VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa

Thứ Năm 11:14 31-07-2014

Kính gửi: Vụ Vận tải – Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn số 8339/BGTVT-VT của Bộ Giao thông vận tải ngày 10/07/2014 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

1.      Về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa

Chương II Dự thảo hiện đang được thiết kế theo hướng quy định điều kiện chung của kinh doanh vận tải đường thủy nội địa (hành khách, hàng hóa) và quy định các điều kiện đặc thù của vận tải hành khách theo từng loại (theo tuyến cố định/không theo tuyến cố định, ngang sông).

Như vậy, nếu là kinh doanh vận tải hàng hóa thì hiện Dự thảo quy định điều kiện áp dụng là hoàn toàn giống nhau (không phụ thuộc vào loại hàng hóa được vận tải) và giống với điều kiện kinh doanh vận tải hành khách nói chung.

Tương tự, nếu là vận tải hành khách (trừ vận tải ngang sông) thì điều kiện sẽ giống hệt nhau (không phụ thuộc vào việc hành khách đi tuyến ngắn vài giờ hay tuyến dài vài ngày). Và nếu kinh doanh vận tải hành khách đồng thời với vận tải hàng hóa thì chỉ cần đáp ứng các điều kiện của kinh doanh vận tải hành khách là đủ, không quan tâm tới các đặc điểm riêng của hình thức vận tải phối hợp này.

Cách tiếp cận này dường như là chưa hợp lý, bởi:

-         Vận tải hành khách với vận tải hàng hóa là hai hình thức vận tải khác nhau và việc vận tải hàng hóa có thể có những điểm dễ hơn nhưng cũng có thể có những điểm cần chú ý hơn so với vận tải hành khách (đặc biệt về khía cạnh an toàn vận chuyển);

-         Ngay cả đối với vận tải hàng hóa thì có thể những loại hàng hóa khác nhau cần những điều kiện riêng khác nhau. Ví dụ cùng là vận tải hàng hóa nhưng nếu hàng hóa được vận chuyển là các loại hàng hóa đặc biệt (Các hàng hóa nguy hiểm chất độc, hàng hóa dễ cháy nổ, hàng hóa có khả năng gây ô nhiễm môi trường, hàng hóa siêu trường, siêu trọng…) thì điều kiện phải khác.

Chú ý: Hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa đã có một số quy định liên quan tới vận tải hàng hóa nguy hiểm, siêu trường siêu trọng, động vật sống tại các Điều 95-97. Tuy nhiên các điều kiện này trong Luật thì hoặc là không cụ thể (ví dụ “phải sử dụng loại phương tiện phù hợp”), dẫn chiếu tới hướng dẫn của Chính phủ (chính là tới Nghị định này???), hoặc là không áp dụng cho phương tiện vận tải (ví dụ chỉ nêu trách nhiệm của người thuê vận tải). Và vì vậy đây chưa thể xem là điều kiện áp dụng cho kinh doanh vận chuyển hàng hóa như đề cập ở trên được.

Do vậy, ngoài việc áp dụng các điều kiện chung đối với kinh doanh vận tải thủy nói chung, cần phải tính đến các điều kiện riêng áp dụng đối với các loại vận tải đặc thù, điển hình.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo:

-         Ngoài các quy định về điều kiện chung áp dụng cho mọi loại hình kinh doanh vận tải thủy, cần tách riêng các quy định điều kiện vận chuyển hành khách và điều kiện vận chuyển hàng hóa;

-         Quy định chi tiết các điều kiện đặc thù đối với vận tải hàng hóa đặc biệt như: vận tải hàng hóa nguy hiểm, vận tải hàng hóa siêu trường siêu trọng, … hoặc dẫn chiếu tới văn bản pháp luật có quy định.

2.      Điều kiện chung kinh doanh vận tải đường thủy nội địa (Điều 5)

Các quy định tại Điều 5 Dự thảo thực chất là tập hợp các quy định đã có, đang được quy định rải rác tại các điều khoản khác nhau của Luật Giao thông đường thủy nội địa hoặc các văn bản hướng dẫn khác. Cách quy định này là hợp lý, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể kinh doanh vận tải thủy (chỉ cần nhìn vào Điều 5 là biết tất cả các điều kiện mà mình cần đáp ứng).

Tuy nhiên, cũng vì là quy định mang tính tập hợp các quy định đang có nên Điều 5 Dự thảo cần được rà soát để đảm bảo hai yêu cầu: một là phải đảm bảo tập hợp đầy đủ, dẫn chiếu cụ thể; hai là phải đảm bảo sự thống nhất, chính xác giữa các quy định ở đây và các quy định liên quan.

Hiện tại thì Điều 5 Dự thảo chưa đáp ứng được các yêu cầu này, ví dụ:

-         Các quy định về điều kiện tại Điều 5 Dự thảo quy định khá chung chung, theo hướng “theo quy định của pháp luật” mà không có dẫn chiếu cụ thể nào tới các điều khoản liên quan của Luật Giao thông đường thủy nội địa cũng như các văn bản pháp luật khác.

-         Quy định tại khoản 4 Điều 5 “tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa bằng phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba” là chưa thống nhất với quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa ở điểm, theo khoản 3 Điều 1 Luật năm 2014; khoản 1 Điều 24 Luật năm 2004 thì “phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa” phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba, như vậy so với Luật thì Dự thảo quy định thiếu đối tượng phải mua bảo hiểm là phương tiện cho sức chở trên 12 người..

