Một số vấn đề bất cập về chế định quyền sở hữu trong Bộ Luật Dân sự và định hướng sửa đổi – Góp ý Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) của TS. Hoàng Thị Thúy Hằng – Hội thảo Tp.HCM ngày 11/4/2014

Thứ Sáu 11:00 11-04-2014

MỘT SỐ VẤN ĐỀ BẤT CẬP VỀ CHẾ ĐỊNH QUYỀN SỞ HỮU TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬA ĐỔI

TS. Hoàng Thị Thuý Hằng

I.    Thực trạng chế định quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự

Chế định về "Tài sản và quyền sở hữu" được quy định ở Phần thứ hai của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 (117 điều). BLDS đã quy định các vấn đề về quyền sở hữu như: khái niệm, nội dung quyền sở hữu, căn cứ phát sinh, căn cứ chấm dứt quyền sở hữu, hình thức sở hữu, bảo vệ quyền sở hữu... Các quy định của BLDS đã tạo cơ sở pháp lý để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền sở hữu của mình, tôn trọng quyền sở hữu của người khác; đồng thời là căn cứ để Toà án giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu.

Khi xét về đặc điểm các loại quyền trong BLDS, ta thấy có sự khác nhau nhất định. Các quyền này được bảo đảm thực hiện bằng những cách thức khác nhau. Tại Phần thứ hai của BLDS, khi thực hiện quyền sở hữu thì chủ sở hữu có quyền tác động trực tiếp đến tài sản; tất cả những người khác đều phải tôn trọng quyền sở hữu của chủ sở hữu; khi phân tích đặc trưng của các quyền khác đối với tài sản (chủ thể thực hiện quyền không phải là chủ sở hữu), ta thấy chúng có những nét tương đồng với các vật quyền khác (tạm gọi là vật quyền hạn chế) theo quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Còn trong quan hệ nghĩa vụ và hợp đồng (Phần thứ ba của BLDS) thì quyền tài sản của một bên tương ứng với nghĩa vụ tài sản của bên kia (quyền chủ nợ).

BLDS có những quy định rõ ràng, cụ thể về quyền sở hữu. Đồng thời, BLDS cũng đã quy định về quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản nhưng cũng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt chúng. Điều 173 BLDS năm 2005 đã liệt kê các loại quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản; ở mức độ nhất định đã quy định cách thức thực hiện các quyền này cũng như các biện pháp bảo vệ chúng.

Tuy nhiên, các quy định của BLDS về vấn đề tài sản và quyền sở hữu còn có những bất cập mà chúng ta sẽ đề cập đến sau đây.

- Trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và trong BLDS hiện hành nói riêng, thuật ngữ “vật quyền” chưa được sử dụng. Do không có lý thuyết chung về vật quyền mà Việt Nam đã không có điều kiện xây dựng một hệ thống các giải pháp có tác dụng hoàn thiện các quyền cụ thể có tính chất vật quyền, nhằm tạo điều kiện cho các quyền ấy phát huy tác dụng tích cực trong thực tiễn cuộc sống.

-       Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản theo quy định tại Điều 173: các quyền này, về cơ bản, mang tính chất vật quyền nhưng vì không có chủ thuyết về vật quyền nên quy định này có những hạn chế sau đây:

Thứ nhất, Điều 173 quy định các loại quyền của người không phải là chủ sở hữu gồm quyền sử dụng đất và quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề; đồng thời quy định “các quyền khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật”. Như vậy, còn nhiều loại vật quyền khác chưa được quy định trong BLDS. Mặt khác, “các quyền khác theo thoả thuận” thì không đúng với nguyên tắc chủ yếu của vật quyền là “vật quyền do luật định” và cũng không thể được thực hiện và bảo vệ theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 173 được.

Thứ hai, chưa quy định cụ thể nội dung của một số loại vật quyền hạn chế phổ biến.

Thứ ba, chưa quy định cụ thể mối quan hệ giữa các quyền, hậu quả pháp lý trong việc xử lý các quyền.

-  Một số quy định của BLDS tuy đã thể hiện nguyên tắc của các biện pháp bảo đảm đối vật như cầm cố, thế chấp (thể hiện trong các quy định như về  thứ tự ưu tiên thanh toán, giá trị pháp lý đối với người thứ ba...), song các quy định đó lại được nhìn nhận và xây dựng trên cơ sở kết hợp với nguyên lý về trái quyền, do đó chưa thực sự triệt để, toàn diện. Điều này thể hiện ở chỗ:

+ Tất cả các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đều được quy định tại Phần thứ ba của BLDS “Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự”, chưa có sự phân biệt biện pháp bảo đảm đối vật và biện pháp bảo đảm đối nhân mặc dù trong cách thực hiện các biện pháp bảo đảm có sự khác nhau.

