VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (bản thẩm định)
VCCI_Góp ý Dự thảo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan
Kính gửi: Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 193/QLRR-P4 ngày 24/8/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia
Hoạt động hỗ trợ người khai hải quan tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong các chương trình hỗ trợ được quy định tại Điều 12.5 Thông tư 81/2019/TT-BTC. Dự thảo dường như đang quy định về việc thực hiện thí điểm chương trình này[1]. Theo đó, Mục 2.1 Điều 2 Phần I Dự thảo quy định một số tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình. Theo đó, quy định này chỉ lựa chọn một số doanh nghiệp nhất định, gồm: (i) các doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; hoặc (ii) doanh nghiệp có loại hình xuất nhập khẩu nhất định. Không rõ các tiêu chí này được lựa chọn dựa theo mục tiêu hoặc cách thức nào? Mục tiêu của Chương trình là tăng mức độ tuân thủ của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp theo hướng sau:
- Các doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng (theo lĩnh vực kinh doanh) có khả năng vi phạm pháp luật hải quan cao;
- Mức độ phân loại rủi ro ở mức cao hoặc trung bình: các doanh nghiệp có rủi ro thấp, doanh nghiệp ưu tiên thường là các doanh nghiệp vốn có năng lực chấp hành pháp luật tốt, đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm nên có thể tự thực hiện việc cải thiện, nói cách khác, nhóm này có nhu cầu được hỗ trợ thấp hơn so với nhóm rủi ro trung bình và cao;
- Cách thức lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào chương trình
Điều 2, Điều 3 Phần II Dự thảo quy định về điều kiện, cách thức tham gia chương trình. Tuy nhiên, Chương trình mang tính thí điểm, và chỉ áp dụng với quy mô không quá 200 doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là nếu số lượng đăng ký vượt quá 200 thì được xử lý như thế nào? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn về nội dung này, có thể tham khảo một trong hai hướng như sau:
- Hướng thứ nhất: doanh nghiệp nào nộp đơn trước được ưu tiên lựa chọn;
- Hướng thứ hai: ưu tiên một số nhóm nhất định có nguy cơ cao hoặc được coi là có nhu cầu hỗ trợ lớn hoặc thực hiện theo phương pháp chấm điểm theo các tiêu chí nhất định;
- Quyền lợi của doanh nghiệp tham gia vào Chương trình
Điều 1 Phần II quy định về quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia Chương trình. Việc tuân thủ của doanh nghiệp thường phụ thuộc vào hai yếu tố: (i) có khả năng nhận biết được lỗi vi phạm hoặc nguyên nhân bị đánh giá phân loại thấp; (ii) tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục các lỗi vi phạm đó. Với yếu tố thứ nhất, Điều 12.4 Thông tư 81/2019/TT-BTC đã cung cấp ứng dụng để doanh nghiệp có thể tra cứu. Tuy nhiên, yếu tố thứ hai lại chưa được đề cập tại Thông tư 81/2019/TT-BTC và Dự thảo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng doanh nghiệp được cơ quan hải quan hướng dẫn cải thiện quy trình hoạt động để đáp ứng việc tuân thủ các quy định pháp luật hải quan theo quy trình sau: (i) sau thi tham gia, cơ quan hải quan và doanh nghiệp sẽ có buổi họp nhằm phân tích các nguyên nhân ảnh hưởng đến phân loại của doanh nghiệp; (ii) cơ quan hải quan định hướng giúp cho doanh nghiệp tìm cách cải thiện các nội dung này, có thể phân theo lộ trình nhằm đảm bảo tính khả thi của việc cải thiện; (iii) cơ quan hải quan và doanh nghiệp định kỳ theo dõi tiến độ của việc thực hiện.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của doanh nghiệp, một số quyền lợi của Dự thảo quy định khá chung chung như tiếp cận các văn bản pháp luật hay giải đáp thắc mắc. Đây thực chất vẫn là các quyền lợi của doanh nghiệp đã được pháp luật quy định. Về logic, các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ nhận được các hỗ trợ ở mức cao hơn so với các doanh nghiệp thông thường để có thể nâng cao khả năng cải thiện mức độ tuân thủ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi các nội dung này theo hướng quy định rõ ràng các quyền lợi mà doanh nghiệp được hưởng, chẳng hạn được cung cấp ngay khi văn bản được ban hành, được cung cấp gửi lấy ý kiến thông qua địa chỉ liên lạc đã được cung cấp hay được giải đáp thắc mắc thông qua các kênh đa dạng hơn…
- Mẫu biểu
Mẫu 01/HTTT quy định về các thông tin mà doanh nghiệp cần kê khai khi tham gia vào chương trình, trong đó có nội dung về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, một doanh nghiệp có thể có số lượng mã số hàng hóa xuất khẩu rất lớn, thậm chí lên đến vài nghìn, vài chục nghìn. Việc yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai toàn bộ sẽ tạo gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi lại theo hướng chỉ yêu cầu doanh nghiệp kê khai một số loại hàng hóa nhất định.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Mục 2.2 Điều 2 Chương I Dự thảo.