Đại biểu Nguyễn Quan Cường thành phố Hải Phòng góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:37 26-11-2014

Nguyễn Quang Cường - TP Hải Phòng

Kính thưa chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội.

Sau khi nghiên cứu Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tôi cơ bản nhất trí với  nội dung tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật. Việc sửa đổi luật bảo hiểm xã hội là cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng và quy định của Hiến pháp, đáp ứng nhu cầu của người lao động, góp phần từng bước hoàn thiện chính sách của Đảng, Nhà nước, phù hợp với sự phát triển của xã hội. Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, quy định chế độ hưu trí bổ sung, thay đổi cách tính lương hưu hàng tháng.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật vẫn chưa quán triệt hết tinh thần tại Điểm 4, Mục 2 Nghị quyết số 21 Trung ương ngày 30/1/2008 về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường định  hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng các hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, bổ sung, sửa đổi các chế độ bảo hiểm xã hội, tách bảo hiểm xã hội đối với khu vực hành chính nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các lĩnh vực khác. Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn để chung người lao động trong khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang với nhóm đối tượng khác, đặc biệt quy định cách tính lương hưu của các cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày luật có hiệu lực trở đi 1/7/2015. Nhưng người lao động ở khu vực phi nhà nước và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đó là tính lương hưu bình quân cả quá trình tham gia bảo hiểm xã hội tại Điểm d, Khoản 1, Điều 61 là chưa phù hợp. Với quy định cách tính lương hưu như vậy sẽ làm giảm tiền lương hưu, ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu.

Trước mắt, với tâm tư, tình cảm, chất lượng cán bộ của bộ máy cán bộ công quyền hiện nay thì sẽ không thu hút được cán bộ giỏi vào khu vực nhà nước, bởi chế độ tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội đều không còn sức hấp dẫn. Trong khi đó, các chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng đều được điều chỉnh tăng lên từ 1 năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1,5 tháng lương bình quân nên 1 năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 2 tháng lương bình quân. Như vậy lương hưu hàng tháng giảm nhưng trợ cấp một lần tăng, vô hình chung khuyến khích người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, đi ngược lại với mục tiêu sửa Luật bảo hiểm xã hội là hướng tới bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho mọi người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu hàng tháng.

Vì vậy, để tránh sự so sánh về chế độ ưu đãi, quyền lợi được hưởng giữa nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với các nhóm đối tượng người lao động khác và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 21 Trung ương, tôi đề nghị đưa nội dung các chế độ bảo hiểm xã hội đối với bộ máy công quyền vào các Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật sỹ quân quân đội nhân dân Việt Nam, Luật công an nhân dân, Luật nghĩa vụ quân sự. Nếu thực hiện theo phương án này thì trong điều khoản thi hành của Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phải có quy định về chế độ hưu trí của bộ máy công quyền, trước mắt tạm thời giữ nguyên như Luật bảo hiểm xã hội hiện hành, giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng nội dung về chế độ bảo hiểm xã hội trong luật sửa đổi các luật này và trình Quốc hội. Hoặc phương án dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tách đối tượng cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thành một chương riêng và giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Thứ hai, về tuổi nghỉ hưu, Điều 53 dự thảo luật tôi thấy cơ quan chủ trì soạn thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo luật Bộ Luật lao động, trong khi Bộ Luật lao động vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 quy định rất rõ về tuổi nghỉ hưu tại Điều 187 nhưng Ban soạn thảo lại đưa quy định về tuổi nghỉ hưu vào dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Rõ ràng ta thấy cùng một lúc luật sau đè lên luật trước, luật con không phù hợp với luật mẹ. Vì vậy tôi đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Khoản 2, Khoản 3, Điều 187 Bộ Luật lao động về tuổi nghỉ hưu, thay vì quy định như trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.

Thứ ba, về chức năng thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tôi đề nghị sửa Khoản 3, Điều 21, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau: Cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm về Luật đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Vì thực tế những năm gần đây cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm không được xử lý mà kiến nghị cấp có thẩm quyền làm cho vi phạm chưa được xử lý kịp thời.

Mặt khác, từ khi Luật bảo hiểm xã hội hiện hành có hiệu lực thi hành từ tháng 1 năm 2007 đến nay mặc dù thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có rất nhiều cố gắng nhưng do lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng, nên tình trạng vi phạm Luật bảo hiểm xã hội như nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ngày một gia tăng.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội trên 11.000 tỷ đồng nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, an toàn quỹ bảo hiểm xã hội và chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động, nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động có xu hướng gia tăng nghiêm trọng hiện nay.

Thứ tư, về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, Điều 90. Để việc xác định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội đơn giản, chặt chẽ, chính xác, đầy đủ, có sự giám sát của các bộ, ngành, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Đồng thời tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm xã hội chủ động về nguồn kinh phí hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội thì cần được giao linh hoạt và ổn định hơn. Tôi cho rằng tiền bảo hiểm xã hội là một phần tiền lương mà người lao động trích ra hàng tháng để khi đủ tuổi hưu thì sẽ được hưởng lương hưu. Chính vì vậy, không nên lấy 3% tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để chi cho bộ máy quản lý mà phải lấy từ ngân sách nhà nước để bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định hệ số tiền lương của cán bộ, công chức ngành bảo hiểm xã hội cũng phải phù hợp với các ngạch khác trong hệ thống tổ chức, phù hợp với Luật cán bộ, công chức, viên chức hiện hành. Trên đây là một số ý kiến của tôi tham gia vào dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan