VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF)
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế
Kính gửi: Vụ pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 3034/BTP-PLDSKT ngày 06/9/2021 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Điều kiện chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp
Điều 8 Dự thảo quy định về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp mở rộng. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét lại ở các điểm sau:
Thứ nhất, Điều 8.1 Dự thảo quy định một trong các điều kiện là phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lập và phê duyệt các loại quy hoạch này hiện đang chưa hoàn thành, dẫn đến nguy cơ vướng mắc khi các doanh nghiệp xin ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư. Do vậy, để đảm bảo khả năng thực hiện trên thực tế, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định xử lý trường hợp trên theo hướng trong trường hợp chưa có các quy hoạch trên thì phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương hoặc phải phù hợp các quy hoạch hiện tại (chẳng hạn: quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp Việt Nam).
Thứ hai, Điều 8.2 Dự thảo yêu cầu các khu công nghiệp trên 500ha phải phân kỳ đầu tư. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này cần phải xem xét lại vì:
- Quy định này chưa thống nhất với các quy định khác: Điều 31.1 Luật Đầu tư quy định việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất đều thuộc về Thủ tướng Chính phủ mà không phân biệt nguồn vốn. Như vậy, Luật Đầu tư không hạn chế quy mô của một dự án đầu tư khu công nghiệp. Tương tự, các quy định về đất đai cũng không có hạn chế như vậy;
- Quy định dường như chưa cần thiết: Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc giới hạn ở mức 500ha để hạn chế tình trạng nhà đầu tư giữ đất với diện tích quá lớn, trong khi lại chậm đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc này có thể kiểm soát thông qua việc xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 33 Luật Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư phải xác định thời hạn, tiến độ thực hiện dự án); thông qua việc kiểm tra tiến độ đầu tư và việc sử dụng đất của dự án, thông qua việc xem xét năng lực của chủ đầu tư (Điều 9 Dự thảo);
- Quy định này chưa phù hợp do tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp khi cùng một dự án nhưng doanh nghiệp lại phải thực hiện các thủ tục đầu tư nhiều lần, dẫn đến gia tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên.
Thứ ba, Điều 8.9 Dự thảo quy định một trong các điều kiện là có quy hoạch xây dựng nhà ở và công trình dịch vụ cho người lao động trong khu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy định này chưa hợp lý và có thể gây khó khăn trong quá trình xin chủ trương đầu tư dự án do mang tính “con gà quả trứng”: doanh nghiệp sẽ cần được chấp thuận chủ trương đầu tư trước hay phải có quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân trước? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng có phương án bố trí xây dựng nhà ở do nhà đầu tư đề xuất.
- Chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị, thương mại, dịch vụ
Điều 13 Dự thảo quy định về việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Theo đó, quy định này đang đồng nhất các điều kiện chuyển đổi với cả hai trường hợp: chuyển đổi toàn bộ và chuyển đổi một phần khu công nghiệp. Tuy nhiên, quy định này là chưa phù hợp với trường hợp chuyển đổi một phần diện tích khu công nghiệp và có thể gây vướng mắc trên thực tế. Chẳng hạn, theo phản ánh của doanh nghiệp, nếu địa điểm của khu công nghiệp đã nằm trong khu vực đô thị đặc biệt, loại I hay thời gian hoạt động là trên 15 năm thì đã quá trễ so với nhu cầu và thời điểm cần xin chuyển đổi. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng không áp dụng với điều kiện về địa điểm và thời gian đầu tư (Điều 13.1.b,c Dự thảo) với trường hợp chuyển đổi một phần khu công nghiệp.
- Trình tự, thủ tục đầu tư khu công nghiệp đô thị – dịch vụ
Điều 34.4 Dự thảo yêu cầu khu công nghiệp – dịch vụ phải dành 30% diện tích đất cho việc xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Tuy nhiên, quy định như vậy có thể chưa thống nhất và trùng lặp về mục đích với các quy định khác. Chẳng hạn, Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã có quy định về diện tích đất dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị (20%). Theo phản ánh doanh nghiệp, cách quy định như vậy có thể dẫn đến cách hiểu rằng doanh nghiệp phải đồng thời dành 20% xây dựng nhà ở xã hội và tiếp tục dành thêm 30% quỹ đất cho người lao động. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định này để đồng bộ, thống nhất với các quy định về nhà ở xã hội trong các văn bản pháp luật hiện hành, có thể cân nhắc không quy định cụ thể mà dẫn chiếu sang các văn bản pháp luật hiện có.
- Quy định với doanh nghiệp chế xuất
Điều 26 Dự thảo đặt ra các quy định riêng với các doanh nghiệp chế xuất. Quy định này cần được xem xét ở một số điểm sau đây:
Thứ nhất, Điều 26.3.c Dự thảo quy định các trường hợp trao đổi giữa doanh nghiệp chế xuất và các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam không thực hiện theo quy định về xuất nhập khẩu. Để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm trường hợp bán các mặt hàng là vật liệu đóng gói, pallet, thùng carton (các phụ phẩm) vào nội địa cũng không cần thực hiện theo quy định về xuất nhập khẩu. Nếu không quy định như vậy, các vật liệu này có nguy cơ trở thành rác thải (trên lãnh thổ Việt Nam). Lý do là vì các vật liệu đóng gói, pallet, thùng carton không phải là những mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu mà chỉ là những phụ phẩm đi cùng. Nếu không thể tận dụng, doanh nghiệp chỉ có thể xử lý theo 02 cách: (i) thải loại dưới dạng rác thải hoặc (ii) bán vào nội địa dưới dạng phế liệu. Nếu phải thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu và kê khai thuế, quy định này sẽ khiến giá bán của các mặt hàng này sẽ có thể tăng cao đến mức không thể bán được, và trở thành rác thải như đã phân tích.
Thứ hai, Điều 26.5.c Dự thảo quy định doanh nghiệp chế xuất thực hiện hoạt động kinh doanh khác không được sử dụng tài sản, máy móc thiết bị được hưởng ưu đãi thuế để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Quy định này có thể suy đoán nhằm hạn chế doanh nghiệp chế xuất có thể lợi ích chính sách ưu đãi về thuế để làm lợi thế cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, mặt khác, quy định này cũng có thể tạo ra tác dụng ngược: các doanh nghiệp trong nước có thể phải nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài thay vì có thể mua từ doanh nghiệp chế xuất (vẫn là hàng sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam, tạo công việc làm và nguồn thu cho ngân sách nhà nước). Việc này xuất phát từ viêc doanh nghiệp không thể tận dụng máy móc trong thời điểm nhàn rồi giữa các đơn hàng xuất khẩu để sản xuất hàng hóa trong nước. Thay vào đó, việc kiểm soát lo ngại của cơ quan soạn thảo có thể được xử lý thông qua việc kiểm soát tỷ lệ doanh thu bán hàng trong nước so với doanh thu xuất khẩu. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng trên.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.