Góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của VCCI

Thứ Hai 11:45 17-03-2014

Kính gửi:        Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 698/BKHĐT-QLKTTW ngày 12/2/2014 của Quý Cơ quan về việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo 2 Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến như sau:

Các Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi là các dự án sửa đổi luật lớn, quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với vai trò khung khổ pháp luật cơ bản về doanh nghiệp và đầu tư tại Việt Nam. Vì vậy, với tư cách là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI sẽ cùng phối hợp với Quý Cơ quan trong việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Luật này cũng như Luật Đầu tư sửa đổi trong suốt quá trình soạn thảo các Dự Luật, cho tất cả các phiên bản dự thảo. Trên cơ sở các hoạt động này, VCCI sẽ có bản tổng hợp ý kiến doanh nghiệp cho từng thời điểm, với từng Dự thảo tương ứng.

Tuy nhiên, theo đề nghị của Quý Cơ quan về việc cho ý kiến sớm về những nội dung chủ chốt của Dự thảo 2 Luật Doanh nghiệp sửa đổi để tiếp tục hoàn thiện, phục vụ việc tổng hợp và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, VCCI có một số ý kiến ban đầu đối với một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo 2 Luật Doanh nghiệp sửa đổi như sau:

1.      Đăng ký thành lập doanh nghiệp

Thủ tục thành lập doanh nghiệp về bản chất là hình thức để Nhà nước ghi nhận sự hình thành và việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Thủ tục này, vì vậy, khó có thể là công cụ để Nhà nước thực hiện việc kiểm soát của mình đối với hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp (bởi đó là những vấn đề mà tại thời điểm thành lập doanh nghiệp Nhà nước có muốn cũng không thể kiểm soát được).

Do đó, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt liên quan tới việc thành lập doanh nghiệp trong một số lĩnh vực kinh doanh có thể ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến lợi ích của nhiều tổ chức, cá nhân (ví dụ ngân hàng, bảo hiểm…), thủ tục thành lập doanh nghiệp nói chung nên đơn giản hóa tối đa.

Và theo các khảo sát, nghiên cứu thường xuyên của VCCI thì thủ tục thành lập doanh nghiệp và các thủ tục liên quan (sửa đổi đăng ký kinh doanh khi có thay đổi…) vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, khó khăn, thiếu minh bạch, trùng lặp… gây tốn kém thời gian và tiền của của doanh nghiệp. Và vì vậy còn có nhiều việc phải làm để cải thiện, đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Về những ý kiến cho rằng “thủ tục hiện nay là quá đơn giản, dẫn tới một số doanh nghiệp dễ dàng thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn….”, phải thừa nhận rằng đây là một thực tế đã xảy ra thời gian qua. Mặc dù vậy, như đã nói ở trên, do thủ tục thành lập doanh nghiệp không cho phép Nhà nước kiểm soát hoạt động sau đó của doanh nghiệp, ngay cả khi thủ tục này khó khăn hơn, nhiều tầng nấc và giấy tờ hơn, cũng không có gì đảm bảo rằng thủ tục này sẽ giúp loại bỏ hoặc hạn chế các doanh nghiệp lừa đảo.

Tất nhiên, kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp là việc cần thiết và không thể xao nhãng. Nhà nước không bỏ việc kiểm soát, mà chỉ chuyển từ kiểm soát trước khi thành lập doanh nghiệp (“tiền kiểm”) sang kiếm soát sau khi doanh nghiệp thành lập, đi vào hoạt động (“hậu kiểm). Và vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc gia nhập thị trường,  hoạt động trên thị trường và ra khỏi thị trường (giải thể) của doanh nghiệp nên Luật này cũng cần quy định cả vấn đề hậu kiểm đối với doanh nghiệp (chứ không đơn thuần cho rằng “hậu kiểm” là việc của luật thuế, của các luật về chế tài đối với vi phạm pháp luật chứ không phải việc của Luật Doanh nghiệp).

Vì vậy, liên quan tới vấn đề này VCCI có quan điểm ủng hộ định hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp trong Luật doanh nghiệp sửa đổi nhưng nhấn mạnh các yêu cầu sau:

-          Luật Doanh nghiệp cần quy định về hậu kiểm đối với doanh nghiệp, ít nhất là trong những lĩnh vực chung thuộc phạm vi của Luật này (ví dụ hậu kiểm để đảm bảo rằng doanh nghiệp đã đăng ký là có tồn tại, có hoạt động, không phải doanh nghiệp ma, không tự biến mất, các thông tin trong Giấy đăng ký kinh doanh vẫn đúng thực tế…nhằm khắc phục tình trạng không có cơ quan nào có thể đảm bảo doanh nghiệp có còn tồn tại, đang hoạt động bình thường, đúng Giấy đăng ký kinh doanh tại một thời điểm nhất định).

Cần chú ý là quy định về việc thực hiện hậu kiểm về các khía cạnh của đăng ký kinh doanh theo Luật này cần nêu rõ yêu cầu về sự phối hợp chặt chẽ và thông tin hai chiều giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan thuế (số liệu của cơ quan thuế cho phép xác định một cách chính xác nhất tình hình của doanh nghiệp) để tránh tình trạng gây khó cho doanh nghiệp từ việc phải chịu hậu kiểm chồng chéo cho những vấn đề tương tự nhau bởi nhiều cơ quan khác nhau.

-          Đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp cần những nỗ lực song hành và nhịp nhàng giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (bởi nếu chỉ sửa thủ tục ở Luật Doanh nghiệp thì chưa giải quyết được vấn đề, như đã thấy trong thực tiễn áp dụng Luật Doanh nghiệp – Luật Đầu tư 2005 thời gian qua). Cụ thể, cần tách đăng ký doanh nghiệp với đăng ký đầu tư; và chỉ áp dụng đăng ký đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp (nhà đầu tư) cần hưởng các quy định/ưu đãi của Nhà nước đối với các hoạt động đầu tư cụ thể.

2.      Về việc ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp

Về mặt nguyên tắc, ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp (trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) có nhiều ưu điểm nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và thiện chí từ cả hai phía doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước (đối tác và xã hội có thể dựa vào đăng ký kinh doanh để biết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào, Nhà nước có thống kê về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong từng ngành nghề….).

Tuy nhiên, trên thực tế, do những bất cập từ cả phía doanh nghiệp (đăng ký “khống” nhiều ngành nghề) và cơ quan Nhà nước (gây khó khăn cho doanh nghiệp khi áp mã ngành nghề, khi đăng ký lại ngành nghề..), những lợi ích suy đoán từ việc ghi ngành nghề trong đăng ký doanh nghiệp nói trên không đạt được trên thực tế trong khi lại khiến cho môi trường kinh doanh kém thuận lợi.

Vì vậy, VCCI ủng hộ chủ trương bỏ việc ghi mã ngành nghề kinh doanh khi đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, VCCI không hoàn toàn ủng hộ phương án nào trong 03 phương án mà Ban soạn thảo đề xuất, cụ thể:

-          Đối với phương án 1 (bỏ hoàn toàn việc ghi ngành nghề kinh doanh): Việc hoàn toàn không ghi ngành nghề kinh doanh có thể khiến doanh nghiệp nhầm tưởng rằng mình được phép kinh doanh mọi lĩnh vực mà không cần điều kiện gì (điều này hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh các văn bản pháp luật về điều kiện kinh doanh các ngành nghề cụ thể có quá nhiều, không dễ tìm kiếm đối với doanh nghiệp). Tình huống này có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm trong thực tế (đặc biệt trong những lĩnh vực mà việc kinh doanh nếu không được kiểm soát có thể làm phương hại các lợi ích công cộng);

-          Đối với phương án 2 (chỉ ghi ngành nghề kinh doanh trong trường hợp kinh doanh có điều kiện): Nếu chọn phương án này thì đối với trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện, có thể dẫn tới cách hiểu là doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành nghề đã ghi (trong khi trên thực tế là doanh nghiệp được phép kinh doanh tất cả các ngành nghề không bị cấm/không có điều kiện kinh doanh ngành nghề đã ghi)

-          Đối với phương án 3 (người thành lập doanh nghiệp chủ động ghi ngành nghề kinh doanh, việc xếp ngành là việc của cơ quan Nhà nước): Phương án này thực tế chỉ giải quyết được duy nhất vướng mắc về “áp mã ngành nghề”, còn những bất cập khác trong thực tế (doanh nghiệp khai khống ngành nghề kinh doanh để dự phòng, hoặc doanh nghiệp phải khai lại ngành nghề khi chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác chưa đăng ký…)

