Góp ý Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) của Luật sư. Lê Đăng Liệu – Văn phòng Luật sư Lê Đăng Liệu – Hội thảo VCCI tại Tp.HCM ngày 10/4/2014

Thứ Sáu 10:54 11-04-2014

                   Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT DAN SỰ (SỬA ĐỔI)

          Kính thưa: Ban Tổ Chức

          Kính thưa Hội nghị              

Được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh mời tham dự Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Là Luật sư trực tiếp hoạt động nhiều năm, liên quan đến Bộ luật dân sự năm 2005. Chúng tôi thấy cần phải sửa đổi nhiều nội dung trong các qui phạm pháp luật chưa phù hợp với tình hình thực tế trong quan hệ dân sự hiện nay.

Bộ luật dân sự 2005, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006 thay thế cho Bộ luật dân sự 1995. Bộ luật dân sự 2005 ra đời trong thời điểm nước ta cần hoàn tất các bước cần thiết cho việc hội nhập Quốc tế. Bộ luật dân sự 2005 còn rất nhiều vấn đề cần phải được bàn thảo, từ kỹ thuật lập pháp đến nội dung các quy định cụ thể.

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên của BLDS 2005, chúng tôi có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều trong BLDS, cụ thể như sau:

1.  Về Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên:

Kiến nghị sửa đổi Điều 60: Đề nghị bổ sung thêm điều kiện: Quyền lợi của người giám hộ và người được giám hộ không mâu thuẫn nhau.

Khoản 1 - Điều 61 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ”.

Quy định này có vẻ phù hợp với tư duy, tâm lý của người Việt Nam là theo thứ bậc trong gia đình. Tuy nhiên trong thực tế, không hiếm trường hợp người em chưa thành niên đang sống và được người anh, chị thứ chăm sóc, nuôi dưỡng, còn người anh, chị cả bỏ mặc người em hoặc vì nhiều lý do khác không thể chăm sóc em chưa thành niên.

Bản chất của việc giám hộ là chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ. Như vậy vấn đề đặt ra là ai đang quan tâm chăm sóc cho người em chưa thành niên chứ không nhất thiết phải là anh, chị cả.

Kiến nghị sửa đổi Khoản 1 - Điều 61 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người anh/chị trực tiếp nuôi dưỡng là người giám hộ”.

        2.Về Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự:

* Khoản 1 - Điều 62 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ”.

Nhìn chung, quy định như vậy là phù hợp, nhưng trong một số trường hợp cụ thể lại rất khó giải quyết theo luật. Vì khi một bên là chồng (hoặc vợ) muốn ly hôn với người kia (bị mất năng lực hành vi dân sự) thì việc để người chồng (hoặc vợ) làm người giám hộ cho bên kia sẽ không bảo vệ được quyền lợi của bên mất năng lực hành vi dân sự.

 *Khoản 2 - Điều 62 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ”.

Quy định này bất hợp lý ở chỗ người con cả chưa hẳn đã là người thương yêu, có hiếu, quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng, có trách nhiệm với cha, mẹ.

Kiến nghị sửa đổi Điều 62

- Khoản 1: Nên quy định là cha, mẹ, hoặc con đã thành niên của người mất năng lực hành vi dân sự là người giám hộ đương nhiên hoặc là giám hộ cử.

- Khoản 2: Nên sửa lại là người con trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ là người giám hộ đương nhiên của cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.

  3.Về Việc cử người giám hộ:

Điều 63 BLDS 2005 và Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Về đăng ký và quản lý hộ tịch đã có hướng dẫn, quy định về các trường hợp cử người giám hộ, về trình tự, thủ tục cử người giám hộ… nhưng một số UBND xã, phường một phần không am hiểu quy định của pháp luật, phần vì không có cá nhân hoặc tổ chức tự nguyện, đồng ý nhận giám hộ nên địa phương rất ngại, việc cử người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự.

Kiến nghị sửa đổi Điều 63: Luật cần quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của chính quyền cơ sở phải thực hiện việc cử người giám hộ theo yêu cầu của Tòa án.

4. Về Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

Khoản 4 - Điều 474 BLDS quy định: “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận”.

Thực tế  trong các vụ án tranh chấp hợp đồng vay, quy định này không phù hợp với thực tế và không đảm bảo quyền lợi người cho vay, dẫn đến tình trạng bên vay cố tình kéo dài thời gian trả nợ mà chỉ phải chịu lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố.


          Kiến nghị sửa đổi Điều 474: Đề nghị BLDS quy định rõ: cho dù hợp đồng vay thỏa thuận không có lãi, nhưng khi bên vay đã vi phạm hợp đồng và có tranh chấp, nếu bên cho vay yêu cầu tính lãi  thì phải đáp ứng yêu cầu này để đảm bảo quyền lợi của người cho vay.

 5.Về Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng:

Khoản 2 - Điều 664 BLDS quy định: “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”.

