VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 36/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về xuất nhập khẩu hàng nông sản
Kính gửi: Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trả lời Công văn số 2552/BNN-CB của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của các doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
1. Một số quy định tại Dự thảo chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác
a. Về xuất khẩu cây, gỗ và sản phẩm gỗ; củi, than làm từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước (Mục 1 Chương II)
- Cấm xuất khẩu: Điều 7 Dự thảo quy định về các loại gỗ, sản phẩm chế biến từ gỗ bị cấm xuất khẩu gồm:
+ Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ rừng tự nhiên trong nước
+ Sản phẩm làm từ gỗ thuộc Nhóm IA do Chính phủ quy định và Phụ lục I CITES có nguồn gốc từ tự nhiên
+ Cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trong nước
Quy định này là chưa thống nhất với quy định tại Nghị định 187, bởi vì “cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trong nước” không thuộc diện Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu mà lại thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, có nghĩa đây là loại hàng hóa được phép xuất khẩu nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định cấm xuất khẩu “cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trong nước” quy định tại khoản 3 Điều 7 Dự thảo và chuyển sang hình thức cấp phép xuất khẩu nếu đáp ứng được các điều kiện.
- Thành phần hồ sơ cấp giấy phép xuất khẩu: Điều 9 Dự thảo quy định về thành phần hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép, chứng chỉ CITES xuất khẩu sản phẩm làm từ gỗ thuộc nhóm IA, IIA theo quy định của pháp luật Việt Nam và thuộc Phụ lục II của CITES. Quy định này được hiểu là, các sản phẩm làm từ gỗ thuộc nhóm IA theo quy định của pháp luật Việt Nam được phép xuất khẩu, như vậy là mâu thuẫn với chính quy định tại khoản 2 Điều 7 Dự thảo khi xác định nhóm sản phẩm này thuộc loại hàng hóa cấm xuất khẩu. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định để điều chỉnh đảm bảo thống nhất trong chính các quy định của Dự thảo.
b. Xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng (Mục 4 Chương II)
- Khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định, thương nhân nhập khẩu giống cây trồng có tên trong Danh mục giống cây trồng hoặc Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam phải làm thủ tục thông báo về loại giống nhập khẩu, số lượng giống nhập khẩu đến Tổng cục lâm nghiệp hoặc Cục Trồng trọt. Quy định này là chưa phù hợp với tinh thần của Pháp lệnh về giống cây trồng năm 2004. Theo quy định tại Điều 41 Pháp lệnh thì “tổ chức, cá nhân được nhập khẩu các loại giống cây trồng có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh”, có nghĩa là thương nhân có quyền tự do nhập khẩu các loại giống cây trồng được phép mà không phải thực hiện bất kì thủ tục hành chính nào đối với cơ quan quản lý chuyên ngành về giống cây trồng. Do vậy, việc yêu cầu thương nhân nhập khẩu phải thực hiện thủ tục thông báo là chưa phù hợp với Pháp lệnh về giống trồng trọt. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định, thương nhân phải gửi văn bản thông báo về loại giống nhập khẩu, số lượng giống nhập khẩu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Khoản 1 Điều 14 Dự thảo quy định, “thương nhân nhập khẩu giống cây trồng có tên trong Danh mục giống cây trồng hoặc Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp … định kỳ 6 tháng báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp hoặc Cục Trồng trọt kết quả sử dụng, kinh doanh giống đã nhập”. Quy định này vừa không thống nhất với Pháp lệnh về giống cây trồng năm 2004 vừa chưa hợp lý, bởi theo quy định tại Pháp lệnh thì doanh nghiệp xuất khẩu giống cây trồng không có nghĩa vụ báo cáo đối với kết quả sử dụng, kinh doanh giống đã nhập. Hơn nữa, quy định về nghĩa vụ báo cáo đối với thương nhân nhập khẩu không rõ về mục tiêu quản lý và gia tăng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định thương nhân nhập khẩu giống cây trồng có tên trong Danh mục giống cây trồng hoặc Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam phải định kỳ 6 tháng báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp hoặc Cục Trồng trọt kết quả sử dụng kinh doanh giống đã nhập.
c. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (Mục 7 Chương II)
Đối với hoạt động nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, hiện nay Thông tư số 66/2011/TT-BNNPTNT quy định chi tiết một số điều Nghị định số 08/2010/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi (Thông tư 66) đã quy định khá chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Các quy định tại Mục 7 Dự thảo phần lớn có tính chất nhắc lại các quy định tại Thông tư 66.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, các văn bản quy phạm pháp luật không được phép nhắc lại các quy định đã có tại văn bản quy phạm pháp luật khác. Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định tại Mục 7 và dẫn chiếu tới các quy định tại Thông tư 66.
d. Xuất khẩu, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác
Hiện tại, Dự thảo Thông tư quy định chi tiết Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón đang được xây dựng trong đó có quy định khá chi tiết về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu phân bón hữu cơ. Nếu Dự thảo này quy định về thủ tục nhập khẩu phân bón hữu cơ sẽ có khả năng hoặc là trùng các nội dung tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 202 hoặc là mâu thuẫn với các quy định tại Dự thảo Thông tư này.
Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các quy định tại Mục 8 và dẫn chiếu tới Thông tư hướng dẫn Nghị định 202 về quản lý phân bón hữu cơ.
2. Một số quy định tại Dự thảo chưa đủ cụ thể, rõ ràng
Dự thảo Thông tư quy định chủ yếu liên quan đến hồ sơ, trình tự thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, do đó các quy định cần phải rõ ràng, cụ thể, để đảm bảo thuận lợi trong thực tế áp dụng. Tuy nhiên, một số quy định của Dự thảo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này:
- Quy định về các tài liệu trong Hồ sơ còn thiếu rõ ràng: Trong một số quy định về tài liệu trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục hành chính, Dự thảo thường quy định “theo quy định hiện hành” (ví dụ: điểm b khoản 1 Điều 9, điểm a khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định “Hồ sơ chứng minh mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp theo quy định hiện hành” hoặc “Biên bản kiểm tra điều kiện cơ sở thực hiện khảo nghiệm của cơ quan có thẩm quyền kết luận đạt yêu cầu theo quy định hiện hành” – điểm a khoản 1 Điều 36), điều này là không rõ ràng, gây khó khăn trong thực tế triển khai, bởi doanh nghiệp sẽ không thể biết được quy định hiện hành là quy định ở văn bản nào trong một “rừng” văn bản hiện tại. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần dẫn chiếu tới các văn bản quy định cụ thể về các tài liệu hồ sơ trên.
- Các “giấy phép con” trong Hồ sơ thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu: Trong rất nhiều quy định về tài liệu trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục hành chính tại Dự thảo là các “giấy phép con”, chẳng hạn:
+ Yêu cầu “văn bản xác nhận đủ điều kiện nuôi, giữ, chăm sóc của cơ quan kiểm lâm tỉnh hoặc xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh đối với các loài thủy sinh”; “văn bản xác nhận về việc nhập khẩu mẫu vật đó không ảnh hưởng xấu tới môi trường và việc bảo tồn các loại động vật, thực vật trong nước đối với trường hợp loài động vật, thực vật đó lần đầu tiên được nhập khẩu vào Việt Nam …” trong Hồ sơ nhập khẩu mẫu động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục CITES quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Dự thảo;
+ Yêu cầu “văn bản cho phép sản xuất thử (đối với nhập khẩu để sản xuất thử)” trong Hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp (điểm a khoản 1 Điều 15 Dự thảo)
+ Yêu cầu “Đề cương khảo nghiệm sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản đã được Tổng cục Thủy sản phê duyệt” trong Hồ sơ nhập khẩu sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản để khảo nghiệm (điểm a khoản 1 Điều 36)
Tuy nhiên Dự thảo lại không quy định việc yêu cầu các loại giấy tờ này theo quy định tại văn bản pháp luật nào? Hoặc nếu là quy định mới thì các quy định này lại thiếu rõ ràng ở điểm: không rõ doanh nghiệp phải thực hiện những thủ tục nào để có các loại giấy phép con này? Các điều kiện, tiêu chí, căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp cho các doanh nghiệp?
Do đó, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo hoặc là quy định theo hướng dẫn chiếu cụ thể các văn bản pháp luật hiện hành quy định về các loại “giấy phép con” này hoặc quy định ngay tại Dự thảo trình tự, thủ tục để doanh nghiệp có thể có được các loại giấy phép này.
- Thời gian thực hiện thủ tục hành chính: Một số quy định tại Dự thảo về trình tự thủ tục hành chính thiếu quy định về thời gian giải quyết hồ sơ, ví dụ: thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng (Điều 15); thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc thú y (Điều 21); thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu phân bón (Điều 28); thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản (Điều 36) hoặc thiếu thời gian doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ: thủ tục cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi (Điều 19); thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật và vật thể thuộc danh mục vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam (Điều 24); thủ tục cấp phép nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (Điều 26).
Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các thời hạn trên, hoặc trong trường hợp các thời hạn này áp dụng quy định chung tại Điều 6 thì Dự thảo cần phải quy định rõ nguyên tắc, nếu không quy định cụ thể các thời hạn giải quyết hồ sơ tại mỗi thủ tục thì được hiểu áp dụng theo quy định chung về thời hạn giải quyết tại Điều 6.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.