+ Chưa quy định triệt để về tính theo đuổi trong các quy định về thế chấp (một biện pháp bảo đảm có tính chất vật quyền). Hiện nay, theo quy định của khoản 4 Điều 348 BLDS thì bên thế chấp tài sản không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ hai trường hợp: 1, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh (khoản 3 Điều 349); 2, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý trong trường hợp tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh (khoản 4 Điều 349). Quy định như trên là một giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của bên nhận thế chấp; tuy nhiên, quy định như vậy của BLDS dẫn đến một hệ quả là, ở mức độ nhất định, đã hạn chế khả năng khai thác giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm. Pháp luật của nhiều nước trên cơ sở tôn trọng quyền theo đuổi của chủ thể có quyền đối vật đã giải quyết triệt để vấn đề nêu trên khi quy định cho phép chủ sở hữu tài sản được quyền chuyển dịch tài sản cho người thứ ba, song trong trường hợp bên thế chấp không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo đảm thì bên nhận thế chấp vẫn được quyền ưu tiên thanh toán từ giá trị của tài sản khi xử lý tài sản đó.

- Thời điểm chuyển quyền sở hữu và các vật quyền khác đối với bất động sản (Hiệu lực của việc đăng ký vật quyền đối với bất động sản) còn có những bất cập:

Theo quy định hiện hành: "Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác" (Điều 168 BLDS); “Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai” (Điều 692 BLDS).

Theo quy định nêu trên thì đối với bất động sản, đăng ký là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của sự chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nguyên tắc này bị phá vỡ do có quy định: “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Cách quy định như vậy của BLDS cũng như của một số văn bản pháp luật hiện hành đã gây nên sự không thống nhất trong pháp luật, cụ thể là, Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Hiện nay, nhà ở là một trong các loại tài sản thuộc sự loại trừ của Điều 168 BLDS vì theo quy định của Luật Nhà ở, quyền sở hữu đối với nhà ở được chuyển kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng (Điều 93.5 Luật Nhà ở). Tuy nhiên, đối với đất đai thì quyền sử dụng đất lại được chuyển kể từ thời điểm  đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Điều 692 BLDS). Như vậy, cùng là một khối tài sản thống nhất là nhà và đất nhưng thời điểm chuyển quyền giữa đất và nhà trên đất lại khác nhau. Quy định như vậy là không thống nhất trong hệ thống pháp luật, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

- Về hình thức sở hữu (Điều 172 và Chương XIII BLDS)

BLDS quy định 6 hình thức sở hữu (tại Điều 172 và Chương XIII) là: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Cách quy định như vậy là chưa hợp lý vì cách phân loại hình thức sở hữu căn cứ vào các loại hình tổ chức (như sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội...) là chưa khoa học. Khi xác định các hình thức sở hữu thì phải xét đến ý nghĩa của nó trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Nếu có sự khác biệt về hình thức sở hữu thì cần phải dẫn đến sự khác biệt về nội dung quyền sở hữu, phải có sự khác biệt về điều kiện và hậu quả pháp lý trong chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Qua nghiên cứu ta thấy nội dung của quyền sở hữu không có gì thay đổi khi chủ sở hữu là các chủ thể khác nhau: là các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội hoặc cá nhân. Sự phân loại về hình thức sở hữu của BLDS hiện hành trên thực tế không có ý nghĩa về mặt pháp lý (xét dưới góc độ luật tư) khi không chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa các hình thức sở hữu này. Chỉ sở hữu riêng (một chủ, đơn lẻ) và sở hữu chung (sở hữu nhiều chủ) là khác nhau. Trong sở hữu chung thì khi sử dụng, định đoạt tài sản cần phải có sự thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu. Không đồng chủ sở hữu nào được tự ý quyết định vấn đề gì. Đây là điểm khác biệt so với trường hợp tài sản là sở hữu riêng của một chủ thể (cá nhân hoặc pháp nhân), chủ thể này có toàn quyền quyết định.

