với phân tích của đại biểu Cường và tôi ví dụ người lao động như tôi thì đến năm 2038 thì đã gần 80 tuổi, không chịu sự điều chỉnh của cách tính này. Với nhiều giải pháp đặt ra trong đó có giải pháp kéo dài tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, thay đổi cách tính mức hưởng lương hưu thì khi thực hiện đồng bộ các quy định trên, mức lương hưu của người lao động sẽ không bị suy giảm.
Thứ ba, về giao quyền thanh tra cho bảo hiểm xã hội, thực tế hiện nay tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội còn thấp, vì vậy tôi ủng hộ bổ sung thẩm quyền cho bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội tại Khoản 3, Điều 21 và đề nghị nghiên cứu điều chỉnh Điều 93 về tổ chức bảo hiểm xã hội cho phù hợp như phân tích của đại biểu, đoàn Vĩnh Phúc.
Về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm xã hội do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp, do đó tôi tán thành quy định chi phí quản lý phải trích từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư. Tôi xin nhấn mạnh trích từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội. Tôi đề nghị giao Chính phủ định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định để phù hợp với nhiệm vụ bảo hiểm xã hội trong từng giai đoạn, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Xin hết. Xin cám ơn.