VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp
VCCI_Góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030
Kính gửi: Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 9747/BTC-TCHQ ngày 26/08/2020 của Bộ Tài chính đề nghị góp ý đối với Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 và các tài liệu kèm theo, bao gồm Dự thảo Tờ trình Thủ tướng (sau đây gọi tắt là Dự thảo Tờ trình) và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là Dự thảo Chiến lược), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về Dự thảo Tờ trình
1.1. Về sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược
Việc xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết, không chỉ nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển của đất nước mà còn góp phần hỗ trợ, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Dự thảo Tờ trình đã chỉ ra những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, cùng các vấn đề toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại… đang làm nảy sinh những thách thức và cơ hội mới đối với Việt Nam. Gần đây đã xuất hiện một số diễn biến đáng chú ý cho thấy rõ hơn sự cần thiết phải có Chiến lược phát triển Hải quan mới, phù hợp với thực tiễn. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu và xem xét bổ sung ít nhất hai khía cạnh sau đây vào việc đánh giá sự cần thiết phải xây dựng Chiến lược trong Dự thảo Tờ trình, cụ thể như sau:
- Xu hướng bảo hộ trên thế giới:
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ gia tăng ở hầu khắp các thị trường trên thế giới dưới nhiều hình thức như: Sự gia tăng các biện pháp đơn phương (ví dụ Hoa Kỳ tiến hành Điều tra theo pháp luật nội địa để qua đó áp đặt thuế bổ sung đối với hàng hóa từ các đối tác có thặng dư thương mại lớn với nước này); sự lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có cả việc điều tra chống lẩn tránh thuế; sử dụng thường xuyên hơn các biện pháp phi thuế quan khác nhằm hạn chế luồng hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Xu hướng bảo hộ này dẫn tới hệ quả: Các hiện tượng gian lận thương mại có xu hướng gia tăng nhằm lẩn tránh các biện pháp, đồng thời nguy cơ với các ngành kinh tế bị ảnh hưởng cũng tăng lên. Điều này đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác chống gian lận thương mại, đặc biệt của Hải quan. Hải quan Việt Nam cần nghiên cứu các cách thức thích hợp để phản ứng/gây sức ép với các đối tác đang áp dụng các biện pháp bất hợp lý hạn chế hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Hiện tại, xu hướng bảo hộ dường như không có dấu hiệu giảm bớt mà thay đổi theo các hình thức tinh vi hơn, đặc biệt khi các nền kinh tế gặp khó khăn do dịch bệnh. Các nguy cơ từ xu hướng này trong thời gian tới suy đoán có thể phức tạp hơn, vì vậy cần được xử lý thỏa đáng bằng các hành động cụ thể trong Chiến lược.
- Các cam kết quốc tế:
Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế liên quan tới hải quan và tạo thuận lợi thương mại. Một số cam kết quốc tế quan trọng gồm Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO, các nội dung về hải quan trong các FTA (đặc biệt là CPTPP, EVFTA-UKVFTA và RCEP), và các Hiệp định, Thỏa thuận về trợ giúp hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Cho tới nay, mặc dù phần lớn các cam kết này đang được Việt Nam triển khai trên thực tế, vẫn có một số nhóm chưa được thực hiện. Tất nhiên, Việt Nam có quyền bảo lưu về thời hạn/phạm vi thực hiện các cam kết còn lại này. Mặc dù vậy, từ góc độ nhu cầu nội tại của chính nền kinh tế và các doanh nghiệp, càng thực hiện sớm bao nhiêu thì Việt Nam càng được hưởng lợi nhiều bấy nhiêu.
Do đó, triển khai đầy đủ một cách thực chất và bao trùm tất cả các cam kết này là rất quan trọng, cần thiết phải được xem xét như một trong những động lực để xây dựng Chiến lược này.
1.2. Về Nguyên tắc xây dựng Chiến lược
Tương ứng với 02 khía cạnh về bối cảnh bối cảnh trong nước và quốc tế nêu ở trên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các nguyên tắc xây dựng Chiến lược dưới đây:
- Ứng phó hiệu quả với bối cảnh quốc tế liên quan tới các biện pháp phi thuế quan hạn chế dòng lưu chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với các nước;
- Thực thi sớm và hiệu quả các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Cơ quan soạn thảo đã đưa ra những nguyên tắc quan trọng cho việc xây dựng Chiến lược, trong đó có nguyên tắc “Đáp ứng các yêu cầu hội nhập với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”. Đã được đề cập tới trong các nội dung của Dự thảo Chiến lược, song để xác định rõ hơn nguyên tắc này, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm việc tiếp thu các kinh nghiệm, thông lệ và chuẩn mực quốc tế về xây dựng và thực thi Chiến lược hải quan. Cụ thể như sau: “Đáp ứng các yêu cầu hội nhập với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tiếp thu các kinh nghiệm, thông lệ và chuẩn mực quốc tế về xây dựng và thực thi Chiến lược hải quan“.
1.3. Về các tồn tại, hạn chế trong kết quả cải cách hải quan giai đoạn 2011-2020
Mục 2.2 tại trang 10-13 của Dự thảo đề cập những tồn tại trong thực hiện cải cách, hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2011 – 2020. Các nhóm vấn đề hạn chế đã được xem xét ở góc độ hệ thống pháp luật, công tác nghiệp vụ hải quan, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, việc tổ chức bộ máy hải quan, và việc hiện đại hóa trang thiết bị hải quan. Để hoàn thiện hơn, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung hoặc nhấn mạnh hơn những nội dung dưới đây:
- Về hệ thống pháp luật:
Trong quá trình VCCI thực hiện các nghiên cứu rà soát những vấn đề bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và khảo sát doanh nghiệp về lĩnh vực Hải quan những năm gần đây, một vấn đề nổi cộm là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan, tình trạng chồng chéo hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Dù đã có những cải cách trong thời gian gần đây, nhưng vấn đề nói trên vẫn đang tạo ra những gánh nặng tuân thủ pháp luật đáng kể đối với các doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung đánh giá hạn chế liên quan tới sự thiếu đồng bộ trong quy định pháp luật về phân công chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
- Về công tác nghiệp vụ Hải quan:
Vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong phân loại mã số hàng hóa nhưng chưa được phản ánh trong Dự thảo Tờ trình. Cụ thể, các cơ quan hải quan chưa có sự thống nhất trong việc phân loại mã HS cho hàng hóa, nhiều trường hợp một hàng hóa có hai mã HS khác nhau giữa các tờ khai hải quan. Ví dụ: trường hợp tấm tế bào quang điện nhập khẩu được Tổng cục Hải quan phân loại vào mã HS 85.41.40 theo công văn số 4024/TCHQ-TXNK ngày 09 tháng 7 năm 2018 của Cục Thuế Xuất nhập khẩu nhưng sau thời điểm phát hành công văn này, các doanh nghiệp nhập khẩu tấm tế bào quang điện vẫn mở tờ khai hải quan với mã HS 85.41.90 và được các Chi cục Hải quan đồng ý thông quan. Nguyên nhân của tồn tại này đã được nêu ra trong hạn chế về tính năng tự động hỗ trợ của hệ thống Công nghệ thông tin (CNTT) khi chưa kịp thời cảnh báo cán bộ công chức hải quan về mã số HS khai báo không đúng trên các tờ khai hải quan. Việc phát hiện sớm các lỗi khai báo mã số HS của doanh nghiệp sẽ không làm ảnh hưởng đến xác định xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa của các đơn vị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cũng như giảm thiểu việc truy thu do thay đổi mã số HS gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo phản ánh cụ thể hạn chế trong phân loại mã số hàng hóa nhằm đưa ra được các giải pháp xử lý hiệu quả trong Chiến lược phát triển Hải quan.
- Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia:
Theo khảo sát của VCCI về Cơ chế một cửa quốc gia (MCQG), mỗi Bộ ngành đều có hệ thống xử lý thủ tục hành chính riêng nhưng sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ ngành rất hạn chế. Nhiều thủ tục được các Bộ ngành kết nối đến Cổng MCQG thực chất chỉ dừng ở mức đưa thông tin cho đủ số lượng chứ chưa thực sự triển khai giải quyết qua Cổng MCQG. Tình trạng doanh nghiệp vừa làm thủ tục trên mạng, vừa nộp hồ sơ giấy vẫn tồn tại. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung bất cập của tình trạng hệ thống thông tin phân tán trong quản lý các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Qua các cuộc điều tra về sự hài lòng của doanh nghiệp trong các thủ tục xuất nhập khẩu do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính thực hiện trong từ 2012 đến năm 2020, các hiện tượng cán bộ hải quan nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, vấn đề chi phí không chính thức đã giảm dần theo thời gian nhờ những chỉ đạo thường xuyên liên tục của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, những hiện tượng này vẫn tồn tại, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu và ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội tới ngành Hải quan. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá các hạn chế chế này nhằm đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.
1.4. Về bài học kinh nghiệm rút ra
Dự thảo Tờ trình đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011-2020, đây là những bài học kinh nghiệm quan trọng góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn vừa qua, cũng như có thể góp phần xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục triển khai và phát triển trong giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh những bài học đã nêu, một bài học quan trọng khác có thể rút ra trong thời gian qua đó là sự tích cực, chủ động của ngành Hải quan trong hợp tác với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về chính sách, pháp luật cũng như thủ tục xuất nhập khẩu. Điển hình cho hợp tác đó, là loạt khảo sát doanh nghiệp do VCCI phối hợp với TCHQ tiến hành từ năm 2012 tới năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, TCHQ cũng đã thường xuyên tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các chính sách, pháp luật cũng như tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại doanh nghiệp thông qua VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp cả ở cấp trung ương và địa phương. Những hoạt động này đã cung cấp rất nhiều thông tin đầu vào hữu ích để TCHQ, Bộ Tài chính có những điều chỉnh chính sách, cải cách thủ tục hành chính, chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương cán bộ… từ đó góp phần quan trọng vào việc tạo thuận lợi thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, bên cạnh những bài học kinh nghiệm đã nêu trong Tờ trình Dự thảo, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một nội dung về sự chủ động của ngành Hải quan trong tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về chính sách, pháp luật, thủ tục xuất nhập khẩu…, thông qua hợp tác với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp.
- Liên quan tới Dự thảo Chiến lược Hải quan giai đoạn 2021 – 2020
2.1. Về các mục tiêu chủ yếu
- Mục tiêu 2.2 “Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan…”. Đây là điểm cần cân nhắc bởi nội dung nói trên dường như chỉ là cách thức hay hoạt động cần tiến hành để thực hiện mục tiêu “cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan”. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo điều chỉnh mục tiêu 2.2 thành “Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan”. Và để thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan này, trước hết phải chú ý các hoạt động như cải thiện cơ chế, quy trình, giản lược các loại giấy tờ, hợp lý hóa các tiêu chí/điều kiện xem xét…
- Như đã phân tích ở phần đầu liên quan tới Dự thảo Tờ trình, việc ứng phó hiệu quả với các xu hướng nổi lên trên trên giới và thực hiện hiệu quả, thực chất các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại là rất cần thiết. Mặc dù Mục tiêu 2.5 đã đề cập đến việc tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế, nhưng các nội dung nói trên chưa được đề cập tới. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các nội dung “ứng phó hiệu quả với các xu hướng nổi lên trên trên giới” và “thực hiện hiệu quả, thực chất các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại” trong mục tiêu 2.5 của Dự thảo.