Trên thực tế, khi lập chung di chúc, vợ chồng thường định đoạt, phân chia tài sản cho các thừa kế thường là không đều nhau như khi Tòa chia thừa kế. Tài sản chung của vợ chồng là hợp nhất nên không thể xác định phần tài sản của mỗi người (vợ/chồng) cụ thể là  tài sản nào; tài sản của chồng là cho ai, tài sản của vợ là cho ai. Do đó, nếu một người đã chết, người còn lại thay đổi di chúc thì coi như toàn bộ di chúc không có giá trị pháp lý vì không thể xác định được di chúc có hiệu lực ½ là như thế nào.


Trong trường hợp nếu người còn sống có tài sản riêng thì khi lập di chúc phần tài sản riêng của họ cũng sẽ được nhập vào phần tài sản chung và được phân chia cụ thể. Do đó, nếu người còn sống được quyền thay đổi di chúc đối với phần tài sản của mình thì nội dung di chúc sẽ  không còn đúng với ý chí, nguyện vọng, định đoạt của người đã chết.

Kiến nghị sửa đổi Khoản 2 - Điều 664: Đề nghị nên quy định: “… Nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình mà không trái với nguyện vọng, ý chí của người đã chết lúc còn sống”.

6. Về Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng:

Điều 668 BLDS 2005 quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.

Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người vợ / chồng còn sống, giúp cho tài sản chung không bị phân chia ngay sau khi có một người chết trước. Tuy nhiên, qua thực tế các vụ án tranh chấp thừa kế, nhận thấy quy định này cũng bộc lộ hạn chế. Đó là, sau khi một người chết, người vợ (chồng) còn lại có thể còn sống 5 năm, 15 năm hoặc lâu hơn. Trong khi đó người sẽ được hưởng thừa kế đang có hoàn cảnh rất khó khăn, chờ đến khi người còn lại chết rồi mới được hưởng phần di sản thừa kế thì cũng bất cập. Thiết nghĩ, cần phải cân bằng lợi ích của các bên khi xét đến quy định này.


So sánh với BLDS 1995, Điều 671 quy định: “Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thỏa thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thi di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được chia từ thời điểm đó”.

Kiến nghị sửa đổi Điều 668: Đề nghị BLDS quy định “Về Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng” trở lại nguyên như Điều 671 - BLDS 1995

7.Về Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản:

Khoản 1 - Điều 168 BLDS quy định: “Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

 Tuy nhiên, tại khoản 5 - Điều 93 của Luật nhà ở năm 2005 quy định: “Quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua, bên nhận tặng cho, bên thuê mua, bên nhận đổi nhà ở kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở giữa cá nhân với cá nhân…”.

Như vậy, một khối tài sản thống nhất là nhà và đất nhưng thời điểm chuyển quyền giữa đất và nhà trên đất lại khác nhau. Quy định như vậy gây khó khăn cho Tòa án khi xét xử.

8.Về Thời hiệu khởi kiện về thừa kế:

+ Điều 645 BLDS 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Tuy nhiên, BLDS 2005 lại không có điều luật nào quy định đối với phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện thì giải quyết như thế nào, thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ai ? Thực tế, có nhiều trường hợp khi đương sự khởi kiện thừa kế, Tòa án phải trả lại đơn với lý do đã hết thời hiệu khởi kiện.

 Khi người dân đi đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thì cơ quan chức năng yêu cầu phải có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án giao quyền sở hữu, sử dụng cho họ. Như vậy, vô tình các quy định pháp luật làm cho người dân rơi vào tình cảnh không thể có quyền sở hữu, sử dụng di sản thừa kế mà lẽ ra họ có thể được hưởng quyền này.

+ Mặt khác, quy định thời hiệu mười năm trong điều luật này là quá ngắn. Hầu hết người Việt Nam không có thói quen chia di sản ngay sau khi người thân chết, nhất là khi một bên cha hoặc mẹ vẫn còn sống. Chính vì thực tế này mà dường như có xu hướng hạn chế việc xem xét hết thời hiệu (hay hậu quả của việc hết thời hiệu), nhằm cho phép các thừa kế vẫn còn khả năng chia di sản của người thân để lại. Ngày 10/8/2004, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP về Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình. Theo đó: “Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế”. Tuy nhiên, việc thực hiện hướng dẫn này trên thực tế cũng không đơn giản. Vì, trong những vụ án cụ thể luôn có những quan điểm khác nhau về việc có đủ điều kiện để áp dụng Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP để di sản thừa kế trở thành tài sản chung hay không. Và, Tòa án thay vì giải quyết tranh chấp về thừa kế thì giải quyết tranh chấp chia tài sản chung.

Kiến nghị sửa đổi Điều 645: Đề nghị BLDS  bổ sung thêm điều luật quy định đối với phần di sản hết thời hiệu khởi kiện thì thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người đang quản lý, sử dụng di sản thừa kế.

 Đồng thời kéo dài thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế đến 15 năm hoặc 20 năm để phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Kính thưa Hội Nghị

Trên đậy là một số ý kiến góp ý, kiến nghị sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự. Nhằm mục đính đợt sửa đổi này hoàn thiện hơn.

Xin trân trọng cám ơn

                                                                   Luật sư. Lê Đăng Liệu

Các văn bản liên quan