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại thật kỹ các điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa hiện có trong Luật và các văn bản hướng dẫn để đưa vào Điều 5 Dự thảo một cách đầy đủ, chính xác, dẫn chiếu rõ ràng.

3.    Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa theo tuyến cố định và không theo tuyến cố định (Điều 6)

-         Khoản 1 Điều 6 quy định, một trong những điều kiện kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa theo tuyến cố định và không theo tuyến cố định là “Phương tiện phải được trang bị dụng cụ cứu sinh, chữa cháy theo quy định; có đủ ghế ngồi cho hành khách. Đối với phương tiện lưu trú ngủ đêm phải có buồng ngủ hoặc phòng ngủ theo quy định”. Tương tự như góp ý ở trên, quy định về điều kiện này rất chung chung, không rõ “theo quy định” là quy định ở văn bản nào?

Đề nghị Ban soạn thảo hoặc là quy định cụ thể ngay tại Nghị định hoặc là dẫn chiếu tới văn bản pháp luật có quy định về các vấn đề này.

-         Khoản 4 Điều 6 Dự thảo quy định, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách phải “đăng ký với cơ quan quản lý giao thông vận tải có thẩm quyền về tuyến hoạt động và phương án kinh doanh đối với hình thức vận tải theo tuyến cố định hoặc về khu vực hoạt động đối với hình thức vận tải không theo tuyến cố định”, tuy nhiên Dự thảo lại không quy định về trình tự thủ tục đăng ký.

Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể ngay tại Dự thảo để đảm bảo thuận lợi khi triển khai thực hiện.

4.    Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách ngang sông (Điều 7)

Dự thảo quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách thủy nội địa ngang sông (chú ý là ở đây Dự thảo đang có lỗi chính tả dẫn tới nhầm lẫn về đối tượng, nhầm từ “ngang sông” thành “theo tuyến cố định và không theo tuyến cố định”)… phải đảm bảo bến đón, trả hành khách phải đảm bảo điều kiện an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo quy định”. Quy định này được hiểu, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách ngang sông phải chịu trách nhiệm đảm bảo bến đón, bến trả khách đáp ứng điều kiện an toàn và phải thực hiện xin phép hoạt động cho bến đón, trả khách.

Trong khi đó Luật Giao thông đường thủy nội địa chỉ quy định về bến thủy (mà không có quy định nào về bến đón, trả khách trong trường hợp vận tải hành khách ngang sông. Vì vậy, không rõ trách nhiệm bảo đảm bến, đón trả khách trong trường hợp này cụ thể phải làm như thế nào?

Chú ý là ngay cả khi bến đón, trả khách trong trường hợp này là “bến thủy” thì theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, “bến thủy nội địa chỉ được hoạt động khi bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”, “Chủ đầu tư bến thủy nội địa trực tiếp khai thác hoặc cho thuê khai thác bến thủy nội địa” (Điều 69), “Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện, tàu biển vào những cảng, bến thủy nội địa được phép hoạt động” (Điều 70). Nói cách khác, theo Luật thì đơn vị vận tải hành khách và chủ thể khai thác bến đón trả khách trong nhiều trường hợp không phải là một và đơn vị vận tải hành khách chỉ có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật cũng như nội quy của bến thủy nội địa mà không có trách nhiệm đảm bảo điều kiện an toàn của bến thủy nội địa.

Ngoài ra, không rõ việc “phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động” quy định tại Điều 5 Dự thảo là cấp phép cho việc kinh doanh vận tải khách ngang sông hay cấp phép cho bến đón, trả? Và thủ tục cấp phép này là như thế nào?

Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các nội dung nói trên và bổ sung các quy định chi tiết tương ứng, nếu có.

5.      Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có điều kiện (Điều 9)

Khoản 3 Điều 9 Dự thảo quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải có điều kiện phải “thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo thông kê”. Không rõ nghĩa vụ báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải như thế nào (thời điểm báo cáo, nội dung báo cáo, cơ quan tiếp nhận báo cáo? …), quy định ở văn bản nào, bởi Luật Giao thông đường thủy không quy định về nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định này.

Chú ý là theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa thì kinh doanh vận tải thủy nội địa là loại hình kinh doanh có điều kiện, và vì vậy tên của Điều này chính xác phải là “trách nhiệm của tổ chức kinh doanh vận tải thủy nội địa” (chứ không phải là “kinh doanh vận tải có điều kiện”) bởi:

- Dự thảo chỉ quy định cho kinh doanh vận tải thủy nội địa chứ không phải mọi loại hình kinh doanh vận tải;

- Cách quy định này có thể gây nhầm lẫn là có những loại hình kinh doanh vận tải thủy khác thuộc diện “không có điều kiện”.

6.      Hiệu lực thi hành (Điều 14)

Dự thảo quy định, doanh nghiệp có thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét kéo dài thời hạn chuyển tiếp này (chẳng hạn là 6 tháng), bởi vì một số điều kiện mới được áp đặt, đặc biệt liên quan đến yếu tố kỹ thuật (lắp thiết bị giám sát hành trình, trang bị Hệ thống nhận dạng tự động AIS; …), doanh nghiệp cần thời gian dài hơn để trang bị và hoàn thiện.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan