Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) của TS. Hồ Xuân Thắng – Giảng viên trường Đại học Sài Gòn – Hội thảo VCCI (Tp. HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Hai 16:24 17-03-2014

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GÓP Ý SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

LUẬT ĐẦU TƯ NĂM 2005

Hồ Xuân Thắng[1]

Quá trình đổi mới, phát triển kinh tế từ một nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường ở nước ta đã diễn ra rất thành công. Có thể nói, sự chuyển hóa này là một bước tiến rất trọng đại của Đảng và nhân dân ta. Rất nhiều yếu tố tích cực tạo nên sự thành công này nhưng một yếu tố cũng rất quan trọng không thể không kể đến đó là khung khổ pháp lý của quốc gia. Nếu như nhà nước không quản lý xã hội bằng pháp luật thì rõ ràng sự phát triển cuả nhà nước đó không thể bền vững được, tức là sự phát triển đó nó ảnh hưởng rất sâu sắc đến môi trường chung của xã hội, tính dự báo trong tương lai bị hạn chế do thiếu vắng quy phạm pháp luật và sự quản lý bằng các quy tắc xử sự chung trong chính quốc gia đó. Trong hành lang pháp lý cuả nhà nước ta phải nhắc đến sự ban hành kịp thời Luật Đầu tư mà mà chính Luật đầu tư nước ngòai tại việt Nam năm 1986 là một minh chứng, đó là văn bản đầu tiên của Quốc hội ban hành điều chỉnh và khuyến khích sự thu hút đầu tư từ bên ngoài để phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

   Kể từ đó đến nay Luật Đầu tư đã được thay đổi rất lần với nhiều nội dung khác nhau cho phù hợp với sự phát triên chung của đất nước. Phải thừa nhận Luật Đầu tư năm 2005 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Cùng với Luật Doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực thi hành vào cùng một thời điểm (1/7/2006), đây là đầu tiên sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.[2] Văn bản luật này đã hợp nhất nội dung của hai văn bản luật đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài như một thể thống nhất không có sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực đầu tư. Điểm tích cực đáng chú ý là các quy định của Luật Đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

   Nhưng thực chất, sau hơn 8 năm triển khai thi hành luật đầu tư năm 2005 trong thực tiễn, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Để góp phần vào việc sửa đổi, bổ sung làm cho các quy định của pháp luật đầu tư là một thể thống nhất trong thực tiễn cũng như đảm bảo phát huy hết chức năng đích thực cuả nó trong sự phát triển kinh tế hội nhập, chúng tôi muốn đưa ra đây một số vấn đề cần bàn bạc và trao đổi, cụ thể như sau:

Vấn đề thứ nhất: Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư hay còn được gọi tắt là Hợp đồng PPP. 

Vấn đề này, được quy định tại Khoản 14 Điều 3 về giải thích từ ngữ còn chồng chéo mâu thuẫn và chưa thống nhất trong cách hiểu, làm cản trở và ảnh hưởng trục tiếp đến hoạt động đầu tư . “Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (sau đây gọi tắt là Hợp đồng PPP),  gồm Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) và các hợp đồng nhượng quyền khác được ký kết giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư”.

Xét về chủ thể, theo khái niệm này chúng ta mặc nhiên công nhận chủ thể hợp pháp là cơ quan nhà nước với nhà đầu tư là hai chủ thể của bản hợp đồng công – tư. Nhìn nhận dưới góc độ quan hệ hợp đồng thì hai chủ thể này đã kí kết hợp đồng thì có quyền và nghĩa vụ thực hiện ngang nhau theo những nội dung hợp tác đã kí kết nên gọi là đối tác. Thế nhưng tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 của dự thảo quy định về “Nhà đầu tư’ thì: “Doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp” là nhà đầu tư. Chiểu theo quy định của pháp luật Doanh nghiệp hiện hành thì Doanh nghiệp nhà nước cũng được khái niệm là doanh nghiệp và đương nhiên đóng vai trò với tư cách là  nhà đầu tư (theo Khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” với các loại hình Công ty TNHH và công ty Cổ phần). Với lập luận như vậy, trong tình huống này nó trái với khái niệm hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư vì hai bên chủ thể hợp đồng là nhà nước chứ không phải một bên là nhà nước (đại diện công) với một bên là nhà đầu tư (đại diện tư).Tiếp theo, một bất cập nữa có thể coi là sự khập khiễng mà quy định này phải gánh chịu trong thực tế, tại Điều 169 của dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật doanh nghiệp 2005 quy định thừa nhận doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp, mà đã là doanh nghiệp thì nó là một tổ chức kinh tế và đương nhiên tổ chức kinh tế này là nhà đầu tư theo như đã quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 trong giải thích từ ngữ của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật đầu tư. Do đó, để tránh sự chồng chéo và dễ thực hiện hơn trong tương lai của quy định pháp luật, theo ý kiến chúng tôi, nên sửa lại quy định này đúng khoa học, xác định rõ chủ thể của loại hợp đồng này sẽ là các cơ quan nhà nước và Nhà đầu tư một cách hợp lý hay nói cách khác không thể là hợp đồng đối tác “Công – Tư”, khi mà nhà đầu tư có thể là nhà đầu tư công chứ không phải hoàn toàn nhà đầu tư “Tư” trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ đầu tư này.

Vấn đề thứ hai: Bảo đảm quyền chuyển vốn, tài sản của nhà đầu tư nước ngoài

Bảo đảm quyền chuyển vốn, tài sản của nhà đầu tư nước ngoài, được quy định tại Điều 8 của dự thảo lần này. Theo tinh thần chung, quy định này là một sự cam kết có trách nhiệm của nhà nước ta với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc bảo đảm quyền chuyển vốn, tài sản của họ“Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các khoản vốn và tài sản sau đây: (i) Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh; (ii) Những khoản tiền trả cho việc cung cấp kỹ thuật, dịch vụ, sở hữu trí tuệ; (iii) Tiền gốc và lãi các khoản vay nước ngoài; (iv) Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư; (v) Các khoản tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư[3].

Nhìn nhận dưới góc độ khoa học pháp lý, đây là một quy phạm pháp luật cho phép, nghĩa là thẩm quyền cho phép hưởng lợi từ quy định này là nhà nước CHXHCNVN, còn nhà đầu tư nước ngoài là người được quyền hưởng sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ về tài chính. Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý của nhà đầu tư thì họ vẫn còn băn khoăn “nghĩa vụ tài chính” là những nghĩa vụ nào, liệu có nhất quán không? Tại sao không được đề cập giải thích rõ khái niệm trong dự thảo?. Đây là một khiếm khuyết của quy định, làm giảm giá trị bảo đảm của nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào nước ta nhằm mục đích sinh lời. Bên cạnh đó, khi họ đã thực hiện xong nghĩa vụ thì họ đương nhiên được hưởng quyền, vì người đầu tư bao giờ cũng có quyền và nghĩa vụ luôn song hành với nhau không thể tách rời nhau được. Tại sao không dùng cụm từ họ “được quyền chuyển” mà lại chỉ “được chuyển”? khi mà các tài sản này là tài sản hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư nước ngoài, đã là hợp pháp thì thuộc sở hữu chính đáng của họ mà đã là sở hữu thì họ có quyền mới chính xác. Rõ ràng quy định nói trên rất tùy nghi chưa phải là một quy định dứt khoát theo tính chất là một sự cam kết đầy trách nhiệm của nhà nước ta với giới đầu tư là người nước ngoài trong việc bảo đảm quyền chuyển vốn, tài sản. Cho nên, chúng tôi kiến nghị nên bổ sung cụm từ “được quyền chuyển” vào quy phạm này để tăng thêm tính dứt khoát của thẩm quyền nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước sở tại là Việt nam, như sauSau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được quyền chuyển ra nước ngoài các khoản vốn và tài sản sau đây: (i) Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh; (ii) Những khoản tiền trả cho việc cung cấp kỹ thuật, dịch vụ, sở hữu trí tuệ; (iii) Tiền gốc và lãi các khoản vay nước ngoài; (iv) Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư; (v) Các khoản tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư

Vấn đề thứ ba: Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách quy định tại Điều 10 của dự thảo.

Tại Khoản 1 Điều này quy định như sau: “Trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư và ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng điều kiện đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư như quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

Chúng tôi rất băn khoăn khi dùng cụm từ “chính sách mới” trong quy phạm pháp luật này bởi lẽ ở nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mà bản chất của pháp luật nó đã mang bản chất giai cấp và bản chất xã hội, trong đó nó phải thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách cũng như quan điểm của Đảng ta, của nhà nước ta. Tức là đường lối chủ trương chính sách thể hiện trong từng quy phạm pháp luật và nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN trong đó pháp luật là thượng tôn, do đó dùng cụm từ “thay đổi chính sách” là thừa và không khoa học. Khi nói về vấn đề pháp luật, Chủ nghĩa Mác Lenin cũng khẳng định pháp luật sẽ bị thay đổi chứ không nói chính sách thay đổi. Vấn đề đặt ra ở đây là quy định của dự thảo cần nhất quán trong cách sử dụng câu từ theo thể thức văn bản luật, không dùng câu từ mang tính văn nói, văn diễn thuyết nó sẽ giảm giá trị của quy định pháp luật trong thực tiễn, nhất là giảm giá trị bảo đảm trong đầu tư của nhà nước ta. Chúng ta phải thừa nhận một nguyên tắc bất di bất dịch khi nói đến giá trị, tính hiệu lực của văn bản luật là, văn bản pháp luật mới ra đời thì nó phủ nhận văn bản pháp luật cũ ban hành trước đó chứ không ai nói “chính sách”. Thực chất trong pháp luật nó đã chứa đựng các “chính sách” hay nói cách khác pháp luật đã thể chế cụ thể đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước thành các quy phạm pháp luật. Để các nhà đầu tư hiểu luật một cách chính xác về việc bảo đảm đầu tư trong các trường hợp như có sự thay đổi lớn về pháp luật của quốc gia cũng như tránh sự nhầm lẫn của các bên trong quá trình thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư, chúng tôi kiến nghị nên bỏ cụng từ “chính sách” trong khoản 1 Điều 10 của dự thảo luật đầu tư lần này: “Trường hợp pháp luật mới được ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư và ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng điều kiện đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư như quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”

Vấn đề thứ tư: Quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư 

            Về quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư quy định tại Khoản 3 Điều 13 của dự thảo chưa điều chỉnh hết các đối tượng dự án đầu tư có quyền hưởng quyền này. “Tuyển dụng và sử dụng lao động Việt Nam; tuyển dụng và sử dụng lao động là người nước ngoài làm công việc quản lý, lao động kỹ thuật và chuyên gia theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh”. Cụm từ “theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh” được hiểu là nhà đầu tư có quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực chỉ thuộc công đoạn sản xuất và kinh doanh mà thôi ngoài ra nhà đầu tư không có quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư cho các công việc khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư. Như chúng ta đã biết, một dự án đầu tư nó phải trải qua rất nhiều công đoạn từ chuẩn bị đầu tư đến triển khai thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư nhà đầu tư đều cần đến quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư như là tuyển và sử dụng lao động trong nước và ngoài nước theo nhu cầu của từng dự án chứ không chỉ theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Có thể nói quy định này nó thu hẹp đối tượng phạm vi điều chỉnh, từ đó nó không khả thi để áp dụng trong thực tiễn. Rõ ràng quy định như trên là rào cản trong đầu tư và vô hình trung quy định này tạo sự phân biệt đối xử trong đầu tư. Theo quan điểm của chúng tôi nên sửa lại cụm từ “theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh” thành cụm từ “theo nhu cầu triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư” để mở rộng phạm vi được hưởng quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư của các nhà đầu tư khi đầu tư vào nước ta.

            Vấn đề thứ tư: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

            Nhà đầu tư được thành lập các tổ chức kinh tế sau đây để thực hiện hoạt động đầu tư: (a) Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh theo quy định tại Luật Doanh nghiệp;(b) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác theo quy định của pháp luật; (c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã; (d) Cơ sở dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thể thao và các cơ sở dịch vụ khác có hoạt động đầu tư sinh lợi; (đ) Các tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật[4].

Quy định như trên, theo quan điểm của chúng tôi chưa chuẩn xác do thiếu tính khoa học và logic của vấn đề cần giải quyết. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để thống nhất cách hiểu “tổ chức kinh tế là gì”? câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ vì trong dự thảo không đưa khái niệm này. Cho nên, quy định này chưa chặt chẽ và thiếu tính thống nhất, tính kết nối trong quy định của các văn bản pháp luật khác. Theo ý kiến của một số nhà khoa học khác, thì: “Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp được thành lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh); Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã được thành lập theo Luật hợp tác xã; các tổ chức kinh tế thành lập theo luật đầu tư”. Như vậy, tổ chức kinh tế là pháp nhân và thể nhân, đặc điểm chung của các tổ chức kinh tế này là được thành lập hợp pháp, còn điểm riêng khác biệt của tổ chức kinh tế này có tư cách pháp nhân và không có tư cách pháp nhân (Doanh nghiệp tư nhân). Từ lập luận trên đây, chúng tôi rất băn khoăn về vấn đề đầu tư thành lập tổ chức kinh tế quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 19 của dự thảo. Thực sự đây là một sự nhầm lẫn trong quy định cho phép đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khó có thể chấp nhận trong thực tiễn, nó trùng lặp và không rõ ràng lẫn lộn giữa địa vị pháp lý của các tổ chức kinh tế và chức năng kinh doanh của các loại hình này. Ví dụ “Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm”[5], quy định này là một sự cho phép nhà đầu tư chọn ngành nghề để kinh doanh thì chính xác hơn chứ không phải quy định cho việc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế. Rất dễ hiểu vì loại hình doanh nghiệp là tổ chức kinh tế được liệt kê tại Điểm a khoản 1 điều 19 rồi (Cty Cổ phần; Cty TNHH; Công ty Hợp danh và DNTN) các loại đó trong dự thảo và trong Luật doanh nghiệp 2005 hiện hành đều thừa nhận nó là “Doanh nghiệp”. Vậy nếu lặp lại “doanh nghiệp” tại Điểm b Khoản 1 Điều 19 là trùng lắp với Điểm a, rõ ràng quy định này không logic và thiếu tính khoa học.  Hơn nữa khi đã là loại hình doanh nghiệp (đã đăng kí kinh doanh thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng kí kinh doanh) họ sẽ có quyền được kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm hay là cơ sở y tế hoặc đào tạo,văn hóa, thể thao.... Ví dụ Hợp tác xã cũng có thể trở thành một tổ chức kinh tế kinh doanh trong lĩnh vực y tế hoặc thể thao, như vậy nó là một sự trùng lặp khó chấp nhận trong quy định này.

Theo quan điểm của chúng tôi, để xác định đúng cách hiểu tổ chức kinh tế trong lĩnh vực đầu tư là gì, cần bổ sung khái niệm “Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế” vào phần giải thích từ ngữ của dự thảo. Ngoài ra quy định nhà đầu tư có quyền được đầu tư thành lập tổ chức kinh tế phải xâu chuỗi được các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến việc thành lập tổ chức kinh tế để tách biệt các loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh của các tổ chức kinh tế đó, tránh sự nhầm lẫn không rõ ràng như quy định tại Khoản 1 Điều 19 của dự thảo lần này.

Vấn đề thứ 5: Thị thực xuất cảnh, nhập cảnh

Thị thực xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài liên quan đến lĩnh vực đầu tư được quy định tại Điều 40 của dự thảo, như sau: “Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư, chuyên gia và lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc thường xuyên trong dự án đầu tư tại Việt Nam và các thành viên gia đình họ được cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh nhiều lần. Thời hạn của thị thực tối đa là năm năm cho mỗi lần cấp”.

Với quy định như vậy, ta có thể hiểu chỉ người nước ngoài là đối tượng được hưởng quy định cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh khi mà chính người đó phải là chuyên gia, người lao động kĩ thuật, Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư và những thành viên trong gia đình họ. Tuy nhiên họ phải là người làm việc thường xuyên trong dự án đầu tư tại Việt Nam mới được cấp thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần, mỗi lần không quá 5 năm. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những dự án đầu tư chỉ cần chuyên gia hoặc người lao động kĩ thuật làm việc theo quy định về hợp đồng lao động của Bộ Luật lao động hiện hành là 12 tháng hoặc 24 tháng thì xuất nhập cảnh vào Việt Nam có cần phải làm thị thực hay không? Chắc chắn là không vì họ là người làm việc có thời hạn chứ không phải làm việc lâu dài. Nếu như vậy thì làm sao kiểm soát được người nước ngoài sống và làm việc hợp pháp hay không hợp pháp ở nước ta? Cơ quan nào sẽ quản lý họ nếu họ không rời khỏi Việt nam, hậu quả của việc này sẽ ra sao, ai sẽ chịu trách nhiệm này? Đó là câu hỏi mà chúng tôi rất băn khoăn và chắc chắn chính quy định chưa phù hợp với thực tế này trong dự thảo phải chịu trách nhiệm về hậu quả khó lường cuả nó.

Chúng tôi kiến nghị, cần quy định việc Thị thực xuất cảnh, nhập cảnh phù hợp với thời gian sử dụng người lao động của người sử dụng lao động trong từng dự án của nhà đầu tư, không cứng nhắc người làm việc thường xuyên mới được cấp và nên quy định thời gian tối đa không quá 36 tháng cho một lần cấp. Mặt khác, cần quy định rõ thành viên gia đình của họ là gồm những đối tượng cụ thể nào để thống nhất cách hiểu từ đó thống nhất cách áp dụng quy định của pháp luật từ trung ương đến địa phương có hiêu quả hơn trong thực tiễn, đừng để tình trạng luật ban hành phải chờ hướng dẫn thi hành của Nghị định mới thực thi như lối mòn trước đây chúng ta thường gặp.

Trên đây là một số vấn đề có liên quan đến việc góp ý dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật đầu tư năm 2005. Hy vọng với sự góp sức nhỏ bé của mình bằng việc đưa ra các quan điểm trên phương diện khoa học pháp lý tại hội thảo này sẽ làm vững chắc thêm các quy định của pháp luật làm cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư tại nước ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay sự cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra gay gắt mang tính toàn cầu hóa từ các nước trong khu vực và trên thế giới.



[1] TS. Giảng viên trường Đại học Sài Gòn

[2] Dự thảo Tờ trình chính phủ sửa đổi Luật đầu tư của Bộ Kếh oạch và đầu tư 

[3] tại K1Điều 8 của dự thảo

[4] K1 Điều 19 dự thảo

[5] Điểm b K1 Điều 19 dự thảo

Các văn bản liên quan