VCCI_Góp ý Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026

Thứ Năm 08:48 23-09-2021

Kính gửi: Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trả lời Công văn số 3024/BVHTTDL-TCDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị góp ý dự thảo Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Bối cảnh

Từ đầu năm 2020 tới nay, ngành du lịch Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 ước tính đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, giảm 59,5% so với năm trước. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019, trong đó hơn 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020; từ quý II đến nay, Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.[1] Đặc biệt, làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam với nhiều diễn biến phức tạp đã làm trầm trọng hơn những khó khăn đối với ngành du lịch. Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2021 ước tính chỉ đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 61,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 105 nghìn lượt người, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước.[2] Nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải cắt giảm nhân sự, chuyển hướng kinh doanh, thậm chí có không ít doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoạt giải thể.

Trên phương diện quốc tế, ngành du lịch cũng đang phải chịu những tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo năm 2021, đại dịch COVID-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2,4 nghìn tỷ USD, ước tính lượng khách đến du lịch giảm từ 60- 80%.[3]

Do vậy, kiến nghị việc xây dựng và triển khai Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026 cần đặt ra trong bối cảnh nói trên. Đồng thời, cũng cần có những phân tích, đánh giá về tình hình phát triển du lịch giai đoạn trước, để từ đó có căn cứ để phát triển tiếp các kết quả đã đạt được của giai đoạn trước và tìm ra nguyên nhân/hạn chế để khắc phục trong giai đoạn 2021-2026. Những phân tích, đánh giá này cần được đưa vào Dự thảo Chương trình hoặc Dự thảo Tờ trình (nếu có) để làm cơ sở cho việc xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần thiết nhằm khôi phục và tạo nền tảng cho sự phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới.

  1. Mục tiêu Chương trình

Mục tiêu của Dự thảo Chương trình có nêu: 1) cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch; 2) xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 – 2026; 3) tập trung phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam trước tác động của đại dịch COVID-19 để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới; và 4) làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2026 và kế hoạch hàng năm cho các bộ, ngành và địa phương. Ngoại trừ mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong nhóm “50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”, những mục tiêu còn lại là tương đối chung chung và có thể dẫn tới khó khăn trong việc triển khai và đánh giá hiệu quả thực hiện sau này.

Do vậy, để thực hiện hiệu quả Chương trình sau khi ban hành, đề nghị Cơ quan soạn thảo xác định rõ các mục tiêu cụ thể, theo hướng lượng hóa được theo lộ trình cụ thể trong giai đoạn. Các mục tiêu cụ thể được lựa chọn có thể cân nhắc bám sát mục tiêu đã nêu tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 được ban hành tại Quyết định số 147/TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng chính phủ, đồng thời có cân nhắc lựa chọn đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn dịch COVID-19 có thể vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

  1. Nội dung Chương trình

Về mục II.2 Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch: Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đã tạo ra bối cảnh mới đối với ngành du lịch, do vậy Chương trình cũng cần hướng tới việc đảm bảo hoạt động du lịch an toàn trong bối cảnh dịch. Cụ thể, kiến nghị Cơ quan soạn thảo điều chỉnh mục II.2 “Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch” theo hướng “Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch an toàn COVID-19”. Đảm bảo du lịch an toàn COVID-19 là điều kiện tiên quyết để thu hút khách du lịch, do vậy đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung:  “Chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng đảm bảo an toàn phòng dịch cho khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng khu vực du lịch, nhằm phát triển du lịch bền vững”.

Mục II.6 Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch: Sau gần 2 năm dịch bệnh diễn ra số lượng các doanh nghiệp du lịch rút lui khỏi thị trường là rất lớn, việc ban hành và triển khai kịp thời các giải pháp về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi như Dự thảo đã nêu là rất cần thiết. Tuy nhiên, để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm việc nghiên cứu ban hành và triển khai các giải pháp khuyến khích doanh ngiệp thành lập mới trong lĩnh vực du lịch. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường với mô hình kinh doanh sáng tạo có thể sẽ góp phần vào việc phục hồi ngành du lịch của Việt Nam.

Điểm II.6.b Dự thảo nêu “Xây dựng Quỹ quốc gia hỗ trợ phục hồi du lịch, kinh phí một phần từ nguồn ngân sách nhà nước, khuyến khích các hiệp hội du lịch/khách sạn, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp du lịch tham gia đóng góp”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid, do vậy việc tham gia đóng góp kinh phí là khó khả thi. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được thành lập vào năm 2018[4] với chức năng, nhiệm vụ có thể thực hiện để hỗ trợ phục hồi du lịch. Do vậy, kiến nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung “xây dựng Quỹ quốc gia hỗ trợ phục hồi du lịch”.

Cuối cùng, trong phần Phụ lục về nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung nhiệm vụ, đề án mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có thể tham gia thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đó là tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp du lịch siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

 Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội Quý IV và năm 2020, truy cập tại <https://www.gso.gov.vn /du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/baocao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2020/>

[2] Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021, truy cập tại <https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/08/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-8-va-8-thang-nam-2021/>

[3] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Kịch bản nào cho du lịch sau đại dịch lần thứ 4?, truy cập tại <https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/kich-ban-nao-cho-du-lich-sau-dai-dich-lan-thu-4-590361.html>

[4] Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg ngày 12/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Các văn bản liên quan