Giảm giá do không thực hiện đúng hợp đồng – Góp ý Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) của Ông Lê Ngọc Thạnh – Hội thảo VCCI tại Tp.HCM ngày 11/4/2014

Thứ Sáu 10:57 11-04-2014

BÀN VỀ GIẢM GIÁ DO KHÔNG THỰC HIỆN ĐÚNG HỢP ĐỒNG

TỪ THỰC TIỄN XÉT XỬ VỤ ÁN TRANH CHẤP

HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Lê Ngọc Thạnh*

Từ việc nghiên cứu nội dung giảm giá do không thực hiện hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, so sánh với pháp luật quốc tế, thực tiễn xét xử của Tòa án trong vụ án có liên quan và quan điểm của các tác giả; mục tiêu của bài viết này là đề xuất xây dựng chế định pháp luật chung về xử lý trong trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng và sự cần thiết phải làm rõ nghĩa vụ của bên khi không thực hiện đúng hợp đồng trong các trường hợp cụ thể, nhằm đảm bảo quyền lợi khi các bên tham gia quan hệ pháp luật.

1. Giảm giá do không thực hiện đúng hợp đồng theo pháp luật Việt Nam

Khi không thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết, pháp luật Việt Nam đã quy định buộc phía bên vi phạm phải chịu trách nhiệm thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ đã vi phạm, thể hiện ở một số nội dung sau:

Điều 31 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 quy định: “Khi sản phẩm, hàng hoá không đúng chất lượng, công việc không đúng yêu cầu kỹ thuật đã thoả thuận trong hợp đồng kinh tế thì bên bị vi phạm có quyền không nhận; nếu nhận, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu giảm giá hoặc sửa chữa sai sót trước khi nhận. Trong trường hợp do phải sửa chữa sai sót mà hợp đồng không được thực hiện đúng thời hạn thì bên vi phạm bị phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại do việc không thực hiện hợp đồng kinh tế đúng thời hạn gây ra.”.

Đây là quy phạm lựa chọn, có nghĩa là, bên bị vi phạm: (i) có quyền không nhận sản phẩm, hàng hóa; (ii) nếu nhận thì có quyền yêu cầu giảm giá hoặc sửa chữa sai sót sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận. Cơ sở phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp này là sản phẩm, hàng hóa không đúng chất lượng, công việc không đúng yêu cầu kỹ thuật đã thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế.

Trong Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định, bên cho thuê hàng hóa phải bảo dưỡng và sửa chữa hàng hóa cho thuê trong thời hạn hợp lý. Trường hợp việc sửa chữa và bảo dưỡng hàng hóa cho thuê gây phương hại đến việc sử dụng hàng hóa đó của bên thuê thì phải có trách nhiệm giảm giá thuê hoặc kéo dài thời hạn cho thuê tương ứng với thời gian bảo dưỡng, sửa chữa[1].

Ngoài ra, giảm giá khi không thực hiện đúng hợp đồng còn được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995, năm 2005, cụ thể như sau:

Thứ nhất, việc trả tiền công đối với thuê dịch vụ thì trong trường hợp chất lượng, số lượng dịch vụ không đạt được như thoả thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn do lỗi của bên làm dịch vụ, thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền công và yêu cầu bồi thường thiệt hại[2];

Thứ hai, trong trường hợp sửa chữa vật trong thời hạn bảo hành thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thoả thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua: (1) có quyền yêu cầu giảm giá; (2) đổi vật có khuyết tật lấy vật khác; hoặc (3) trả lại vật và lấy lại tiền.

Đây là quy phạm lựa chọn mà bên mua có quyền so sánh các phương án xử lý trước khi quyết định[3].

Thứ ba, trong trường hợp giao tài sản thuê, nếu bên cho thuê chậm giao tài sản thì bên thuê có thể gia hạn giao tài sản hoặc huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại; nếu tài sản thuê không đúng chất lượng như thoả thuận thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa, giảm giá thuê hoặc huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại[4]. Bên thuê cũng có quyền yêu cầu giảm giá thuê trong trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê[5].

Thứ tư, trong trường hợp trả tiền dịch vụ, nếu dịch vụ được cung ứng không đạt được như thoả thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại[6].

Như vậy, pháp luật về giảm giá khi không thực hiện đúng hợp đồng được quy định rải rác trong pháp luật thương mại, cũng như trong pháp luật dân sự, với chế tài đặt ra không nhất quán, có thể là buộc bên vi phạm phải giảm giá hàng hóa hoặc dịch vụ cung ứng, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại; hoặc trả lại hàng hóa không đúng như hợp đồng.

2. Thực tiễn xét xử

Người bán hàng là cửa hàng H. Quang, người mua hàng là công ty P.Lâm, hai bên ký Hợp đồng mua bán số 1905 ngày 19/5/2006, theo đó bên mua đặt mua một số lượng 5 mặt hàng điện tử có xuất xứ từ Mỹ trị giá 10.234 USD. Ngày 27/6/2006 hai bên ký Phụ lục hợp đồng số 1905/PL với số lượng đặt hàng 3 mặt hàng bổ sung trị giá là 1.882 USD. Tổng giá trị hai hợp đồng là 12.116 USD, tương đương 190.366.000 đồng, phía người mua đã chuyển tiền cho người bán.

Ngày 27/7/2006, cửa hàng H. Quang giao hàng, hai bên lập biên bản xác định có 3/8 mặt hàng quan trọng nhất và có giá trị nhất theo hợp đồng có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan. Phía người bán đề nghị người mua chấp nhận sử dụng hàng đã giao, cam kết bảo hành bảo đảm hoạt động tốt như hàng hoá đã thoả thuận và đồng ý chi thêm 500 USD vì lý do hàng không đúng nguồn gốc xuất xứ. Phía người mua nhận thiết bị để sử dụng và đã nhận 500 USD do người bán chuyển đến.

Sau hơn một tháng sử dụng, thiết bị hoạt động không tốt nên công ty P.Lâm đã có văn bản khiếu nại tới bên bán hàng yêu cầu nhận lại hàng hoá và bồi thường khoản tiền công ty P.Lâm phải đi thuê máy của đơn vị khác để sử dụng. Ngày 01/11/2006, công ty P.Lâm khởi kiện vụ án, đề nghị Toà án buộc cửa hàng H. Quang thực hiện yêu cầu nêu trên, cụ thể là buộc cửa hàng H. Quang nhận lại hàng đã bán và thanh toán trả 190.366.000 đồng và những thiệt hại kinh tế do công ty P. Lâm phải thuê thiết bị từ ngày 28/9/2006 đến khi xét xử là 300.000 đồng/ngày (tương đương 42.750.000 đồng).

Diễn biến quá trình giải quyết vụ án:

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2007/KDTM-ST ngày 23/7/2007 của Toà án nhân dân quận C, thành phố H xử:

- Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là trả lại tất cả 8 mặt hàng có giá trị 190.366.000 đồng.

- Không chấp nhận yêu cầu nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 42.750.000 đồng. Buộc cửa hàng H. Quang trả số tiền chênh lệch giá của 3 mặt hàng giao sai xuất xứ (theo cách tính tại văn bản định giá của Hội đồng định giá do Uỷ ban nhân dân quận thành lập theo yêu cầu của Toà án) cho công ty P.Lâm là 48.258.080 đồng.

Chủ cửa hàng H. Quang kháng cáo, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm buộc bên mua phải nhận máy và không chấp nhận quyết định buộc cửa hàng H.Quang phải trả 48.258.080 đồng tiền chênh lệch giá máy do sai xuất xứ.

Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 1511/2007/KDTM-PT của Toà án nhân dân thành phố H xử: Không chấp nhận yêu cầu của công ty P. Lâm đòi cửa hàng H. Quang nhận lại máy đã bán, thanh toán số tiền là 233.116.000 đồng phát sinh trong hợp đồng kinh tế ngày 19/5/2006 và phụ lục hợp đồng ngày 27/6/2006, gồm giá trị hàng hoá đã mua là 190.366.000 đồng và phạt vi phạm hợp đồng là 42.750.000 đồng[7].

Nhận xét:

Cửa hàng P. Lâm không yêu cầu cửa hàng H. Quang giảm giá do không thực hiện đúng theo Hợp đồng mua bán số 1905 ngày 19/5/2006, và Phụ lục hợp đồng số 1905/PL ngày 27/6/2006, mà yêu cầu bên bán phải nhận lại hàng và bồi thường thiệt hại do thuê thiết bị là 42.750.000 đồng.  Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này, mà buộc bên bán phải trả 48.258.080 đồng tiền chênh lệch giá máy do sai xuất xứ, thực chất là giảm giá do không thực hiện đúng theo hợp đồng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm lại không chấp nhận cả yêu cầu của Cửa hàng P. Lâm và nội dung xét xử của Tòa án nhân dân quận C.

