VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp

Thứ Năm 11:13 31-07-2014

Kính gửi: Tổng cục Lâm nghiệp

        Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 1952/BNN-PC ngày 18 tháng 06 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam có một số ý kiến ban đầu như sau:

1. Cần ghi nhận nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị định xác lập một trong những nguyên tắc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp là “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, công ty và người lao động.” Thực tiễn cho thấy, nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp của nông dân và cộng đồng dân cư sống trong và vùng liền kề ở các công ty lâm nghiệp là rất lớn. Đặc biệt, Nghị quyết 30-NQ/TW ngày ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tại điểm 4 Mục A.II Mục tiêu quan điểm đã quy định rõ: “Xây dựng các công ty nông, lâm nghiệp trở thành trung tâm liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, trung tâm kinh tế, khoa học - công nghệ và văn hóa đối với nhân dân trong vùng; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước doanh nghiệp và người dân...”. Do đó, Dự thảo Nghị định cần ghi nhận nguyên tắc hài hòa lợi ích này. Nếu chỉ giới hạn là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, công ty và người lao động như dự thảo hiện nay, thì sẽ rất khó để xử lý được mâu thuẫn về sử dụng đất lâm nghiệp hiện nay ở các địa phương.

Kiến nghị: điều chỉnh khoản 4 Điều 3 thành: “…; hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong vùng”.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng quản trị doanh nghiệp đối với các công ty nông nghiệp và lâm nghiệp

Khoản 3 Điều 3 Dự thảo đã nêu nguyên tắc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, trong đó có yêu cầu cần “Tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp.” Chúng tôi cho rằng đây là nguyên tắc rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả của quá trình chuyển đổi cũng như huy động các nguồn vốn khác của xã hội đầu tư vào nông nghiệp và lâm nghiệp.

Một số quy định dường như chưa mạnh mẽ đi theo hướng này, chưa thúc đẩy mạnh mẽ việc tăng hiệu quả kinh doanh và đổi mới chất lượng quản trị doanh nghiệp. Chẳng hạn quy định về việc chuyển đổi một số công ty nông nghiệp hoạt động kinh doanh mà nhà nước đang nắm giữ 100% sang mô hình công ty cổ phần trong đó nhà nước vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối 65% trở lên vẫn là phương thức chủ yếu (Điều 5 và Điều 11), chiếm số lượng lớn. Theo tờ trình Chính phủ thì dự kiến với công ty nông nghiệp, thực hiện nghị định này sẽ chỉ có 15 công ty cổ phần hoá mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối so với 80 công ty Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ 65% trở lên.

Việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối tại các công ty cổ phần kinh doanh sẽ rất khó tạo ra sự chuyển biến về chất trong hoạt động và điều hành, tạo sức ép nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Thực tế cổ phần hoá tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác cho thấy khi Nhà nước vẫn giữ vai trò chi phối thì hầu hết các công ty sau cổ phần hoá vẫn là ở tình trạng “bình mới rượu cũ”, tình hình hoạt động kinh doanh và quản trị không thay đổi đáng kể.

Kiến nghị: Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rà soát hình thức chuyển đổi và chỉ nên duy trì hai loại doanh nghiệp: loại công ty TNHH nhà nước nắm giữ 100% vốn và loại hình công ty cổ phần không bắt buộc nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, nếu có duy trì hình thức công ty cổ phần nhà nước nắm vốn chi phối thì cũng rất hạn chế. Như vậy, sẽ giúp các công ty cổ phần linh hoạt, năng động hơn trong huy động các nguồn vốn, tạo ra sự thay đổi thực sự về chất trong hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

3. Tạo cơ chế rõ ràng cho việc tham gia, liên kết của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác

Dự thảo Nghị định tại Điều 6 và Điều 12 có quy định việc thành lập công ty nông nghiệp và lâm nghiệp theo mô hình TNHH 2 thành viên trở lên để gắn kết phát triển vùng nguyên liệu của công ty và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường…

Quy định này mới mang tính tuyên bố chính sách mà chưa có những quy định cụ thể trong Dự thảo.  Do vậy, dự thảo cần có những quy định cụ thể, khả thi hơn để có thể thu hút sự tham gia liên doanh liên kết của các thành phần kinh tế khác.

Kiến nghị: Bổ sung các quy định cụ thể hơn về cơ chế tham gia, liên kết của các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác.  

Trên đây là  ý kiến đóng góp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc điều chỉnh Dự thảo nếu phù hợp.

Trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan