VCCI_Góp ý Dự thảo Phương ắn cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ Ba 08:50 21-09-2021

Kính gửi:  Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính

Trả lời Công văn số ngày của Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính về việc đề nghị góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Phương án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Tài liệu là hồ sơ bằng chữ nước ngoài

Một số quy định yêu cầu tài liệu là hồ sơ bằng chữ nước ngoài cần phải được công chứng bản dịch hoặc có xác nhận của cơ quan dịch thuật, chẳng hạn Điều 2.7 Nghị định 94/2019/NĐ-CP hoặc Điều 4.6 Nghị định 13/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định này có thể không thực sự cần thiết. Thực tế, doanh nghiệp có thể tự dịch và tự chịu trách nhiệm về bản dịch của mình, đồng thời sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp so với phải thuê ngoài. Hơn nữa, Điều 4.7 Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản (cùng thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng không yêu cầu bản dịch phải công chứng hoặc xác nhận. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung phương án cắt giảm theo hướng cho phép doanh nghiệp được tự dịch các tài liệu bằng tiếng nước ngoài.

  1. Thời hạn của Giấy phép

Một số loại Giấy phép thường quy định thời hạn có hiệu lực. Sau thời gian đó, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép mới. Tuy nhiên, quy định này là không cần thiết. Các quy định về điều kiện xin giấy phép là các yêu cầu cho doanh nghiệp khi mới bắt đầu tham gia thị trường. Các doanh nghiệp khi đang hoạt động thường vẫn tiếp tục đáp ứng đủ các quy định trên. Việc xác định các doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động có thể thực hiện thông qua việc thanh, kiểm tra. Do vậy, việc quy định thời hạn có hiệu lực của Giấy phép khiến các doanh nghiệp tốn nhiều thời gian và chi phí là lãng phí và không cần thiết. Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát tổng thể các quy định trong phạm vi quản lý và bổ sung phương án cắt giảm theo hướng bỏ các quy định về thời hạn có hiệu lực của Giấy phép, chẳng hạn Điều 35 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

  1. Cắt giảm các yêu cầu, điều kiện

Theo Tờ trình Dự thảo, các quy định về yêu cầu, điều kiện được cắt giảm trong năm 2021 là 04/423 quy định, chỉ chiếm 0,94% tổng quy định. Việc rà soát cắt giảm các quy định này là rất cần thiết. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung vào phương án cắt giảm hai quy định sau:

  • Giấy phép nhập khẩu tàu cá

Điều 66.2 Luật Thủy sản yêu cầu tàu cá nhập khẩu phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Quy định này sẽ làm tăng các thủ tục hành chính không cần thiết cho việc nhập khẩu tàu cá. Các tàu cá nhập khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực, được đăng ký tàu cá và phải được cấp Giấy phép khai thác thủy sản trước khi thực hiện hoạt động khai thác. Do đó, quy định này là không cần thiết, và đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung phương án cắt giảm theo hướng bỏ quy định này.

  • Điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá

Điều 63 Luật Thủy sản quy định về điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá, gồm: (i) điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; (ii) bộ phận giám sát, quản lý chất lượng; (iii) nhân lực. Quy định này là không cần thiết, vì các lý do sau:

Thứ nhất, tất cả các tàu cá được đóng mới hoặc cải hoán đều sẽ được đăng kiểm trước khi đưa vào khai thác thực tế. Như vậy, chất lượng và an toàn tàu cá đã được bảo đảm bằng một biện pháp rất chặt chẽ và không cần thiết phải tăng cường bằng việc quy định điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Trong trường hợp việc đăng kiểm không đủ năng lực để bảo đảm chất lượng và an toàn tàu cá thì nên tăng cường cho hoạt động này chứ không nên đặt ra quy định điều kiện đầu tư kinh doanh.

Một trường hợp khác là quản lý mũ bảo hiểm. Tương tự với tàu cá, trước đây, sản phẩm mũ bảo hiểm được quản lý với hai quy định: (i) điều kiện kinh doanh với cơ sở sản xuất; (ii) quy chuẩn với mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, sau đó, Nghị định 154/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh này, và chỉ quản lý sản phẩm mũ bảo hiểm thông qua quy chuẩn. Dù vậy, việc kinh doanh các sản phẩm này vẫn được quản lý tốt.

Thứ hai, việc quy định cứng các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải có từng loại máy móc cụ thể được liệt kê sẽ làm giảm sự linh hoạt của thị trường. Ví dụ, một cơ sở sản xuất chỉ tập trung thi công phần máy, phần ngư cụ, hoặc phần gỗ, phần mỏ neo và bán lại cho các cơ sở khác để tiếp tục lắp ráp, hoàn thiện. Việc bắt buộc có đầy đủ các loại máy móc sẽ không giúp các cơ sở có thể chuyên môn hóa nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung phương án cắt giảm theo hướng bỏ quy định về điều kiện với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

Các văn bản liên quan