Thực ra, bên mua đã biết việc bên bán giao hàng không đúng như hợp đồng; tuy vậy, bên mua vẫn nhận hàng và coi như chấp nhận đề nghị của người bán chi thêm 500 USD vì lý do hàng không đúng nguồn gốc xuất xứ. Phía người mua nhận thiết bị để sử dụng và đã nhận 500 USD do người bán chuyển đến với lời cam kết bảo hành bảo đảm hoạt động tốt như hàng hoá đã thoả thuận. Do vậy, việc Cửa hàng P. Lâm yêu cầu bên bán nhận lại hàng là không phù hợp.

Bản án sơ thẩm có lẽ đã không xét đến nghĩa vụ bảo hành thiết bị của bên bán, nên chỉ tuyên: Buộc bên bán trả số tiền chênh lệch giá của 3 mặt hàng giao sai xuất xứ (theo cách tính tại văn bản định giá của Hội đồng định giá do Uỷ ban nhân dân quận thành lập theo yêu cầu của Toà án) cho bên mua là 48.258.080 đồng. Bản chất của nội dung này chính là yêu cầu bên bán giảm giá do không  thực hiện đúng hợp đồng; tuy nhiên Hội đồng xét xử đã không áp dụng Khoản 2 Điều 49 Luật Thương mại năm 2005[8], buộc bên bán phải có nghĩa vụ bảo hành; đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế đã xảy ra do bên mua phải thuê máy của đơn vị khác sử dụng theo Khoản 2 Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2005[9]. Riêng khoản tiền 500 USD cần được xem xét để trừ vào khoản tiền chênh lệch giá trị hàng hóa do bên bán giao hàng không đúng theo cam kết. Tuy nhiên điều này không được xem xét và nhắc đến.

Bản án phúc thẩm đã không xét đến cả hai yếu tố đối với bên bán: giảm giá do không thực hiện hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế xảy ra cho bên mua như đã phân tích ở trên là chưa phù hợp.

3. Các quan điểm khác

Theo tác giả Lê Song Lê thì trong vụ án trên, phía người bán có lỗi đã chuyển 3/8 mặt hàng cùng loại nhưng không đúng xuất xứ, phía người mua chấp nhận nhận thiết bị, máy móc để đưa vào sử dụng với điều kiện người bán phải sửa chữa, khắc phục sai sót về tính chất của hàng hoá. Khi cửa hàng H. Quang không khắc phục được vi phạm (hàng hoá sai xuất xứ) thì công ty P. Lâm có quyền trả lại vật để lấy lại tiền, phù hợp quy định tại Điều 49 Luật Thương mại, khoản 3 Điều 447 Bộ luật Dân sự.

Công ty P. Lâm khai phải thuê máy móc thay thế máy đã mua để sử dụng và xuất trình tài liệu chứng minh thiệt hại (theo hợp đồng ký với đơn vị khác). Đây là thiệt hại thực tế, mặc dù trong hợp đồng không có quy định mức bồi thường thiệt hại, song căn cứ khoản 2 Điều 307 Bộ luật Dân sự thì công ty P. Lâm có quyền yêu cầu cửa hàng H. Quang khắc phục vi phạm (sửa chữa để máy móc có chất lượng tương đương hàng đặt mua) và bồi thường thiệt hại (tiền thuê máy).

Do đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để Toà án xét xử buộc cửa hàng H. Quang có trách nhiệm trả khoản tiền chênh lệch về thiết bị mua sai xuất xứ cho công ty P. Lâm và bồi thường khoản tiền thuê thiết bị mà bên mua đã chi phí nhằm khắc phục thiệt hại bằng khoản tiền thuê thiết bị đã ký kết với đơn vị khác trong thời gian chờ cửa hàng H. Quang sửa chữa, thay thế thiết bị có tính chất đúng  tiêu chuẩn đã giao kết trong hợp đồng[10].

Nhận xét:  Tác giả cũng đồng tình với ý kiến trên, song cần xem lại khoản 500 USD mà bên bán đã chuyển cho bên mua, sau khi bên mua phát hiện bên bán đã giao hàng hóa không đúng theo nguồn gốc xuất xứ như trong thỏa thuận hợp đồng theo hướng: Khoản tiền 500 USD được xem như là khoản thực hiện nghĩa vụ giảm giá do không thực hiện đúng theo hợp đồng, cần được Hội đồng xét xử xem xét trong việc buộc bên bán phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.

4. Nghiên cứu đối chiếu với pháp luật quốc tế

Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng quốc tế (Công ước Viên 1980) quy định:

“Điều 50. Trong trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, dù tiền hàng đã được trả hay chưa, người mua có thể giảm giá hàng theo tỷ lệ căn cứ vào sự khai biệt giữa giá trị thực của hàng hóa vào lúc giao hàng và giá trị của hàng hóa nếu hàng phù hợp hợp đồng vào lúc giao hàng...”[11]

Bộ Nguyên tắc hợp đồng thương mại của châu Âu quy định:

Điều 9:401. Bên chấp nhận việc thực hiện không phù hợp với hợp đồng có thể giảm giá. Phần được giảm tỷ lệ với phần chênh lệch giữa giá trị việc thực hiện vào thời điểm thực hiện và giá trị của việc thực hiện đúng ra phải phù hợp với hợp đồng ở thời điểm này[12]…”.