II.     Đề xuất sửa đổi chế định về quyền sở hữu trong BLDS

1.                               Cần tiếp cận chế định quyền sở hữu trong BLDS trên cơ sở lý thuyết về vật quyền

Phần lý thuyết về vật quyền đã có bài viết riêng nên tôi không đi sâu vào vấn đề này. Tôi chỉ nêu khái quát về những định hướng mà Nhóm nghiên cứu đề xuất sửa đổi.

Phần thứ hai của Bộ luật cần được soạn thảo là Phần "Vật quyền". Việc xây dựng chế định vật quyền trong BLDS Việt Nam nói riêng và xây dựng các vật quyền trong hệ thống pháp luật tư nói chung là cần thiết vì cách quy định như vậy sẽ giúp thực hiện có hiệu quả các quyền tài sản trong nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong các loại vật quyền thì quyền sở hữu là vật quyền đầy đủ, tuyệt đối, trọn vẹn nhất và trở thành trung tâm của luật dân sự, bởi vì quyền sở hữu là một quyền lớn nhất thiết lập trên vật. Chủ sở hữu có quyền thực hiện quyền sở hữu trực tiếp đối với vật có nghĩa là có quyền tự do sử dụng, thu lợi, định đoạt vật theo ý chí của mình mà không phụ thuộc vào ai khác (tất nhiên trong phạm vi mà pháp luật không cấm). Khi có người cản trở việc sử dụng, thu lợi, định đoạt vật của người có quyền sở hữu thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt sự cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền đòi lại vật...

Các vật quyền khác (tạm gọi là vật quyền hạn chế) là quyền được xác lập trên vật của người khác. Quyền đối nhân cũng được xác lập trên vật của người khác. Nhưng vật quyền hạn chế cho phép người có quyền tự mình thực hiện các quyền đối với vật của người khác, mà không cần có sự tham gia bằng hành động của người khác đó, ví dụ, A thế chấp vật cho B để vay một số tiền; đến hạn, A không trả được nợ, B có thể tiến hành kê biên vật thế chấp và bán để thu tiền trừ nợ mà không cần có sự đồng ý hay giúp đỡ của A. Trong khi đó, quyền đối nhân đòi hỏi người có quyền phải yêu cầu người có vật thực hiện nghĩa vụ giao vật cho mình hoặc thực hiện hành vi gắn liền với vật vì lợi ích của mình.

          Khi khái niệm vật quyền đã được thừa nhận chính thức trong luật thì BLDS cần có những quy định để thể hiện các nguyên tắc chủ yếu (các đặc điểm) của vật quyền.

- Nguyên tắc vật quyền luật định

 Các loại vật quyền và nội dung của vật quyền được quy định trong luật. Các bên trong hợp đồng không thể tạo ra các vật quyền mới ngoài các vật quyền được quy định trong luật. Nếu ký kết hợp đồng nhằm hình thành một vật quyền không được quy định trong luật thì theo nguyên tắc vật quyền luật định, vật quyền này sẽ không hình thành; giữa các bên trong hợp đồng sẽ tồn tại hợp đồng mang tính trái quyền.

- Nguyên tắc tuyệt đối

Vật quyền là quyền có tính chất tuyệt đối. Vật quyền có hiệu lực đối với tất cả mọi người và mọi người phải tôn trọng. Nguyên tắc này của vật quyền nhằm chống lại tác động, gây rối loạn của người khác đối với vật. Trong khi đó,   quyền đối nhân có hiệu lực trong mối quan hệ giữa người có quyền yêu cầu và người có nghĩa vụ, nhưng về nguyên tắc, người thứ ba không cần biết đến mối quan hệ này (quyền có tính chất tương đối).

- Nguyên tắc công khai

 Để người thứ ba nhận biết rõ ràng về vật quyền thì vật quyền cần phải được công khai. Cần có cơ chế giúp cho người ngoài nhận thức được sự tồn tại và sự chuyển dịch vật quyền: chủ thể nào và có quyền gì đối với vật. Nếu không thì việc có hay không có vật quyền sẽ trở nên thiếu minh bạch và có khả năng gây thiệt hại bất ngờ cho người thứ ba. Vì vậy, luật dân sự trong nền kinh tế thị trường đã áp dụng nguyên tắc công khai vật quyền, theo đó sự chuyển quyền phải luôn luôn kèm theo một biểu trưng để người ngoài có thể nhận thức được. Sự cần thiết công khai vật quyền nhằm mục đích an toàn trong giao dịch.