2.2. Về các chỉ tiêu chủ yếu
Về các chỉ tiêu cho tới năm 2025, Cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét điều chỉnh những nội dung sau:
- Chỉ tiêu 3.1.4 “Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số với Hệ thống chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ”. Đây là chỉ tiêu quan trọng, song ngoài việc kết nối với hệ thống của Bộ Tài chính và thông tin báo cáo Chính phủ, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ ngành có liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu. Các khảo sát gần đây do VCCI và Tổng cục Hải quan phối hợp về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính xuất nhập khẩu và Cơ chế Một cửa quốc gia cho thấy mức độ chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành còn hạn chế. Thông tin được chia sẻ tốt hơn sẽ giúp doanh nghiệp tránh phải khai báo nhiều lần cùng một nội dung khi thực hiện thủ tục của các cơ quan Nhà nước khác nhau.
- Chỉ tiêu 3.1.11 “Hoàn thành nội luật hóa toàn bộ cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan”. Với chỉ tiêu này, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi thành “Hoàn thành thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan”. Lý do cho sửa đổi này là bởi các cam kết về hải quan và tạo thuận lợi thương mại trên thực tế không đòi hỏi việc sửa đổi pháp luật nhiều, mà chủ yếu là việc tổ chức triển khai trên thực tế.
- Các chỉ tiêu 3.1.8 và 3.1.10 cần làm rõ hơn về từ ngữ để tránh mơ hồ trong cách hiểu. Ví dụ, căn cứ để “thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao” hay căn cứ xác định “địa bàn trọng điểm” cần có những dẫn chứng bằng văn bản pháp luật hoặc kết quả nghiên cứu cụ thể.
Về các chỉ tiêu cho tới năm 2030, Cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét điều chỉnh những nội dung sau:
- Một số chỉ tiêu cần nêu hiện trạng để làm căn cứ đưa ra mục tiêu phấn đấu. Ví dụ chỉ tiêu 3.2.6 về tỷ lệ tờ khai phải kiểm tra hồ sơ cần chỉ ra hiện tại tỷ lệ này là bao nhiêu để từ đó xác định mục tiêu đến năm 2030 là 30%? Hoặc chỉ tiêu về tỷ lệ tờ khai phải kiểm tra thực tế hiện tại thế nào để có cơ sở xác định mục tiêu hết năm 2030 cho chỉ tiêu này là 4,5%?).
- Cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm một số chỉ tiêu khác vốn là bất cập nổi cộm thời gian qua cần được xử lý nhưng chưa thấy đề cập trong Dự thảo Chiến lược, ví dụ:
– Số lượng/tỷ lệ các cuộc kiểm tra chống gian lận thương mại.
– Số lượng/tỷ lệ các quyết định xác định trước? (đặc biệt là mã HS).
– Tỷ lệ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà việc kiểm tra thực tế được giao cho hải quan thực hiện thống nhất.
2.3. Về các giải pháp thực hiện
- Giải pháp thể chế (trang 6 Dự thảo)
Đề nghị bổ sung thêm các giải pháp liên quan tới các mục tiêu đã đề cập trong các nội dung phía trước của Chiến lược, như:
– Giải pháp để tổ chức thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại.
– Giải pháp để chuẩn bị và triển khai đàm phán hiệu quả các Hiệp định/Thỏa thuận tương trợ lẫn nhau về hải quan mới với các đối tác chọn lọc.
– Giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan (liên quan tới việc cải thiện các quy trình, đơn giản hóa giấy tờ, cắt giảm các điều kiện không cần thiết…).
- Giải pháp về nghiệp vụ hải quan
– Liên quan tới triển khai hải quan xanh, đề nghị mở rộng diện áp dụng để tính tới các cam kết liên quan mà Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện (ví dụ các thủ tục kiểm soát gỗ hợp pháp xuất/nhập khẩu theo Hiệp định VPA-FLEGT giữa Việt Nam và EU).
– Đề nghị bổ sung giải pháp nhằm xử lý các bất cập hiện tại liên quan tới áp mã HS, giải thích thiếu thống nhất giữa các cơ quan hải quan cửa khẩu…
– Đề nghị xem xét bổ sung các giải pháp tăng cường hiệu quả hỗ trợ thông tin, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp.
– Về giải pháp “xây dựng, triển khai mô hình thông quan tập trung thông qua việc hình thành các địa điểm kiểm tra hồ sơ hải quan tập trung tại các Hải quan Vùng”. Đề nghị cần giải thích rõ ràng hơn lý do cần hình thành các địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung và cân nhắc đánh giá kỹ việc thực hiện giải pháp này tránh làm gia tăng các chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
- Giải pháp về nguồn nhân lực
Bên cạnh các giải pháp về phát triển nhân lực ngành Hải quan, tăng cường các cơ chế tuyển dụng công khai, minh bạch, cơ chế quản lý dựa trên năng lực… đã được nêu trong Dự thảo, đề nghị cân nhắc bổ sung các giải pháp để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của cán bộ hải quan, nhằm giảm thiểu nguy cơ lạm dụng quyền, nhũng nhiễu (ví dụ cơ chế tương đương với cơ chế kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp – compliance review).
- Giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin
– Theo nội dung từ Tờ trình, “ngành hải quan hiện có 21 hệ thống CNTT nhưng chưa hình thành được hệ thống CNTT với kiến trúc tổng thể, hoàn chỉnh, đồng bộ”. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ giải pháp nào sẽ thực hiện để xử lý tình trạng thiếu thống nhất giữa các hệ thống công nghệ thông tin giữa các cơ quan hải quan hiện tại.
– Về Cơ chế một cửa quốc gia, đề nghị bổ sung giải pháp để xử lý bất cập được nêu tại Dự thảo Tờ trình “hạ tầng CNTT của các cơ quan Chính phủ chưa đồng đều và chưa hoàn thiện. Thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT còn phức tạp nên các bộ ngành có quan ngại về việc không có công cụ đi kèm hữu hiệu khi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia”. Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung các giải pháp giải quyết tình trạng số lượng còn hạn chế các thủ tục hành chính thực sự kết nối và triển khai được hoàn toàn qua Cơ chế Một cửa quốc gia.
– Vấn đề bất cập trong phân loại mã số hàng hóa đã được đề cập trong các phân tích ở trên. Do vậy, Chiến lược cũng cần nêu giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào để các quyết định phân loại mã số hàng hóa trở nên thống nhất giữa các cơ quan hải quan.
- Giải pháp hợp tác giữa cơ quan hải quan và các bên liên quan
Về phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp: Hiện các nội dung nêu tại mục này phần lớn là các mục tiêu, chưa phải giải pháp cụ thể. Để tăng cường hợp tác giữa cơ quan Hải quan và các bên liên quan, một số thực tiễn tốt có thể tham khảo như thiết lập các kênh đối thoại thường xuyên/định kỳ giữa hải quan ở từng cửa khẩu với doanh nghiệp; tổ chức diễn đàn đối thoại hàng năm giữa từng Cục/Chi Cục hải quan với doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp.
Việc lấy ý kiến đánh giá định kỳ của doanh nghiệp về các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu cũng là một giải pháp quan trọng. Thực tế cho thấy, những hoạt động hợp tác khảo sát doanh nghiệp giữa Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính và Phòng Thương mai và Công nghiệp Việt Nam từ năm 2012 đến nay đã giúp cải thiện chất lượng xây dựng và thực thi chính sách pháp luật và cải cách thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
- Về trách nhiệm tổ chức thực hiện Chiến lược
Đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của VCCI và các Hiệp hội trong việc phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược này, đặc biệt trong triển khai các giải pháp về thể chế và giải pháp về hợp tác hải quan-đối tác bên ngoài.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Chiến lược phát triển Hải quan 2021-2030. Rất mong Quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.