Như vậy, cả Công ước Viên và Bộ Nguyên tắc hợp đồng thương mại của châu Âu đều có điểm chung là khi không thực hiện đúng hợp đồng thì bên mua được quyền giảm giá phần chênh lệch giá trị mà bên bán không thực hiện tại thời điểm giao hàng. Quy định này được áp dụng chung, không phân biệt các loại hợp đồng.

Như đã phân tích ở trên, pháp luật Việt Nam về giảm giá khi không thực hiện đúng hợp đồng cũng đi theo hướng này, tuy nhiên các quy định nằm rải rác trong Bộ Luật Dân sự và Luật Thương mại, đồng thời có sự phân biệt tùy theo loại hợp đồng, dịch vụ; ngoài ra có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại; hoặc trả lại hàng hóa không đúng như hợp đồng.

5. Kiến nghị

Không thực hiện đúng theo hợp đồng là việc thường xảy ra trong hoạt động kinh doanh thương mại, cũng như lĩnh vực dân sự. Từ  thực tiễn xét xử trong bản án đối với sự việc tranh chấp xảy ra giữa Cửa hàng H. Quang và Công ty P. Lâm, tác giả có ý kiến sau:

Thứ nhất, cần xây dựng chế định pháp luật chung về xử lý trong trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng, như ý kiến tại Hội thảo: Hoàn thiện các báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại do VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 24/8/2011 tại thành phố Hồ Chí Minh: “chúng ta nên sớm thống nhất pháp luật về xử lý việc vi phạm hợp đồng bằng cách bỏ các quy định từ Điều 292 đến 316 của Luật Thương mại và hoàn thiện các quy định trong Bộ luật Dân sự (trong đó có kế thừa ưu điểm của Luật Thương mại) về xử lý việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.”[13].

Thứ hai, cần làm rõ nghĩa vụ của bên không thực hiện đúng hợp đồng phải thực hiện trong các trường hợp:

(i) Bên bị vi phạm không biết việc thực hiện đúng theo cam kết của bên kia;

(ii) Bên bị vi phạm biết, nhưng vẫn chấp nhận với điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa, cũng như cam kết bảo hành của bên vi phạm không thực hiện đúng hợp đồng;

(iii) Vấn đề bồi thường thiệt hại khi phát sinh thiệt hại thực tế xảy ra trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ bảo hành như đã cam kết./.



* Thạc sĩ  Luật học, Trường Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở TP. Hồ Chí Minh).

[1] Khoản 4 Điều 270 Luật Thương mại năm 2005.

[2] Khoản 3 Điều 527 Bộ luật Dân sự năm 1995.

[3] Khoản 3 Điều 447 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[4] Khoản 2 Điều 484 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[5] Khoản 2 Điều 485 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[6] Khoản 4 Điều 524 Bộ luật Dân sự năm 2005.

[7] Lê Song Lê (2009), Quan điểm xử lý khi nghiên cứu, giải quyết loại án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa do lỗi của bên bán, Tạp chí Kiểm sát số 05 (tháng 3/2009), tr. 36 - 39.

[8]Điều 49. Nghĩa vụ bảo hành hàng hoá

1. Trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hóa đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận.

2. Bên bán phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép.

3. Bên bán phải chịu các chi phí về việc bảo hành, trừ trường hợp có thoả thuận khác. ”

[9] “Điều 304. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại 

…2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút... ”

[10] Lê Song Lê (2009), Tài liệu đã dẫn.

[11] ThS. Trần Văn Nam, PTS. Trần Thị Hòa Bình (Chủ biên) (1999), Giáo trình Luật Thương mại quốc tế, Nxb. Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, tr. 369.

[12] Nguyên văn: “Article 9:401 Right to Reduce Price

(1) A party who accepts a tender of performance not conforming to the contract may reduce the price. This reduction shall be proportionate to the decrease in the value of the performance at the time this was tendered compared to the value which a conforming tender would have had at that time.”.

[13] PGS. TS. Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Hướng tới việc thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hợp đồng ở Việt Nam, truy cập tại địa chỉ:

http://www.vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/Download.aspx?AttachID=70.

Các văn bản liên quan