Chiếm hữu, tức tình trạng chi phối thực tế đối với vật, là một cách thức công khai quyền, nhưng khó có thể nói đó là cách thể hiện quyền một cách chính xác và đầy đủ. Do đó, tuỳ theo cách thiết kế chế độ, chế độ đăng ký có khả năng thể hiện một cách chính xác tình trạng của vật quyền và là biện pháp thích đáng để công khai vật quyền hơn sự chiếm hữu. Tuy nhiên, chế độ đăng ký đòi hỏi  nhiều kinh phí và kỹ thuật để thực hiện và vì vậy không thể chuẩn bị chế độ đăng ký cho tất cả các loại vật quyền và các loại vật khác nhau. Ở nhiều nước, chế độ đăng ký chỉ được thiết lập cho bất động sản và các động sản quan trọng. Cũng cần lưu ý rằng, chế độ đăng ký bất động sản đã được xây dựng và hoàn thiện song song với sự phát triển của quyền thế chấp, là một loại vật quyền bảo đảm không kèm theo sự chiếm hữu.

Có hai cách để thể hiện hiệu lực của nguyên tắc công khai. Theo cách thứ nhất thì khi chuyển quyền mà không kèm theo sự công khai thì không có hiệu lực (nguyên tắc công khai là điều kiện để việc chuyển quyền có hiệu lực. LB Đức, LB Nga, Trung Quốc và một số các nước khác theo cách này). Theo cách thứ hai thì sự chuyển quyền giữa các bên không cần công khai cũng có hiệu lực, nhưng nếu không công khai thì không thể đối kháng với người thứ ba (nguyên tắc công khai là để đối kháng với người thứ ba. CH Pháp, Nhật Bản và một số các nước khác theo cách này). Việc áp dụng cách nào là tuỳ thuộc chính sách lập pháp của mỗi nước trên cơ sở mức độ phát triển, hoàn thiện của pháp luật về đăng ký và bộ máy đăng ký.

Ở Việt Nam, từ sự phân tích về bất cập, hạn chế của việc đăng ký, của thời điểm chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu đối với vật gắn liền với đất, pháp luật Việt Nam cần phải quy định thống nhất về thời điểm chuyển quyền đối với bất động sản là đất và nhà hay nói cách khác, hiệu lực của việc đăng ký vật quyền đối với bất động sản là đất và nhà phải thống nhất. Chúng ta cần phải lựa chọn một trong hai cách: đăng ký là điều kiện để việc chuyển quyền có hiệu lực hoặc đăng ký là điều kiện để đối kháng với người thứ ba. Việc lựa chọn nguyên tắc nào thì cần phải cân nhắc để  phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam: pháp luật về đăng ký, bộ máy đăng ký, ý thức của người dân. Trong điều kiện hiện nay, khi Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào tháng 12 năm 2013, trong đó vẫn giữ quy định về việc đăng ký là điều kiện để việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực thì chúng tôi cho rằng, các luật khác (trong đó có BLDS) cũng cần quy định như vậy để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Việc lựa chọn nguyên tắc đăng ký là điều kiện để việc chuyển quyền đối với bất động sản có hiệu lực cũng là tốt, vì trên cơ sở nguyên tắc này sẽ áp dụng nguyên tắc tách biệt và trừu tượng, một nguyên tắc cho phép giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa hai bên trong giao dịch và bên thứ ba. Đồng thời, nếu chọn nguyên tắc này thì cần phân biệt rõ hiệu lực của hợp đồng và hiệu lực của việc chuyển quyền (vật quyền). Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng, nếu lựa chọn cách này thì chế độ đăng ký các quyền về bất động sản của nước ta cần phải được hoàn thiện tốt về mọi mặt: pháp luật về đăng ký, cơ sở vật chất, nhân viên đăng ký và nhận thức của người dân về vấn đề này cần được nâng cao.

1.2.4 Nguyên tắc tin cậy (hiệu lực công tín)

Theo “nguyên tắc tin cậy” (hiệu lực công tín), người nào đã tin sự thể hiện bề ngoài hoặc biểu trưng gì đó làm họ suy đoán rằng có sự tồn tại của vật quyền, cho dù sự thể hiện bề ngoài hoặc biểu trưng đó không có quyền thực sự kèm theo, thì vẫn phải bảo vệ sự tin cậy ấy. Nguyên tắc tin cậy được thiết lập nhằm mục đích bảo vệ người đã tin cậy biểu trưng mà thực hiện giao dịch, và điều này  rất cần thiết dưới giác độ giao dịch cần được thực hiện an toàn và nhanh chóng. Nhưng cũng không nên quên rằng nguyên tắc này sẽ kèm theo sự mất quyền của người có quyền thực sự. Điều quan trọng là cần xem xét, cân nhắc: nên coi trọng an toàn trong giao dịch hay nên bảo vệ người có quyền lợi thực sự. Những nước theo cơ chế kinh tế thị trường thừa nhận rộng rãi nguyên tắc tin cậy này. Ví dụ, BLDS Nhật Bản có quy định về chế độ “thủ đắc ngay lập tức” đối với động sản trong Điều 192 nhằm bảo vệ người ngay tình, còn đối với bất động sản thì không có chế độ bảo vệ người ngay tình (không công nhận hiệu lực công tín của đăng ký bất động sản); tuy nhiên, những năm gần đây, án lệ đã viện dẫn khoản 2 Điều 94 BLDS Nhật Bản nhằm bảo vệ người ngay tình. Còn ở Đức, nguyên tắc tin cậy (hiệu lực công tín) được áp dụng rất rộng rãi đối với cả động sản và bất động sản, thể hiện ở nguyên tắc trìu tượng và tách biệt. Tuy nhiên, một khi áp dụng nguyên tắc tin cậy thì biểu trưng được tin cậy phải là biểu trưng giúp suy đoán rất mạnh sự tồn tại của quyền lợi, ví dụ như đối với đăng ký bất động sản thì cơ chế đăng ký phải chặt chẽ, rõ ràng, chính xác.

2. Hiệu lực của vật quyền

2.1 Quyền ưu tiên

2.1.1 Quyền ưu tiên giữa các vật quyền

Giữa các vật quyền xung đột nhau thì vật quyền nào hình thành trước về mặt thời gian sẽ có giá trị ưu tiên hơn. Tuy nhiên, có những ngoại lệ. Ví dụ, theo BLDS Nhật Bản, nếu một bất động sản được bán hai lần thì thứ tự ưu tiên được quyết định không dựa trên việc người mua có được quyền sở hữu (thoả thuận trong hợp đồng) trước hay sau mà dựa trên sự đăng ký trước hay sau (điều kiện đối kháng). Có quy định như vậy là vì bản thân vật quyền không có điều kiện đối kháng không thể chống lại vật quyền có kèm điều kiện đối kháng.

2.1.2   Quyền ưu tiên đối với trái quyền

Vật quyền có giá trị ưu tiên so với trái quyền. Ví dụ, người nhận thế chấp có quyền ưu tiên được thanh toán bằng số tiền bán vật thế chấp so với các chủ nợ không có bảo đảm của người thế chấp.

2.2 Quyền theo đuổi

Về nguyên tắc, người có vật quyền có thể thực hiện quyền của mình đối với vật ngay cả khi vật đó đang nằm trong tay của chủ thể khác. Ví dụ: chủ sở hữu có quyền kiện đòi lại vật của mình do người khác chiếm giữ mà không có sự đồng ý của mình; bên nhận thế chấp có quyền kê biên và bán vật thế chấp, dù vật đó đã được chuyển nhượng cho người khác...

3. Phân loại vật quyền

Dựa vào tiêu chí phân biệt tuỳ theo vật đối tượng có thuộc về chủ thể có vật quyền hay không, vật quyền được phân biệt thành hai nhóm: quyền sở hữu thuộc về một nhóm, tất cả các vật quyền khác thuộc về nhóm còn lại. Cụ thể:

3.1 Quyền sở hữu: được coi là vật quyền thứ nhất, tuyệt đối, trọn vẹn nhất. Chủ sở hữu có độc quyền đối với vật, từ nắm giữ, kiểm soát về phương diện vật chất cho đến khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi ích từ vật và quyết định số phận vật chất, pháp lý của vật đó.

3.2 Các quyền mang tính bộ phận của quyền sở hữu (tạm gọi là vật quyền hạn chế): là các vật quyền đối với vật của  người khác. Những loại  quyền này là sự độc lập hoá theo mục đích của quyền sở hữu, là những bộ phận của quyền sở hữu, theo chức năng của quyền sở hữu, là một phần được tách ra từ quyền sở hữu để trở thành một quyền độc lập và được những chủ thể không phải là chủ sở hữu thực hiện. Ví dụ, quyền địa dịch về lối đi qua cho phép người có quyền thực hiện quyền sử dụng của chủ sở hữu đối với tài sản chịu địa dịch; quyền nhận thế chấp cho phép người có quyền bán tài sản thế chấp, nghĩa là thực hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu, trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm không được người có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh. Ta tạm gọi các vật quyền khác với quyền sở hữu là các vật quyền hạn chế. Kiến nghị trong BLDS cần quy định các vật quyền hạn chế sau đây:

 3.2.1 Quyền hưởng dụng

Quyền hưởng dụng là một quyền, theo đó, người có quyền được sử dụng và khai thác lợi ích vật chất một hoặc nhiều vật thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác, với điều kiện việc thực hiện quyền này không làm giảm sút chất liệu cơ bản của vật gốc.

3.2.2 Quyền bề mặt

Quyền bề mặt là quyền sở hữu vật trên đất trong điều kiện quyền sử dụng đất thuộc về người khác.

3.2.3 Quyền địa dịch: cần có những quy định đầy đủ, chi tiết  hơn so với quy định của BLDS hiện hành.

3.2.4. Vật quyền bảo đảm

Nghiên cứu để có thể quy định vật quyền bảo đảm là cầm cố, thế chấp, quyền cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu, chuyển nhượng tạm thời quyền sở hữu.

3.2.5    Quyền ưu tiên (đặc quyền thanh toán trước): cũng cần được đặt ra để nghiên cứu.

3.2.6  Quyền chiếm hữu (hoặc chiếm hữu)

Theo quy định hiện hành, quyền chiếm hữu là một quyền năng của quyền sở hữu. Với cách quy định như vậy thì quyền chiếm hữu là kết quả của quyền sở hữu. Đồng thời, nhiều qui định trong BLDS xuất phát từ tình trạng chiếm hữu của một chủ thể mà xác lập quyền sở hữu đối với vật - chiếm hữu được coi là điều kiện để xác lập quyền, như các qui định: xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu (Điều 239), xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm chưa được tìm thấy (Điều 240)...

Đề xuất: quyền chiếm hữu cần được quy định thành một chế định riêng trong Phần “Vật quyền”.

Theo cách quy định này, quyền chiếm hữu là quyền mà một người có được từ hành vi thực tế chiếm giữ vật.

* Mục đích của chế định pháp luật về chiếm hữu :

1.     Bảo vệ người chiếm hữu nhằm bảo đảm sự ổn định trong xã hội;

2.     Công nhận người chiếm hữu có những quyền pháp lý nhất định:

-        Người nào đang chiếm hữu vật thì được suy đoán pháp lý là người có quyền lợi hợp pháp.

-        Có tác động trực tiếp đến người thứ ba. Nếu một người mua vật từ người đang chiếm hữu vật thì người mua đó được coi là người thụ đắc ngay tình. Như vậy, sự chiếm hữu thực tế đã hợp pháp hóa một số quyền của người đang chiếm giữ vật.

 * Ý nghĩa: Chiếm hữu được quy định thành một chế định pháp luật có ý nghĩa quan trọng. Chế định này cấm cá nhân sử dụng vũ lực với nhau để giải quyết tranh chấp về vật quyền. Nếu chủ sở hữu đích thực muốn lấy lại tài sản thì cần thông qua cơ chế do Nhà nước lập ra (VD, Toà án) chứ không thể dùng vũ lực để lấy lại tài sản. Người chiếm hữu có quyền yêu cầu Nhà nước can thiệp để chống lại hành vi của người khác làm ảnh hưởng đến việc chiếm giữ ổn định và hợp pháp của mình.

Ý nghĩa trong việc chứng minh khi xảy ra tranh chấp: sẽ là không hợp lý nếu đánh đồng nghĩa vụ chứng minh của các bên tranh chấp. Người chiếm hữu  được suy đoán là người có quyền. Còn người không chiếm hữu phải có nghĩa vụ chứng minh ngược lại. Đây là sự công nhận tình trạng chiếm hữu thực tế và có cơ chế pháp lý đối với tình trạng chiếm hữu thực tế đó. Giải pháp này có tác dụng tạo ra sự ổn định cho xã hội.

3.2.7 Các loại vật quyền do các luật chuyên ngành quy định

Ngoài các vật quyền do BLDS quy định thì các luật chuyên ngành khác cũng có thể quy định các loại vật quyền khác như quyền sử dụng rừng, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng mặt nước...

                                                

Các văn bản liên quan