Do đó, VCCI đề xuất phương án mới là kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2 của Ban soạn thảo, theo đó:

-          Về Mục Ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

+ Không ghi ngành nghề kinh doanh (cũng không để tự do lựa chọn ghi hoặc không ghi – bởi như vậy sẽ làm đối tác, người dân nhầm lẫn không cần thiết về ý nghĩa của việc có ghi và không ghi, hơn nữa nếu ghi mà sau này thay đổi thì cũng không còn ý nghĩa gì)

+ Cần ghi Tuyên bố in sẵn (với mục tiêu cảnh báo cả cho doanh nghiệp và bên thứ ba)

Doanh nghiệp có quyền kinh doanh trong tất cả các ngành nghề trừ các ngành nghề mà pháp luật cấm theo Phụ lục 1 kèm theo và được cập nhật trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được liệt kê trong Danh mục tại Phụ lục 2 kèm theo và được cập nhật trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp chỉ được tiến hành hoạt động kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh này không có ý nghĩa thay thế các điều kiện và/hoặc giấy phép kinh doanh cụ thể trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện


+ Có 02 Phụ lục kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Phụ lục 1 là Danh mục các ngành nghề cấm kinh doanh tại thời điểm doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh;

Phụ lục 2 là Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại thời điểm doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh, có kèm theo dẫn chiếu tới văn bản pháp luật quy định về các điều kiện đó. Phụ lục 2 có bao gồm cả các ngành nghề mà đối với nhà đầu tư nước ngoài là có điều kiện.

Các Danh mục này thể hiện tập trung nguyên tắc cơ bản trong Nhà nước pháp quyền: công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; và nếu Nhà nước không thể liệt kê, cập nhật được tất cả những ngành nghề kinh doanh có điều kiện/cấm kinh doanh thì doanh nghiệp không thể buộc phải tuân thủ các điều kiện không được liệt kê đó.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng để thực hiện triệt để điều này cần một nguyên tắc rõ ràng ngay trong Luật Doanh nghiệp (theo đó ngành nghề kinh doanh có điều kiện nào không được cập nhật trong Phụ lục 1-2 nói trên sẽ tự động không có hiệu lực đối với doanh nghiệp); và quan trọng hơn, trong quá trình thực thi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có kế hoạch và cơ chế để thực hiện triệt để việc tập hợp và cập nhật tất cả các ngành nghề kinh doanh có điều kiện/cấm kinh doanh vào 02 Danh mục này (đây là điều mà Nghị định 59/2006/NĐ-CP về danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện đã thất bại – tất nhiên, một phần lý do là ở tính pháp lý yếu của Nghị định trong quan hệ với các Luật, Pháp lệnh có chứa quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

-          Cần đồng thời sửa đổi các Luật, văn bản dưới Luật khác có quy định về thủ tục quản lý Nhà nước sau thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp (ví dụ sửa đổi các quy định chỉ xem xét cấp giấy phép con để doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nếu khi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có ghi ngành nghề này) để đảm bảo sự vận hành thông suốt, trơn tru của thủ tục này (ví dụ thông qua một Luật sửa đổi nhiều Luật – Omnibus Bill).

3.      Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

Đứng từ góc độ kinh tế thuần túy, việc duy trì đối xử khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là hầu như không có ý nghĩa (bởi vốn nào cũng là vốn, và quan trọng là vốn đó được sử dụng hiệu quả tới đâu chứ không quan trọng vốn đó là của ai).

Tuy nhiên, đứng từ góc độ quản lý Nhà nước, với các mục tiêu liên quan tới chủ quyền kinh tế cũng như lợi ích chính trị - xã hội, lợi ích công cộng gắn với hoạt động kinh tế, hầu như các nước đều duy trì những cơ chế nhất định, có tính hạn chế hoặc kiểm soát hơn đối với đầu tư nước ngoài. Vấn đề là lựa chọn cơ chế nào phù hợp với bối cảnh và phương thức quản lý kinh tế của mỗi quốc gia để vừa đảm bảo các mục tiêu nói trên, vừa khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để phục vụ phát triển kinh tế trong nước.

Ở nước ta, thời gian qua, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 đã duy trì sự khác biệt này cả từ 02 góc độ: thủ tục và quyền kinh doanh. Thực tế đã cho thấy các cách tiếp cận này còn nhiều bất cập:

-          Đối với các phân biệt đối xử về thủ tục:  Những phân biệt này phần lớn chỉ là tạo thêm thủ tục đối với nhà đầu tư nước ngoài về mặt giấy tờ, thời gian, chi phí, chứ không góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu đặt ra, vì vậy về cơ bản là không cần thiết và đôi khi cản trở nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó làm hạn chế hiệu quả của dòng vốn quan trọng này trong nền kinh tế.

-          Đối với các phân biệt đối xử về quyền kinh doanh (lĩnh vực, địa bàn, phạm vi hoạt động kinh doanh): Những phân biệt này hướng trực tiếp vào việc kiểm soát đầu tư nước ngoài phục vụ các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội, vì vậy là phương pháp quản lý khá phổ biến ở nhiều nước. Việt Nam cũng sử dụng phương pháp này nhưng hiệu quả quản lý thời gian qua còn nhiều hạn chế, mà chủ yếu xuất phát từ việc chưa xác định rõ ràng khái niệm nhà đầu tư nước ngoài (từ đó gây bất cập trong xác định khi nào một chủ thể là nhà đầu tư nước ngoài và phải áp dụng các hạn chế quyền kinh doanh tương ứng).

Liên quan tới khái niệm nhà đầu tư nước ngoài (và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), quá trình áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 đã cho thấy những bất cập nổi cộm:

-          Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài không rõ ràng trong Luật Đầu tư cũng như các văn bản hướng dẫn (chỗ thì nêu tỷ lệ 51%, lúc lại chỉ cần 1% cũng coi là nhà đầu tư nước ngoài…);

-          Cơ chế, thẩm quyền thực thi và kiểm soát các hạn chế quyền kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài không rõ ràng/chưa hợp lý (giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành);

-          Chưa giải quyết được các trường hợp sở hữu chéo, sở hữu có một phần vốn đầu tư nước ngoài nhưng không thể xác định tỷ lệ do là doanh nghiệp liên doanh thế hệ thứ 2,3…

Vì vậy, về vấn đề này, VCCI có quan điểm như sau:

-          Cần xóa bỏ toàn bộ các phân biệt đối xử về thủ tục giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi; chỉ duy trì các cơ chế đối xử khác biệt liên quan tới quyền kinh doanh (được quy định theo các căn cứ hợp lý, phù hợp với các cam kết quốc tế và thực hiện bởi cơ quan quản lý chuyên ngành trong từng lĩnh vực).

-          Xác định rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài theo hướng:

+ Về tỷ lệ:

Mọi chủ thể (tổ chức, cá nhân) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% là nhà đầu tư nước ngoài (theo khái niệm này thì nhà đầu tư nước ngoài bao trùm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – vì vậy không cần phải xác định khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Lựa chọn này được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc: Phiếu chiếm đa số quá bán là phiếu có quyền quyết định đối với phần lớn hoạt động của doanh nghiệp.

+ Về trường hợp chủ thể có vốn đầu tư nước ngoài thế hệ thứ 2 trở đi:

(các trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp liên doanh - có một phần vốn trong nước và một phần vốn nước ngoài - sử dụng vốn của mình vào để đầu tư cùng chủ thể khác hình thành một doanh nghiệp liên doanh thế hệ thứ 2 và cứ thế tiếp theo)

Về mặt pháp lý và kinh tế, khi doanh nghiệp liên doanh thế hệ 1 đem vốn của mình đi kinh doanh/đầu tư (bao gồm cả việc thành lập một doanh nghiệp con), sẽ không thể/không được phân định rạch ròi đồng vốn nào là phần nước ngoài, đồng vốn nào là phần nội địa trong đó (đơn giản khi đó vốn là vốn của doanh nghiệp thế hệ 1 mà thôi).

Vì vậy, trong các trường hợp này, chỉ có thể sử dụng phương pháp xác định suy đoán như sau:

·         Nếu một chủ thể đã được xác định là nhà đầu tư nước ngoài (có trên 50% vốn nước ngoài) thì toàn bộ các hành vi sau đó của chủ thể này (bao gồm cả việc đi đầu tư thành lập một doanh nghiệp con) sẽ được xem là hành vi của nhà đầu tư nước ngoài thuần túy (và phần vốn mà nhà đầu tư này sử dụng để đầu tư/kinh doanh, bao gồm cả đầu tư thành lập doanh nghiệp mới, được xem là “vốn đầu tư nước ngoài” toàn bộ).

