Tổng hợp các văn bản góp ý kiến sửa đổi dự thảo thông tư về quản lý thuốc BVTV của các doanh nghiệp thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam
Hội Doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật góp ý Dự thảo Thông tư quản lý thuốc bảo vệ thực vật
Hội VIPA và các hội viên đã có nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo TT quản lý thuốc BVTV. Hội cũng đã có kiến nghị bằng văn bản số 21-22014/VIPA-VP ngày 1/8/2014 (kèm theo phụ lục tổng hợp nội dung các văn bản góp ý kiến của hội viên) gửi lãnh đạo Bộ và Cục. Trên báo “ Nông thôn ngày nay “ số 195, ngày 15/8/2014, trang 6, Cục BVTV đã khẳng định : “ Cục hoan nghênh các ý kiến đóng góp và xin nghiêm túc tiếp thu. Các ý kiến phản hồi trước đó dựa trên dự thảo cũ từ lần đầu tiên và rất khác so với bản dự thảo đã hoàn thiện. Bản dự thảo lần đăng tải này đã được hoàn thiện, bổ sung và trình sửa nên đã là bản dự thảo lần 4. . .”.
Song nội dung bản dự thảo lần 4 được Cục công bố chính thức tuy có một số sửa đổi, nhưng còn rất nhiều điều, khoản quan trọng mà đông đảo dư luận rất bức xúc đã đề nghị sửa đổi, nhưng chưa được ban soạn thảo xem xét. Vì vậy một lần nữa Hội VIPA kiến nghị Bộ , Cục và Ban soạn thảo:
1- Tiếp tục nghiên cứu xem xét một cách nghiêm túc các ý kiến của Hội trong CV số 21-2014 và bản tổng hợp các văn bản góp ý kiến của hội viên.
2- Về ý kiến cho rằng DN thuốc BVTV và Hội VIPA lo ngại một số qui định mới sẽ làm lợi cho DN ngoại. . . . Thực ra đây không phải là “ lo ngại “ mà đã xẩy ra nhiều trở ngại cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc BVTV của các doanh nghiệp VN từ khi có qui định phải có “ Giấy uỷ quyền “ của công ty thuốc BVTV nước ngoài ( chủ yếu là Trung quốc ) mới cho đăng ký sản phẩm vào danh mục các loại thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt nam, trong lúc các loại thuốc BVTV thông dụng ( generic ) được tự do thương mại hoá trên thế giới đáng lẽ đó là một lợi thế cần được tận dụng đối với các doanh nghiệp thuốc BVTV thuộc các quốc gia chưa sản xuất được nguyên liệu thuốc BVTV như ở nước ta. Chúng tôi được biết chưa thấy ngành nghề nào lại có qui định “Giấy uỷ quyền “ để tự chói mình, kể cả cùng trong Bộ NN& PTNT. Hội VIPA đã có nhiều văn bản góp ý phải bỏ qui định”Giấy uỷ quyền” vì qui định này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nền công nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV quốc gia Việt nam. Do đó đề nghị huỷ bỏ các điều, khoản qui định về “ Giấy uỷ quyền “ trong đăng ký thuốc, như điều 10 khoản 2, mục b, đoạn : “ Bản chính giấy uỷ quyền của nhà sản xuất ( đối với uỷ quyền đứng tên đăng ký). Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất là tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được hợp pháp hoá lãnh sự ở nước sở tại…” và các điều khoản khác có liên quan đến giấy uỷ quyền trong dự thảo 4.
3- Về việc cung cấp hồ sơ độc lý qui định tại phụ lục 3.
Một số điểm qui định trong phụ lục này chưa hợp lý nhưng lại gây rất nhiều khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp.
-Cần phải bỏ :
- Yêu cầu 6 (độc tính của thuốc thành phẩm do phòng thí nghiệm đạt tiêu
chuẩn GLP hoặc ISO thực hiện, có báo cáo khảo nghiệm kèm theo)
- Mục B,C,D thuộc phần 2 (thành phẩm ): số liệu mục B,C,D có thể tính toán từ thuốc hoạt chất và thuốc kỹ thuật. Ít có quốc gia nào lại yêu cầu xác định độ độc nêu ở mục B,C,D thuốc thành phẩm vì không cần thiết, rất phức tạp và tốn kém, thời gian lại kéo dài. Chính vì vậy mà tổ chức Y Tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo cho việc phân loại độc tính thuốc thành phẩm mà không cần phải tiến hành thí nghiệm độc lý trên động vật máu nóng. (xem WHO : RECOMMENDED CLSSIFICATION OF PESTICIDES BY HAZARD AND GUIDELINES CLASSIFICATION 2004, TRANG 41- 45.
4- Đề nghị không cấm đăng ký :
- Thuốc BVTV hoá học là hỗn hợp của các loại thuốc BVTV có công dụng khác nhau (trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, điều hoà sinh trưởng).
- Thuốc BVTV là hỗn hợp của các hoạt chất hoá học và sinh học. ( điều 6, khoản 3, mục b, c )
Việc cấm đăng ký này chưa có đầy đủ cơ sở khoa học, chưa xuất phát từ thực tế sử dụng thuốc BVTV. Trên thế giới hiện có 900 đến 1000 chế phẩm thuốc hỗn hợp trừ côn trùng + nhện đỏ + bệnh cây để phun cho cây trồng, 600 đến 700 loại chế phẩm hỗn hợp hoá học và sinh học. Nhiều dẫn liệu cho thấy các loại thuốc BVTV hỗn hợp có công dụng khác nhau đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và thuận tiện cho người sử dụng. Hỗn hợp thuốc hoá học và sinh học còn gây hiệu ứng thay đổi phương thức tác động đến sinh vật hại, làm tăng hiệu lực khởi điểm của thuốc sinh học và trong nhiều trường hợp có tác dụng tăng hiệu rõ rệt. Nhiều hỗn hợp thuốc hoá học và sinh học đang được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới như: Hỗn hợp L.muscarium (Mycota) +Teflubenzuron,B.basiana (Naturalis – L) + Abamectin + Spinosad,NPV+Fenvalerat . .
5 – Liên quan đến phân loại độ độc thuốc BVTV theo GHS:
GHS (Globally Harmonized System of Classification and Labelling of Chemical)
Là một hệ thống phân loại theo thoả thuận Quốc tế về độ độc, chủ yếu cho việc ghi nhãn các hoá chất nói chung và thuốc BVTV nói riêng được Liên Hợp Quốc bảo trợ. Song GHS không phải là qui định pháp lý và bắt buộc các thành viên LHQ phải thực hiện mà chủ yếu là các nước sản xuất và xuất khẩu nhiều hoá chất và thuốc BVTV áp dụng GHS. Việt nam từ trước đến nay vẫn thực hiện phân loại độ độc theo WHO và FAO. Trong điều kiện hiện nay Việt nam chưa phát triển ngành hoá chất nói chung và nền công nghiệp sản xuất thuốc BVTV nói riêng thì việc tham gia ngay vào GHS sẽ gây xáo trộn và ảnh hưởng lớn về tài chính cho các doanh nghiệp thuốc BVTV. Vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần xem xét kỹ lưỡng hơn. Nếu bắt buộc Việt Nam phải theo GHS thì ban soạn thảo cần bổ sung thêm phụ lục nhằm làm rõ khái niệm GHS, cách phân loại GHS , sự khác nhau trong phân loại độ độc theo GHS và WHO, FAO và nhất là phải có có lộ trình áp dụng GHS một cách hợp lý.
6 - Bỏ nội dung “Chỉ được đăng ký 01 hàm lượng cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc Bảo vệ thực vật” (Điều 5 khoản 5 mục b)
Điều khoản này không thể hiện trong luật BV và KDTV và các luật hiện hành của nước Việt Nam không quy định về điều khoản này cho tất cả các loại hình hàng hóa. Hiện nay nhiều nước khác cũng đang cho phép đăng ký nhiều hơn 1 hàm lượng cho một dạng thuốc thành phẩm.
Ở mỗi giai đoạn sinh trưởng khác nhau người ta có thể sử dụng các hàm lượng khác nhau để phát huy được hiệu quả của thuốc trừ dịch hại mà không ảnh hưởng đến cây trồng.
Thực tiễn đã chứng minh rằng cùng với một hàm lượng sử dụng cho một loại cây trồng ở giai đoạn non sẽ gây ảnh hưởng đến cây trồng (lá xoăn lại, gióng cây không phát triển,…) nhưng ở những giai đoạn sau cây vẫn phát triển bình thường mặc dù cũng sử dụng thuốc trừ dịch hại với liều lượng, hàm lượng như nhau. Mỗi dạng thuốc chỉ cho đăng ký một hàm lượng thuốc BVTV không thể đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật dung thuốc BVTV. Vì vậy nên sửa đổi điều khoản này theo hướng không hạn chế hàm lượng thuốc BVTV đăng ký.
7- Bỏ nội dung “Không được đăng ký thuốc BVTV có cùng hoạt chất hoặc cùng thành phần hỗn hợp các thuốc trong danh mục đã có 10 tên thương phẩm trở lên” (Điều 6 khoản 6).
Luật BV và KDTV không quy dịnh điều khoản này. Luật thương mại cho phép các Doanh nghiệp được quyền kinh doanh những mặt hàng nhà nước không cấm và được quyền tự do cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay có hơn 200 công ty kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV với nhiều tên thương phẩm khác nhau, cho nên nếu hạn chế chỉ 10 tên thương phẩm được đưa vào danh mục thì gây thiệt hại cho doanh nghiệp rất nhiều, nhất là doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, sẽ gây ra tình trạng độc quyền sản phẩm, tạo lợi ích nhóm. Cuối cùng nông dân sẽ là người chịu thiệt thòi nhất do bị ép giá cao.
8 – Đối với Điều 101 (điều khoản chuyển tiếp)
Các sản phẩm đã được đăng ký trong danh mục của các doanh nghiệp là một tài sản vô hình và quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Nhưng theo thông tư này thì một số tên thương phẩm sẽ bị loại khỏi danh mục. Đây là một vấn đề hệ trọng, gây thiệt hại kinh tế của doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích, động viên các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển vì chúng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục BVTV và ban soạn thảo xem xét, chỉnh sửa thông tư sao cho đảm bảo sự hài hòa giữa công tác quản lý Nhà nước và lợi ích các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp trong nước. Vì những lý do này các doanh nghiệp thuốc BVTV đề nghị:
- Chỉ áp dụng đối với những đăng ký thuốc BVTV mới kể từ khi Thông tư có hiệu lực. Những thuốc BVTV đã có trong danh mục sẽ tiếp tục được gia hạn khi giấy chứng nhận đăng ký hết hạn.
- Những thuốc BVTV đã có trong danh mục nhưng không may bị loại thì khi nộp hồ sơ tái đăng ký sẽ được cấp thêm một lần đăng ký nữa.
- Những sản phẩm mới đã làm khảo nghiệm chờ ra tên trong thời gian tới sẽ được cấp giấy phép đăng ký tối thiểu 5 năm.
- Những nhãn mác sẽ được lưu hành tối thiểu trong vòng 3-5 năm kể từ ngày thông tư có hiệu lực.
Hội VIPA đề nghị để Thông tư khi ban hành nhận được sự đồng thuận của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thì sau khi có các ý kiến góp ý, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Bảo vệ thực vật và Ban soạn thảo nên xem xét thật kỹ, biên soạn lại và tổ chức tọa đàm để giải thích rõ: Ý kiến nào được tiếp thu, sửa đổi; ý kiến nào không sửa, lý do không tiếp thu.
Xin chân thành cám ơn./.