VCCI_Góp ý Dự thảo Phương ắn cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu
Kính gửi: Vụ Pháp luật dân sự- kinh tế, Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số 3113/BTP-PLDSKT ngày 09/09/2021 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn (bản thẩm định) (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến ban đầu như sau:
- Tiêu chí xác định cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính
Phụ lục I Dự thảo quy định tiêu chí xác định các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, Phụ lục I quy định cơ sở đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây thuộc diện kiểm kê: (i) phát thải từ 3000 tấn CO2 tương đương trở lên; (ii) thuộc một trong các trường hợp[1]. Quy định này cần xem xét ở các nội dung sau:
Thứ nhất, quy định tiêu chí theo tấn CO2 tương đương có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Lý do là cách quy định như vậy mở rộng đối tượng phải kiểm kê ra ngoài các đối tượng được liệt kê theo lĩnh vực (công nghiệp, xây dựng, xử lý chất thải, chăn nuôi).
Mặc dù Điều 6 Dự thảo quy định trách nhiệm cập nhật Danh mục cơ sở phải kiểm kê là cơ quan nhà nước, tuy nhiên, người cung cấp số liệu này cho cơ quan nhà nước, trên thực tế, vẫn là các doanh nghiệp (trong trường hợp dựa trên thống kê của cơ quan nhà nước cấp tỉnh).
Trong khi đó, hiện ít doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính, do vậy khó xác định xem mình có thuộc diện cần phải kiểm kê khí nhà kính hay không. Do vậy, doanh nghiệp lại phải tốn kém chi phí để đo đạc, kiểm kê.
Thứ hai, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc quy định như vậy nhằm đưa các cơ sở ra khỏi Danh mục nếu đã thực hiện giảm nhẹ phát thải và có mức kiểm kê dưới 3000 tấn CO2 tương đương một năm. Tuy nhiên, nếu thế, cách quy định như vậy là không phù hợp. Quy định sử dụng cấu trúc “hoặc”, nghĩa là doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện sẽ là đối tượng thuộc Danh mục, bất kể doanh nghiệp phát thải ít như thế nào.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo:
- Bỏ tiêu chí về tấn CO2 tương đương;
- Bổ sung quy định cho tiêu chí (ii) theo hướng các doanh nghiệp có tài liệu chứng minh mức phát thải dưới 3000 tấn CO2 tương đương một năm được miễn thực hiện nghĩa vụ này.
- Căn cứ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Điều 12.2 Dự thảo quy định việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ được căn cứ vào (i) kết quả kiểm kê khí nhà kính trong kỳ kiểm kê gần nhất và (ii) tình hình thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở giai đoạn từ năm 2023 – 2025. Quy định này cần làm rõ ở các điểm sau:
- Các dự án đầu tư mới áp dụng công nghệ, quy trình làm giảm lượng phát thải: Một số dự án đầu tư sau này có thể áp dụng công nghệ sản xuất mới, làm giảm lượng phát thải so với các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ cũ. Các dự án này vẫn là các cơ sở phát thải lớn (do đặc thù lĩnh vực hoạt động và quy mô dự án), tuy nhiên, mức phát thải của dự án này sẽ giảm đáng kể so với mức phát thải của dự án sử dụng công nghệ cũ cùng quy mô. Trong nhiều trường hợp, giai đoạn thiết kế, xác định công nghệ trong giai đoạn đầu tư sẽ quyết định lượng lớn lượng khí thải so với việc cải tiến công nghệ sau khi vận hành. Trong khi đó, Dự thảo chưa đưa ra quy định nào để khuyến khích doanh nghiệp chú ý việc giảm phát thải ngay từ giai đoạn này, chẳng hạn: không đặt ra yêu cầu giảm lượng phát thải trong những năm đầu (hay không giảm mức hạn ngạch phát thải).
- Việc phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở mới xây dựng/ đưa vào hoạt động sau năm 2025 được thực hiện như thế nào. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ sở mới xây dựng sẽ được xem xét bổ sung vào Danh mục và được phân bổ hạn ngạch tại chu kỳ sau. Như vậy, không rõ: (i) thời điểm nào doanh nghiệp thực hiện kiểm kê: từ khi bắt đầu hoạt động hay từ khi được bổ sung vào Danh mục; (ii) doanh nghiệp có được hoạt động bình thường hay không cho đến khi được đưa vào Danh mục
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các nội dung này.
- Tỷ lệ hạn ngạch phát thải được phân bổ trên tổng hạn ngạch
Điều 12.4 Dự thảo quy định tổng số hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các cơ sở không vượt quá 90% tổng hạn ngạch phát thải. Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc xác định tỷ lệ hạn ngạch được phân bổ cần dựa trên việc kiểm kê khối lượng phát thải. Tuy nhiên, việc không xác định được lượng hạn ngạch phân bố tối thiểu khiến doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh trung hạn, vì không ước lượng tương đối được lượng hạn ngạch sẽ được phân bổ (miễn phí) và số tiền phải bỏ ra cho việc mua hạn ngạch. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung giới hạn hạn ngạch tối thiểu được phân bổ cho các cơ sở không thông qua đấu giá (chẳng hạn 80%).
- Điều kiện với đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê và kết quả giảm nhẹ khí nhà kính
Điều 14.3 Dự thảo quy định các đơn vị thẩm định phải gửi Đề nghị công nhận đủ điều kiện thực hiện thẩm định về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy định này có thể coi là một dạng thủ tục hành chính. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục đảm bảo tuân thủ Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính.
- Chuyển giao, vay mượn, bù trù hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Điều 19.5.d Dự thảo quy định số lượng tín chỉ các-bon mua từ dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ không vượt quá 10% tổng hạn ngạch được phân bổ trong 1 năm tuân thủ. Quy định này nhằm yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính. Tuy nhiên, quy định này lại có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là với một số dự án đã đầu tư hoặc một số ngành công nghiệp do việc tự giảm phát thải có thể rất khó khăn và đắt đỏ, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ được lựa chọn hoặc hạn chế phát thải hoặc mua bán tín chỉ các-bon, tùy theo nhu cầu của mình để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng không giới hạn số lượng tín chỉ các-bon được bù trừ.
- Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển, thu gom, xử lý các chất được kiểm soát
Điều 30 Dự thảo Nghị định quy định điều kinh doanh với dịch vụ vận chuyển, thu gom, xử lý các chất được kiểm soát. Tuy nhiên, quy định này cần xem xét một số điểm sau:
Thứ nhất, Điều 30.5 Dự thảo Nghị định quy định kỹ thuật viên phải có bằng cấp, chứng nhận phù hợp. Tuy nhiên, Dự thảo không làm rõ bằng cấp, chứng chỉ thuộc hệ đào tạo hay chuyên ngành nào thì được coi là phù hợp? Tương tự, Điều 30.4.c Dự thảo Nghị định cũng không quy định rõ ràng về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định nhằm đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 7.5 Luật Đầu tư 2020.
Thứ hai, Điều 30.7 Dự thảo quy định thời điểm ban hành quy chuẩn thu gom, xử lý là trước 31/12/2023. Như đã phân tích, thời điểm này là không phù hợp vì quá sát với thời điểm thực hiện thu gom, xử lý (01/01/2024). Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành biên soạn, do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi thời hạn ban hành hợp lý hơn (trước ít nhất 06 tháng) để doanh nghiệp có điều kiện chuẩn bị.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn (bản thẩm định). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] a) Các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 nghìn tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;
- b) Cơ sở chăn nuôi bò có số lượng đầu con từ 500 trở lên; cơ sở chăn nuôi lợn có số lượng đầu con xuất chuồng hằng năm từ 3.000 trở lên;
- c) Các công ty kinh doanh vận tải hàng hoá đường bộ có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
- d) Các tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
đ) Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.