·         Và ngược lại, nếu một chủ thể đã được xác định là nhà đầu tư trong nước (có trên 50% vốn trong nước) thì khi đi kinh doanh/đầu tư, mọi loại vốn mà chủ thể này bỏ ra đều được xem là vốn trong nước.

·         Cứ như vậy cho tất cả các trường hợp đầu tư/sở hữu chéo tiếp sau.

Cách thức định nghĩa suy đoán này cho phép xử lý hoàn toàn vấn đề hạn chế quyền kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài, theo đó mọi nhà đầu tư nước ngoài khi đi đầu tư đều là chủ thể thế hệ 1.

Cũng liên quan tới vấn đề này, để hạn chế tối đa nhầm lẫn, đề nghị bỏ khái niệm doanh nghiệp “quốc tịch Việt Nam” bởi nếu còn khái niệm này, sẽ lẫn với khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” và sẽ xảy ra các trường hợp một doanh nghiệp vừa có quốc tịch Việt Nam vừa được xem là “nhà đầu tư nước ngoài” (chỉ giữ lại khái niệm “quốc tịch nước ngoài” – bởi khái niệm này ít gây nhầm lẫn hơn, và là cần thiết trong trường hợp cam kết mở cửa thị trường trong một số ngành/lĩnh vực không áp dụng chung với mọi nhà đầu tư nước ngoài mà áp dụng riêng cho nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch một nước đối tác nhất định).

-          Chỉ quy định khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, không cần quy định về “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” (do đã được bao trùm trong khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài”).

4.      Doanh nghiệp Nhà nước

Dự thảo hiện đang có một Chương riêng (bổ sung mới) về các nguyên tắc trong quản trị doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Về mặt hình thức, cách thiết kế như thế này có thể là không thật logic do phá vỡ kết cấu chung của Luật hiện nay (phân Chương theo loại hình doanh nghiệp, không theo nguồn gốc vốn trong doanh nghiệp). Từ góc độ hệ thống pháp luật cách thiết kế này cũng có thể không thật phù hợp với bản chất của Luật Doanh nghiệp – là công cụ để Nhà nước thực hiện quyền quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung (trong khi các yếu tố về DNNN lại ít nhiều liên quan tới việc Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước đầu tư vốn).

Về thực tế, không thể phủ nhận rằng chúng ta cần các công cụ riêng, chặt chẽ hơn, minh bạch và nghiêm khắc hơn để quản lý tổ chức và vận hành của các DNNN so với doanh nghiệp dân doanh. Điều này xuất phát từ bản chất của DNNN – vốn trong DNNN thuộc sở hữu toàn dân/sở hữu Nhà nước (các hình thức sở hữu rất chung chung) chứ không phải của cá nhân ai.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng quản trị trong DNNN chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề liên quan tới DNNN. Trong khi đó, lâu nay các vấn đề về doanh nghiệp Nhà nước ở nước ta chưa được giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ và quyết liệt mà vẫn chủ yếu là các biện pháp xử lý tức thời, cho những sự việc xảy ra (ví dụ khi xảy ra vụ việc Vinashin mua ụ nổi cũ thì mới soạn thảo quy định liên quan tới việc sử dụng vốn Nhà nước khi mua trang thiết bị đã qua sử dụng...).

Do vậy, hoàn thiện tổng thể pháp luật về DNNN cần là trọng tâm then chốt trong thời gian tới đây (chứ không chỉ là bổ sung Chương DNNN trong Luật Doanh nghiệp).

Với tính chất là cơ quan quản lý Nhà nước về doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần là cơ quan chủ trì, làm đầu mối trong công việc này.

Việc hoàn thiện pháp luật về DNNN cần chú ý các nguyên tắc thống nhất sau:

-                 Xác định rõ nhiệm vụ và giới hạn hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước: Trong một nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ quản lý, điều tiết sự vận hành của nền kinh tế, Nhà nước không kinh doanh; vì vậy doanh nghiệp Nhà nước chỉ giới hạn hoạt động ở các lĩnh vực dịch vụ công ích hoặc các lĩnh vực kinh doanh mà tư nhân (xã hội) không đầu tư nhưng lại cần thiết cho việc đảm bảo lợi ích cộng đồng;

-                 Có quy tắc quản trị chặt chẽ và hiệu quả đối với doanh nghiệp Nhà nước: Sự khác biệt cơ bản giữa doanh nghiệp Nhà nước so với doanh nghiệp dân doanh là ở chỗ vốn trong doanh nghiệp Nhà nước không phải vốn của cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, không gắn liền với lợi ích vật chất của lãnh đạo doanh nghiệp và vì vậy ở doanh nghiệp Nhà nước thiếu đi một yếu tố cơ bản giúp quản lý hiệu quả tiền vốn. Do đó, quản trị trong doanh nghiệp Nhà nước cần có những thiết chế chặt chẽ hơn, cho phép giám sát đa chiều, giám sát chéo việc sử dụng vốn tốt hơn so với quản trị tại các doanh nghiệp dân doanh thông thường.

Tách bạch chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp và chức năng đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp; chú trọng xây dựng cơ chế đảm bảo chức năng đại diện chủ sở hữu được thực hiện tập trung, hiệu quả, có thể truy dấu được và được giám sát chặt chẽ.

Đảm bảo nguyên tắc minh bạch trong toàn bộ các vấn đề liên quan tới DNNN (từ thực hiện quyền chủ sở hữu tới quản trị, vận hành DNNN).

Và trong lâu dài, có lẽ tất cả các chính sách, định hướng, văn bản và ý tưởng liên quan tới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cần được tập trung pháp điển hóa (hiểu theo nghĩa là tổng hợp, rà soát, điều chỉnh, thể hiện tập trung – chứ không chỉ đơn thuần là tập hợp cơ học các văn bản/quy định hiện hành) trong một văn bản thống nhất (ví dụ có tên Luật về Doanh nghiệp Nhà nước).

Vì vậy, VCCI cho rằng:

-       Giải pháp lý tưởng nhất là xây dựng một Luật Doanh nghiệp Nhà nước thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh một loạt các Dự án Luật, Nghị định... liên quan tới vấn đề doanh nghiệp Nhà nước hiện đang được Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc sửa đổi/ban hành (Luật Đầu tư công; Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước trong doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp phần về DNNN; Nghị định về chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp nhà nước; Nghị định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu...). Một Luật DNNN thống nhất sẽ là cách thức không thể tốt hơn để quản lý một cách hệ thống, tập trung, thống nhất, minh bạch đối với DNNN, xử lý rốt ráo các bất cập hiện nay về quản lý DNNN do có quá nhiều các văn bản, ở nhiều cấp độ, với giá trị pháp lý khác nhau, và nội dung nhiều chỗ mâu thuẫn nhau.

Trong trường hợp này, Luật Doanh nghiệp sửa đổi không cần có một Chương riêng về DNNN mà tập trung vào Luật Doanh nghiệp Nhà nước thống nhất nói trên.

-       Trường hợp không thể thực hiện một Luật DNNN thống nhất như trên thì việc Luật Doanh nghiệp sửa đổi có một Chương riêng về quản trị đối với DNNN là cần thiết.

Nếu theo giải pháp này, cần chú ý một số yếu tố mang tính nguyên tắc sau trong thiết kế nội dung Chương về DNNN trong Luật Doanh nghiệp:

+ Quy tắc quản trị, tổ chức, vận hành riêng đối với DNNN phải theo hướng chặt chẽ hơn, minh bạch hơn so với quy tắc quản trị DN dân doanh;

+ Cần rà soát tất cả các văn bản hiện đang có hiệu lực hoặc đang soạn thảo liên quan tới quản trị, tổ chức, vận hành DNNN để chuyển hết các nội dung liên quan tới các chế định này vào Chương DNNN của Luật Doanh nghiệp này, bao gồm cả các quy định liên quan tới tài chính nội bộ của DNNN (Xem thống kê chưa đầy đủ của VCCI về các văn bản có một phần hoặc toàn bộ nội dung về quản trị, tổ chức, vận hành DNNN gửi kèm theo Công văn này).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của VCCI đối với một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo 2 Luật Doanh nghiệp sửa đổi, xin gửi để Quý Cơ quan cân nhắc, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan